Việt Luận
Hay tin Việt Nam lại bị bão lụt, ông nhà báo định bụng viết một lá thư toà soạn với đầu đề ‘Cứu hay không cứu?’. Thấy đầu đề này, cô hàng xóm dựa lưng vào ‘giậu mồng tơi’ trề môi thật dài và nói với sang ‘tà-sạn’: ‘Rõ rỗi hơi! Đồng bào chết sình chết thúi mà nhà báo còn ngồi đó hỏi với han … ‘cứu hay không cứu?’’
Thật vậy trong tháng này, Việt Nam không những lãnh một mà lên đến bốn cơn bão. Khi bạn đọc cầm số Việt Luận này trên tay, bão thứ tư trong tháng 10 đã đổ bộ lên bờ biển Quảng Nam và tàn phá thôn làng Việt Nam từ Đà Nẵng cho đến Phú Yên. Tên quốc tế của bão này là Molave và Việt Nam gọi là bão số 9. Bão số 9 chưa tan thì tin tức từ Phi Luật Tân báo động một cơn bão khác đang thành hình ở Biển Đông. Tên của nó là Goni và có thể tiếp tục tàn phá miền Trung Việt Nam với cái tên ‘bão số 10’. Bão Goni đã tới Phi Luật Tân và hình như tự tan vào mây khói sau khi đánh một trận tơi bời hoa lá tại đảo Luzon, Phi Luật Tân.
Khi miền Trung bị nhận chìm thì có cái ông ‘một đít hai ba ghế’ gì đó kêu gọi những người trước đây Cộng Sản gọi là ‘bồi bếp, đĩ điếm chạy theo đế quốc Mỹ’ mau mau gởi tiền cứu trợ (Cộng Sản gọi là ‘ủng hộ’). Giá mà cái ông ấy câm cái ‘mõm’ lại thì người Việt muôn phương đỡ phải ngần ngừ khi chuyển một ‘gói khi đói’ cho ruột thịt của mình đang bị nạn. Khi đồng bào bị nạn, chắc chắn người Việt Nam muôn phương không màng kẻ đang ngoi ngóp đó đứng dưới cờ đỏ hay cờ vàng. Chúng ta cứu người. Và cứu người chung một giòng máu. Khi hoạn nạn, cha ông mình thường nói ‘bầu ơi thương lấy bí cùng…’. Bầu và bí khác nhau nhưng vẫn … chung một giàn! Tuy nhiên hình như Cộng Sản không nghĩ thế. Họ hết là con người rồi, mà chỉ còn lại cái máu Cộng Sản mà thôi. Vì lẽ này, chắc là Cộng Sản không nhận cứu trợ từ những con người đâu (?).
Cha ông mình thường gộp chung bão tố, cuồng phong, lụt lội, đất chuồi, … vào nhóm hiện tượng gọi là ‘thiên tai’. Đây là tai trời ách nước. Trước tai trời ách nước, con người đành bất lực. Tuy nhiên, gần đây người ta nói tới một số tai trời ách nước không phải tại trời mà do con người góp tay làm ra. ‘Thay đổi khí hậu, climate change’ hiểu là con người nhúng tay làm cho trời đất quay cuồng. Trong bối cảnh này, ở Việt Nam bên cạnh thiên tai, người ta nói tới hai chữ ‘nhân tai’.
Công bằng mà nói Cộng Sản không ra thá gì mà có sức gây ra bão tố; nhưng vì chẳng ra thá nên họ không đề phòng giúp người dân tránh bão và khi bão tới thì độc quyền cứu trợ. Ầm ỷ nhất ở Việt Nam bây giờ là chuyện cô Thuỷ Tiên xông xáo. Cô Thuỷ Tiên chỉ là một người bình thường ở trong nước. Cổ thấy đồng bào bị nạn nên quyên tiền. Vậy mà nhà nước đòi thông qua mấy thứ đang hại dân hại nước như Mặt Trận hay Đảng Uỷ. Khi thấy người dân tự ý cứu giúp lẫn nhau trong tinh thần ‘lá làng đùm lá rách’ thì ông Cộng Sản bị chạm nọc vì phơi trần ra ai là người thực sự yêu nước, yêu đồng bào. Vì chạm nọc nên chóp bu Cộng Sản ở Hà Nội, chễm chệ trên những chiếc ghế đục đẽo từ gỗ rừng, ra câu hỏi ‘…có một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước, vậy còn Trung Ương Đảng, Chính phủ, Tổng bí thư không yêu nước à?’. Ổng càng hỏi, càng lộ ra câu trả lời.
Câu trả lời là thái độ độc quyền yêu nước, hành động chậm chạp cứu trợ mà không cho ai tiếp tay cộng thêm lòng tham đến độ chở rừng về nhà mình của mấy ông nón cối đã biến bão tố thành lụt lội. Đem nhân tai góp thêm gió, thêm nước vào thiên tai. Đã không cho phép người dân cứu trợ đồng bào mình, nên khi có ai giúp nạn nhân thì người có quyền lại gom dân lại và tịch thu hết tiền cứu trợ. Chuyện này đã xảy ra cho 69 gia đình bị nạn ở thôn Ngoạ Cương, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Ở Việt Nam bây giờ, người ta nói Thuỷ tinh đã kéo thêm vây cánh là … thuỷ điện nên Sơn Tinh đã chào thua. Sơn Tỉnh tanh bành sụp đổ. 14 người đã bị đất chuồi ở Trà Léng. Được thuỷ điện về phe mình, Thuỷ Tinh tha hồ xả nước bất kể nhà dân ngập lụt. Gần hết nhà dân trong huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam bị ngập vì nước từ thuỷ điện Đắc Mi 4 xả ra. Ở Việt Nam bây giờ, thuỷ điện mọc lên như nấm. Khi đắp một cái đập nhỏ thì ngàn mẫu rừng bị đốn sạch và ít nhất một giòng nước bị khô cạn. Kế tiếp, ngàn ngôi nhà của người dân ở hạ lưu cái đập đó luôn luôn chờ chết.
Thưa cô hàng xóm, Việt Luận nhớ dân gian có câu đố này: khi vợ và mẹ ruột sắp chết đuối thì người đàn ông cứu ai? Chắc câu trả lời là ‘gặp ai thì cứu người đó’ vì quá gấp rút. Còn khi vợ và mẹ đều bị con ma da kéo kìm thì phảu suy nghĩ tìm cách uýnh con ma da trước.
Việt Luận