Paula Matthewson, Cô Nhuế dịch
LTS: Để bạn đọc xả hơi tí tí khỏi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Việt Luận xin dành bài thời sự tuần này bàn về chuyện lăng nhăng lít nhít ở thủ đô Canberra, Úc.
Số là vào tối thứ Hai đầu tuần này, chương trình Four Corners chiếu trên đài truyền hình ABC khui ra hai tổng trưởng gạo cội trong nội các của thủ tướng Scott Morrison mèo chuột với nhân viên. Đài ABC mạnh dạn nêu tên tổng trưởng tư pháp Christian Porter và quyền tổng trưởng di trú Alan Tudge bị tố ngoại tình với nhân viên. Chính một người trong cuộc – cô Rachelle Miller – đã xuất hiện trong chương trình và phô bày lời tố cáo.
Sau chương trình này, tổng trưởng Christian Porter cho biết tính chuyện thưa đài ABC về tội phỉ báng; còn ông Alan Tudge hối tiếc đã làm tổn thương thân nhân, và hối tiếc làm cho cô Miller đau buồn…
Khi một hết một cuộc tình thì hai bên không còn chung một lối nhìn nữa và thiên hạ mặc sức bàn ngang tán dọc. Bài sau đây chỉ là một cách bàn về chuyện này. Bài có nhan đề ‘A public affair: Porter, Tudge claims show we should poke holes in Canberra love bubble’ do ký giả Paula Matthewson viết, đăng tại https://thenewdaily.com.au/news/national/2020/11/10/four-corners-porter-tudge-public-interest/, do Cổ Nhuế dịch.
Toà soạn Việt Luận kính mời.
*****
Gần hết những ai làm việc bên trong hay chung quanh chính trường Úc đều biết những gì do chương trình Four Corners tiết lộ vào thứ Hai vừa qua không phải là chuyện lẻ loi.
Những mẫu chuyện về tình nhăng nhít và hành vi thô lỗ chỉ là những thí dụ cho thấy bên trong một số nơi làm việc có quyền thế nhất ở Úc đang nhiễm nặng một lối sống trọng nam (khinh nữ).
Ở đó là một dúm vừa đàn ông vừa đàn bà: họ làm việc sống chết, làm việc ngày đêm, sống xa gia đình, rồi đêm đêm ra quán tọng bia rượu vào mồm để xả nhớt. Thế là khó tránh được hai bên gật đầu làm sếch.
Chuyện ấy đã xảy ra – vào nói như ông tổng thống sắp hết nhiệm kỳ ở Mỹ – XẢY RA NHIỀU LẦN LẮM!
Nhưng xin hỏi: ông bà chính trị gia, nhân viên trong sở bộ và ngay cả đến các ký giả săn tin làm gì ở trong nhà hay trong khách sạn thì có nhằm nhò đến ai khác không?
Không nhằm nhò đến ai cả: chính trị gia Barnaby Joyce, một người từng lớn tiếng bênh vực các giá trị trong gia đình, mới đây lên tiếng cho rằng: nguyên thủ tướng Malcolm Turnbull ra lệnh bộ trưởng không được ‘ấy’ nhân viên của mình chỉ nhắm tới hất chưn ông khỏi ghế thủ lãnh đảng Quốc Gia mà thôi.
Rõ ràng, ông Barnaby Joyce quên mất mình bay chức không phải do cái luật ‘cấm ấy’ của thủ tướng Turnbull mà vì có một bà trọng vọng nào đó ở miền quê nước Úc tố ổng dê xồm.
Ông Barnaby Joyce càng biện hộ cho chuyện ngoại tình thì càng làm cho thiên hạ thấy rõ tư cách của ổng hơn.
Sau đây là vài lý do khiến cho thiên hạ thỉnh thoảng cũng để ý đến đời tư của các ngài tổng bộ trưởng.
Sợ bị tống tình hay mất công minh
Ai cầm quyền mà có điều gì mờ ám, như ăn vụng, thì dễ bị trói tay trói chưn. Họ sợ bị bật mí.
Một người xin vào làm công chức mà có thể bị ai đó tống tình hay tống tiến thì không được cảnh sát xác minh lý lịch. Ấy thế mà các tổng bộ trưởng được coi đến cả hồ sơ mật lại không cần tờ xác minh lý lịch này.
Có những ‘cuộc tình’ qua đường có thể khiến cho người ta bất minh nếu những cuộc tình này lởn vởn khi ngài bộ trưởng phải lấy quyết định.
Tư cách của quan lớn
Từ đó, nảy sinh chuyện tư cách của quan lớn.
Xin nói ngay, không phải ai ai nhăng nhít cuộc tình cũng đều là người xấu. Chúng ta đều là người phàm, mang trong mình nhiều yếu hèn. Chắc là có rất nhiều người dù yên bề gia thất vẫn tìm thấy một tình yêu mới ở bên trong sở làm.
Nếu những người này được hạnh phúc với duyên mới, thiên hạ phải mừng cho họ chứ không nên kết tội.
Tuy nhiên, cũng có những người thường xuyên ‘ăn chả, ăn nem’. Họ gian dối, lỗi lời thề non hẹn biển và chà đạp sự thật. Nếu một người chim chuột dài dài mà lớn họng đòi thiên hạ phải quý trọng chuyện nhất phu nhất phụ thì còn gì giả hình bằng.
Chắc là người dân không muốn các quan lớn cầm cân nảy mực bàn dân thiên hạ mang trong người các tính xấu kể trên.
Dám có bạn đọc vẫn không màng. Bạn đọc có thể chỉ ngay đến tổng thống John F Kennedy và thủ tướng Bob Hawke. Ai chả biết hai ông ấy ‘tuột quần’ mà vẫn cai trị đâu ra đó.
Xưa nay, bàn dân thiên hạ gần như mù tịt về chuyện quan lớn bê bối bởi vì luật phỉ báng ở Úc trói tay trói chân báo chí khui ra chuyện tình của chính trị gia. Chỉ xì ra chuyện mèo chuột khi có người trong cuộc la toáng lên. Và đây là trường hợp cô Rachelle Miller, trước đây làm tuỳ viên báo chí cho một quan lớn. Nhờ đó, Four Corners mới có chuyện để nói.
Nguy hiểm cho phụ nữ đi làm
Đáng nói hơn cả, cần phải cấm các ngài tổng bộ trưởng lăng nhăng lít nhít với nhân viên vì những mối tình này làm nghiêng ngả ghế bộ trưởng khiến cho các bà các cô trong sở bộ chỉ chết đến bị thương.
Hiển nhiên, trong cuộc tình lăng nhăng lít nhít này cả hai người đều trưởng thành và cùng gật đầu. Nhưng vẫn có một bên nắm trong tay cái quyền tuyển chọn hay sa thải nhân viên. Vậy là ai làm bốt trong sở thì cũng nắm phần hơn trong cuộc tình.
Đã có nhiều nữ nhân viên không dám kể ra những chuyện mình bị hất hủi hay loại ra khỏi chính trường khi … tình đã hết.
Cô phóng viên làm chương trình Four Corners, Loise Milligan, đã hót lên mạng Twitter: Four Corners phô bày chuyện lăng nhăng lít nhít này vì ‘có những phụ nữ làm việc tại quốc hội Úc đã điện thoại cho tôi suốt 5 tháng qua. Trong bụng họ rất buồn tủi vì bị chận họng và hất hủi’.
Trong khi đó, cô Rachell Miller lên tiếng trong chương trình Four Corners, lại thừa can đảm mà trình bày chi ly cuộc tình vụng trộm với một ngài bộ trưởng. Đồng thời, cổ cho thấy người kia đã xử với cổ như thế nào.
Khi hết tình với bộ trưởng Alan Tudge, cô Miller bị đổi sang chỗ làm khác. Sau đó, cổ bị giáng chức và phải rời chính trường.
Cô Miller nói: ‘Tôi mất tự tin vì tôi thấy mình bất lực khi phải bảo vệ cho mình … Chuyện đó không phải. Xử thế như vậy cũng không phải, và lối sống ở đó cũng không phải. Cần phải thay đổi.’
‘Lối sống ở đó’ do cô Miller nói ở trên là lối sống ở bên trong toà nhà Quốc Hội Úc. Toà nhà này ám đầy những giá trị bảo thủ của hai đảng Tự Do và Quốc Gia.
Ở đó rất bê bối, đám đực rựa làm chuyện lăng nhăng lít nhít, không màng tới ai thả dê ai, và thường coi bóng hồng như hạng bên dưới.
Cũng ở đó, không đủ sức nặn ra những chính sách nâng đỡ phụ nữ một cách thoả đáng.
Chính vì thế, tại sao nữ nhân viên làm việc tại toà nhà Quốc Hội vẫn chưa được hưởng một hệ thống quản trị nhân viên (HR) thích hợp và chưa có một ngả đường an toàn giúp họ trình báo các vụ thả dê.
Người ta đã nói nhiều câu này, nhưng ở đây xin nhắc lại thêm một lần nữa: Liên đảng (Tự Do & Quốc Gia) không có rắc rối gì với phụ nữ – họ đang rắc rối với đám đực rựa.
Dựa vào chuyện kể trong chương trình Four Corners tuần này, phụ nữ làm việc cho Liên Đảng không còn tìm cách thay đổi nội bộ nữa. Họ bắt đầu dùng con đường công khai hoá để thanh tẩy lối sống bên trong đảng.
Phụ nữ ở Úc xin gởi lời cầu chúc họ thành công.
Paula Matthewson
Cổ Nhuế (dịch)