Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam công bố trong 10 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng dịch COVID, số vốn đầu tư nước vào Việt Nam chỉ đạt 23,4 tỷ USD, giảm 5,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, số vốn đầu tư từ Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan và Hong Kong) được đánh giá vẫn duy trì ở mức ổn định với khoảng 4,86 tỷ USD trong 10 tháng.
Tổng vốn đầu tư của nhà đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong vào Việt Nam từ trước đến nay đã đạt trên 76 tỷ USD, vượt qua Hàn Quốc (70,4 tỷ USD) và Nhật Bản (gần 60 tỷ USD)…
Trao đổi với RFA về vấn đề này, chuyên gia Kinh tế, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh rằng thay vì mừng, bà cảm thấy lo lắng khi dòng đầu tư từ Trung Quốc “tăng tốc” vào Việt Nam. Trước hết bà cho biết:
Phạm Chi Lan: “Thực sự thì lâu nay mọi người vẫn mong muốn là có dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Năm nay có dịch COVID làm ảnh hưởng nhiều đến dòng đầu tư toàn cầu. Cũng ở trong khó khăn chung với các nước khác thì Việt Nam rất mong có được đầu tư nước ngoài. Bởi vì xưa nay, đối với Việt Nam, đầu tư nước ngoài và xuất khẩu luôn luôn là hai động lực quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai nữa là trong bối cảnh nhiều nước đang thay đổi, sắp xếp lại chuỗi giá trị của mình, và đang chuyển hướng kinh doanh, làm sao để bớt lệ thuộc vào Trung Quốc và có thể chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc đi các nơi khác.
Việt Nam cũng rất mong là mình có nhận được một phần cơ hội đó, khi mà các nước họ chuyển hướng. Đặc biệt là với những đối tác chiến lược của Việt Nam, ví dụ như các thành viên của EVFTA, Khối Liên minh châu Âu, hay là các đối tác quan trọng khác…
Bây giờ, dòng đầu tư từ Trung Quốc, cộng với Đài Loan và Hong Kong tăng lên mạnh như vậy thì làm cho tôi lo, bởi vì lâu nay đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam thường đi kèm với hàng loạt các vấn đề cho kinh tế Việt Nam.”
Cao Nguyên: Vì sao dòng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng lên lại là mối lo ngại?
Phạm Chi Lan: Ở Việt Nam, trên thực tế nói thật là khả năng kiểm soát các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư Trung Quốc là kém. Bởi vì thường là dựa vào những cái mà nhà đầu tư Trung Quốc họ hứa hẹn hơn là những cái mà chính bản thân mình có thể thẩm định được, đánh giá được chất lượng của nhà đầu tư đó như thế nào, quá trình họ thực hiện làm sao, mình sẽ giám sát như thế nào.
Thứ nhất là các dự án có thể gây ô nhiễm rất cao. Formosa là một ví dụ. Formosa mang danh nghĩa đầu tư Đài Loan nhưng thực tế là một công ty của Trung Quốc mang đầu tư thiết bị vào thực hiện đầu tư ở Việt Nam. Nó đã gây nên vụ tai họa, thảm họa, bi kịch ảnh hưởng rất lớn, đến bây giờ vẫn còn tác động xấu tới các tỉnh ở miền Trung.
Những dự án như nhiệt điện chẳng hạn. Nhiệt điện Vĩnh Tân gây ra biết bao nhiêu vấn đề về môi trường, về xử lý những chất xỉ than ấy như thế nào, hay là đem đổ xuống biển. Tất cả những vấn đề đó đã gây ra biết bao nhiêu vấn đề cho Việt Nam.
Rồi Ià điển hình của những con đường mà Trung Quốc tham gia xây dựng như là đường sắt Cát Linh Hà Đông, 13 cây số kéo dài đến gần 10 năm nay mà cũng không xong, tăng vốn lên gấp mấy lần, tạo thành một gánh nặng nợ lớn cho Việt Nam. Đồng thời, đó là một sự bôi xấu Việt Nam.
Hay là việc họ tham gia vào làm con đường cao tốc từ Đà Nẵng đến Quảng Nam, chỉ mới một tháng sau là hỏng. Khi hư hỏng thì người dân ở đấy tố cáo là bao nhiêu cái làm giả mạo chứ không phải thật, chất lượng rất kém.
Chuyện con đường Cát Linh Hà Đông là đã quá rõ là họ được quyền chỉ định thầu. Chỉ định cho một công ty không có năng lực để làm, kéo dài bao nhiêu lâu nay. Đến lúc ông Đinh La Thăng lên làm Bộ trưởng giao thông, ông đã kêu rằng phải bỏ nhà thầu đó đi, tước quyền không cho thầu nữa. Nhưng cuối cùng có làm được đâu. Bởi vì quyền chọn nhà thầu là quyền của phía cung cấp Trung Quốc, chứ không phải là của phía Việt Nam.
Một loạt những cái khác cũng vậy. Những vấn nạn ví dụ như mang danh là trồng rừng nhưng thực ra là phá rừng nguyên thủy đi để trồng lại những cây công nghiệp mới lên. Làm sao mà cây mới trồng có thể thay thế được cho rừng nguyên sinh. Những cái như thế rất là tệ. Trên danh nghĩa có vẻ là tốt đẹp, nhưng thực chất lại là phá rừng. Ở Việt Nam tình trạng lụt lội thời gian vừa qua cũng may mọi người tỉnh ngộ ra được phần nào là phá rừng như vậy rất tệ hại so với cái gọi là trồng rừng mới.
Tất cả những chuyện đó đã là quá nhiều bài học cho Việt Nam về chất lượng đầu tư của Trung Quốc. Cho nên, thực sự thấy đầu tư Trung Quốc tăng vọt lên trong năm nay thì tôi không mừng một chút nào mà tôi chỉ thấy lo mà thôi.”
Cao Nguyên: Là chuyên gia kinh tế, bà có đề xuất giải pháp nào để Việt Nam có thể tăng khả năng giám sát những nhà đầu tư nước ngoài?
Phạm Chi Lan: “Việt Nam trong thời gian vừa rồi cũng đã điều chỉnh Luật đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, đưa ra một nghị quyết về đầu tư nước ngoài đã có những chỉ đạo rất đúng đắn.
Trong đó nhấn mạnh đầu tư trước hết là phải quan tâm đến các vấn đề an ninh quốc phòng, không để cho bất cứ nhà đầu tư nào, kể cả Trung Quốc đến những địa điểm nhạy cảm về quốc phòng an ninh của Việt Nam. Bởi vì cái nước mà mình đang cần phải lo hàng đầu về an ninh quốc phòng chính là Trung Quốc. Cho đến bây giờ không có một nước nào khác nhòm ngó biên giới hay là lãnh hải, chủ quyền biển đảo với Việt Nam như Trung Quốc cả, mà Trung Quốc làm việc đó một cách công khai.
Thứ hai là cũng trong nghị quyết ấy của Bộ chính trị cũng nhấn rất mạnh đến việc môi trường phải đảm bảo đối với các dự án đầu tư nước ngoài, không chấp nhận những dự án đầu tư bẩn gây ô nhiễm môi trường. Đó là việc rút kinh nghiệm từ những vụ như Formosa mới có quyết định như thế.
Rồi yêu cầu về những việc như không được đút lót, đầu tư theo kiểu ẩn danh. Các nước khác họ vào đàng hoàng bằng tên của họ chứ họ không mang danh nhờ một người Việt Nam nào đó đứng tên để cho họ làm.
Những chủ trương như thế tôi cho là đúng đắn.”
Nhưng mà vấn đề ở Việt Nam bây giờ là năng lực về giám sát từ đầu cũng như năng lực để kiểm soát còn hạn chế. Ở Việt Nam 63 tỉnh thành thì nói thẳng là không phải ở đâu cũng đủ trình độ, đủ năng lực về mặt cán bộ, về mặt con người để nhận thức và hiểu được các vấn đề đó.”
Cao Nguyên: Người dân có thể làm gì để được tham gia giám sát các dự án đầu tư nước ngoài?
Phạm Chi Lan: Trước hết phải là trách nhiệm từ phía chính quyền. Bởi vì chính quyền là nơi cho phép thì họ phải có trách nhiệm trước người dân. Họ nhận lương từ tiền thuế của người dân để bảo vệ cho đất nước, bảo vệ cho quyền lợi kinh tế thì họ phải chịu trách nhiệm đầu tiên, chứ không thể đổ trách nhiệm đó cho người dân được.
Chính quyền Việt Nam cũng nên tạo điều kiện cho người dân biết thông tin và tham gia giám sát ngay từ đầu. Phải tin tưởng lời phản ánh của người dân và tạo điều kiện cho người dân được lên tiếng.
Cao Nguyên: Xin cảm ơn bà đã dành thời gian trả lời phỏng vấn.
C.N.
Nguồn: RFA