Tin Việt Nam sáng thứ Tư

Miền Trung Việt Nam đối mặt với bệnh Whitmore bùng phát

Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2020, bệnh viện Trung ương Huế chỉ ghi nhận 11 bệnh nhân Whitmore. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11, số bệnh nhân tăng đột biến với gần 30 ca.

Truyền thông nhà nước vừa dẫn thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cảnh báo về số ca nhập viện điều trị bệnh Whitmore tăng đột biến từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11, với gần 30 ca.

Trong đó, 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. 50% bệnh nhân quê ở các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy… thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Theo Bệnh viện Trung ương Huế, số bệnh nhân tăng nhanh là do bão lụt kéo dài tại các tỉnh miền Trung. Nhiều người nhập viện ở giai đoạn muộn, bị nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng… Quá trình điều trị do đó khó khăn, chi phí điều trị cao song kết quả không khả quan.

Theo thống kê tại bệnh viện Trung ương Huế, từ 2014-2019 có khoảng 83 trường hợp được chẩn đoán Whitmore. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2020, bệnh viện ghi nhận 11 bệnh nhân Whitmore.

Trước đó, hôm 12/11, một chủ tịch xã ở Quảng Bình đã tử vong do nhiễm khuẩn bệnh Whitmore trong mưa lũ.

Bệnh Whitmore (hay còn gọi là bệnh Melioidosis) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp tính do vi khuẩn gram âm có tên Burkholderia Pseudomallei gây nên. Bệnh do bác sĩ Afred Whitmore mô tả năm 1912 tại Miến Điện, từ đó lấy tên Whitmore.

Bệnh thường gặp nhiều ở Đông Nam Á và Bắc Úc và cũng được thấy ở khu vực Nam Thái Bình Dương, châu Phi, Ấn Độ và Trung Đông. Trong đó, Bắc Úc và Đông Bắc Thái Lan là các điểm nóng về bệnh này.

Ở Việt Nam, bệnh Whitmore được Pons và Advier mô tả lần đầu tiên vào năm 1925 ở một phụ nữ trẻ tuổi sống ở ngoại thành Sài Gòn. Bệnh nhân tử vong trong bệnh cảnh nhiễm khuẩn huyết và đã phân lập được trực khuẩn Whitmore trong máu.

Vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei được tìm thấy trong đất, nước bẩn, đồng ruộng và các vùng nước tù đọng, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp. Vi khuẩn này có thể được dùng như một tác nhân tiềm năng trong chiến tranh sinh học và khủng bố sinh học.

Vi khuẩn gây Whitmore từ môi trường bên ngoài xâm nhập cơ thể chủ yếu qua những vị trí da bị xây xước hoặc qua vết thương. Người bệnh cũng có thể do hít phải bụi, hơi nước nhiễm khuẩn hoặc uống nước nhiễm khuẩn Burkholderia Pseudomallei. Tại chỗ xâm nhập, khuẩn này tạo thành các mụn mủ to nhỏ tùy theo mức độ, đôi khi là một ổ áp xe lớn.

Người sức đề kháng kém như bệnh nhiễm trùng mạn tính, sử dụng thuốc corticoid kéo dài, tiểu đường, bệnh thận, người nghiện rượu, nghiện ma túy… vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei xâm nhập máu sẽ gây nhiễm khuẩn huyết nặng. Vi khuẩn theo dòng máu đi đến khắp các cơ quan trong cơ thể, nhất là gan, lách, phổi, dẫn đến các ổ áp xe từ nhỏ đến lớn hoặc có thể liên kết với nhau.

Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến trầm trọng, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, bệnh nhân có thể tử vong.

Việc chẩn đoán xác định Melioidosis được thực hiện dựa trên các xét nghiệm vi sinh học trong máu, nước tiểu, đờm, hoặc tại phần da bị tổn thương. Hoặc có thể cấy vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei, làm kháng sinh đồ. Phương pháp xét nghiệm máu cũng rất hữu ích để phát hiện sớm các trường hợp cấp tính của Melioidosis, nhưng khi kết quả âm tính thì vẫn chưa thể hoàn toàn loại trừ.

Với thời gian ủ bệnh có thể từ 1-21 ngày, bệnh Whitmore có triệu chứng tùy theo thể (tối cấp, cấp tính, mạn tính), với thể tối cấp bệnh nhân có thể tử vong rất nhanh sau khoảng 48 giờ nhiễm bệnh, nhưng số lượng bệnh nhân nhiễm ở thể tối cấp rất hiếm gặp. Còn lại, hầu hết các bệnh nhân nhiễm Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, không rõ ràng, tổn thương đa cơ quan: viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tản mạn, nhiễm khuẩn khu trú như áp-xe cơ, áp-xe phần mềm, áp-xe gan,viêm hạch, viêm xương… Chẩn đoán dễ bỏ sót và dễ nhầm với bệnh khác, đặc biệt là lao do tính chất tổn thương giống lao.

Hiện bệnh Whitmore được phát hiện ở 80 quốc gia và hàng năm có khoảng 165.000 người nhiễm bệnh và bệnh cướp đi sinh mạng sống của 89.000 người. Dự báo, mỗi năm ở Việt Nam sẽ có khoảng 10.430 ca nhiễm bệnh Whitmore và khoảng 4.703 ca tử vong.

Xuất hiện nhiều vết nứt trên núi ở Quảng Nam

Trang Zing dẫn lời giới chức tỉnh Quảng Nam sáng nay cho biết, các cơn bão vừa đổ bộ và mưa lớn những ngày qua khiến một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ sạt lở.

Một số vết nứt trên núi xuất hiện khi bão số 9 đổ bộ, đến nay có dấu hiệu lớn hơn. Riêng vết nứt tại nóc Ông Khương rộng gần 30cm, dài hơn 40m.

Vết nứt này cắt ngang gây sụt lún, hỏng một đoạn đường bằng bê tông dẫn về phía trụ sở UBND xã.

Ngoài vị trí trên, xã Trà Giáp còn xuất hiện vết nứt tại núi Cáp Tun ở thôn 1. Khu vực này có 3 vết nứt, kéo dài hơn 50m. Dưới chân núi có 16 hộ dân với 62 nhân khẩu.

Chính quyền địa phương cho biết hiện chỉ mới di dời được 1 trong tổng số 20 hộ có nguy cơ bị vùi lấp do vẫn chưa tìm được khu vực tái định cư.

Giáo viên: Tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt quá sơ sài, chỉ để đối phó dư luận

Liên quan đến sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 mắc lỗi cơ bản được chỉnh sửa lại, giáo viên và các nhà làm giáo dục phản ánh vẫn còn nhiều điều chưa phù hợp.

Báo Tuổi trẻ dẫn lời cô N.T.T.V., giáo viên lớp 1 ở TP.HCM, cho biết: “Tôi thấy tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều làm quá sơ sài. Có nhiều chi tiết sai, khiên cưỡng, không phù hợp với thực tế cuộc sống mà trước đây chúng tôi đã phản ánh nhưng không hiểu sao không thấy sửa”.

Cô V. dẫn chứng nổi cộm nhất chính là SGK đã dùng những từ đơn một cách vô tội vạ, sai ngữ pháp. Ví dụ như trang 16 có hình cái cặp da nhưng SGK chỉ ghi mỗi chữ “da”; trang 48 có hình cây si nhưng chỉ ghi mỗi chữ “si”; trang 44 có hình con ngựa đang phi thì có mỗi chữ “phi”…

Cô H.T. ở Hà Nội chia sẻ SGK là tài liệu chính thức sử dụng trong quá trình dạy học. Nhưng Bộ GD-ĐT cho rằng giáo viên chủ động chọn từ ngữ thay thế. Việc này chưa rõ ràng nên sẽ khó khăn cho giáo viên khi thực hiện.

Một hiệu trưởng trường tiểu học ở Quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết so với từ ngữ trong các sách Tiếng Việt cách đây 30-40 năm thì từ ngữ này không hay, không có cảm xúc, khó đọng lại với trẻ.

Trong khi đó PGS Nguyễn Hữu Đạt, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết: “Muốn dùng SGK Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều thì phải biên soạn lại chứ không thể sửa chữa theo kiểu chắp vá. Bởi những sai sót trong sách không thể chỉ coi là “sạn” mà là những lỗi sai cơ bản về phương pháp biên soạn…”

Related posts