- Liên Thư Hoa
Gần đây, Vatican và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiếp tục gia hạn “Thỏa thuận Vatican – Trung Quốc”. Về vấn đề này, cựu Giám mục Công giáo của Giáo phận Hồng Kông là Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-kiun) đã trả lời phỏng vấn của Epoch Times Hồng Kông cho biết, nội dung của thỏa thuận này là bí mật, không cho công khai, trở thành công cụ trong tay chính quyền ĐCSTQ, nhà cầm quyền Bắc Kinh vận dụng điều này để gây nhiều điều tồi tệ. Trong hai năm qua, ĐCSTQ đã triệt để đàn áp tôn giáo, không chỉ Công giáo “chính thức” cũng như “không chính thức” phải chịu trấn áp mà cả Phật giáo và Hồi giáo đều bị. Không hiểu tại sao Vatican lại phải cúi đầu như thế?
Mặc dù ông Trần Nhật Quân thường xuyên chỉ trích Vatican thân ĐCSTQ, nhưng ông và các tín hữu của ông vẫn tôn kính Giáo hoàng Phanxicô (Pope Francis), ông cho rằng Ngoại trưởng Tòa thánh, Hồng y Peitro Parolin đã kiểm soát Giáo hoàng: “Trong Tòa thánh có nhóm người cầm quyền đã thúc đẩy chính sách thỏa hiệp này”.
Ký thỏa thuận bí mật, Vatican hoàn toàn đầu hàng
Cuối tháng 9/2018, ĐCSTQ và Vatican đã bí mật ký một thỏa thuận tạm thời kéo dài hai năm về việc bổ nhiệm Giám mục, tuy nhiên hai bên không công khai chi tiết thỏa thuận như thế nào. Khi bắt đầu ký kết, ông Trần Nhật Quân đã lo lắng Bắc Kinh lợi dụng Vatican để loại bỏ các hoạt động “giáo hội không chính thức” tại Trung Quốc. Ông cũng đã nhiều lần phản đối công khai rằng ông không thể biết nội dung của thỏa thuận. “Họ (Vatican) không cho tôi xem. Có gì mà sợ người khác biết. Không có lý do gì để không cho tôi xem”, ông nói.
Theo “Thỏa thuận tạm thời Vatican – Trung Quốc”, mặc dù Giáo hoàng nắm quyền cuối cùng trong việc bổ nhiệm Giám mục, nhưng việc đề cử và lựa chọn ban đầu lại do ĐCSTQ kiểm soát. Thỏa thuận trong hai năm mà hai bên ký kết từ hai năm trước gần đây lại được gia hạn thêm hai năm. Hoạt động giáo hội “không chính thức” ở Trung Quốc một lòng hướng theo lãnh đạo của Giáo hoàng nên tự tuyên bố là “Giáo hội trung thành”, các Giám mục do Giáo hoàng bổ nhiệm. Còn “Giáo hội Yêu nước” do ĐCSTQ thành lập năm 1950, được cho là giáo hội “chính thức” thì Giám mục do ĐCSTQ bổ nhiệm và hoàn toàn chịu chỉ đạo của ĐCSTQ.
“Thỏa thuận là về bổ nhiệm Giám mục, nhưng trong hai năm qua không có bổ nhiệm Giám mục nào. Vì vậy hoàn toàn là giả dối, lợi dụng cái gọi là thỏa thuận bí mật để làm bất cứ điều gì họ (ĐCSTQ) muốn làm”, ông Trần Nhật Quân nói. “Tòa thánh đã giúp họ, có nghĩa là đã hoàn toàn đầu hàng”.
Ông Trần Nhật Quân cho rằng vấn đề đáng sợ nhất của thỏa thuận là ĐCSTQ đã sử dụng “tinh thần của thỏa thuận” để bổ nhiệm 7 Giám mục đã bị Tòa Thánh tuyệt giao, họ đã được tấn phong Giám mục mà không cần sự bổ nhiệm của Giáo hoàng. Ngoài ra, cuối tháng Sáu năm ngoái, ĐCSTQ cũng công bố “Tài liệu hướng dẫn nhân viên Thần chức Trung Quốc”. Khi đó, ông Trần Nhật Quân cũng đã tới Rome để gặp Giáo hoàng vì lo lắng điều này sẽ hủy hoại giáo hội Công giáo chân chính ở Trung Quốc. “Đây là điều vô cùng tàn ác, đòi hỏi cả giáo hội ‘không chính thức’ ký tên và gia nhập giáo hội độc lập (giáo hội yêu nước), chúng ta nên gọi nó là giáo hội ly khai”, ông cho biết.
Ông Trần Nhật Quân chỉ ra rằng Giám mục được ĐCSTQ bổ nhiệm hoàn toàn là để giúp đỡ nhà cầm quyền toàn trị, ĐCSTQ nắm toàn quyền kiểm soát, biến họ thành công cụ của chính quyền. Giáo hội “không chính thức” đang ở trong tình trạng rất khó khăn, vị Giám mục cũ đã qua đời nhưng không có bổ nhiệm Giám mục mới nào. Không chỉ vậy, Tòa Thánh cho biết, thừa nhận Giám mục của “giáo hội chính thức” do ĐCSTQ bổ nhiệm.
Nhưng liệu các Giám mục của “giáo hội chính thức” [do ĐCSTQ bổ nhiệm] đã được Tòa thánh phê chuẩn hợp pháp có vì điều này mà thay đổi không? “Họ hoàn toàn không phải là Giám mục Công giáo mà là quan chức chính phủ. Tòa thánh nghĩ rằng nếu bây giờ ban phước cho họ thì họ sẽ trở nên tốt hơn? Không đúng”. Ông Trần Nhật Quân nói các Giám mục của “giáo hội chính thức” sẽ vì đó tự mãn. “Họ nói bây giờ chúng tôi đã thành công, bạn thấy đấy, mọi Giám mục của ‘giáo hội chính thức’ đều hợp pháp. Nhưng liệu họ có thực sự làm việc cho giáo hội không? Không bao giờ, còn tệ hơn trước.”
“Cho nên vấn đề không phải cái thỏa thuận, đó là lợi dụng chúng làm nhiều chuyện tệ hại, đó mới đáng sợ”. Ông Trần Nhật Quân nói, “đặc biệt là trong hai năm qua, ĐCSTQ đã nghiêm cấm những người dưới 18 tuổi vào nhà thờ, không cho tham gia bất kỳ hoạt động tôn giáo nào. Trong chuyện này, bên phải chịu áp lực không chỉ giáo hội “không chính thức” mà cả “chính thức” cũng vậy. Đó hoàn toàn là đàn áp tôn giáo trên diện rộng, cả Phật giáo và Hồi giáo đều phải chịu đựng như vậy, vì vậy tôi không hiểu tại sao Vatican lại cúi đầu như thế”.
Giáo hoàng không hiểu bản chất ĐCSTQ và bị Ngoại trưởng Tòa thánh thao túng
Ông Trần Nhật Quân cho biết, người phụ trách chính công việc của Tòa thánh không phải là Giáo hoàng, mà là Hồng y Quốc vụ khanh Parolin (Pietro Parolin), ông ta và một nhóm người có quyền lực trong Tòa thánh từ lâu đã theo đuổi chính sách thỏa hiệp với ĐCSTQ, triều đại của Giáo hoàng Pope Benedict (Giáo hoàng Biển Đức XVI) không đồng ý, nhưng hồi đó họ không nghe Giáo hoàng Benedict, còn Giáo hoàng bây giờ nghe họ.
Ông nói thẳng rằng ông không biết mục đích của những người này, nhưng theo quan sát của ông thì “Hồng y Parolin hoàn toàn không phải vì đức tin, chỉ giả danh, không biết liệu có các giao dịch nào khác với ĐCSTQ hay không. Tôi không biết về điều này nên không dám nói.”
Giáo hoàng Francis, người sinh ra ở Argentina, chưa bao giờ trải nghiệm tình trạng xấu xa của ĐCSTQ. Tuy nhiên, Hồng y Parolin giữ vai trò trưởng ngoại giao thì thường xuyên đàm phán với ĐCSTQ, “Ông ta biết họ là tà ác, vậy làm sao có thể tin tưởng? Ông ta có mục đích riêng của mình trong đó.”
Nhận thấy có quyền lực đen tối bên trong Tòa thánh khiến ông Trần Nhật Quân cũng như nhiều người Công giáo rất thất vọng về Vatican, đã chỉ trích Vatican, nhưng vẫn tôn kính Giáo hoàng. Và sau nhiều kinh nghiệm thì ông cho biết, “Tôi có thể thấy rằng Ngoại trưởng đang kiểm soát Giáo hoàng”.
Năm ngoái ông đã đến Roma và trước mặt Giáo hoàng đã yêu cầu Hồng y Parolin cho biết về “Tài liệu hướng dẫn nhân viên Thần chức Trung Quốc”: “Ông ta cũng rất khôn khéo, đã mời Giáo hoàng và tôi cùng dùng bữa, nhưng lại không chấp nhận nói chuyện với tôi”. Khi ông Trần Nhật Quân và Giáo hoàng dùng bữa thì ông Trần Nhật Quân đã nêu vấn đề, điều này khiến Đức Giáo hoàng tỏ ra khó xử.
“Ông ta (Parolin) nói: ‘Tôi sẽ lo việc đó.’ Parolin không để tôi nói chuyện, không chấp nhận nói chuyện với tôi trước mặt Giáo hoàng. Thấy Giáo hoàng lắng nghe tôi thì ông ấy đã nói chen vào ‘Tôi sẽ lo liệu việc đó’”.
Lo ngại chuyện Thái Huệ Dân làm Giám mục Hồng Kông
Vào tháng Chín năm nay, ông Trần Nhật Quân lại đến Rome để gặp Giáo hoàng vì vấn đề người kế vị Giám mục Hồng Kông. Ở tuổi 88, sau chuyến bay hàng ngàn dặm, ông lại phải lủi thủi đi một mình trước cửa Quảng trường Vatican ở Novosibirsk, hình ảnh cô đơn của ông khiến nhiều người không khỏi cảm thấy chua xót mà ngưỡng mộ. Nhưng ông thất vọng trở về Hồng Kông sau 4 ngày chờ đợi không có phản hồi.
“Tôi đã nói rất nhiều lần cuối cùng (với Vatican). Đây lại là lần cuối cùng.” Ông Trần Nhật Quân cho biết trước khi đi, ông đã chuẩn bị tâm lý về việc không gặp được Giáo hoàng, “Thực tế, đó không phải là quyết định của Ngài, tất cả đều do Ngoại trưởng thao túng, chính Hồng y Parolin không cho Ngài gặp tôi.”
Chuyến đi của ông Trần Nhật Quân là để khuyên Giáo hoàng không bổ nhiệm Thái Huệ Dân (Cai Huimin, Choy Wai-man), người thân ĐCSTQ làm Giám mục Hồng Kông. “Hiện tại tôi vẫn luôn lo lắng, bởi vì rõ ràng lúc đầu là giao cho Hạ Chí Thành (Ha Chi-shing)”. Vì Hạ Chí Thành ủng hộ chống Dự luật Dẫn độ khiến Tòa thánh lo ngại. “Bây giờ họ (giáo phận) nói rằng họ cần một người được Bắc Kinh ban phước, vậy là tìm đến Thái Huệ Dân.”
Ông lo lắng rằng Thái Huệ Dân vốn thân ĐCSTQ nên sẽ ngày càng tuân theo ĐCSTQ sau khi Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông được áp dụng: “Tôi lo lắng ông ấy sẽ càng nghe lời. Khi Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carri Lam) lên nắm quyền, người ta khó đoán được bà ta sẽ như thế này. Một khi bạn đầu hàng chúng (ĐCSTQ), bạn sẽ bị chúng kiểm soát, vì vậy trong tình hình hiện tại nếu Thái Huệ Dân làm thì chúng tôi rất lo lắng ”.
Ông tin rằng Hồng Kông đã mất tất cả sau khi Luật An ninh Quốc gia được ĐCSTQ áp dụng tại Hồng Kông: “Không còn gì cả. Tôi thường nói rằng tự do tôn giáo và tự do của mọi người là không thể tách rời. Nếu mọi người không có tự do, tôn giáo của chúng tôi cũng không có tự do. Vì vậy sau khi Luật An ninh Quốc gia áp dụng tại Hồng Kông thì không ai ở Hồng Kông còn có tự do, tất nhiên tôn giáo cũng không ngoại lệ.”
“Hồng Kông lập tức thay đổi, tất cả đều thay đổi”, Trần Nhật Quân nói, “Bây giờ mọi phát ngôn mà chúng (ĐCSTQ) cho là trái quan điểm là có thể bắt người phát ngôn vào tù, có thể bắt về Đại Lục, thật là khủng khiếp. Những người trẻ rất dũng cảm đều tan đàn xẻ nghé, vì bây giờ không còn ai bảo vệ, luật sư cũng không còn tác dụng, người nhà cũng không thể đến thăm được. Thật là khủng khiếp.”
Vì vậy, bất cứ khi ai hỏi ý kiến ông thì ông luôn khuyên mọi người nên rời khỏi Hồng Kông: “Bạn hãy đi, đặc biệt nếu bạn có con, hãy nhanh chóng đưa chúng đi, bây giờ các trường học đang bắt đầu tẩy não.” Ngay cả người làm việc giáo hội ông cũng khuyên như vậy: “Về nguyên tắc, giáo sĩ không nên rời đi, có thể chăm sóc các thành viên trong nhà thờ, đúng không? Nhưng nếu thực sự sợ hãi, ở lại đây có ích lợi gì?”
Chính trị là việc của tất cả mọi người, mọi người cần quan tâm
Ông Trần Nhật Quân đã nhiều lần lên tiếng vì dân chủ Hồng Kông: năm 2003 ông phản đối lập pháp Điều 23, năm 2014 ủng hộ Phong trào Ô dù, năm 2019 chống Dự luật Dẫn độ, đến nay là Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông. Ông nói rằng cái gọi là “sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước” có nghĩa là nhân viên nhà thờ không nên dây vào quyền lực chính trị, nhưng bản thân chính trị là vấn đề của xã hội và của tất cả mọi người: “Chúng ta là công dân, tất cả chúng ta cần tham gia. Bây giờ các tài liệu trong nhà thờ ghi rất rõ ràng là mọi người nên quan tâm đến chính trị.”
“Xã hội bây giờ là yếu tố chúng ta không thể thoát khỏi, chúng ta không được im lặng. Chúng tôi muốn lãnh đạo tín đồ để họ hiểu rõ và sáng suốt. Như chúng ta thường nói cái này đúng cái kia sai.”
Ông cho biết bất cứ ai hỏi ông về Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông thì ông cũng sẽ thẳng thắn cho biết không đúng đắn: “Chúng (ĐCSTQ) cam kết quyền tự trị cao độ cho Hồng Kông, bây giờ chúng không dám nói là thu hồi, nhưng thực tế là đã thu hồi, điều đó tất nhiên là không đúng.”
Lý do thu hồi rất kỳ lạ: “Cho rằng có xu thế muốn Hồng Kông độc lập, nực cười không? Bao nhiêu người đòi như vậy? Có rất ít người, không gây ra nguy cơ nào cả. Thật buồn cười, có ai ở Hồng Kông sẽ làm nguy hại quốc gia chúng ta? Có làm gì sai trái? Chúng tôi không có súng. Nếu quân của ĐCSTQ đến, tất cả chúng tôi sẽ chết. Nếu nước từ Quảng Đông không được chuyển đến Hồng Kông thì chúng tôi cũng sẽ không có nước để uống, phải không. Người Hồng Kông làm sao có thể tạo phản? Đúng là quy kết nực cười.”
Kiên nhẫn ở lại dưới đàn áp bạo lực
Ông cho biết sau khi Luật An ninh Quốc gia áp dụng tại Hồng Kông đã thay đổi toàn bộ, chỉ trong thoáng chốc mà Hồng Kông đã như là một thành phố ở Đại Lục. Khủng bố trắng lan tràn, mọi người đều gặp nguy hiểm, không còn thấy mấy người ra đường phố kháng nghị. Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố không chút xấu hổ rằng sau khi Hồng Kông thực thi Luật An ninh Quốc gia thì đường phố Hồng Kông đã giảm thiểu “bạo loạn”. Nhận xét bi hài này làm ông Trần Nhật Quân không thể nhịn được cười, “Hahaha, bắt mọi người vào tù thì không còn phản kháng nào, phải không? Thần kinh.”
“Chúng tôi rất yêu hòa bình, một triệu hay hai triệu người ra ngoài kháng nghị cũng hoàn toàn hòa bình, những vụ bạo lực đó không phải do chúng tôi gây ra, đó là do cảnh sát khởi đầu… Cảnh sát Hồng Kông trấn áp dã man, tiếng Anh gọi là brutality, giống như loài thú”.
“Những người có thể đi, và những người không thể đi ở đây để giữ lại những gì chúng tôi không sợ, những gì Chúa nhìn vào, phải không”, ông Trần Nhật Quân nói.
Video phỏng vấn ông Trần Nhật Quân tại đây.
Theo Liên Thư Hoa / Epoch Times