An Liên
Tiến sĩ Richard Gordon đã có bài bình luận trên tờ The Epoch Times thảo luận về việc tác động của dịch bệnh với chuỗi cung ứng toàn cầu và việc tẩy chay hàng Trung Quốc. Sau đây là toàn văn bài viết:
Hầu hết các cuốn sách về chuỗi cung ứng và toàn cầu hóa đều xem người tiêu dùng là một nhân tố tồn tại một cách hiển nhiên, khi bỏ qua thực tế rằng ở đầu cuối của mọi chuỗi cung ứng rốt cục đều là khách hàng.
Một sự thay đổi mới về kinh tế trên toàn cầu đang diễn ra để đáp lại hành vi của chính quyền Trung Quốc trong việc phát tán và từ chối trách nhiệm đối với đại dịch COVID-19. Điều này được phản ánh qua những hành động của các doanh nghiệp khi không còn đặt hàng từ Trung Quốc, cũng như những cá nhân khi phớt lờ các mặt hàng trong các cửa tiệm có gắn nhãn “Made in China”.
Cuốn sách mới nhất về chuỗi cung ứng “The New (Ab) Normal: Reshaping Business and Supply Chain Strategy Beyond Covid-19 (Sự [bất] bình thường mới: Định hình lại chiến lược kinh doanh và chuỗi cung ứng hậu Covid-19)” của tác giả Yossi Sheffi được xuất bản gần đây, tuy rằng đã cho thấy một cái nhìn tổng quan tuyệt vời về chuỗi cung ứng toàn cầu và tương lai của ngành thương mại điện tử, nhưng lại thất bại khi bỏ sót không đề cập đến hành vi của Trung Quốc trong việc thâu gom lượng lớn khẩu trang và thiết bị bảo hộ cá nhân khi họ để mặc dịch viêm phổi Vũ Hán lây lan ra toàn cầu, việc đồng lõa giấu dịch với Tổ chức Y tế Thế giới, việc quân đội Trung Quốc nắm quyền kiểm soát phòng thí nghiệm Vũ Hán vốn có thể là nơi bắt nguồn COVID-19, vụ hỏa hoạn “ngẫu nhiên” tại phòng thí nghiệm này vốn đã có thể phá hủy các hồ sơ liên quan đến virus, nỗ lực của Trung Quốc trong việc đổ lỗi cho các nước khác là nơi khởi nguồn COVID-19, và sự che đậy vai trò của mình trong việc biến dịch bệnh cục bộ trở thành đại dịch toàn cầu, cũng như việc dọa nạt tẩy chay những nước nào có thái độ chỉ trích cách xử lý dịch bệnh thiếu trách nhiệm của Bắc Kinh (ví như Úc).
Trong khi cách ly tại nhà và chờ vắc-xin, hầu hết người dân khắp thế giới đều đang tránh mua các sản phẩm của Trung Quốc, còn các doanh nghiệp cũng đang rời khỏi Trung Quốc – không chỉ vì hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ hay chi phí lao động ở đây đã tăng lên. Sự tẩy chay này hiếm khi xuất hiện trên các diễn đàn tin tức hoặc trong các cuộc thảo luận trước công chúng của các chính trị gia, có lẽ vì các chính trị gia cũng không kiểm soát được nó. Sự tẩy chay này đang diễn ra ở cấp độ cá nhân và ở cấp độ các doanh nghiệp nhỏ và lớn. Tôi biết nhiều chủ doanh nghiệp từ chối mua hàng Trung Quốc.
Đây là một vấn đề đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc và có thể dẫn đến sự sụp đổ của nó (như được mô tả trong cuốn “Sự sụp đổ cận kề của Trung Quốc” của tác giả Gordon Cheng, và “Chủ nghĩa tư bản lợi ích nhóm của Trung Quốc: Động lực thúc đẩy sự suy tàn của chế độ” của tác giả Minxin Pei), như đã xảy ra với Liên Xô sau thảm họa Chernobyl. Thật khó để trở thành công xưởng của thế giới, và tiến tới thống trị thế giới (“Cuộc đua Marathon Trăm năm: Chiến lược bí mật của Trung Quốc để thay thế Mỹ trở thành siêu cường toàn cầu” của tác giả Michael Pillsbury), nếu không ai mua đồ của bạn.
Hãy xem xét lời khuyên của tác giả Jeremy Haft trong cuốn “Tất cả hương vị trà ở Trung Quốc: Cách mua, bán và kiếm tiền ở đại lục” và “Unmade in China: Sự thật ẩn giấu về phép lạ kinh tế Trung Quốc”:
1. Không mua gì từ Trung Quốc
2. Bán bất cứ thứ gì từ Trung Quốc
Sách của ông Haft được viết trước đại dịch, lúc đó chủ yếu đặt trọng tâm thảo luận về chất lượng và tính độc hại của nhiều sản phẩm từ Trung Quốc. Nhưng bây giờ chúng ta phải đối mặt với một hiện tượng mới: ‘sự phẫn nộ’. Sự phẫn nộ này được làm nổi bật với những báo cáo về thức ăn cho chó bị nhiễm độc, vấn nạn lao động cưỡng bức, việc bỏ tù hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và những người bất đồng chính kiến, cộng với hành vi che dấu dịch bệnh của Bắc Kinh.
Sự tẩy chay này có thể là điều đang đánh thức ngay cả những tập đoàn khổng lồ, một số công ty đã chuyển nhà máy của họ ra khỏi Trung Quốc. Có lúc toàn bộ đất nước, chẳng hạn như Ấn Độ, đang tẩy chay Trung Quốc. Những lời đe dọa tẩy chay của Trung Quốc đối với những người không hợp tác với họ hoặc bị coi là trò bịp bợm hoặc sẽ dẫn tới phản ứng chuyển rời sang sản xuất trong nước và tại địa phương chứ không còn nhập khẩu từ Trung Quốc như trước.
75% lượng ma túy trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc, một thực trạng đã trở thành mối quan tâm lớn của các chính phủ, cùng với câu hỏi về mạng 5G và tính bảo mật đi kèm. Đã đến lúc chúng ta cần thảo luận cởi mở về việc tẩy chay Trung Quốc trên thực tiễn.
Tiến sĩ Gordon là nhà nghiên cứu tại Trung tâm C.S. Mott về Tăng trưởng và Phát triển Con người tại Đại học Bang Wayne ở Detroit, tiểu bang Michigan, Mỹ và là tình nguyện viên tại Phòng thí nghiệm Hải dương Mẫu vật vùng Vịnh ở Panacea, tiểu bang Florida.