60-90% nước thải sinh hoạt ở VN xả ra môi trường chưa qua xử lý

  • Nguyễn Sơn

Tại phiên họp Quốc hội vào sáng ngày 9/11, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường cho biết nhu cầu xử lý nước thải sinh hoạt rất thấp, có đến 60-90% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý khi thải ra môi trường. 

Lưu vực sông Nhuệ – Đáy ô nhiễm nhất trong 5 lưu vực sông ở miền Bắc, theo Tổng cục Môi trường. Trong ảnh, sông Nhuệ có màu đen đặc, ô nhiễm nặng. (Ảnh: Lưu Tâm/Trí thức VN)

Trả lời câu hỏi chất vấn về tình trạng ô nhiễm trên lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, ông Hà cho biết nguồn thải chủ yếu là từ nước thải sinh hoạt trong hầu hết các lưu vực, từ nguồn thải của các tỉnh, thành phố mà hai con sông này chảy qua, trong đó, khoảng 65% nguồn thải là từ Hà Nội.

Ông Hà cho biết hơn 20.000 tỷ đồng đã được chi đầu tư các trạm quan trắc môi trường tại Hà Nội, Hà Nam; xử lý nạo vét, trồng lại rừng đầu nguồn Hòa Bình; các trạm xử lý nước thải tại Hà Nam, Nam Định. Điều đáng chú ý là ông Hà nói theo đánh giá của Bộ thì “nhu cầu về xử lý hiện nay còn rất thấp, từ 60 đến 90% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý từ nay cho đến năm 2021”.

Ông Hà cũng xác nhận nước thải ở các khu công nghiệp, các làng nghề tại địa phương, như Hà Nội, là chưa được xử lý. Ông Hà cho hay những nơi này mới bắt đầu tư các hệ thống xử lý, dự kiến khoảng năm 2021 thì một số công trình sẽ được hoàn thành.

Về xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch, ông Hà cho biết Bộ này đang đề nghị giải pháp trước mắt là đưa nước thải từ sông Tô Lịch ra sông Hồng, rồi hút nước sông Hồng về pha đối với nước sông ô nhiễm. “Đối với Hà Nam, đây là giải pháp có thể nói trước mắt, còn về lâu dài cần phải thực hiện nghiêm túc theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.” – ông Hà nói.

Điều này đặt ra một vấn đề, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt (thường gọi tắt là phí nước thải sinh hoạt) đã được áp dụng từ nhiều năm qua, với mức thu là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa tính thuế giá trị gia tăng, hiện đang áp dụng theo Nghị định 53/2020/NĐ-CP.

Trừ có 3 trường hợp được miễn thu phí nước thải sinh hoạt (theo Điều 5 Nghị định 53), thì người dùng nước sinh hoạt phải đóng phí nước thải cho tổ chức cung cấp nước sạch thu (được thu gộp trên hóa đơn tiền nước). Đối với nước thải sinh hoạt của tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tự khai thác nước để sử dụng thì do UBND phường, thị trấn thu.

Điều 9 Nghị định 53 quy định để lại 10% trên tổng số tiền phí nước thải sinh hoạt cho tổ chức cung cấp nước sạch và 25% cho UBND phường, thị trấn để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí.

Trường hợp chi phí tổ chức thu thấp hơn tỷ lệ để lại thì HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức tỷ lệ để lại nhưng tối đa không quá 10% đối với tỷ lệ để lại cho tổ chức cung cấp nước sạch và tối đa không quá 25% đối với tỷ lệ để lại cho UBND phường, thị trấn.

Theo đó, tối đa 35% trên tổng số tiền phí được dùng cho hoạt động thu phí. Phần còn lại (65%) nộp vào ngân sách địa phương để sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường; bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Quỹ bảo vệ môi trường của địa phương để sử dụng cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường do nước thải, tổ chức thực hiện các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải.

Thông tin sử dụng nguồn phí phải được tổ chức thu phí công khai hàng năm trên báo địa phương, đài phát thanh địa phương, cổng thông tin điện tử của tổ chức thu phí và các hình thức phù hợp khác để người dân và doanh nghiệp được biết.

Tuy nhiên, thực tế người dân hầu như không được tiếp cận thông tin về việc sử dụng nguồn phí nói trên. Với con số từ 60-90% nước thải sinh hoạt thải ra môi trường chưa qua xử lý vừa được công bố, dư luận đặt câu hỏi khoản phí 10% trên giá nước sinh hoạt này thực tế được quản lý và sử dụng như thế nào trong các năm qua?

Nguyễn Sơn

Related posts