Phạm Hiếu
Ai sẽ thắng trong cuộc bầu cử ngày 3.11.2020?
Tổng cọng nước Mỹ có 538 phiếu đại cử tri (elector) năm 2016 ông Donald Trump đạt ít phiếu phổ thông hơn bà Hilary Clinton (46.1% – 48.2% nhưng thắng khi đạt nhiều phiếu đại cử tri hơn (306 – 232) nhờ dẫn đầu tại các tiểu bang ngang ngửa.
Năm nay ứng cử viên Joe Biden đang dẫn đầu đối thủ Donald Trump trên mọi cuộc thăm dò toàn quốc nhưng ông Trump còn hồi hộp hơn vì theo sau ông Biden tại 8 tiểu bang ngang ngửa.
Để hiểu tình hình, chúng ta cần lượt lại vài con số thống kê.
Số đại cử tri tại mỗi tiểu bang
Danh sách số đại cử tri mỗi tiểu bang theo thứ tự Alphabet (xem hình 1 và 2).
Hạt Columbia (thủ đô) có ba đại cử tri.
Nhìn trên vào danh sách trên chúng ta thấy tiểu bang California có 55 đại cử tri và là tiểu bang nhiều phiếu nhất, tiểu bang này ủng hộ Dân Chủ, tuy nhiên cộng đồng Việt Nam tại đây thì đa số ủng hộ Trump.
Tiểu bang Texas có 38 phiếu, đứng hạng hai. Texas vốn phò Cộng Hòa nhưng phong trào “No Trump” trong nội bộ Cộng Hòa đang rộ nở.
Điều đáng chú ý hơn là tình hình tại các tiểu bang ngang ngửa:
Arizona: 11 phiếu, thăm dò tuần qua cho thấy Dân chủ (D) đang dẫn đầu 4 điểm (4+), còn năm 2016 Cộng Hòa ( R) dẫn đầu 4 điểm (4+).
Florida: 29 phiếu, D+2; 2016 R+1
Georgia: 16, 16, D+1, 2016 R+5
Michigan: 16, D+7, 2016 R+0
Tại tiểu bang này, năm 2016 Trump “hốt hết” 16 phiếu của Michigan khi chỉ hơn bà Clinton 10,704 trong tổng số 4.7 triệu phiếu.
Minnesota: 10, D+11, 2016 D+2
North Carolina: 15, D+4, 2016 R+4
Pennsylvania: 20, D+6, 2016 R+1
Wisconsin: 10, D+8, 2016 R+1
Trong những ngày cuối cung, cả hai ứng cử viên đã dồn dập trút tiền vào những tiểu bang sinh tử này và đầu tuần này tập trung vào Pennsylvania.
Bây giờ chúng ta nhắc lại những thể thức bầu cử Mỹ, đầu tiên là “đại cử tri”.
Tại sao phải bầu đại cử tri?
Người Mỹ không trực tiếp bầu lên tổng thống theo lối “phổ thông đầu phiếu” mà là bầu theo lới cử tri đoàn: chọn ra “đại cử tri” ủy nhiệm “đại cử tri” đi bầu cho mình. Thể thức này được gọi là “electoral college”.
Trên lý thuyết thì việc bầu cử tổng thống tại Mỹ được xem như tập hợp của các cuộc bỏ phiếu cấp tiểu bang, trong đó cử tri ở mỗi bang bầu chọn đại diện để tham gia đại hội đại biểu cử tri, và đến lượt các đại biểu này sẽ bầu tổng thống. “Triết lý” của hệ thống bầu cử này muốn vị tổng thống phải đạt được đủ sự ủng hộ từ các tiểu bang khác nhau chứ không phải chỉ tập trung ve vãn và phục vụ quyền lợi của các tiểu bang đông dân.
Trên thực tế thì có nhiều tính toán vị kỷ, sự tham lam và lo sợ trong chuyện này.
Trong điều kiện truyền thông và đi lại của thế kỷ 19 thì việc tiến hành những chiến dịch vận động tranh cử mang tầm quốc gia như hiện tại điều không thể thực hiện được. Lúc đó những tiểu bang tranh giành và nghi kỵ quyền lợi với nhau nên e sợ hình thức phổ thông đầu phiếu.
Với những lý do đó, họ nhất quyết đòi hỏi một thể thức bầu cử an toàn, bảo đảm kết quả và quyền lợi của mình.
Một yếu tố khác khiến các tiểu bang miền Nam ưa chuộng thể thức bỏ phiếu đại cử tri là dân số da đen, lúc đó chiếm đến 3/5 dân số. Người da đen không có quyền bầu cử và ứng cử nhưng dân số này lại được tính vào con số nghị sĩ đại diện tại quốc hội. Tính ra lá phiếu của người da trắng tại đây gần bằng hai lần lá phiếu của người da trắng ở các tiểu bang miền Bắc!
Trong suốt lịch sử, hệ thống bầu cử theo lối này đã nhiều lần trở thành đề tài tranh cãi. Phe chỉ trích cho rằng đây là một thể thức cổ lổ, lỗi thời và trong nhiều trường hợp, ứng cử viên thắng cử có thể nhận được ít phiếu hơn.
Gần nhất là ông Donald Trump vào năm 2016 như đã nói ở trên. Trước nữa thì cuộc tranh cử giữa Bush và Gore năm 2000, lúc đó Bush đã thắng chỉ với 537 phiếu phổ thông đầy tranh cãi.
Năm đó ông Al Gore chiếm được 48.38% tổng số phiếu liên bang và George Bush chiếm được 47.87%. Riêng tại tiểu bang Florida, khi Bush chỉ hơn Al Gore 537 phiếu đầy nghi vấn, ông ta đã có thể ôm toàn bộ 25 phiếu đại cử tri của tiểu bang này, nâng tổng số phiếu đại cử tri lên tới 271, vượt xa con số 266 của AlGore và giành được ghế tổng thống.
Trong lịch sử Mỹ đã có 17 tổng thống thắng cử với tổng số phiếu thấp hơn. Cả tổng thống nổi tiếng như Abraham Lincoln vẫn không chiếm được một đa số rõ ràng, hai tổng thống John Kennedy và Bill Clinton cũng vậy và gần nhất thì ông Donald Trump.
Trong khi những người bênh vực cho rằng thể thức này bảo đảm tiếng nói của mọi tiểu bang trong cuộc bầu cử liên bang thì vẫn có người bác. Họ đưa ra dẫn chứng: trong khi dân số California chiếm tới 12.03% của dân số Mỹ thì 55 phiếu đại cử tri của tiểu bang chỉ chiếm 10.22% phần trăm của tổng số phiếu đại cử tri.
Số lượng đại cử tri
Số lượng các “đại cử tri” của mỗi tiểu bang bằng số lượng thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ của tiểu bang đó.
Chúng ta biết rằng tại Mỹ thì bất kể lớn bé, mỗi tiểu bang nào cũng có hai đại diện tại thượng nghị viện trong khi con số đại diện tại hạ nghị viện thì tỉ lệ thuận với dân số tiểu bang, khoảng trên dưới 600,000 cử tri cho một hạ nghị sĩ.
Hiện tại Hạ viện nghị Mỹ có tổng cộng 435 thành viên, cộng với 100 thượng nghị sĩ là 535 người. Ngoài ra quận hạt Colombia – tức khu vực thủ đô trực thuộc liên bang và không thuộc tiểu bang nào, không có đại diện trong quốc hội, tương tự khu vực ACT của Úc – thì có 3 phiếu đại cử tri. Do đó cả nước Mỹ có 538 phiếu đại cử tri, do đó muốn thắng thì ứng cử viên phải chiếm được số phiếu quá bán, tức ít nhất 270 phiếu.
California là tiểu bang lớn với dân số trên 35 triệu dân nên có tới 53 hạ nghị sĩ. Cùng với con số 2 thượng nghị sĩ bất di bất dịch, tiểu bang này có 55 đại cử tri. Trong khi đó thì tiểu bang lạnh giá Alaska chỉ có dân số lèo tèo khoảng 606,000 người làm nghề đánh cá và kiểm lâm chỉ có một hạ nghị sĩ đại diện, cùng với 2 thượng nghị sĩ là 3, do đó tiểu bang này chỉ có 3 đại cử tri.
Trừ hai tiểu bang Maine và Nebraska, 48 tiểu bang tại Mỹ áp dụng thể thức “the winner-takes-all”, tức “người thắng lấy hết”. Nếu một ứng cử viên thắng trong cuộc bỏ phiếu ở tiểu bang thì họ sẽ chiếm toàn bộ số phiếu đại cử tri thuộc tiểu bang đó vì trên mặt pháp lý thì toàn bộ đại cử tri phải bầu cho những ứng cử viên mà cử tri đã lựa chọn. Lấy thí dụ tại tiểu bang California, nếu Biden được 28 phiếu và Trump được 27 phiếu, do đó Biden sẽ thắng và lấy trọn… 55 phiếu của tiểu bang này. Theo nguyên tắc này thì “thiểu số phải phục tùng đa số”, do đó 27 đại cử tri ủng hộ Trump phải “phục tùng” đa số 28 đại cử tri ủng hộ Bush.
Hai tiểu bang là Maine và Nebraska thì không quan trọng lắm: bang đầu chỉ có 4 phiếu và bang sau 5 phiếu đại cử tri. Tại đây ứng cử viên nào chiếm được bao nhiêu phiếu thì sẽ giữ nguyên số phiếu đó. Từ mấy năm trước đã có người tại Carolina cũng đang rục rịch đòi xóa bỏ hệ thống “winner-takes-all” để theo chân hai tiểu bang này.
Trong trường hợp hai ứng cử viên ngang ngửa thì quyền quyết định thuộc về Hạ viện: Hạ nghị viện sẽ biểu quyết theo tiểu bang, mỗi bang có một phiếu, trong cuộc bỏ phiếu này các hạ nghị sĩ sẽ bầu cử theo ý nguyện của tiểu bang mình. Riêng phó tổng thống sẽ được Thượng nghị viện bầu chọn, và các thượng nghị sĩ sẽ bầu theo chọn lựa cá nhân của mình.
Ngày bầu cử
Ngày tháng bầu cử được ấn định trong Hiến pháp năm 1787: ngày thứ Ba đầu tiên sau thứ Hai đầu tiên của tháng 11. Nghĩa là nếu ngày thứ Ba đó nhằm vào ngày 1.11 thì sẽ không được mà nó phải đi sau một ngày thứ Hai của cùng tháng. Sau đó tổng thống tân cử sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20.1 năm kế tiếp.
Vấn đề đặt ra là tại sao các nhà lập pháp Mỹ không quy định một ngày nhất định nào đó, thí dụ ngày 2, ngày 3, ngày 4 và tại sao phải là tháng 11?
Điều này xuất phát từ đặc điểm lịch sử của nước Mỹ. Khi mới lập quốc thì, chủ yếu, kinh tế Mỹ còn là một nền kinh tế nông nghiệp: tháng 11 được chọn vì đó là tháng tương đối an nhàn, các chủ trại đã gặt hái và gieo trồng xong, lúc đó mới có đủ thì giờ đi bầu.
Thời đó người Mỹ rất mộ đạo và rất siêng đi nhà thờ: nếu họ dành trọn ngày Chủ Nhật để cầu kinh ở nhà thờ thì, với điều kiện và phương tiện giao thông thời đó, ngày thứ Hai họ chẳng thể nào đến kịp các thị trấn hay thành phố để bỏ phiếu.
Do đó thay vì ấn định một ngày nhất định của tháng 11, họ ấn định “ngày thứ Ba đầu tiên sau thứ Hai đầu tiên của tháng 11” cho chắc ăn.
Đó là ngày bầu cử, Hiến pháp Mỹ quy định là chỉ những ai chào đời ở nước Mỹ, trên 35 tuổi và phải sống tại Mỹ liên tục 14 năm thì mới được ra ứng cử.
.