Theo thống kê thiên tai xảy ra trong tháng Mười tại một số địa phương làm 153 người chết và mất tích, 222 người bị thương; 111,9 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và hư hỏng; 3 nghìn con gia súc và 600,5 nghìn con gia cầm bị chết; 45 nghìn ha lúa và 22,3 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng. Riêng mưa lũ tại các tỉnh miền Trung làm 129 người chết và mất tích.
Liên quan đến những thiệt hại trên, nhiều chuyên gia cho rằng ngoài thiên tai như mưa nhiều, thì còn có nhân tai do thủy điện xả lũ điều tiết không hợp lý, và nạn phá rừng đã làm thêm trầm trọng dẫn đến con số đau lòng trên.
‘Nhờ các hồ đập điều tiết lũ, không thì ngập trắng toàn hạ du’
Trước sự việc trên, ngày 2/11, bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho hay cả nước có 429 công trình thủy điện, chiếm 86% dung tích hồ chứa nước. Có 376/401 đập chủ đập thực hiện theo đúng quy định về quy trình vận hành hồ chứa, và thực hiện quy trình xả lũ.
“Một số thông tin hồ đập thủy điện ở miền Trung và một số địa phương xả lũ gây ngập lụt, đấy là cách viết thông tin trên truyền thông. Thực tế, qua số liệu quan trắc và khí tượng thủy văn, như hồ thủy điện Đắc Mi 4 có thời điểm nước về hồ lên tới 17.000m3/giây, nhờ khả năng điều tiết, chứa nước đã cắt lũ đến tới 55%, không thì ngập lụt trắng toàn vùng hạ lưu”, ông Tuấn Anh dẫn chứng.
Cũng tại thảo luận tổ, bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Trần Hồng Hà cho rằng nguyên nhân sạt lở được kích hoạt chính là do mưa bão kỷ lục cường độ cao, kéo dài liên tục. Đất đá bị bão hòa, sũng nước, vừa làm tăng các lực gây trượt, vừa làm giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình trượt lở.
“Theo nghiên cứu, chỉ cần mưa với cường độ khoảng 100mm/ngày hoặc nhỏ hơn nhưng kéo dài liên tục hàng chục ngày là đã đủ để khiến cho đất đá bị bão hòa nước. Trong khi đó khu vực miền Trung vừa qua mưa vừa lớn lại vừa kéo dài”, ông Hà cho hay.
Hai ý kiến trên của hai bộ trưởng trên đã đồng quan điểm với chuyên gia Nguyễn Tài Sơn và PGS Vũ Thanh Ca, đều đánh giá thủy điện nhỏ không gây ra lũ mà còn góp phần cắt lũ. Ông Sơn nói thủy điện góp phần phục hồi độ che phủ rừng đến 41,9%.
Tuy nhiên trái với các quan điểm trên, TS Nguyễn Ngọc Chu cho rằng, thủy điện nhỏ không có khả năng điều tiết mà còn góp phần tăng thêm mức độ nghiêm trọng của lũ. “Lưu lượng xả có thể không tăng so với dòng chảy tự nhiên, nhưng tốc độ chảy sẽ nhanh hơn khiến sức tàn phá của nước lũ lớn hơn”, TS Chu nói.
Ngoài ra, TS Chu nhận định việc xây dựng nhiều thủy điện nhỏ tiềm ẩn nguy cơ về khai thác rừng tự nhiên. “Rừng tự nhiên sẽ có khả năng tiêu lũ khác so với rừng trồng. Diện tích rừng trồng có thể tăng lên nhưng chưa chắc đã giữ được nhiều nước bằng rừng tự nhiên”, ông nói.
‘Xả lũ khiến nhà dân tan hoang, thủy điện Đắk Mi 4 phải chịu trách nhiệm’
Trên báo Thanh Niên, anh Bhờnướch Ninh kể, chiều 28/10, bão số 9 đổ bộ và chưa kịp tan thì lũ từ thượng nguồn đổ về. Chỉ khoảng 30 phút, lũ đã tràn vô nhà hơn 2 m. Người dân không ai kịp mang theo thứ gì, tất cả ùa chạy lên đồi cao.
Vợ chồng anh ALăng Ơn đang phụ nấu ăn cho học sinh tại trường trung cấp nghề cách nhà vài cây số. Sau bão, họ vội chạy về và chết lặng khi thấy ngôi nhà chỉ còn trơ lại khung gỗ xiêu vẹo, trống hoác. Vợ chồng nhìn nhau bật khóc…
Cách xã Cà Dy khoảng 10km, cùng thời điểm đó, TT. Thành Mỹ cũng ngập trong lũ. Ông Bling Phấn (làng Pờ Dấu 1, TT. Thành Mỹ) nhớ lại: “Chỉ sau vài giờ chạy né bão, lại vật lộn với lũ, tài sản trong nhà chẳng còn gì. Hàng trăm hộ dân mất hết tài sản, nhà cửa vì thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ mà không hề thông báo”.
Không thiệt hại do bão số 9 nhưng lại bị thiệt hại rất nặng do thủy điện xả lũ
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Hường, Bí thư Huyện ủy Nam Giang, cũng khẳng định thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ là nguyên nhân chính khiến nhà cửa của 106 hộ ở TT. Thạnh Mỹ và 215 hộ ở xã Cà Dy bị ngập lụt, tài sản và nhiều gia súc, gia cầm bị trôi.
Theo ông Hường, tài sản người dân không thiệt hại do bão số 9 nhưng lại bị thiệt hại rất nặng do thủy điện xả lũ. Khi bão vừa tan, đoàn công tác của huyện đang đi kiểm tra tình hình thiệt hại thì lại nhận tin báo nhiều nơi bị chia cắt vì lũ. “Chúng tôi phải sơ tán khẩn cấp hàng trăm hộ dân ngay trong đêm để tránh lũ”, ông Hường nói.
Thống kê của huyện Nam Giang cho thấy gần như toàn bộ nhà dân nằm dọc sông dưới hạ nguồn thủy điện Đắk Mi 4 đã ngập chìm trong biển nước.
Phó chủ tịch phụ trách UBND huyện Nam Giang A Viết Sơn cho biết, việc người dân chịu thiệt hại nặng nề như vậy là do thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ với lưu lượng quá lớn.
“Tôi trực đường dây nóng của huyện mà chiều đó dân gọi kêu cứu liên tục, nước lên rất nhanh. Quá bàng hoàng nên tôi gọi cho bí thư Tỉnh ủy và chủ tịch tỉnh yêu cầu can thiệp” – ông Sơn nói.
‘Yêu cầu giảm xả lũ nếu không dân sẽ chết’, Phía thủy điện Đắk Mi 4 nói ‘việc xả lũ điều bất khả kháng‘
Ông Nguyễn Văn Chương – trưởng Phòng Nông nghiệp Nam Giang, cũng nói rằng lúc thấy lũ tràn vào thị trấn và lút nhà dân, ông quá hoảng nên bốc máy gọi liên tục cho lãnh đạo thủy điện Đắk Mi 4 yêu cầu giảm xả lũ ngay, nếu không dân sẽ chết.
Ông cũng cho biết huyện sẽ đề nghị tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủy điện Đắk Mi 4 phải chịu trách nhiệm, không loại trừ việc sẽ hỗ trợ dân khởi kiện.
“Phải khẳng định là đền bù chứ không nói là hỗ trợ, bởi tôi khẳng định thiệt hại lần này là lỗi chính từ thủy điện. Chúng tôi sẽ cho Công an huyện, Viện kiểm sát, các phòng ban xuống lập hồ sơ kiểm kê từng hộ để tập hợp hồ sơ pháp lý cụ thể, rõ ràng và khách quan”, ông nhấn mạnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Hữu Tấn, giám đốc Công ty CP thủy điện Đắk Mi – đơn vị quản lý thủy điện Đắk Mi 4 cho biết, việc xả lũ điều bất khả kháng bởi nước về hồ quá lớn.