- Vương Quân
Các chính sách của chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị nghi ngờ vi phạm nhân quyền, vấn đề này đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Gần đây, Liên Hợp Quốc (LHQ) bị cáo buộc đã cung cấp cho ĐCSTQ danh sách những người bất đồng chính kiến Duy Ngô Nhĩ. Quốc hội Mỹ đã mở một cuộc điều tra đối với vấn đề này. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn với Đài BBC vào ngày 1/11, một cựu nhân viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ tên là Emma Reilly tiết lộ, Hội đồng Nhân quyền LHQ đã cung cấp cho Bắc Kinh danh sách các nhà bất đồng chính kiến người Duy Ngô Nhĩ sẽ tham gia sự kiện để làm chứng cho những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ, và tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm.
Bà Reilly cho biết, trước mỗi cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ, chính quyền Trung Quốc sẽ hỏi xem có ai cố gắng đến để làm chứng hay không và quản lý của bà sẽ cung cấp cho họ danh sách những người bất đồng chính kiến Duy Ngô Nhĩ. Bà Reilly chỉ ra rằng đây hoàn toàn là vi phạm quy định cấm cung cấp thông tin này cho bất kỳ chính phủ nào. Tuy nhiên, LHQ lại đặt ra ngoại lệ duy nhất dành cho ĐCSTQ. Sau khi có được danh sách này, phía Trung Quốc sẽ lợi dụng các thông tin để quấy rối người nhà vẫn còn ở Trung Quốc của những nhà bất đồng chính kiến này.
Theo tin tức đăng tải, bà Reilly cũng công khai đăng trên mạng internet các tài liệu mà bà cho rằng có thể hỗ trợ cho cáo buộc này. Trên thực tế, bà đã cung cấp bằng chứng liên quan cho Quốc hội Mỹ và các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ vào tháng 12 năm ngoái.
Hạ nghị sĩ Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Hoa Kỳ, thuộc đảng Cộng hòa, nói với báo chí rằng ông đang điều tra vấn đề này.
Ông McCaul cho rằng, LHQ được xây dựng trên cơ sở bảo vệ nhân quyền, nếu cáo buộc này là sự thật thì quả thực rất đáng lo ngại và cho biết nhóm của ông đang tiến hành điều tra.
Bài báo cũng cho biết, các nguồn tin từ Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện cũng xác nhận rằng họ đang điều tra cáo buộc này.
Trung Quốc “đội sổ” về xếp hạng tự do mạng toàn cầu trong nhiều năm
Trung Quốc gần đây đã thành công tiến vào Nhóm Tư vấn của Hội đồng Nhân quyền LHQ và sẽ có thể tham gia vào việc lựa chọn và bổ nhiệm các nhà điều tra quốc tế. Rất gần với thời điểm đó, vào ngày 14/10, tổ chức nhân quyền Hoa Kỳ Freedom House cũng phát đi một báo cáo khảo sát về tự do trực tuyến toàn cầu. Nội dung cho thấy trong sáu năm qua, bảng xếp hạng quốc tế về tự do Internet của Trung Quốc luôn đứng cuối. Tình trạng này không khỏi khiến người ta lo lắng về quyền tự do của công dân Trung Quốc.
Cưỡng bức triệt sản đối với phụ nữ Tân Cương
Theo một báo cáo của hãng tin AP, tỷ lệ sinh ở Tân Cương tiếp tục giảm, chỉ riêng năm ngoái đã giảm 24%, còn tỷ lệ này của toàn Trung Quốc chỉ giảm 4,2%.
Theo báo cáo của Đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI, trong một báo cáo được công bố vào tháng Sáu, nhà xã hội học người Đức Adrian Zenz đã chỉ ra, người Duy Ngô Nhĩ bị ép buộc phải phục tùng hoạt động triệt sản bắt buộc của ĐCSTQ. Theo báo cáo, tại hai khu vực ở Tân Cương nơi người Duy Ngô Nhĩ chiếm đa số, số trẻ được sinh ra của họ đã giảm mạnh vào năm 2016. Học giả Adrian Zentz nói rằng những dữ liệu này được lấy từ các tài liệu chính thức của Trung Quốc và các cuộc phỏng vấn với phụ nữ địa phương.
Nội dung của báo cáo điều tra, trong đó bao gồm:
Chính quyền Tân Cương thường xuyên yêu cầu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thuộc các dân tộc thiểu số phải khám sức khỏe để kiểm tra xem họ có mang thai hay không, và thực thi các biện pháp kiểm soát sinh sản và triệt sản đối với họ;
Theo các số liệu, trong những năm gần đây, việc sử dụng vòng tránh thai và số ca triệt sản toàn Trung Quốc đã giảm xuống, nhưng ở Tân Cương, hai số liệu này này lại tăng lên;
Ở Tân Cương, phụ nữ sinh nhiều con cũng có thể trở thành một trong những lý do bị giam giữ trong các “trại tập trung”. Chính quyền Tân Cương cũng có khả năng đã tiến hành triệt sản hàng loạt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nhiều hơn ba con.
Vương Quân