- Trương Lan
3/11 là ngày bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Mỹ, người dân Trung Quốc tỏ ra rất quan tâm đến cuộc bầu cử này. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ các tin tức liên quan, nhằm ngăn chặn người dân biết về các chi tiết dân chủ trong cuộc bầu cử Hoa Kỳ.
Theo một báo cáo của Đài Á Châu Tự do, Ban Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ban hành một chỉ thị tuyên truyền cho cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ. Chỉ thị này yêu cầu tất cả các kênh truyền thông phải tuân theo “sự sắp xếp thống nhất”, tập trung vào “các nguồn tiêu chuẩn như Tân Hoa xã”, “không được tự ý đăng lại từ kênh truyền thông nước ngoài, không được báo cáo bám sát tình hình“. Chỉ thị cũng yêu cầu cụ thể rằng: “Người phát ngôn của ta phải thể hiện thái độ về tình hình liên quan”, “không được thổi phồng cảm xúc quá mức, ngăn chặn dư luận đi chệch hướng”, “ngăn chặn nghiêm ngặt các thông tin mang tính phản động và manh động về việc chống phá, tẩy chay Hoa Kỳ”. Được biết, chỉ thị này đã được xác nhận bởi các biên tập viên của nhiều kênh truyền thông Trung Quốc.
Có thể thấy từ các báo cáo do quan chức Đại Lục công bố, truyền thông Đại Lục đã sử dụng nhiều báo cáo một chiều hơn, nhằm làm nổi bật sự hỗn loạn trong xã hội dân chủ Mỹ trong các báo cáo liên quan đến bầu cử Hoa Kỳ. Chinanews.com, kênh truyền thông chính thức của Trung Quốc, đã đăng một bài viết với tiêu đề “Nhà Trắng dựng hàng rào, các thương gia đóng chặt cửa: Bầu cử Hoa Kỳ giữa sự hỗn loạn”. Bài báo giới thiệu một số cửa hàng ở New York, Washington, San Francisco đã sử dụng các loại vách ngăn khác nhau để gia cố cửa ra vào và cửa sổ, nhằm ứng phó với sự phá hoại có thể xảy ra trong và sau ngày bỏ phiếu của cuộc tổng tuyển cử Hoa Kỳ.
Đài truyền hình Trung Ương ĐCSTQ CCTV phát sóng cảnh bạo loạn ở Hoa Kỳ trong quá khứ và đề cập đến nhiều vụ cảnh sát đụng độ với người biểu tình ở Hoa Kỳ. “Tân Hoa Xã” đã đăng bài “Liệu sau cuộc tổng tuyển cử, Hoa Kỳ có hỗn loạn không?”. Ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập của “Thời báo Hoàn Cầu” tuyên bố rằng “Cuộc tổng tuyển cử Hoa Kỳ đã hãm hại toàn thế giới”.
“Một trong những chiến lược của Bắc Kinh là sử dụng các thông điệp mang tính đại diện, chỉ nói về một hiện tượng hoặc nói phiến diện về một hiện tượng nào đó. Nhưng lại tránh thảo luận sâu về bối cảnh và các yếu tố môi trường, xã hội và lịch sử đằng sau nó.” Ông Hoàng Chiêu, giảng viên Đại học Gustave Eiffel của Pháp, chuyên nghiên cứu về tuyên truyền chính trị của Trung Quốc, phân tích rằng ĐCSTQ sử dụng thủ đoạn này phối hợp với việc kiểm soát dư luận, nhằm ngăn chặn nghiêm ngặt việc thảo luận các chi tiết của nền dân chủ hoặc so sánh chúng với Trung Quốc.
“Chính là làm giảm độ nóng trong nước về chính trị Mỹ. Khi được hâm nóng, các chi tiết chắc chắn sẽ được thảo luận. Giới quan chức muốn bóp nghẹt những dấu hiệu này.” Ông Lâm Nghiêu, một học giả của Đại học Yale, Hoa Kỳ, người lâu nay viết bình luận cho các kênh truyền thông Trung Quốc, cũng đưa ra một phân tích tương tự với Đài Á Châu Tự Do.
Đây là lý do tại sao truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong một số phóng sự ngắn về cuộc bầu cử Mỹ, không dám thảo luận rằng, cử tri ở các nước dân chủ có thể treo khẩu hiệu trước cổng nhà các vị lãnh đạo và tự do bày tỏ sự bất đồng với các chính sách khác nhau.
Báo cáo chỉ ra rằng, nguyên nhân đằng sau việc chuẩn bị phong tỏa các tuyến phố và cảnh sát đồn trú xung quanh Nhà Trắng là do, ít nhất có 6 nhóm công dân khác nhau đã đăng ký tập hợp và tuần hành theo luật. Đây là quyền tự do ngôn luận và hội họp được bảo đảm bởi Tu chính án thứ nhất trong Hiến pháp Hoa Kỳ. Hơn nữa đằng sau hệ thống bầu cử xã hội của Hoa Kỳ, nam nữ già trẻ đều có quyền bỏ phiếu và bày tỏ quan điểm chính trị cá nhân của họ. Đây là những sự thật mà ĐCSTQ không dám đề cập đến.
Trương Lan