Giữa lúc cả nước đang lạc quan trông chờ việc mở cửa trước Giáng Sinh thì một ổ dịch mới lại bùng phát tại Adelaide và người ta sợ rằng thành phố này có nguy cơ lâm vào tình trạng của Meobourne trong thời gian qua.
Ngày 16.11.2020 chính phủ tiểu bang Nam Úc thông báo đã ghi nhận thêm 17 ca nhiễm Covid -19 mới trong 24 tiếng đống hồ qua.
Các ca nhiễm mới này liên quan tới bốn ca nhiễm cộng đồng được công bố ngày hôm trước, bao gồm một phụ nữ 80 tuổi có kết quả dương tính sau khi được điều trị tại Bệnh viện Lyell McEwin ở phía Bắc thành phố, hai người thân có tiếp xúc gần với bà, và một nhân viên làm việc tại trại tù Yatala.
Giám đốc y tế Nam Úc Nicola Spurrier tin rằng ổ dịch nhiều khả năng khởi phát từ khách sạn
Peppers Waymouth Hotel ở trung tâm Adelaide, nơi được sử dụng để cách ly du khách. Bà cho biết rất nhiều xét nghiệm đã được thực hiện ngay trong ngày 15.11, đặc biệt là trong số những người trong gia đình của ba ca nhiễm đầu tiên, và tin rằng ổ dịch nhiều khả năng khởi phát từ một khách sạn được sử dụng làm nơi cách ly du khách.
Chính quyền bang cho biết hàng trăm người liên quan đến các ca nhiễm trên đã được cách ly, và sẽ cân nhắc đưa ra quyết định hạn chế và đóng cửa cần thiết trong 1-2 ngày tới.
Bộ trưởng Y tế liên bang Greg Hunt bày tỏ tin tưởng vào năng lực của hệ thống y tế bang Nam Ú và tuyên bố sẽ cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết để giúp chính quyền bang sớm khống chế được ổ dịch.
Tin này khiến các tiểu bang khác lập tức ra lệnh cấm cửa với người Nam Úc, trừ tiểu bang NSW.
Nhà máy bào chế vaccine lớn nhất Nam bán cầu
Hôm thứ Hai chính phủ liên bang thông báo sẽ chi 1 tỷ để xây dựng nhà máy sản xuất vaccine tiêm phòng cúm và thuốc kháng sinh theo thỏa thuận với công ty kỹ thuật sinh học CSL.
Theo thỏa thuận, công ty Seqirus – 1 công ty con của CSL sẽ chi $800 triệu để xây dựng cơ sở sản xuất vaccine phòng cúm ở thành phố Melbourne. Trong khi đó, chính phủ liên bang cam kết đảm bảo mua vaccine của công ty này trong vòng 10 năm tới. Thỏa thuận mua bán giữa công ty Seqirus và chính phủ Úc sẽ bắt đầu khi nhà máy hoàn tất xây dựng và mở cửa vào năm 2026.
Hiện chính phủ đã ký thỏa thuận với CSL cung cấp 2 loại vaccine Covid-19 tiềm năng đang được thử nghiệm bởi công ty dược phẩm AstraZeneca cùng Đại học Oxford của Anh và Đại học Queensland. Thỏa thuận mua vaccine hiện nay giữa chính phủ và công ty CSL dự kiến sẽ hết hạn vào năm 2025.
Số sinh viên quốc tế có thể giảm 50% vào giữa năm 2021
Khảo cứu của Viện Mitchell thuộc Đại học Victoria dự đoán số lượng sinh viên quốc tế ở Úc dự kiến sẽ giảm 50%, chỉ còn 300,000 sinh viên vào giữa năm 2021 nếu tình trạng biên giới hiện tại vẫn tiếp tục.
Tác giả của báo cáo nghiên cứu, ông Peter Hurley, cho biết không chỉ sinh viên mới không đến mà còn tình trạng sinh viên hiện đang theo học về nước.
Hiện tại là sự sụt giảm số sinh viên Trung Quốc, nhưng trong tương lai có thể sẽ liên quan đến sinh viên quốc tế từ tất cả các nước.
Theo báo cáo, sự sụt giảm tới một nửa số lượng sinh viên quốc tế ảnh hưởng không chỉ tới các trường đại học mà cả nền kinh tế nói chung, khiến các trường đại học mất đi khoản thu khoảng $8 tỷ và các nền kinh tế địa phương thiệt hại $10.7 tỷ từ các dịch vụ ăn uống, xe cộ, nhà trọ,
Theo số liệu của Bộ Nội vụ số lượng sinh viên quốc tế ghi danh đã giảm tới 74,000 người kể từ tháng 3 năm nay, trong khi khoảng 20,000 sinh viên quốc tế khác đang theo học trực tuyến từ bên ngoài lãnh thổ Úc.
Báp cáo trên cũng cho thấy trong năm 2020, số lượng sinh viên Việt Nam đứng thứ tư trong tổng số sinh viên quốc tế theo học tại Úc, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Nepal.
Tính đến cuối tháng 3.2020, tổng số sinh viên Việt Nam theo học tại các trường đại học Úc là 22,328 người, trong đó có 19,434 sinh viên trực tiếp theo học tại Úc và 2,894 sinh viên học từ bên ngoài Úc.
Đến đầu tháng 11.2020, các con số nói trên hiện lần lượt là 20,788, 13,160 và 3,628.
Mặt khác, số đơn xin thị thực sinh viên quốc tế hiện chỉ còn ở mức 20% so với năm ngoái, một con số đánh tan hy vọng phục hồi.
Hiện tại việc mở cửa trở lại biên giới quốc gia vẫn còn là một câu hỏi mở.
Ngân sách liên bang được công bố vào tháng trước được dự trù dựa trên hai giả định là các hạn chế đi lại trong và ngoài nước sẽ vẫn duy trì trong nửa cuối năm 2021 và sẽ được “nới lỏng dần dần”, và vaccine ngừa COVID-19 sẽ có mặt trên thị trường “vào khoảng cuối năm 2021”.
Sinh viên quốc tế hiện có thể dần dần quay trở lại Úc thông qua các chương trình thí điểm do các chính quyền một số bang khởi sự vào những tháng cuối năm 2020.
Tuy nhiên, những chương trình thí điểm này, với vài trăm sinh viên cho mỗi chương trình, là quá ít để đảo ngược được tình hình hiện nay.
Hơn nữa, các chương trình này chỉ áp dụng đối với các sinh viên đang theo học, mà không bù đắp cho sự sụt giảm về số lượng sinh viên mới.
Nếu biên giới quốc gia vẫn bị đóng cửa cho đến giữa năm 2022, Úc sẽ chỉ còn chưa đến 30% số sinh viên quốc tế so với mức trước đại dịch.