Việt Hải & Khánh Lan
Tôi có thể nói gì với bạn? … Có lẽ bạn đã tìm kiếm quá nhiều? Rằng trong tất cả những gì tìm kiếm, bạn không tìm thấy thời gian tìm kiếm? (What should I possibly to tell you?…Perhaps that you’re searching far too much? That in all that searching, you don’t find the time for finding?)
Trong văn học Âu châu nói chung hay của nước Ðức nói riêng thì có đôi bạn văn thân nhau như tri kỷ, chúng tôi muốn nhắc đền hai văn hào Hermann Hesse và Thomas Mann. Hermann Hesse với 2 tác phẩm nổi bật, Demian và Siddhartha và Thomas Mann cùng 2 tác phẩm nổi tiếng, The Magic Mountain và Death in Venice. Khi xem tác phẩm Công thức Tâm linh của Hermann Hesse của nhà văn & giáo sư Stefan Borbély (Hermann Hesse’s Spiritual Formula by Stefan Borbély), ông là giáo sư dạy môn văn học tại đại học Babes-Bolyai (Université Babes-Bolyai), Lỗ Ma Ni và là thành viên sáng lập Hiệp hội Nhà văn chuyên nghiệp của nhóm Rumani (Aspro). Giáo sư Stefan Borbely đã viết và xuất bản một số công trình nghiên cứu độc đáo về Hesse, được tổng hợp in trong cuốn The Steppenwolf’s Dream và Starting from Nietzsche.
Theo GS. Borbély, nhà văn Hermann Hesse thực sự được trao giải thưởng Nobel (1946) là nhờ vào những lời khuyến khích không ngừng của người bạn văn tâm đắc Thomas Mann. Thực vậy, đây là hai vị đồng nghiệp uyên bác về văn học của nước Đức, cả hai sinh vào đồng thế hệ, và cả hai đồng đoạt giải văn chương Nobel và giải Goeth: Hermann Hesse (1877-1962, Giải Nobel Văn học 1946, Giải Goethe cùng năm 1946) và Thomas Mann (1875-1955, Giải Nobel Văn học 1929, Giải Goethe năm 1949). Hai người bạn tìm thấy sự tương xứng và trao đổi rất nhiều thơ từ liên quan đền những tác phẩm văn học của họ.
“Công trình Công thức tâm linh của Hermann Hesse” của GS Stefan Borbély được công bố lần đầu tiên trên tạp chí học thuật Philologica Jassyensia của Học viện Rumani ở Iassy với nhan đề: “Stefan Borbely: Hermann Hesse’s Spiritual Formula”. Ðể rồi sau đó công trình này được hiệu đính để nó trở thành tài liệu văn học chung của phạm vi văn học quốc tế về tiểu thuyết thế kỷ XX, do giáo sư Micheal Sollar tại Đại học Texas phụ trách, (The facts on file companion to the world Novel, 1900 to the present). Ðây là một bộ sách văn học đồ sộ với hơn 600 đề mục gồm những bài viết học thuật điển hình của rất nhiều học giả nghiên cứu văn học tiêu biểu trên thế giới về các tác giả, tác phẩm văn học thời kỳ hiện đại. Trong quá trình nghiên cứu này của GS. Borbely đã xét đến những ảnh hưởng khác nhau và đã để lại những điểm sâu sắc trong tác phẩm của Hesse; trong dó có tình bạn của Hermann Hesse và Thomas Mann, ví dụ như Mann cho bố cục những chủ đề về tương quan giữa hai giới tư sản và các nghệ sĩ tự do đã hiện diện trong dòng văn học của Hesse và Mann.
Với một cái nhìn sâu xa hơn thì tiểu thuyết của Hermann Hesse chứa đựng những ý tường, nhân sinh quan về đời sống phương Đông với các tôn giáo thần bí; về tâm lý của các nhân vật của ông; phong cách đạo đức Nietzsche (Nietzsche and aestheticism), khoa phân tâm học Freud-Jung (Freud – Jung psychoanalysis), tâm hồn bị giam giữ trong cảnh cầm tù giữa ánh sáng và bóng tối; ảnh hưởng trái ngược của người mẹ và người cha; chiến tranh thế giới,… Văn học của Hesse ẩn chứa chiều sâu tâm linh, phản ảnh nề nếp đạo đức dưa con người về với nhân bản tính và chân thiện mỹ. Sau đây là bài viết về văn hào Hermann Hesse… Trong danh tác Demian, Hesse đã nhờ Thomas Mann đọc bản thảo viết cho lời giới thiệu, bài viết thật đầy nồng nhiệt cho người bạn văn của mình…
Tiểu sử và sự nghiệp văn chương:
Hermann Hesse là nhà văn, nhà thơ Đức quốc tịch Thụy Sĩ, ông sinh ngày02/07/1877 tạiCalw Ðức và mất ngày09/08/1962, năm 85 tuổi, ông mất khi đang ngủ vì xuất huyết não tại Montagnola, Thụy Sĩ. Hermann Hesse được trao Giải Nobel Văn học năm 1946 và Giải Hòa bình của ngành kinh doanh sách Đức năm 1955, hơn mười năm sau khi ông được tặng Giải thưởng Nobel về văn học. Hermann chiụ ảnh hưởng bởi Nietzsche và Thomas Mann.
Trong các bức thư gửi cha mẹ ông đã bày tỏ quan điểm của mình là “đạo đức của người nghệ sĩ đã được thay thế bởi thẩm mỹ”. Tháng 10 năm 1895, Hermann Hesse làm việc tại tiệm bán sách Heckenhauer ở Tübingen, một tiệm bán sách về thần học, triết học và luật. Sau mỗi ngày làm việc 12 tiếng Hesse tự học những sách về thần học, đặc biệt là các tác phẩm của Goethe, Lessing, Schiller và các bài về thần thoại Hy Lạp. Năm 1896 bài thơ đầu tiên của Hermann Hesse, “Madonna” được in trong một tạp chí xuất bản ở Wien, các bài thơ khác lần lượt được đăng trong các số phát hành của Organ für Dichtkunst und Kritik (Cơ quan về nghệ thuật thơ và phê bình). Năm 1898 Hermann Hesse đọc chủ yếu các tác phẩm của thời kỳ lãng mạn Đức như Clemens Brentano, Joseph Freiherr von Eichendorff và Novalis. Mùa thu 1898 Hermann Hesse xuất bản tập thơ đầu tiên: Romantische Lieder (Các bài hát lãng mạn), và mùa hè 1899 tập văn xuôi Eine Stunde hinter Mitternacht (Một giờ đằng sau nửa đêm). Cả hai tác phẩm đều thất bại về mặt kinh doanh. Trong vòng hai năm chỉ bán được 54 bản trong tổng số 600 quyển Romantische Lieder được phát hành, Eine Stunde hinter Mitternacht cũng được phát hành 600 quyển và được bán rất chậm.
Ðầu mùa thu 1899, Hermann Hesse làm việc cho một tiệm bán sách cũ có uy tín ở Basel, tại đây cả một thế giới tri thức nghệ thuật với nhiều cổ vũ phong phú đã mở cửa ra đón chào ông. Thành phố Basel đồng thời cũng mang lại cho một con người sống cô độc như Hermann Hesse về sống ẩn náu, ông đi du ngoạn, đi dạo để tự tìm tòi nghệ thuật và giúp ông dùng bút mực miêu tả những cảm xúc của mình. Năm 1900 Hermann Hesse được miễn phục vụ quân sự vì thị lực yếu. Bệnh tật này tồn tại mãi suốt cuộc đời cũng như bệnh đau đầu của ông. Năm 1901 Hermann Hesse đi du lịch nước Ý và chuyển về làm tại tiệm bán sách cũ Wattenwyl ở Basel, thời gian này ông có nhiều cơ hội để đăng các bài thơ và văn ngắn trên các tạp chí. Nhà xuất bản Samuel Fischer đã chú ý đến quyển tiểu thuyết Peter Camenzind và cho in thử năm 1903, phát hành năm 1904.
Năm 1957 Karlheinz Deschner viết trong bài văn tranh luận Kitsch, Konvention und Kunst: “Việc Hermann Hesse xuất bản quá nhiều các vần thơ hoàn toàn không có trình độ như vậy là một điều vô kỷ luật đáng tiếc, một sự man rợ về văn học“. Trong các thập kỷ sau đó, giới phê bình văn chương Đức nối tiếp đánh giá nhữngtác phẩm của Hermann Hesse, một vài nhà xuất bản xếp vào loại văn chương của ôngvào loại giả mạo. Việc chấp nhận Hermann Hesse xuống đến điểm thấp nhất ở Ðức vào thập niên 1960 trong khi giới thanh niên ở Mỹ phát ra một sự “bùng nổ Hesse” và lan tràn về lại Đức; đặc biệt quyển Der Steppenwolf trở thành quyển sách bán chạy nhất (bestseller) và Hesse trở thành tác giả người Đức được đọc và dịch nhiều nhất. Hơn 100 triệu quyển sách của ông đã được bán trên khắp thế giới. Để tưởng niệm Hermann Hesse lãnh hai giải thưởng văn chương, ông được đặt tên là: Giải thưởng Hermann Hesse và Giải thưởng văn học Hermann Hesse.
Giải thưởng Nobel dành cho Hermann Hesse không chỉ đơn thuần là sự khẳng định danh tiếng của ông mà nó còn tôn vinh thành quả văn thơ của ông thể hiện qua hình ảnh một con người tốt trong cuộc đấu tranh văn học của ông, đi theo tiếng gọi của sự trung thành, một người đã thành công trong trọng trách bảo vệ cho chủ nghĩa nhân đạo đích thực. Anders Österling, Thư ký của Viện Hàn lâm Thụy Điển đã tuyên dương Hermann Hasse như sau: “Giải Nobel Văn học năm 1946 được trao cho một nhà văn gốc Đức, người được giới phê bình ca ngợi rộng rãi và là người đã sáng tác bất chấp thị hiếu công chúng. Nhà văn Hermann Hesse 69 tuổi giờ có thể nhìn lại những thành tựu đáng kể của mình, bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ, một phần trong số đó đã được dịch sang tiếng Thụy Điển. Tập thơ Trost der Nacht (1929) (Niềm khuây khoả trong đêm) phản ánh một cách rõ nét phi thường không chỉ kịch tính nội tâm, sức khoẻ, những giờ khắc đau yếu và sự tự vấn quyết liệt của ông, mà cả sự hiến mình của ông cho cuộc sống, niềm vui trong hội hoạ và sự tôn sùng thiên nhiên. Tập thơ sau của ông Neue Gedichte (1937) (Những bài thơ mới), tràn đầy sự minh triết của một người ở tuổi xế bóng và những kinh nghiệm u sầu, nó cho thấy cảm xúc dâng trào trong hình ảnh, thể thức và giai điệu”.
Năm 1899, Hermann Hesse phát hành tập thơ đầu tiên với những bài ca lãng mạn và viết nhiều bài phê bình, nhưng ít được chú ý. Năm1904, tiểu thuyết lãng mạn giáo huấn Peter Camenzind mang đến thành công cho sự nghiệp văn chương đầu tiên cho ông, từ đó Hermann Hesse cống hiến hoàn toàn cuộcđời mình cho sự nghiệp sáng tác văn học, chủ yếu viết truyện ngắn loại tự thuật. Dưới bánh xe lăn (Unterm Rad, 1906), tiểu thuyết. Gertrud (1910), tiểu thuyết. Rosshalde (1914), tiểu thuyết. Knulp (1915), truyện vừa. Demian (1917), tiểu thuyết. Mùahạ cuối cùng của Klingsors (Klingsors letzter Sommer, 1918), truyện vừa, (Klingsor’s last summer). Siddhartha, Bản trường ca Ấn Ðộ (Siddhartha. Eine Indische Dichtung, 1920), tiểu thuyết. Thơ (Gedichte, 1922), tập thơ. Từ Ấn Ðộ (Aus Indien, 1923), thơ. Năm 1924, ông trở thành công dân Thụy Sĩ và xuất bản tiểu thuyết Sói đồng hoang (Der Steppenwolf,1927), một cuốn sách thuộc hàng best-seller. Narziss và Goldmund (Narziss und Goldmund, 1929), tiểu thuyết. Ðêm an ủi (Trost der Nacht, 1929), thơ. Hành trình về Phương Ðông (Die Morgenlandfahrt, 1932), tiểu thuyết (The journey to the East). Trò chơi với chuỗi hạt cườm (Das Glasperlenspiel, 1943), tiểu thuyết. Tiểu thuyết Trò chơi với chuỗi hạt cườm (xuất bản năm 1943) như một bản tổng hợp toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Hermann Hesse và nâng ông ông lên một tầm cao trong vấn đề sự dung hòa đời sống tinh thần và thế tục. Chiến tranh và hòa bình (Krieg und Frieden, 1946), (War and peace).
Trong thời kỳ đảng Quốc xã cầm quyền ở Đức, Hermann Hesse sống “lưu vong” ngay trên đất nước mình. Kể từ sau khi nhận giải Nobel, Hermann Hesse không viết thêm được tác phẩm nào ngoài các tiểu luận, thư từ. Gần 20 tác phẩm của Hermann Hesse đã được dịch sang tiếng Việt; có cuốn có đến hai ba bản dịch khác nhau; có cuốn được tái bản đến năm sáu lần, trong đó có hai tác phẩm nổi tiếng là Câu chuyện của dòng sông (nguyên tác: Siddhartha, tiểu thuyết), Phùng Khánh – Phùng Thăng dịch, NXB An Tiêm, 1967; NXB Lá Bối, 1965-1966; NXB Hội Nhà Văn, 1988-1996-1998-2001. Tuổi trẻ băn khoăn (nguyên tác: Demian, tiểu thuyết), Hoài Khanh dịch, NXB Ca Dao, 1968-1971-1974; NXB Hội Nhà Văn, 1998. (Tài liệu: Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây).
Tham luận tác phẩm:
Hermann Hesse là một trong những nhà văn viết tiếng Ðức được đọc nhiều nhất trên thế giới, ông được tặng Giải Nobel Văn học vì nộidung cốt truyện mang đậm truyền thống nhân đạo cổ điển, thể hiện bằng một văn phong sáng tỏ. Tất cả các tác phẩm của Hermann Hesse đều chứa đựng một phần tính tự truyện, đặc biệt trong tác phẩm Steppenwolf, quyển tiểu thuyết có thể được lấy làm thí dụ cho một “tiểu thuyết về một cơn khủng hoảng trong cuộc sống”. Trong hai quyển tiểu thuyết Die Morgenlandfahrt và Das Glasperlenspiel, Hermann Hesse trở về đề tài ông đã viết trong Peter Camenzind: sự đối lập giữa vita activa (sống để làm việc từ thiện cho người khác) và vita contemplativa (sống để tìm sự giải thoát cho bản thân). Hầuhết các phẩm của ông được cả bạn đọc Phương Tây lẫn Phương Ðông yêu thích.
Tài năng biến đổi đặc biệt trong cách diễn tả của Hermann Hesse, một nhà thơ lãng mạn đã hấp dẫn và thu hút được nhiều độc giả. Ông là một nhà thơ khó hiểu, thẳng thắn với một tâm hồn Nam Đức thể hiện qua sự tự do và lòng mộ đạo. Trong một đoạn văn, Hermann Hesse nói: “Người ta không bao giờ được hài lòng với thực tại, người ta chẳng nên say đắm cũng như tôn thờ nó, bởi cái thực tại thấp kém, luôn gây thất vọng và đáng buồn này chẳng thể thay đổi trừ phi ta phủ nhận nó bằng cách chứng tỏ sức mạnh siêu việt của chúng ta”. Các tác phẩm đầu tiên của Hermann Hesse vẫn còn mang tính truyền thống của thế kỷ thứ 19, phong cách của quyển Peter Camenzind được coi như là một tiểu thuyết giáo dục tiếp nối quyển Grüne Heindrich của Gottfried Keller. Về nội dung Hermann Hesse phản đối sự công nghiệp hóa và đô thị hóa, đi theo xu hướng của phong trào thanh niên thời kỳ này. Cấu trúc của quyển Peter Camenzind qua sự đối chiếu giữa thành thị, nông thôn và tương phản nam nữ trong các tác phẩm Demina và Steppenwolf. Một khía cạnh quan trọng khác trong các tác phẩm của Herman Hesse là sự duy linh (spirituality) như trong quyển tiểu thuyết Siddharta đặt nền tảng trên đạo giáo Ấn Ðộ, đạo Lão và thuyết thần bí của Thiên chúa giáo. Một số nhà phê bình chỉ trích Hesse là ông đã sử dụng văn chương để diễn đạt thế giới quan của mình.
Tóm tắt nội dung tác phẩm: Tuổi trẻ băn khoăn (Demian) và Câu Chuyện Dòng Sông (Siddhartha)
Nhận định Tuổi trẻ băn khoăn (nguyên tác: Demian):
Tuổi trẻ chấm dứt khi tính vị kỷ kết thúc; sự trưởng thành bắt đầu khi ta sống vì người khác. (Youth ends when egotism does; maturity begins when one lives for others)
Theo tác giả Phương Hoa, “Tuổi trẻ băn khoăn” là những băn khoăn trong công cuộc tìm kiếm chính mình khi bước sang giai đoạn trưởng thành là lúc người ta đặt nhiều câu hỏi cho chính mình. Làm sao để tìm và đối diện với bản ngã của chính mình? Và phải làn gì nếu ta rơi vào trạng thái hoang mang, lạc lối? Phải chăng sau khi đọc Tuổi trẻ băn khoăn (Demian) của Hermann Hesse, ta sẽ tìm được câu trả lời chân thực?
“Tuổi trẻ băn khoăn” là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Hermann Hesse được xuất bản năm 1904. Cuốn tiểu thuyết được bắt đầu bằng những dòng chữ: “Từ buổi thái sơ đã có huyền tượng. Thần linh muốn lên tiếng đã làm cho huyền tượng xuất hiện trong tâm hồn cổ lỗ của người Ấn Ðộ, người Hy Lạp, người Đức, và mỗi ngày lại tái tạo huyền tượng trong tâm hồn trẻ con.” Cuốn tiểu thuyết là những áng thơ và nhân vật chính trong truyện cũng khát khao trở thành một nhà thơ, nguyện dâng hiến cả cuộc đời mình để tạo nên những vần thơ tuyệt đẹp.
Nhân vật chính trong Tuổi trẻ băn khoăn, Peter Camenzind đã trải qua những cuộc hành trình và chịu đựng rất nhiều những đau đớn đến cùng cực về trí tuệ, về thể xác cũng như về tâm hồn. Trong cuộc hành trình của mình, anh đã đặt chân đến những nơi danh lam thắng cảnh khác nhau trên đất Đức, đất Ý, đất Pháp và đất Thụy Sĩ. Anh cũng trải nghiệm qua rất nhiều cung bậc cảm xúc rất khác nhau mà loài người thể hiện qua những bước thăng trầm trong cuộc đời mình. Trong những tháng ngày gần cuối cuộc đời, anh là một mẫu người lý tưởng hiện thân cho Thánh Francis khi anh kết bạn và chăm sóc cho một người què chân. Peter Camenzind, khi còn trẻ, rời bỏ làng quê miền núi của mình mang theo một tham vọng lớn lao sẽ đặt chân đến mọi miền trên thế giới và trở thành một trong những kiều dân được phép cư trú trên mỗi vùng miền đất ấy. Đã từng trải qua niềm đau mất mẹ khi tuổi còn ấu thơ và ao ước được rời bỏ người cha nhẫn tâm, anh hướng mình thi đậu trường đại học. Trong quá trình học, anh đem lòng yêu Rosi Girtanner và trở thành một người bạn thân thiết của Richard. Quá đau buồn trước cái chết của Richard, anh lại lang thang chìm ngập vào những trải nghiệm khác nhau của cuộc sống. Liên tục phải đối mặt với những thăng trầm của cuộc đời, anh lấy men rượu làm phương tiện để đương đầu với sự khắc nghiệt và những điều kỳ lạ không thể giải thích được của cuộc sống. Anh cũng gặp và đem lòng yêu Elizabeth, bất luận cô sẽ lấy một người khác làm chồng. Tuy nhiên, cuộc hành trình của anh ngang qua đất Ý đã làm thay đổi nhiều khía cạnh trong con người anh. Nó làm gia tăng khả năng yêu đời và khả năng nhìn nhận cái đẹp giữa muôn trùng sự vật của anh. Chỉ đến khi anh kết bạn với Boppi, một nguời khuyết tật, anh mới thực sự hiểu được ý nghĩa của lòng thương yêu giữa người với người. Lúc ấy, anh mới nhìn nhận được những hình thái cao quý nhất của tình người được phản chiếu hoàn mỹ qua con nguời của Boppi và qua những khó khăn mà hai người phải vượt qua để có với nhau một tình bạn không thể phai mờ. Sau khi Boppi chết, Peter Camenzind trở về làng và chăm sóc người cha đã có tuổi của mình, ngay cả khi anh đã lên kế hoạch hoàn thành công việc vĩ đại của đời mình.
Nhân vật thứ hai là cậu bé Emil Sinclair, sinh ra trong một gia đình gia giáo, khá giả, nền nếp và hạnh phúc với sự chăm sóc, thương yêu từ cha mẹ và anh chị em. Nhưng cậu tự nhận thấy câu chuyện của mình không hề thú vị, nó không ngọt ngào dễ chịu mà chỉ mang mùi vị của sự nhảm nhí và hỗn độn, điên khùng và mộng mơ – giống như cuộc đời của tất cả những kẻ không muốn lừa dối bản thân thêm chút nào nữa. Cậu bắt đầu lớn, Emil Sinclair dần dần rời xa cái thế giới tốt đẹp – nơi có ánh sáng dịu nhẹ, bàn tay sạch sẽ, quần áo tươm tất và cách hành xử lễ độ, cậu tiến gần hơn với thế giới tăm tối, một thế giới của những tin đồn và tai tiếng. Emil Sinclair đã bị đứa trẻ xấu, lớn hơn tên Franz Kromer tống tiền, cậu đã phải ăn cắp tiền tiết kiệm, lấy trộm tiền của cô hầu gái, lấy đồ ăn đưa cho Franz Kromer. Emil Sinclair đối diện với cái ác chính trong tâm hồn mình và luôn luôn mơ thấy ác mộng, sợ hãi, khó thở. Đầu tiên, cậu sợ bị tốcáo ăn cắp táo, ăn cắp tiền và sợ phải đối diện với những người thân yêu của mình.
Từ tội ác này nảy sinh tội ác khác, tưởng chừng nếu kéo dài việc này mãi cậu sẽ chìm ngập trong tội lỗi, nhưng may thay Demian xuất hiện, lớn, chững chạc và từng trải hơn Emil Sinclair. Demian đã cứu Emil Sanclair khỏi tay Franz Kromer. Emil Sinclair đã phá bỏ dần dần cái thế giới “gia đình” và hòa nhập với thế giới mới của những con người ngoài người thân. Demian dạy cậu đối diện theo cách của mình, với sự biến đổi trong cơ thể, như tính dục, sự hiềm khích, cảm giác muốn, làm cái ác, sự trả thù.
Nhân vật thứ ba là Demian. Demian đem lại nhiều tư tưởng táo bạo, những ý tưởng mới xóa bỏ các quan niệm thông thường như việc Demian nghĩ nhân loại nên coi trọng tất cả mọi thứ và xem cả thế giới đều thiêng liêng, bao gồm những thứ tốt đẹp, cao quý, uy nghi và cả những việc gắn liền với quỷ dữ. Quan điểm của Demian về thế giới đạo đức công khai và thế giới đen tối bị che đậy hoàn toàn trùng khớp với những băn khoăn của Emil Sinclair về hai thế giới: Vấn đề của đời sống và tư duy.
Trên con đường tìm kiếm bản thân Emil Sinclair đã gặp Alfons Beck, nhân vật thứ tư đại diện cho sự cám dỗ trong cuộc đời trưởng thành. Khác với Demian, Alfons Beck vui hơn, hắn ta rành rõ về nữ giới thứ nhục dục mà cậu đang kiềm chế trong mình, hắn dẫn cậu sa ngã vào cạm bẫy của bia rượu, lâu dần cậu trở thành tên bợm nhậu, từng bị thầy cô dọa đuổi học. Trong giai đoạn Emil Sinclair mãi chìm đắm trong men rượu, cậu gặp Beatrice và đem lòng yêu mến cô, sự mê đắm mãnh liệt ấy đã thay đổi con người cậu hoàn toàn trở về người thuần khiết, quý phái và ngay thẳng trong mọi hành động. Hình ảnh Beatrice cho ta thấy được sức mạnh khủng khiếp của tình yêu có thể thay đổi một con người gần như ở dưới đáy của xã hội dù đó là tình yêu đơn phương.
Vài ba lần Emil Sinclair dạo quanh thành phố cậu nghe được tiếng đàn trong nhà thờ, người chơi đàn ấy là Pistorius, nhân vật thứ năm. Pistorius là người dẫn đường, anủi, khuyên nhủ giúp Emil Sinclair có thêm động lực và niềm tin vào bản thân. Pistorius đã nói với cậu rằng : “Cậu không thể mãi so sánh bản thân với người khác, nếu thiên nhiên đã quyết định cậu là một con dơi, cậu không biến thành một con đà điểu được“. Sau một quãng thời gian yêu Beatrice, tình yêu của Emil Sinclair nhường chỗ cho Eva, mẹ của Demian, khiến cho cậu có những ước mơ và tình yêu thật sự, tình yêu mà Sinclair dành cho Eva giúp cậu lớn lên và hoàn thiện bản thân mình. Phải yêu bản thân mình trước hẳn yêu người khác bằng chính con người thật của mình. Bức thư của Demian là một bài học hay cho Emil Sinclair “Chú chim đấu tranh thoát khỏi quả trứng. Quả trứng là thế giới. Ai muốn được sinh ra trước hết phải phá hủy một thế giới. Chú chim bay tới bên chúa. Tên vị chúa là Abraxas. Abraxas không phải người đại diện cho cái ác hay cái thiện, mà là người đại diện cho ánh sáng và bóng tối.
Ở cuối tác phẩm (thời gian là năm 1914), Demian nói với bạn cậu Emil Sinclair: “Sẽ có chiến tranh… Nhưng Sinclair ạ, cậu sẽ thấy rằng đây chỉ là mới bắt đầu. Có lẽ nó sẽ trở thành một cuộc chiến tranh trên một bình diện khổng lồ. Nhưng ngay cả điều ấy nó cũng chỉ là mới khởi đầu. Thế giới mới đang bắt đầu: và đối với những kẻ nào còn khư khư bám vào cái cũ thì thế giới mới ấy sẽ là một điều khủng khiếp. Cậu sẽ làm gì?”
Nhà văn Hermann Hesse đã gột tả được sâu sắc nội tâm đầy nhiễu động của Sinclair – từ những lo sợ, dằn vặt về tinh thần và cảm giác đánh mất bản thân, đến việc cố gắng xây dựng một “thế giới tươi sáng” trên đống đổ nát mà cậu gây ra và hi sinh hết thảy để tẩy sạch mọi thứ xấu xa đen tối. Bất cứ ai đọc Tuổi trẻ băn khoăn (Demian) đều sẽ thấy thấp thoáng bóng dáng bản thân trong chính câu chuyện của cậu. Chúng ta có thể không mắc những sai lầm như Emil Sinclair, nhưng chắc chắn cũng có lúc chúng ta rơi vào trạng thái hoang mang, lạc lối giống như cậu. Qua những băn khoăn trên chặng đường trưởng thành của Emil Sinclair, tác giả như muốn truyền tải thông điệp về câu chuyện đối thoại với bản thân, với tiếng nói trong sâu thẳm tâm hồn mình và đâu là những giá trị và giấc mơ chúng ta cần theo đuổi, đâu là lẽ sống đích thực của đời mình.
“Tôi bắt đầu hiểu rằng sự đau khổ, thất vọng và sầu muộn không tồn tại để làm ta khốn khổ, hay coi rẻ ta, hay tước đoạt đi của ta sự tự tôn. Chúng ở đó để biến đổi ta và khiến ta trưởng thành”.I began to understand that suffering and disappointments and melancholy are there not to vex us or cheapen us or deprive us of our dignity but to mature and transfigure us).
Tóm lại, Từ tuổi bước vào con đường trưởng thành Hermann Hesse đề cao những yếu tố chân thiện mỹ khi cảm hoá con người bằng lòng bao dung, từ bi, để tác phẩm mang giá trị nhân bản, ở khía cạnh đạo đức, nó trở thành phiên bản tốt nhất cho xã hội và con người khi ta lượng giá lại chính mình.
Tuổi trẻ băn khoăn Hermann Hesse thiên về triết lý tôn giáo, tâm linh và triết tính nhân sinh quan của Hermann Hesse. Tác phẩm chuyên chở những điều hay cho cuộc sống qua thông điệp của Demian chất chứa ý niệm của Freud con người sinh ra với bản thiện, xã hội xung quanh tạo cho con người đi lạc như quan điểm tương đồng của Khổng Tử vì “Nhân chi sơ tính bản thiện“. Với Emil Sinclair của “Demian”, đó là cuộc đấu tranh giữa thế giới thực với thế giới tinh thần, giữa thân xác và linh hồn, nơi mà “chú chim đấu tranh thoát khỏi quả trứng. Quả trứng là thế giới. Ai muốn được sinh ra, trước hết phải phá hủy một thế giới”.
“Cuộc đời mỗi người chính là con đường trở về với bản ngã, là công cuộc tìm kiếm dấu hiệu cho một lối đi. Chẳng có ai đạt được sự tự nhận thức hoàn toàn và thấu triệt; nhưng người ta sau đó vẫn cố nỗ lực, có người thì vụng về, kẻ thì khéo léo và thông minh hơn, ai cũng cố hết sức cả“.
Nhận định Câu Chuyện Dòng Sông (Siddhartha):
“Bạn đã học được bí mật của dòng sông chưa; rằng không có thứ gọi là thời gian? Rằng sông ở mọi nơi cùng một lúc, ở đầu nguồn và ở cửa biển, ở thác nước, ở bến phà, ở dòng chảy, trong đại dương, trên những ngọn núi, ở mọi nơi và hiện thực chỉ tồn tại vì nó, không phải cái bóng của quá khứ, hay cái bóng của tương lai”. (Have you also learned that secret from the river; that there is no such thing as time? That the river is everywhere at the same time, at the source and at the mouth, at the waterfall, at the ferry, at the current, in the ocean and in the mountains, everywhere and that the present only exists for it, not the shadow of the past nor the shadow of the future).
“Câu chuyện dòng Sông”(Siddhartha) là cuốn tiểu thuyết có tính tự truyện nói lên thân phận con người, mà nhân vật trong truyện cũng là chính ông trong cuộc sống. Với lời văn đầy cảm xúc nhẹ nhàng, sâu lắng và huyền bí của nền văn minh Ấn Độ, những giá trị tinh thần phương Ðông, Hermann Hesse đã thành công khi viết cuốn tiểu thuyết “Câu chuyện dòng sông” (Siddhartha). Câu chuyện lấy thời điểm Ðức Phật còn tại thế, kể về hành trình tâm linh của một anh chàng trẻ tuổi theo đạo Bàlamôn tên là Tất Đạt (Siddhartha) và người bạn thân Thiện Hữu (Govinda) rời bỏ gia đình và quê hương để gia nhập đoàn Sa Môn tu khổ hạnh, đây là lần ra đi thứ nhất của anh để tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Tất Đạt hy vọng sự khổ hạnh sẽ làm anh giác ngộ và đạt tới được vô ngã, nhưng dần dần, anh thất vọng vì cảm thấy khổ hạnh không đem đến cho anh bình an thực sự. Tất Đạt đến tìm gặp Đức Phật, mặc dù không một chút nghi ngờ về giáo lý của Ngài, nhưng anh không xin ở lại để tu theo Ngài như Thiện Hữu. Tất Đạt ra đi vì không phải để tìm một giáo lý hay một người thầy giỏi hơn mà để chứng nghiệm sự giác ngộ của mình chỉ bằng trải nghiệm, chứ không bằng sự truyền đạt qua sách vở hay ngôn từ.
Lần ra đi này là thứ hai để đi tìm lấy chính mình. Tất Đạt đi lang thang và gặp được Kiều Lan (Kamala), một kỹ nữ nổi tiếng xinh đẹp và giàu có. Chàng Tất Đạt Sa Môn trẻ tuổi vô sản này chỉ có ba cái khả năng là biết suy nghĩ, biết chờ đợi và biết nhịn đói do nhờ sự luyện tập. Khả năng biết suy nghĩ có nghĩa là sáng suốt, tỉnh táo; biết chờ đợi có nghĩa là kiên nhẫn, thinh lặng, lắng nghe và biết nhịn đói có nghĩa là biết buông xả, từ bỏ. Với ba khả năng đó, Tất Đạt đã chinh phục được người đẹp Kiều Lan, anh đã được nàng dạy cho nghệ thuật yêu đương, học cách kiếm tiền, tiêu tiền sau khi trở thành một cộng sự viên đắc lực cho nhà buôn giàu có Giạng Mỹ (Kamaswami). Tất Ðạt từ từ rơi vào sa đọa, càng xuống tận cùng của dục lạc, anh càng thấy trống rỗng và chán ngấy. Đây cũng là lúc Tất Đạt cảm thấy đánh mất ba cái khả năng biết suy nghĩ, biết chờ đợi và biết nhịn đói của anh.
Tuyệt vọng Tất Ðạt lại bỏ ra đi, lần ra đi thứ ba này là để đi tìm sự giác ngộ, anh tới một dòng sông và định trầm mình tự vẫn, bỗng nhiên anh nghe vẳng lại từ dòng sông có tiếng “Om” linh thiêng mầu nhiệm vang lên trong tâm thức đã làm anh tỉnh thức. Tất Đạt gặp người lái đò, Vệ Sử (Vasudeva) và quyết định ở lại với ông, anh và Vệ Sử sống êm đềm bên cạnh dòng sông và làm nghề chèo thuyền đưa khách qua sông. Tất Đạt lắng nghe dòng sông như một người thầy của mình, dòng sông đã dạy cho anh sự lắng nghe với tâm tĩnh lặng, lòng rộng mở, không đam mê, không cầu mong, không phán xét và không thành kiến. Dòng sông nói với Tất Đạt hãy sống cho hôm nay và không sống cho cái bóng của hôm qua hay cái bóng của ngày mai.
Trong thời gian Tất Ðạt xa Kiều Lan, nàng đã sinh một con trai cho Tất Đạt, nhưng chàng không hề biết. Hai mẹ con Kiều Lan trong chuyến hành hương viếng Đức Phật sắp nhập Niết bàn, nàng bị rắn cắn. Trước khi chết, Kiều Lan đã gặp Tất Đạt và cho chàng hay đứa trẻ này là con trai của chàng. Tất Đạt sung sướng nhận đứa con và chàng muốn nó sẽ có cuộc sống bình an giản dị như chàng, nhưng nó là một đứa trẻ sống quen trong giàu sang nhung lụa đã chống lại anh và bỏ ra đi, quay trở về thành phố của nó. Tất Đạt đau khổ định đi tìm con, nhưng người lái đò Vệ Sử khuyên chàng nên để đứa con ra đi, nó phải tự trải nghiệm cuộc sống riêng của nó, như ngày xưa chàng đã bỏ cha chàng ra đi. Trong tận cùng của khổ đau, Tất Đạt nghiệm rằng, trước đây cha chàng đã phải chịu đựng đớn đau, khi chàng bỏ ông ở lại một mình và bây giờ chàng cũng lại phải gánh chịu sự đớn đau đó, khi đứa con bỏ ra đi. Qua đó Tất Đạt chợt nhận ra con chàng là một phần của chàng, cũng như chàng là một phần của cha chàng và tất cả đều quy về một mối. Khi Tất Đạt hiểu được tính nhất thể của cuộc sống, chàng cảm nhận được sự khai sáng trong chàng.
Người lái đò và người thầy của chàng, biết chàng đã được giác ngộ, tự coi nhiệm vụ mình đã xong, bỏ đi vào rừng bình an. Thiện Hữu lúc ấy là một Sa Môn đi khất thực và vẫn đi tìm kiếm sự giác ngộ. Một hôm Thiện Hữu theo đoàn Sa Môn qua sông và gặp được Tất Đạt đang chèo đò, chàng hỏi Tất Ðạt làm sao để được giác ngộ? Tất Ðạt trả lời: “Người đi tìm kiếm vì đã có mục đích nên khó có thể tìm ra chân lý, chân lý thì không thể truyền dạy được mà phải tự mình chứng nghiệm, tất cả đều quy về một (Nhất thể) và tình thương là quan trọng nhất trên thế gian”. Tất Ðạt yêu cầu Thiện Hữu đặt môi lên trán của chàng, thi Thiện Thiện Hữu cảm thấy mình đang được khai sáng, mọi khổ đau khắc khoải đều tiêu tan, sự an lạc dần dần hiện hữu, Thiện Hữu thấy trong lòng tràn ngập vui sướng và cúi đầu xuống lạy Tất Đạt.
Trong tác phẩm “Câu chuyện dòng Sông”(Siddhartha), Hermann Hesse đã gởi gắm những suy tư của mình về chân lý, về cuộc đời và về sự giải thoát qua các nhân vật Tất Đạt và Vệ Sử. Cólẽ Hermann Hesse đã cho rằng chân lý là cái gì không thể truyền dạy được, kinh điển không đem lại cho ta niết bàn, an lạc mà là do ta tự tìm thấy. Ngôn từ có khi bao hàm điều ngược lại như nói “thiện” làm ác hay nói “khiêm tốn” là “kiêu căng”. Giải thoát chính là nhìn vào thực tại một cách toàn diện không thêm bớt, trong sinh có tử,chết là bắt đầu đời sống mới dưới một hình dạng mới. Trong câu chuyện trao đổi giữa Tất Ðạt và Thiện Hữu, Tất Ðạt nói: “Này Thiện Hữu! Thời gian không có thực, tôi đã luôn luôn trực nhận điều ấy. Và nếu thời gian không có thực, thì cái đường tưởng tượng ngăn chia đời này với cõi vô cùng, phân chia thiện và ác, hạnh phúc với khổ đau, cũng chỉ là ảo tưởng“.
Thiện Hữuhỏi lại Tất Ðạt: “Sao lại như thế?” Tất Ðạt trả lời: “Này nhé bạn! Tôi là một kẻ phạm tội và bạn là một kẻ phạm tội. Nhưng một ngày kia người phạm tội cũng sẽ đạt Niết Bàn, thành Phật. Ý niệm “một ngày kia” chỉ là ảo tưởng, chỉ là một sự so sánh. Không, Đức Phật tiềm tàng (Phật tính) đã có sẵn trong người tội lỗi, tương lai đã nằm sẵn trong hiện tại. Đức Phật tiềm tàng ấy phải được trực nhận trong người kia, trong bạn, trong tôi, trong mọi người. Thiện Hữu, thế giới không từ từ tiến trên đường dài để đạt đến toàn thiện. Không, nó hoàn hảo trong mọi lúc, trong từng giây phút. Tất cả mọi tội lỗi đều mang theo nó sự ân xá, mỗi trẻ con đã là một ông già tiềm tàng, mọi mầm non đã mang sẵn chết chóc, và trong mỗi người đang hấp hối, có sự sống vĩnh cửu. Chúng ta quen nhìn một chiều, hoặc sinh hoặc diệt, nên đau khổ. Người giác ngộ thì thấy sự luân chuyển của vạn vật cũng như bốn mùa, trong diệt có sinh và ngược lại, như Mãn Giác thiền sư nói: Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.
Ðại văn hào André Gide đã cho rằng: Những sợ hãi, lo sầu đều ở trong thời gian nên mọi đau khổ trên đời sẽ được khắc phục khi ta khắc phục thời gian khi ta bất chấp nó. Đôikhi, cái gì có giá trị là chân lý đối với người này thì dường như với người khác không có nghĩa gì cả. Tất cả mọi sự đều thiêng liêng nếu ta biết nhìn và biết lắng nghe. Mỗi sinh vật đều gợi cho ta chân lý vĩnh cửu nếu ta không bám vào nó. Đừng tìm Thượng Đế ở một nơi nào, vì Thượng Đế ở khắp nơi. Chỗ tuyệt đỉnh của đạo cũng như của nghệ thuật là sự im lặng vô ngôn. Khi ta dừng lại ở một cái gì để cho đó là thượng đế, thì chính lúc đó ta xa rời Thượng đế
Tất Ðạt nói: “Thú thật tôi không cho danh từ, tư tưởng có một tầm quan trọng nào, tôi quan tâm đến sự vật nhiều hơn. Một người trên dòng sông này đã là thầy của tôi, ông ta là một người thánh thiện, trong bao nhiêu năm ông chỉ tin vào dòng sông, không tin gì khác. Con sông đối với ông ta như một thượng đế. Trong nhiều năm ông không biết rằng mỗi làn gió, mỗi đám mây, mỗi thân chim, sâu bọ cũng đều thiêng liêng không kém, và có thể dạy cho ông ta hệt như dòng sông đã dạy“.
Yêu thương cuộc đời là quan trọng hơn tìm hiểu và phân tích nó. “Bây giờ Tất Ðạt nhìn cuộc đời với một thái độ khác trước: không quá khôn ngoan, không quá kiêu hãnh, và vì thế tò mò, thân thiện hơn. Khi chàng đưa qua sông những nhân vật thường ngày, họ không còn xa lạ với chàng như trước. Mặc dù đã đạt tới mức tự giác cao độ và chịu đựng được cái ung nhọt cuối cùng của mình, bây giờ chàng thấy những người thường tình ấy đều là huynh đệ của chàng, những ước mơ phù phiếm của họ không còn phi lý mà trở nên dễ hiểu, đáng thương và lại còn đáng phục nữa là khác”. Danh từ không nói lên được chân lý. Tất Đạt bảo Thiện Hữu: “Với tôi dường như thương yêu là quan trọng nhất trên đời. Những tư tưỡng gia vĩ đại có thể đặt nặng vấn đề tìm hiểu nhân sinh vũ trụ, nhưng tôi nghĩ, chỉ có một điều quan trọng là yêu thương cuộc đời, không phải khinh bỉ nó, không thù ghét nhau mà nhìn đời nhìn mình cùng tất cả mọi sự với niềm yêu thương, quý trọng”.
Thiện Hữu: “Nhưng đây chính là điều mà đấng giác ngộ gọi là vọng tưởng.Ngài dạy lẽ độ lượng, nhẫn nhục, từ bi… nhưng không dạy yêu thương. Ngài giới răn chúng ta không được trói buộc mình vào tình yêu thế tục“. Tất Ðạt: “Chúng ta lại rối ren về danh từ và ý nghĩa. Tôi không phủ nhận rằng danh từ thương yêu của tôi thật trái ngược với lời chỉ giáo của đức Cù Đàm. Tôi khinh thường danh từ cũng vì lẽ ấy: tôi biết mâu thuẫn kia chỉ là ảo tưởng. Quả thế, làm sao Ngài không biết đến tình yê u khi mà Ngài, mặc dù đã nhận chân sự phù phiếm giả tạm của nhân thế, vẫn dấn thân suốt đời giủp đỡ và giáo hóa con người?”.
Dòng sông tượng trưng cho dòng thời gian, dòng đời. Tất cả những triết gia cổ điển và hiện đại đều ví thời gian như dòng nước chảy. Khổng Tử, Héraclite, Henri Bergson đều ví thời gian và tâm thức như dòng nước (stream of consciousness). Cuộc đời con người giống như một dòng sông tuôn chảy không bao giờ đứng lại, đây là tính vô thường của cuộc đời. Vì vô thường cho nên mỗi giai đoạn trong cuộc đời chỉ là giả tạm, không thật: đó là tính vô ngã, cũng như dòng sông không thực có.
Tất Ðạt: “Bánh xe hiện tượng quay nhanh lắm Thiện Hữu! Ðâu là Tất Ðạt con người bà la môn? Ðâu là Tất Ðạt sa môn? Ðâu là Tất Ðạt con người giàu có? Cái gì giả tạm sẽ đổi thay”. Trong tập Mưa nguồn, thi sĩ Bùi Giáng viết: “Dòng sông chảy, ai người xin níu lại? Còn đời người thì: Xuân xanh xô cổng chạy dài. Bỏ sương tuyết phủ phượng đài phía sau”. Hermann Hesse cho rằng: “Vũ khí tốt nhất chống lại những bùn nhơ của cuộc đời là lòng can đảm, tính ngoan cường và sự kiên nhẫn. Lòng can đảm cho ta sức mạnh, tính ngoan cường khiến ta vui, và sự kiên nhẫn mang đến bình yên). (The best weapons against the infamies of life are courage, wilfulness and patience. Courage strenthens, wilfulness is fun and patience provides tranquility).
· Trong tiểu thuyết Câu Chuyện Dòng Sông,Siddhartha, Hermann Hesse ghi nhận…”Trí tuệ không thể được truyền đạt. Sự khôn ngoan mà con người khôn ngoan cố gắng truyền đạt luôn nghe có vẻ như ngu muội với người khác … Kiến thức có thể được truyền đạt, nhưng không phải là sự khôn ngoan. Người ta có thể tìm thấy nó, sống với nó, làm thành những điều kỳ diệu trải nghiệm qua nó, nhưng người ta không thể giao tiếp và chỉ dạy nó được”…Một ý tưởng khác: “Khi một người nào đó tìm kiếm, “Siddhartha nói,” điều đó dễ xảy ra khi mắt anh ta chỉ nhìn thấy thứ mà anh ta tìm kiếm, và anh ta không thể tìm thấy gì, không nhận ra được gì vì anh ta luôn chỉ nghĩ về thứ anh ta đang tìm kiếm, bởi vì anh ta chỉ nghĩ về thứ anh ta đang tìm kiếm, bởi vì anh ta có một mục tiêu, bởi vì anh ta bị ám ảnh bởi mục tiêu đó của mình. Tìm kiếm có nghĩa là có một mục tiêu. Nhưng tìm kiếm có nghĩa là tự do, cởi mở, và không có mục tiêu.” Nhưng ý tưởng trong Siddhartha…”Ðây không phải là để tôi đánh giá cuộc sống của người đàn ông khác. Tôi phải phán xét, tôi phải chọn, tôi phải từ chối, hoàn toàn vì bản thân mình. Đối với bản thân tôi, một mình tôi.” Và ý tưởng khác. “Tôi luôn tin tưởng và tôi vẫn tin rằng, dù vận may hay điều xấu xa có thể đến với chúng ta, chúng ta luôn có thể mang ý nghĩa và biến hoá nó thành một thứ có giá trị.”
· Ðọc tiểu thuyết Siddhartha và những nhận định văn học: Nhận xét của triết gia Volker Zotz: “Trong nhân vật chính của Hesse là Tất Đạt hội ngộ Ðức Phật, là một chủ nghĩa cá nhân của châu Âu hiện đại và nghi ngờ những giáo điều và mọi tổ chức”. Nhận xét của nhà văn Nguyễn Tường Bách: “Hermann Hesse cho ta thấy muốn thấu hiểu bản chất của đời sống, con người cần phải trải nghiệm tận cùng mọi ngõ ngách của nó. Sự sống đang diễn ra trong mọi hình thái trong vũ trụ cũng chỉ vì nó cần trải nghiệm hết chính bản thân mình. “Sự sống” đó là “dòng sông” của Siddhartha mà chàng đã biết lắng nghe. Cuối cùng Siddhartha đã ngộ ra rằng “sự thật nào cũng có đối nghịch của nó và điều đối nghịch này cũng thật không kém”. Khi đã trải nghiệm và biết lắng nghe mọi hình thái của sự sống, chàng đã tự siêu việt chính mình, vượt lên thiện – ác, tốt – xấu. Đó là tư tưởng Bát nhã, nói theo cách của Hermann Hesse.”
Nhận xét của nhà văn Phùng Khánh: “Ðọc “Câu chuyện dòng sông”, chúng ta sẽ thấy rằng cuộc đời đáng sống và chứa đựng muôn ngàn hương sắc tuyệt vời, mà chúng ta thường bỏ quên và đánh mất giữa đời sống thường nhật. “Câu chuyện dòng sông” là câu chuyện của mỗi người trong chúng ta; đó cũng là hình ảnh muôn thuở của trần gian và của mộng đời bất tuyệt…. Câu Chuyện Dòng Sông trước hết là một tác phẩm văn học nghệ thuật, cho nên bất cứ một phân tích nào về phương diện tư tưởng đều mang ít nhiều tính chủ quan do người đọc tự gán cho nó. Bởi thế những ai phê phán sách này phỉ báng đạo Phật hay đề cao đạo Phật, đều không đúng chỗ.”
Tóm lại, Câu Chuyện Dòng Sônglà một tác phẩm văn học nghệ thuật nên về phương diện tư tưởng đều do người đọc chủ quan. Hermann Hesse tuy không trực tiếp nói về cuộc đời Ðức Phật nhưng trong hành trình đi tìm chân lý của Siddhartha lúc nào cũng có hình ảnh Đức Phật hiện lên như ngọn đèn soi tỏ. Lấy bối cảnh đúng vào thời Thích Ca còn tại thế, việc Hermann Hesse tách tên Đức Phật ra để thành tên hai nhân vật trong tiểu thuyết của mình: một là Phật đã thành và một là Phật sẽ thành như một khẳng định rằng tự thân trong mỗi con người đã có Phật tính vậy, nên hành trình đi tìm đạo hay tìm Phật chính là đi tìm lại chính mình, đi sâu vào những trải nghiệm cá nhân, tương giao với vạn vật của đời để thấu hiểu nội tâm của mình.Ở các tiểu thuyết của Hesse, ta có thể thấy sự tách mình ra trong một trạng thái lưỡng phân như trong tác phẩm “Sói thảo nguyên” là cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa bản ngã người và bản ngã sói trong cùng một cơ thể. Trong tất cả tác phẩm của Hermann Hesse đều nói lên nỗi đau thương, bi phẫn của kiếp con người, trong đó có ông, nhưng ông cũng cho thấy có sự yêu thương thiết tha cuộc đời và những nỗ lực vô hạn để vươn lên khỏi thân phận yếu hèn của mình. Như một câu của Hermann Hesse viết trong bài thơ “Gestutzte Eiche” (Cây sồi trần trụi).
Sự cô đơn là con đường mà số phận thử dùng để dẫn dắt con người tới với chính mình. (Loneliness is the way by which destiny endeavors to lead man to himself).
Ðôi Khi
Hermann Hesse
Ðôi khi, tiếng kêu của một con chim đêm
Hay cơn gió xào xạc trong những tán lá cây
Tiếng chó sủa ở trang trại nơi hoang vắng
Tôi cần lắng tai nghe, thật lâu, trong im lặng
Linh hồn tôi quay trở về,
Chốn xưa kia, trước nghìn năm quên lãng
Một con gió và một cánh chim trời
Từng như tôi và những người huynh đệ
Linh hồn tôi hóa thành một thân cây,
Một con thú và một làn mây trắng
Không quen biết linh hồn quay trở lại
Trao cho tôi câu hỏi. Nhưng tôi phải trả lời thế nào?
Bởi vì tôi yêu em
Bởi vì tôi yêu em trong đêm tối.
Nên bên em tôi cuồng dại, thầm thì.
Và để em không bao giờ quên lãng,
Tôi bắt giữ hồn em theo với khối tình si.
Giờ hồn em thuộc về tôi mãi mãi,
Dẫu cảnh trạng xấu xa hay tốt đẹp êm đềm.
Từ cuồng dại, lửa tình yêu bốc cháy,
Không thiên thần nào cứu rỗi được giùm em.
(*: do Hoàng Nguyên Chương chuyển dịch.)
Anh cũng biết?
Anh có biết tới không, thư thoảng
Giữa một cơn cao hứng ngút ngàn
Lễ hội, trong một sảnh hân hoan
Bất chợt anh phải lặng câm và cất gót
Rồi anh không ngủ, dúi đầu vào ổ
Như một người, chợt trúng tim đau
Khoái trá và tràng cười như khói rã tan mau
Anh khóc, khóc không thôi – Anh cũng từng biết tới?
(Phạm Kỳ Ðăng chuyển dịch từ Ðức ngữ)
Sau cùng, qua xét nghiệm về cảm nhận của nhà văn Nguyễn Tường Bách về Hermann Hesse cho ta thấy: Muốn thấu hiểu bản chất của đời sống, con người cần phải trải nghiệm tận cùng mọi ngõ ngách của nó. Sự sống đang diễn ra trong mọi hình thái trong vũ trụ cũng chỉ vì nó cần trải nghiệm hết chính bản thân mình. Cùng ý tưởng của nhà văn Phùng Khánh qua “Câu chuyện dòng sông”, chúng ta sẽ thấy rằng cuộc đời đáng sống và chứa đựng muôn ngàn hương sắc tuyệt vời, mà chúng ta thường bỏ quên và đánh mất giữa đời sống thường nhật. “Câu chuyện dòng sông” là câu chuyện của mỗi người trong chúng ta; đó cũng là hình ảnh muôn thuở của trần gian và của mộng đời bất tuyệt. Nó là một tác phẩm văn học nghệ thuật, còn theo chính tác giả Hesse thì nó cấu tạo bởi ngòi bút kết nối hai nửa của Vũ trụ với nhau và liên kết Trái đất với sự bất diệt. Con sông lớn đánh dấu trung tâm địa lý trong trí tưởng tượng trongtiểu thuyết này.
Tinh hoa trong lòng tin của Hermann Hesse vào sự tồn tại giữa vũ trụ địa cầu như trong tư tưởng của ông, với cảm nghĩ cùa hai chúng tôi, ông là một bậc hàn lâm văn chương, một nghệ sĩ thuần túy của thi ca và văn học, một nhà tư tưởng uyên bác định hướng ngòi bút mình trong suốt cuộc đời, đóng một vai trò quyết định trong sự lựa chọn cho chính mình. Những chuyện duy tâm có kết cuộc hay hàm ý chân thiện mỹ, của chiều sâu tâm hồn, Kẻ lang thang cô độc, được biểu hiện như Siddhartha trong “Câu Chuyện Dòng Sông” hay Câu chuyện tuổi trẻ của Emil Sinclair trong tác phảm “Tuổi Trẻ Băn Khoăn”, như Hesse viết: “Sự cô đơn là con đường mà số phận thử dùng để dẫn dắt con người tới với chính mình” (Loneliness is the way by which destiny endeavors to lead man to himself.”, và rằng:“Không có gì vĩnh cửu thuộc về chúng ta,chúng ta là con sóng dâng trào để vừa với bất kỳ hình thái nào nó tìm thấy”.
(No permanence is ours, we are a wave that flows to fit whatever form it finds).
Vâng, thật vậy, cuộc đời dẫn dắt chúng ta về với chính mình, và cuộc đời dù có thay đổi muôn hình vạn trạng, cuối cùng nó an phận với hoàn cảnh xảy ra cho mỗi người chúng ta. Âu cũng là định mệnh. Việt Hải và Khánh Lan. Tài liệu tham khảo:
· Hermann Hesse, Bách khoa toàn thư Wikipedi.
· Hermann Hesse, Encyclopaedia Britannica.
· Hermann Hesse’s Spiritual Formula, Stefan Borbély.
· Câu Chuyện Dòng Sông và dịch giả Phùng Khánh.
· Hermann Hesse và tác phẩm Tuổi Trẻ Băn Khoăn, Vietmessenger.web.
· Hermann Hesse và Siddhartha ( Câu Chuyện Dòng Sông ), Ngdieutam blog.
· Phân tích tác phẩm “Câu chuyện dòng song-Nguồn mạch tâm linh”, Ni sư Thích Nữ Trí Hải.