Thụy My
Trên Le Figaro, tác giả Benjamin Haddad nhận định: “Dù là người chiến thắng hay chiến bại, Donald Trump cũng đã thay đổi thế giới”. Trả lời Financial Times năm 2018, Henry Kissinger mô tả Donald Trump như một trong những nhân vật “thỉnh thoảng xuất hiện trong lịch sử để đánh dấu hồi kết của một thời đại, buộc phải từ bỏ những vọng tưởng”.
Tựa chính của tất cả nhật báo Pháp ra ngày hôm nay đều tập trung vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Le Monde đăng ảnh hai ứng cử viên với dòng tít lớn “Trump-Biden: Hợp chủng quốc tự xâu xé”. Libération chơi chữ, thay vì Maison Blanche tức Nhà Trắng, tờ báo chạy tựa “Maison flanche”, tạm dịch ngôi nhà suy sụp.
Trên trang nhất La Croix là lá cờ Mỹ với một đường nứt chéo và hàng tít “Rạn vỡ”. Không hẹn mà nên, đây cũng là tựa chính của Les Echos. Ảnh của hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden cũng chiếm trang bìa Le Figaro với tựa đề vô cùng ngắn gọn: “Ai?”. Các báo cũng dành rất nhiều trang trong cho chủ đề này: Le Monde 12 trang, Libération 8 trang, Le Figaro 6 trang…
Thăm dò lại sai, lực lượng ủng hộ Donald Trump vẫn đông đảo
Một ứng cử viên Cộng Hòa “không giống ai”, một ứng viên Dân Chủ đáng thất vọng: kịch bản của năm 2016 được lặp lại. Không có “làn sóng xanh” như dự đoán, các cơ quan thăm dò một lần nữa lại sai lầm. Lần đầu tiên kể từ năm 2000, một ngày sau khi các phòng phiếu đóng cửa vẫn chưa biết được ai là tân tổng thống.
Những người ủng hộ ông Trump huy động đông đảo, và Donald Trump chống chọi mạnh mẽ hơn người ta tưởng. Đại dịch rốt cuộc không phải là tiêu chí hàng đầu để chọn lựa, nhiều cử tri Mỹ la-tinh vẫn bỏ phiếu cho ông Trump, cử tri nữ không ồ ạt dồn phiếu cho Biden như người ta tưởng. Các vụ bạo động, phá hoại của phong trào Black Lives Matter cũng đóng vai trò không nhỏ.
Số người đi bầu lên đến mức kỷ lục: 160 triệu, tức 66,9%. Dân Chủ vẫn giữ được Hạ Viện nhưng Cộng Hòa đang thắng thế ở Thượng Viện. Những món tiền khổng lồ được rót vào để bơm lên các ứng cử viên Dân Chủ, nhưng chủ tịch phe đa số ở Thượng Viện Mitch McConnell vẫn vượt xa ở Kentucky. Dù tiêu tốn hết 100 triệu đô la tiền quyên góp cho Dân Chủ, Jamie Harrison vẫn thất bại nặng nề trước Lindsey Graham của đảng Cộng Hòa ở Nam Carolina, khiến ông Graham gọi đây là “món đầu tư tệ nhất trong lịch sử chính trị nước Mỹ”.
Kịch bản tệ hại
Trả lời Les Echos, nhà nghiên cứu Laurence Nardon của IFRI nhận định với việc kết quả của hai ứng cử viên sát nút nhau, “Chúng ta đang trong kịch bản tệ hại nhất”. Ông Trump sẽ kiện tụng, khiến khó có tuyên bố chính thức vào ngày 08/12 và cử tri đoàn không thể bỏ phiếu ngày 14/12 như lịch trình dự kiến.
Nếu Joe Biden đắc cử nhưng không có đa số ở Thượng Viện, thì có thể lãnh đạo được hay không? Đối với phía Cộng Hòa, Biden có thể bị coi là thiếu tính chính danh với kết quả khít khao và những phản đối của ông Trump. Cũng giống như tình trạng của Donald Trump trong nhiệm kỳ vừa qua, bị Dân Chủ chỉ trích vì thua phiếu phổ thông. Đảng Dân Chủ cần phải chiếm được 60 ghế ở Thượng Viện, nhưng điều này hầu như bất khả.
Bầu cử tổng thống Mỹ: Biden tự tin, Trump tố cáo bị ‘cướp đoạt’ chiến thắng
Bài xã luận của các báo nêu ra vấn đề đưa ra phân giải trước Tối cao Pháp viện. La Croix cho rằng như vậy cuộc đấu tranh sẽ chuyển từ lãnh vực chính trị sang tư pháp, sẽ tác hại đến lòng tin của người Mỹ đặt vào lá phiếu và các định chế.
Le Figaro đặt câu hỏi, người ta sẽ nghĩ gì về một đất nước phải nhờ đến tòa án để quyết định kết quả bầu cử? Tờ báo tỏ ý tiếc là ứng cử viên Cộng Hòa muốn tranh thủ đa số ở Tối cao Pháp viện – một điều không có gì là chắc chắn. Tuy đa số thẩm phán do Cộng Hòa bổ nhiệm, nhưng họ vẫn phải giữ uy tính cho bản thân và cho định chế. Về phía ông Biden cũng chuẩn bị một cuộc chiến pháp lý với đội ngũ luật sư hùng hậu.
Có điều Donald Trump đã chứng tỏ là giai tầng cử tri bầu cho ông rộng rãi hơn, vững chắc hơn là thăm dò đã dự đoán. Dù thắng hay bại, cung cách của ông đã tạo dấu ấn lâu dài trong đời sống chính trị nước Mỹ. Trump không cần làm yếu đi nền dân chủ để bảo đảm được chỗ đứng trong lịch sử. Còn theo Libération, đây là kịch bản buồn và là bài học cho châu Âu: dân chủ là tài sản quý giá và mong manh.
Một nước Mỹ chia rẽ sâu sắc
Trong bài “Nước Mỹ rạn nứt”, Les Echos ghi nhận kịch bản lo ngại lâu nay đã thành sự thật: một Mỹ quốc bị phân đôi, chia rẽ sâu sắc và đến giờ này vẫn chưa biết được tân tổng thống là ai.
Một điều chắc chắn là cuộc bầu cử kỳ này cho thấy chiến thắng năm 2016 của Donald Trump không đơn giản là một “sự cố” như Châu Âu hằng tưởng.
Những lá phiếu ủng hộ chủ trương dân tộc, chống giới tinh hoa, chống chủ nghĩa tự do vẫn là thời sự ở nước Mỹ cũng như trên thế giới, vượt khỏi cá nhân tổng thống Mỹ. Cử tri chừng như quan tâm đến kinh tế hơn là đại dịch. Một bài học rút ra là không dễ đánh bại một ứng cử viên dân túy, bất chấp bốn năm đầy xáo trộn vừa qua.
Trước một nước Mỹ chia rẽ và yếu đi, Châu Âu chỉ có thể trông cậy vào sức mạnh của chính mình. Bởi vì Hoa Kỳ sẽ không tặng món quà nào về thương mại hoặc thuế quan, và sẽ không sớm lấy lại vai trò lãnh đạo thế giới đã bị từ bỏ, ngay cả khi thay đổi ông chủ Nhà Trắng.
Donald Trump, nhân vật đã làm thay đổi thế giới
Trên Le Figaro, tác giả Benjamin Haddad của think tank Atlantic Council có trụ sở ở Washington nhận định: “Dù là người chiến thắng hay chiến bại, Donald Trump cũng đã thay đổi thế giới”.
Khi báo lên khuôn, các tiểu bang Rust Belt đang kiểm những lá phiếu cuối cùng của một cuộc bầu cử sát nút, khác với dự đoán của các chuyên gia và cơ quan thăm dò. Một lần nữa, kết quả sẽ được quyết định bởi các cử tri công nhân da trắng là nạn nhân của phi kỹ nghệ hóa, trước đây theo Dân Chủ nhưng đã tặng cho ông Donald Trump chiến thắng cách đây bốn năm.
Đọc thêm: Chuyên gia: Sẽ rất sai lầm nếu không thấy sức mạnh chính trị tuyệt vời của Donald Trump
Ông Trump đã thay đổi thế giới cũng như mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và châu Âu. Trump đóng vai trò gia tốc và biểu hiện cho những xu hướng về chiều sâu. Nước Mỹ đang dần từ bỏ chủ nghĩa toàn cầu, hành động như một cường quốc bình thường bảo vệ lợi ích của mình trên trường quốc tế đang chia năm xẻ bảy, trong một hệ thống đa phương bất lực, hồi kết của hy vọng toàn cầu hóa hậu chiến tranh lạnh.
Trả lời Financial Times năm 2018, Henry Kissinger mô tả Donald Trump như một trong những nhân vật “thỉnh thoảng xuất hiện trong lịch sử để đánh dấu hồi kết của một thời đại, buộc phải từ bỏ những vọng tưởng”.
Trump kết thúc ảo tưởng dân chủ hóa Trung Quốc
Trong khi tranh cử, Joe Biden chống lại chính sách đối ngoại của Donald Trump. Những tuần lễ đầu của một chính quyền Biden sẽ sưởi ấm trở lại quan hệ Âu-Mỹ: quay lại với Hiệp định khí hậu Paris, những bài diễn văn về các giá trị chung, về NATO…Ứng cử viên Biden còn hứa hẹn tổ chức một “thượng đỉnh của các nền dân chủ”.
Những bất đồng về thương mại như GAFA vẫn tiếp tục, nhưng có thể Mỹ sẽ không sử dụng công cụ thuế quan với châu Âu. Tuy nhiên thành công của các ứng viên dân túy từ Donald Trump đến Bernie Sanders khiến giới tinh hoa Mỹ phải ý thức về hậu quả tiêu cực của các hiệp định tự do mậu dịch với một số khu vực.
Đọc thêm: Tình báo Mỹ: Trung Quốc không muốn ông Trump tái đắc cử
Nhiệm kỳ của ông Trump đã kết thúc quan niệm rằng khi mở cửa kinh tế Trung Quốc sẽ trở nên dân chủ. Đó là hy vọng của những người như Joe Biden khi ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Sự độc đoán của Tập Cận Bình, tham vọng địa chính trị thấy rõ qua “Con đường tơ lụa mới”, gian trá trong thương mại và dối trá về đại dịch đã làm tan biến kỳ vọng này.
Biden xưa nay chủ trương hợp tác với Bắc Kinh, như đa số giới tinh hoa Mỹ, nay gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc là “côn đồ”. Chiến lược đối đầu với Bắc Kinh của chính quyền Trump được lưỡng đảng ủng hộ. Một chính quyền Biden cũng sẽ coi việc đối phó với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu, và cùng quan điểm với châu Âu về thương mại, công nghệ, quân sự.
Dàn xếp hòa bình cho lò lửa Trung Đông: Thành tựu lâu dài
Ở Trung Đông, ai có thể nghi ngờ được chính sách cơ cấu lại bản đồ khu vực của Donald Trump? Chắc chắn Joe Biden sẽ không dời lại đại sứ quán Mỹ ở Israel về Tel Aviv. Nhiều nhà bình luận từng cho rằng Trung Đông sẽ dậy sóng nếu Mỹ công nhận Jerusalem, nhưng rốt cuộc chẳng có chuyện gì xảy ra. Ngược lại, ông Trump còn vận dụng việc các quốc gia Ả Rập Sunni xích gần lại với nhau xung quanh Ả Rập Xê Út và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, cũng như Israel phải đối phó với mối đe dọa Iran, để dẫn đến việc ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau.
Đây là một thành tựu dài lâu, trong khi trước đó các chuyên gia khẳng định không thể nào có được các thỏa thuận này nếu không có tiến trình hòa bình Israel-Palestine. Phương thức thương lượng và tương quan lực lượng lập ra với Iran (một cách thô bạo như vụ trừ khử tướng Soleimani) cho thấy hiệu quả hơn chính sách của những người tiền nhiệm.
Cuối cùng, nhiệm kỳ ông Trump đã chứng tỏ giới hạn của quan hệ hai bên bờ Đại Tây Dương vốn đã có từ trước, như trường hợp Obama trở mặt vào phút chót, không muốn cùng với Pháp tham gia tiêu diệt quân thánh chiến Hồi giáo ở Syria. Donald Trump chỉ lặp lại, một cách thô bạo hơn, các chỉ trích của những người tiền nhiệm về việc chia sẻ gánh nặng quốc phòng.
Liệu Châu Âu có thể để cho an ninh của các công dân mình nằm trong tay vài chục ngàn cử tri của Pennsylvania cứ mỗi bốn năm? Tại Libya, tại Địa Trung Hải trước Thổ Nhĩ Kỳ, đối mặt với nạn khủng bố, Châu Âu có những vấn đề an ninh của chính mình và phải bảo đảm được sức mạnh. Donald Trump đã thay đổi cục diện quốc tế, và nay thì Châu Âu không thể trở thành những người gác đền cuối cùng cho một thế giới của ngày hôm qua.