Công ty top 500 của Mỹ rời Thâm Quyến, ngàn công nhân thất nghiệp

  • Thiên Bình

Trong chuyến công du phía Nam, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại Thâm Quyến, tuyên bố sẽ mở rộng việc mở cửa. Tuy nhiên, ngay sau khi ông Tập rời đi, vào ngày 26/10, công ty TNHH Stanley Black & Decker, thương hiệu dụng cụ công nghiệp hàng đầu thế giới, bất ngờ tuyên bố đóng cửa nhà máy ở Thâm Quyến, dẫn đến gần 1.000 nhân viên thất nghiệp. Đối với sự việc này, các quan chức nói rằng, những công nhân bị sa thải được bồi thường cao tới 640.000 Nhân dân tệ (khoảng 2,2 tỷ VNĐ), và họ trở thành đối tượng tuyển dụng của các công ty khác. Các chuyên gia đặt câu hỏi về tính xác thực của vấn đề trên, cho rằng thông báo này của chính phủ là để trấn an lòng người.

Công ty TNHH Sản xuất Stanley Black & Decker ở Bảo An Thạch Nham, Thâm Quyến (Ảnh: Hình ảnh Internet)

Công ty nước ngoài rời khỏi Thâm Quyến, công nhân thất nghiệp lại thành rất có giá?

Công ty Stanley Black & Decker đặt tại Thạch Nham, Bảo An, Thâm Quyến. Vào tháng Tám năm nay, công ty đã được quận Bảo An tuyên dương là “Doanh nghiệp tiêu chuẩn trong sản xuất tiên tiến”. Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Đại Lục, công ty cũng cho biết: “Chúng tôi sử dụng các công nghệ tiên tiến như robot công nghiệp hợp tác…, giảm đáng kể nhân lực cần thiết cho dây chuyền sản xuất.”  Tuy nhiên, chưa đầy một tháng sau khi ông Tập Cận Bình mô tả Thâm Quyến như một “động cơ trọng yếu”  trong khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông-Hồng Kông-Macao, công ty Stanley Black & Decker đã tuyên bố ngừng hoàn toàn các hoạt động sản xuất kinh doanh và sa thải hàng ngàn công nhân.

Sau đó, các kênh truyền thông Đại Lục đưa tin, những người bị sa thải không những nhận được khoản tiền bồi thường thôi việc hậu hĩnh mà còn được thuê bởi các nhà máy gần đó.

Báo viết, một nhân viên của công ty Stanley Black & Decker Thâm Quyến đến từ Hồ Nam tên Đường Hồng cho biết, anh đã gắn bó với công ty trong 17 năm, và chia tay công việc vào ngày 30/10. Anh nói rằng một quản lý đã làm việc hơn 20 năm nhận được khoản bồi thường 640.000 Nhân dân tệ (khoảng 2,2 tỷ VNĐ) từ Stanley Black & Decker. Một nhân viên khác tên Vương Tử Cường, đã làm việc tại công ty được 6 năm, cũng cho biết điều kiện thôi việc của công ty rất tốt. “Hầu như tất cả các hợp đồng đã được hoàn thành vào sáng ngày 26. Toàn bộ quá trình diễn ra suôn sẻ. Mức bồi thường cao đến mức không ai không muốn ký”. Anh nhận được khoản bồi thường khoảng 50.000 Nhân dân tệ (khoảng 172 triệu VNĐ) và tiền nghỉ phép tích lũy hàng năm.

Cả hai đều cho biết Stanley Black & Decker sẽ chuyển nhà máy sang Tô Châu và Việt Nam. “Dây chuyền sản xuất dụng cụ chạy điện đã được chuyển đến Việt Nam. Chi nhánh tại Việt Nam đã được thành lập vào năm ngoái. Do dịch bệnh chậm trễ, dây chuyền sản xuất máy hút bụi đã được chuyển đến Tô Châu. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều không muốn theo nhà máy đến Tô Châu.”

Theo “Thời báo Chứng khoán” Trung Quốc đưa tin, thời hạn cho thuê của công ty Stanley Black & Decker ở Tiệp Hòa, quận Bảo An, Thâm Quyến sẽ hết hạn vào năm tới. Do mức tăng giá thuê quá lớn và không thể chịu nổi, công ty đã quyết định rời đi. Anh Vương Tử Cường cũng đồng ý rằng một trong những lý do khiến Stanley Black & Decker rút khỏi Thâm Quyến là giá thuê tăng. “Năm ngoái, giá thuê của họ đã tăng 10% và năm nay họ đã tăng lên 25%.”

Đối với những công nhân bị sa thải, các kênh truyền thông Đại Lục đưa tin rằng hầu hết công nhân đã tìm được việc làm, rất nhiều người đã gia nhập các nhà máy khác ngay trong ngày. Một nhân viên nhà máy điện tử gần đó cũng cho biết, họ đã thuê 200 nhân viên từ công ty Stanley Black & Decker.

Đợi ông Tập đi khỏi rồi mới đóng cửa nhà máy?

Tuy nhiên, các báo cáo chính thức của ĐCSTQ đã gây ra lo ngại và nghi ngờ.

Tờ “Apple Daily” Hồng Kông đưa tin, phó giáo sư kinh tế Từ Gia Kiện (Xu Jiajian) tại Đại học Clinson, Hoa Kỳ, nói rằng Stanley Black & Decker bất ngờ tuyên bố đóng cửa nhà máy ở Thâm Quyến vào ngày 26/10, điều này có thể là cố ý chờ sau khi ông Tập Cận Bình rời đi mới công bố. Phó Giáo sư Từ bày tỏ nghi vấn về tin tức những nhân viên bị sa thải đã trở thành mục tiêu tuyển dụng của các công ty khác.

Ông phân tích, nếu kinh doanh xuất khẩu là lý tưởng, sẽ không có công ty nào sẵn sàng đóng cửa. Các công ty khác có khả năng thu nạp một số lượng lớn những người bị sa thả, đó nhất định phải là công ty chuyên kinh doanh nội địa. Đây là đảm bảo theo chủ trương của chính phủ nhấn mạnh lấy “tuần hoàn nội tại”  làm chủ.

Về thông tin trên các kênh truyền thông Đại Lục, những người bị sa thải có thể nhận được khoản bồi thường hậu hĩnh, ông tin rằng những tin tức liên quan chủ yếu được sử dụng để trấn an lòng người và cho các nhân viên khác biết rằng ngay cả khi công ty đóng cửa, họ vẫn sẽ nhận được khoản bồi thường tốt.

Chi phí gia tăng đã dẫn đến việc rút vốn nước ngoài

Nhà bình luận thời sự Lưu Duệ Thiệu (Liu Ruishao) tin rằng chiến tranh thương mại Trung-Mỹ và dịch viêm phổi Vũ Hán không phải là lý do khiến các công ty rời khỏi Trung Quốc, mà lý do chính là chi phí sản xuất ở Trung Quốc đã tăng đáng kể trong 10 năm qua. Ví dụ, lao động tăng và các hạn chế của luật lao động mới đã khiến các công ty nước ngoài phải di chuyển. Đồng thời, dưới bối cảnh chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, các nước Đông Nam Á tích cực thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng trở thành lý do khiến các công ty chuyển nhà máy đến các nước này.

Phó tổng thư ký Hiệp hội Kinh tế và Tài chính Trung Quốc Đài Loan Tăng Chí Siêu (Zeng Zhichao) cho biết, sản phẩm của Stanley Black & Decker chủ yếu được xuất khẩu, ngoài ra, Trung Quốc đã không thành công trong việc trấn áp các hành vi xâm phạm, lại đối mặt với tình thế khó khăn nên lựa chọn bước đi này là điều dễ hiểu.

Giám đốc Viện Nghiên cứu Đại lục thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc tại Đài Loan, ông Lưu Mạnh Tuấn (Liu Mengjun) cũng tin rằng quyết định của Stanley Black & Decker có thể liên quan đến việc chính quyền Thâm Quyến chú trọng phát triển công nghệ cao trong những năm gần đây. “Thâm Quyến thiên về đổi mới và khuyến khích các ngành đổi mới … Các ngành công nghiệp phần cứng truyền thống có thể không được các chính sách hoan nghênh.”

Thông tin công khai cho thấy Black & Decker Precision được thành lập vào năm 2012 với vốn đăng ký 10 triệu USD, là một công ty 100% Mỹ do Tập đoàn Stanley Black & Decker, nhà sản xuất sản phẩm công cụ hàng đầu thế giới, thành lập tại Trung Quốc. Công ty chủ yếu sản xuất và vận hành các công cụ chạy điện, máy hút bụi, phụ kiện… Năm 2019, Tập đoàn Stanley Black & Decker xếp thứ 228 trong số 500 công ty hàng đầu tại Hoa Kỳ.

Thiên Bình

Related posts