- Xuân Lan
Việt Nam đang đối mặt với những thách thức gì khi ngày càng nhiều công ty trên thế giới muốn dịch chuyển hoặc mở rộng sản xuất để tránh các rủi ro về chuỗi cung ứng?
Ba năm trước, Jack O’Sullivan tới Việt Nam để xây dựng một nhà máy xe đạp điện chất lượng cao, nhưng không có nhà máy nào tại đây có thể đáp ứng sản xuất những bộ phận mà ông cần.
Vì lý do này, ông đã phải nhanh chóng đưa nhân viên từ Modmo, công ty xuất khẩu xe đạp do ông thành lập năm 2017, đến làm việc với các nhà cung cấp địa phương. Ngày nay, khoảng 50% linh kiện của Modmo có nguồn gốc từ Việt Nam, một con số mà ông O’sullivan hy vọng sẽ tiếp tục gia tăng để thay thế cho những phụ tùng giá cao từ Trung Quốc và Đài Loan.
Việt Nam được cho là đang hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất toàn cầu. Xu hướng này đã bắt đầu sau năm 2007 khi các nhà máy may mặc và giày dép giá rẻ bắt đầu rời Trung Quốc do chi phí ngày càng tăng. Hiện tại, Việt Nam đang hy vọng trở thành một trung tâm về sản xuất công nghệ cao, đặc biệt khi áp lực của Mỹ lên Trung Quốc đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu buộc phải điều chỉnh lại, nhất là trong các ngành công nghiệp máy tính, điện thoại thông minh và viễn thông. Hiện chỉ riêng công ty Samsung đã đóng góp một phần tư kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi Intel chọn đất nước này để đặt nhà máy gia công lắp ráp chip lớn nhất thế giới.
Đối với tất cả các nhà sản xuất toàn cầu, việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc đã trở nên bấp bênh bởi thương chiến Mỹ – Trung, việc đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch và chi phí cao. Việc dịch chuyển sang quốc gia láng giềng đã giúp đẩy mạnh lĩnh vực sản xuất của Việt Nam với quy mô tăng trưởng tới 21% hàng năm trong tháng Hai trước khi đất nước bắt đầu bị phong tỏa do COVID-19.
Năm nay, với những khoản đầu tư từ người khổng lồ điện tử Hàn quốc LG và nhà sản xuất băng dính Đức Tesa, Việt Nam đang trên đà trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới vào năm 2020.
Tuy vậy, sự thay đổi này đã làm gia tăng căng thẳng đối với lực lượng lao động, các nhà cung cấp và nguồn đất sẵn có cho ngành công nghiệp. Việt Nam hy vọng lướt làn sóng đầu tư để tăng trưởng cao hơn, nhưng họ vấp phải nguy cơ trở nên quá tải.
Tác động của nhu cầu tìm nguồn cung mới trên thế giới trở nên rõ ràng đối với đất nước 100 triệu dân, từ những thùng hàng biển nhồi chặt tới các nhà máy hoạt động rầm rộ. Công ty bất động sản Savills nói tỷ lệ bao phủ đã tăng vọt tại hầu hết các khu công nghiệp trong hai năm qua, hiện nay đạt mức trung bình 74% trên toàn quốc. Tại những khu vực gần các thành phố, tỷ lệ bao phủ còn cao hơn, ví dụ 99% ở Bình Dương và 94% ở Đồng Nai, cả hai tỉnh đều nằm ven thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thanh Bình, giám đốc thông tin kinh doanh tại Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết nhiều “đại bàng” sản xuất đang đổ tới Việt Nam, do vậy đất nước cần có sự chuẩn bị tương xứng.
“Hãy xây tổ để chào đón đại bàng,” ông nói với tờ Nikkei. Từ “đại bàng” đang được sử dụng phổ biến tại quốc gia này, ám chỉ tới các hãng lớn toàn cầu.
Nhiều khoản đầu tư mới đổ vào lĩnh vực công nghệ, như sản xuất tai nghe cho Apple và màn hình tinh thể lỏng cho Sharp. Điều này phù hợp với mục tiêu của Hà Nội là nâng cao chuỗi giá trị và chuyển đổi sang ngành có kỹ năng cao hơn. Tuy vậy, Việt Nam vẫn còn chưa đáp ứng được các bí quyết công nghệ để tạo ra những sản phẩm tiên tiến hơn như xe đạp của Modmo (sử dụng động cơ điện, màn hình cảm ứng và bluetooth, và bán với giá 2.400 đôla).
Tập đoàn Navigos, công ty nắm giữ trang web việc làm lớn nhất Việt Nam, nói rằng 71% công ty công nghệ cho biết việc thiếu hụt các nhân lực công nghệ cao là thách thức lớn nhất của họ và điều này vượt xa chi phí lương, những vấn đề pháp lý và các thách thức khác. Tương tự như vậy, các nhà quản lý nói rằng rất khó tìm kiếm quản lý trung cấp trong nhiều ngành công nghiệp.
Nguồn “công nhân có tay nghề” có sẵn tại Việt Nam rõ ràng không đủ để đáp ứng nhu cầu, theo ông Thịnh Nguyễn, giám đốc điều hành của công ty tư vấn phần mềm Zien Solutions.
Một thách thức khác cho Việt Nam là sự yếu kém của các nhà cung cấp địa phương, buộc nước này phải chuyển nguyên liệu về từ Trung Quốc, nguồn nhập khẩu lớn nhất của họ. Trong một nghiên cứu về nội địa hoá chuỗi cung ứng, các sản phẩm của Việt Nam trung bình chỉ chiếm 55% giá trị nội địa trước khi xuất khẩu, tỷ lệ thấp nhất trong 8 nước châu Á mà Đại học Harvard đánh giá trong tháng Ba vừa qua.
Các nhà cung cấp đang cố gắng đáp ứng nhu cầu này bằng các quan hệ đối tác nước ngoài, các chương trình huấn luyện và các nhà máy mới.
Tuy vậy, nhà kinh tế hàng đầu của VinaCapital Michael Kokalari đã bác bỏ quan điểm cho rằng các nhà máy và kho xưởng của Việt Nam gần đạt sức chứa.
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn, “Có thể nó đã đầy nếu bạn quan tâm về chi phí đến vậy. Nhưng nếu bạn đang sản xuất các sản phẩm điện tử và sản phẩm có giá trị cao hơn, chúng vẫn chưa lấp đầy.”
VinaCapital tính toán trong một báo cáo năm 2019 rằng Việt Nam có đủ đất công nghiệp cho các công ty nước ngoài muốn tăng gấp đôi quy mô đầu tư của họ. 20% thị phần sản xuất của nền kinh tế Việt Nam thấp hơn nhiều mức 30% được thấy ở “những nền kinh tế con hổ” của châu Á” và còn rất nhiều khả năng cho tăng trưởng, báo cáo cho biết.
Để theo kịp, Việt Nam hiện đang xây dựng thêm nhiều khu công nghiệp, trong đó có ít nhất 17 khu sẽ mở cửa trong vài năm tới, theo tính toán của Savills. Việc đào tạo công nhân và nhà cung cấp nhất định cũng theo kịp, các doanh nghiệp nói.
Ông O’Sullivan cho biết ông hy vọng có được nhiều phụ tùng xe đạp hơn từ Việt Nam khi chuyên môn kỹ thuật trong nước tăng lên, và đánh giá Việt Nam vẫn còn “nhiều tiềm năng”.
Xuân Lan (theo Nikkei)