Ngày tàn của nước Mỹ?

Phạm Đức Đồng Hùng

Những gì đang diễn ra khiến người ta không thể không đặt ra câu hỏi “Phải chăng nước Mỹ đã hết thời?”.

 Thập niên cuối của thế kỷ 20 là một thập niên đầy lạc quan của nước Mỹ. Trong thập niên 90 của thế kỷ 20 đã có bao nhiêu điều tốt lành diễn ra: Liên Xô khai tử, chiến thắng ngoạn mục trong cuộc chiến Iraq lần thứ nhất, sự bùng nổ của kỹ nghệ điện toán v.v… Chào mừng thiên niên kỷ mới, chính quyền Bill Clinton còn đoan chắc rằng thế kỷ 21 sẽ là Thế kỷ Mỹ: American Century.

Tuy nhiên sau đó thì những nhược điểm của nền kinh tế và chính trị Mỹ đã bộc lộ. Sự sụp đổ của kỹ nghệ dot.com, cuộc đếm phiếu bằng tay gây tranh cãi giữa hai ứng cử viên George W. Bush và Al Gore, vụ khủng bố 11.9.2001, tình trạng sa lầy tại hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq, vụ khủng hoảng tài chính 2008 với sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng Mỹ, Trung Cộng ngày càng lấn lướt và đi lên, rồi bây giờ là cuộc bầu cử với những vụ kiên tụng bát nháo.

Sự mất niềm tin với Mỹ này đã dẫn đến lời báo động tại Úc: Mỹ đã hết thời, Úc phải bỏ mối quan hệ đồng minh truyền thống để bắt tay với tân siêu cường Trung Quốc. Hai giọng ca chính trong phe “bỏ Mỹ hàng Trung” là Hugh White và Paul Keating. Hugh White là giáo sư về bang giao quốc tế tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc phòng thuộc phân khoa Á châu. Nhóm White-Kea” thúc giục chính phủ Úc nên tránh, đừng động đến những vấn đề nhạy cảm với Trung Quốc như Tây Tạng, nhân quyền v.v.. để giữ quan hệ “hữu hão”. Keating thậm chí còn khuyên Úc nên bỏ roi những nước như Việt Nam cho Trung Quốc xơi, chơi với Trung Quốc thì có lợi hơn.

Có nhiều người tin vào cái nhìn bi quan nhưng có nhiều người phản bác. Theo họ thì nước Mỹ chưa thực sự hết thời và nước Mỹ vẫn mạnh. Theo nhà bình luận Stephen M. Walt trong bài viết trên tạp chí Foreign Policy ngày 26.1.2012 thì câu hỏi trên là câu hỏi sai vì thế giới tương lai sẽ là một thế giới đa cực chứ không phải đơn cực, tuy nhiên câu trả lời vẫn vậy: trong thế giới đa cực này, Mỹ vẫn tiếp tục là trụ cột mạnh nhất.

Trong bài “Not Fade Away” (Chưa phai tàn) đăng trên tạp chí The New Republic ngày 2-2-2012, Robert Kagan đã phản bác các lập luận của giới bi quan. Theo ông thì phần lớn giới này chỉ đưa ra những phân tích sơ sài, đầy cảm tính.

Bài học lịch sử

Robert Kagan, trong tiểu luận đã dẫn ở trên, cho rằng những nhà bi quan chỉ đưa ra nhận định trên dựa vào những biến động tại Mỹ và thế giới chỉ trong một vài năm và điều này không đúng.

Sự suy tàn của một siêu cường là hệ quả từ những dịch chuyển về sự phối trí của nhiều nguồn sức mạnh khác nhau trên thế giới, mà những thay đổi đó thường xảy ra trong những quãng thời gian dài. Những đại cường hiếm khi đột ngột suy tàn. Một cuộc chiến tranh có thể khiến họ sụp đổ, nhưng ngay cả điều đó thường là một triệu chứng của một quá trình lâu dài hơn.

Một thời Tây Ban Nha là một đế quốc, dựa trên nguồn tài nguyên từ các thuộc địa. Để thay thế vị thế của Tây Ban Nha, Anh đã tấn công và chặt đứt các thuộc địa của Tây Ban Nha. Việc này kéo dài trong mấy chục năm và Anh đã thành công, trở thành một đại cường. Sau đó thì đến sự suy tàn của Đế quốc Anh và việc cũng diễn ra trong mấy chục năm, sau khi Anh bị mất hết thuộc địa.

Tây Ban Nha từng là một trong những đế quốc lớn nhất thế giới và là một trong những đế quốc toàn cầu đầu tiên trên thế giới và đế quốc này xây dựng từ nguồn tài nguyên của các thuộc điạ.

Vào thế kỷ thứ 15 và 16 Tây Ban Nha đã đi đầu thế giới trong việc thám hiểm các vùng đất lạ cũng như mở các lộ trình giao thương qua đại dương, phát triển thương mại xuyên Đại Tây Dương và xuyên Thái Bình Dương. Nước này cũng dẫn đầu thế giới trong việc chinh phục thuộc địa đã lật đổ những nền văn minh Aztec, Inca, Maya và tuyên bố chủ quyền với một dải đất bao la ở Bắc và Nam Mỹ.

Từ giữa thế kỷ 16, vàng bạc từ Châu Mỹ đã tăng cường sức mạnh quân sự và Tây Ban Nha đã thống trị các đại dương nhờ hạm đội tàu giàu kinh nghiệm và hùng mạnh bậc nhất thế giới. Tây Ban Nhà còn thống trị những chiến trường ở Châu Âu với một lực lượng bộ binh dày dạn và thiện chiến có tên là tercios. Đến thế kỷ 17 và 18, Tây Ban Nha có được một lãnh thổ rộng lớn nhất trên thế giới.

Nhưng rồi thời kỳ vàng son này đi xuống với sự cạnh tranh của Bồ Đào Nha, Anh và Hà Lan, nhất là Anh. Để phá vỡ sức mạnh của Tây Ban Nha, Anh chủ trương tăng cường hải quân để cạnh tranh quyền làm chủ biển cả và để chặt đứt các thuộc địa nuôi sống đế quốc Tây Ban Nha.

Và quá trình này không thể diễn ra trong một vài năm mà phải mất hàng chục năm.

Giành giật biển cả và các thuộc địa từ tay Tây Ban Nha hay xâm chiếm các thuộc địa mới, Anh đã vươn lên thành đế quốc to lớn chưa từng có trên thế giới trong suốt một thế kỷ. Và trong suốt một thế kỷ, mặt trời đã không bao giờ lặn trên đất Anh.

Tính tới năm 1922, đế quốc Anh bao gồm những khu vực có dân số khoảng 458 triệu người, chiếm 1/8 dân số thế giới lúc đó và bao phủ diện tích hơn 33 triệu cây số vuông, tức xấp xỉ một phần tư diện tích trái đất.

Nhưng sự phát triển vượt bậc của Đức và Mỹ cuối thế kỷ 19 đã làm xói mòn vai trò dẫn đầu về kinh tế của Anh. Sau đó những mâu thuận kinh tế và chính trị giữa Đức và Anh đã làm bùng nổ Đệ nhất thế chiến và để chiến thắng, Anh phải trông dựa vào nguồn tài nguyên của các thuộc địa. Sau đó thì đến Đệ nhị thế chiến và Anh không chỉ bị hao tổn tài nguyên mà còn mất uy thế chính trị khi bị Nhật giành giật hết thuộc địa tại Đông Nam Á.

Tiến trình “hết thời” của Đế quốc Anh diễn ra trong mấy chục năm, không chỉ một vài năm.

Và các con số

Mất thuộc địa là mất đi các nguồn tài nguyên làm nên sức mạnh của mình nên hai đế quốc Tây Ban Nha và Anh lần lượt sụp đổ, còn nước Mỹ hiện tại thì sao?

Thứ nhất, chúng ta có thể thấy rằng kinh tế Mỹ chủ yếu dựa trên thị trường nội địa và sức mạnh Mỹ không chủ yếu đến từ các thuộc địa.

Thứ hai chúng ta có thể căn cứ vào các con số mà Robert Kagan đã lưu ý. Năm 1870 Anh chiếm hơn 30 phần trăm tổng sản lượng kỹ nghệ thế giới, năm 1900 thì bị sụt xuống 20 phần trăm, năm 1910 là 15 phần trăm.

Cùng thời kỳ đó thì với Mỹ đã từ 20 phần trăm lên đến hơn 25 phần trăm. Ngoài ra Anh cũng bị Đức qua mặt. Đức thua xa Anh trong suốt thế kỷ 19 nhưng đã đuổi kịp rồi qua mặt ngay trong thập niên đầu của thế kỷ 20.

Sức mạnh kinh tế đẻ ra sức mạnh quân sự. Từ vị thế bá chủ biển cả, Hải quân Anh đã đánh mất quyền kiểm soát các đại dương khi những cường quốc hải quân lần lượt xuất hiện.

Năm 1883, số tàu chiến Anh cao hơn tàu chiến của tất cả cường quốc khác, đến năm 1897 chính quyền Anh thú nhận hải quân của mình “hoàn toàn thua xa” Mỹ ở Tây bán cầu, thua Nhật ở Đông Á. Tại Âu châu thì Anh sẽ không chống nổi cùng một lúc hai đối thủ Pháp và Nga trong khi Đức cũng vươn lên.

Còn Mỹ hiện tại thì sao?

Hiện tại Mỹ vẫn giữ vị trí nền kinh tế không chỉ lớn nhất mà còn giàu nhất thế giới.

Đành rằng Trung Quốc, Ấn Độ đang tăng trưởng liên tục nhưng hai nước này chỉ tăng với cái giá mà Nhật cùng một số nước Châu Á khác cùng Âu châu phải trả: khi Ấn và Trung lên thì tỷ lệ GDP của các nơi này giảm dần trong cái bánh kinh tế của toàn kinh tế thế giới.

Robert Kagan viết: “Dựa vào những thước đo quân sự và kinh tế này thì nước Mỹ ngày nay ít ra cũng chẳng giống gì với nước Anh khoảng năm 1900, khi sự suy tàn tương đối của đế quốc đó bắt đầu lộ rõ. Nước Mỹ ngày nay giống với nước Anh khoảng năm 1870 hơn, khi đế quốc này đang ở đỉnh cao sức mạnh. Có thể tưởng tượng ra một thời điểm khi mà điều này không còn đúng nữa, nhưng thời khắc đó hiện chưa đến.”

Sức mạnh Mỹ bị đe doạ hơn bao giờ hết?

Sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến nhóm bi quan cho rằng cái thời hoàng kim khi Mỹ “lãnh đạo thế giới và buộc các nước khác làm theo mình đã qua rồi.

 Tuy nhiên, theo Robert Kagan thì nước Mỹ chưa bao giờ có một thời “hoàng kim” như vậy: thời nào cũng có những kẻ bi thảm hoá về “ngày tàn của nước Mỹ”.

Trên thực tế thì từ lâu Mỹ cũng đã nhiều lần lúng túng, không phải lúc nào cũng có thể “chỉ đạo” các nước khác, kể cả những đồng minh thân cận nhất của mình. Từ lâu, Mỹ đã hoàn toàn không thể tùy ý làm điều mình muốn, hay tùy ý ra lệnh cấm làm điều mình không muốn.

Thời Chiến tranh Lạnh không hề là thời kỳ lãnh đạo tuyệt đối của Mỹ. Dù rằng Mỹ đã đạt những thành tựu phi thường như Kế hoạch Marshall tái thiết Âu châu, xây dựng Bắc phòng Đại Tây Dương (NATO), thành lập Liên Hiệp Quốc, xây dựng thống kinh tế Bretton Woods và những điều này đã định hình nên thế giới hiện tại. Tuy nhiên Mỹ đã vấp váp với không ít thất bại ê chề.

Năm 1949 Cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc và đây được Mỹ xem là thảm họa lợi ích của Mỹ tại khu vực.

Lúc đó Mỹ đã cố hết sức nhưng thất bại, không ngăn cản được các đồng minh Châu Âu công nhận nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, trong đó có Anh, là một trong những đồng minh thân cận nhất.

Cùng lúc đó, một “thảm hoạ” khác lại xảy ra khi Nga chế được bom nguyên tử.

Chưa hết, tin xấu lại dồn dập kéo đến: chỉ năm sau, với sự ủng hộ của Trung Cộng, Bắc Triều Tiên tấn công Nam Triều Tiên và cuộc chiến này khiến Mỹ bị thiệt hại nặng với gần 100,000 thương binh và trên 35,000 binh sĩ thiệt mạng, nghĩa là giống hệt chiến tranh Việt Nam và giống hệt chiến tranh Iraq.

Cũng như bây giờ, lúc đó chính giới và giới bình luận Mỹ không ngớt báo động, ta thán vì ngày tàn của siêu cường Mỹ.

Bản phúc trình chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ soạn ngày 14/4/1950 dưới thời tổng thống Harry Truman, giúp định hình chính sách đối ngoại của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh, đã báo động về ngày tàn này.

Bản phúc trình báo động về “sự sút giảm trầm trọng về sức mạnh của thế giới tự do so với Liên Xô và những nước chư hầu của Liên Xô” nếu những xu hướng hiện tại tiếp tục diễn ra. Nó báo động về những hệ quả cho “tính toàn vẹn và khả năng sống còn của hệ thống chúng ta” và cho rằng nước Mỹ đang đối mặt với mối nguy hiểm cao “hơn bao giờ hết trong lịch sử của chúng ta”.

Sau đó hai năm, trong bài diễn văn Hội nghị Toàn quốc Đảng Cộng hòa 1952, Đại tướng hồi hưu Douglas MacArthur đã khuyến cáo những “thay đổi đáng báo động về cán cân sức mạnh thế giới”, về “gánh nặng ngày càng tăng của những cam kết ngân sách”, về “sức mạnh đang tăng lên của Liên Xô”, và “sự suy tàn tương đối của nước Mỹ”.

Năm năm sau, nước Mỹ lại sốt vó báo động. Trong bản báo cáo mang tên “Deterrence & Survival in the Nuclear Age” (Ngăn chặn và sống còn trong thời đại hạt nhân) đệ trình lên Tổng thống Eisenhower, Ủy ban Cố vấn Khoa học đã báo động về kiếm khuyết của nền quốc phòng Mỹ và đề nghị nâng cao năng lực tấn công và phòng thủ chiến lược của Mỹ. Văn bản này được gọi là Phúc trình Gaither, theo tên của chủ tịch Ủy ban Horace Rowan Gaither.

Theo Ủy ban Gaither thì nền kinh tế Nga đang tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn kinh tế Mỹ và đến năm 1959 Nga sẽ có thể đánh trúng Mỹ với một trăm hoả tiễn đạn đạo liên lục địa. Báo động này đã khiến Sam Rayburn, Chủ tịch Hạ viện lúc đó, chất vấn ngành hành pháp: “Một nền kinh tế vững vàng và ngân sách cân bằng thì ích gì nếu chúng ta để đồng bào mất mạng và đồng rúp Nga thành đồng tiền của đất nước?”

Năm 1954, chính quyền Mỹ đã không đạt được ý định của mình tại Hội nghị Geneva về Việt Nam và không chịu ký các thỏa ước cuối cùng.

Năm 1956 Mỹ cố gắng ngăn cản Anh, Pháp và Do Thái tấn công Ai Cập sau khi nước này quốc hữu hoá và phong toả Kênh đào Suez thế nhưng thất bại. Thậm chí ba quốc gia này đã tung quân tấn công Ai Cập mà không thèm báo trước và Mỹ đã phải dùng đủ thứ áp lực mới có thể buộc họ rút quân.

Cũng lúc đó, trong cuộc tranh chấp giữa Đài Loan và Trung Quốc về các quần đảo Kim Môn và Mã Tổ nằm trong cụm quần đảo ở eo biển Đài Loan, chính quyền Mỹ đã cố hết sức nhưng không đạt được sự ủng hộ của các đồng minh Châu Âu và điều này khiến nguyên ngoại trưởng John Foster Dulles lo ngại rằng NATO “đang bắt đầu tan rã”.

Vào cuối thập niên 1950 Mao Trạch Đông đã hùng hổ tuyên bố rằng Mỹ là một siêu cường quốc đang suy tàn, chỉ còn là một con hổ giấy và “lo sợ không dám dây dưa với Thế giới Thứ ba và ngày càng mất khả năng duy trì bá quyền đối với các nước tư bản”.

Cuối năm 1957 khi Nga phóng vệ tinh Sputnik thì nhiều người Mỹ đã chất vấn: phải chăng nước Mỹ đã hết thời. Thế nhưng nước Mỹ đã, bằng nỗ lực của mình, qua mặt người Nga trên lĩnh vực không gian.

Sau đó là thập niên 1970, là thời kỳ nền kinh tế Mỹ đánh mất vị thế hàng đầu áp đảo của mình, khi thặng dư thương mại của Mỹ bắt đầu biến thành thâm hụt thương mại, các chương trình phúc lợi xã hội tăng vọt trong khi dự trữ vàng và tiền tệ ỹ cạn kiệt. Lúc đó Henry Kissinger đã than thở rằng nước Mỹ “đã qua đỉnh cao lịch sử của mình giống như quá nhiều nền văn minh trước kia … Mỗi nền văn minh từng tồn tại rốt cuộc rồi cũng sụp đổ. Lịch sử là một câu chuyện về những nỗ lực đã thất bại”.

Related posts