- BBT Epoch Times
Cuộc tấn công kéo dài hàng thập kỷ của chủ nghĩa cộng sản đối với nước Mỹ đang đạt đến cao trào.
Từ khi lập quốc cho đến nay, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã hiện diện như một ngọn hải đăng tỏa sáng với quyền tự do tôn giáo và tự do ngôn luận mà nhiều nơi trên thế giới vẫn chưa được thụ hưởng.
Tuy nhiên, nhiều người đã không nhận ra rằng, trong nhiều thập kỷ qua, quốc gia vĩ đại này đã dần bị bóng ma cộng sản xâm nhập.
Giữa những cáo buộc đáng tin cậy về gian lận cử tri và những bất thường trong bầu cử, nước Mỹ hiện đang đứng trước nguy cơ rơi xuống vực thẳm của chủ nghĩa cộng sản.
Bóng ma cộng sản đã sản sinh ra các chế độ ở Liên Xô, Cuba, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Hệ tư tưởng của thứ chủ nghĩa toàn trị này tìm cách kiểm soát thay vì tạo ra sự hưng thịnh cho nhân loại.
Chủ nghĩa cộng sản đã dần chiếm lĩnh phương Tây một cách lộ liễu. Như nhà thơ Pháp Charles Baudelaire đã viết vào năm 1864, “mánh khóe nham hiểm nhất của Ác quỷ” là thuyết phục bạn rằng hắn không tồn tại.
Trong Chiến tranh Lạnh, thế giới bị chia cắt thành hai phe quân sự và chính trị. Tuy nhiên, trong khi các hệ thống xã hội giữa hai bên dường như hoàn toàn trái ngược nhau, thì một quy trình tương tự lại đang diễn ra ở cả hai phía, chỉ là dưới các hình thức khác nhau.
Nhiều người cộng sản phương Tây theo chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Fabian, chủ nghĩa tự do và những thành phần cấp tiến, trong khi công khai bác bỏ mô hình của Liên Xô và Trung Quốc, thì họ lại nỗ lực dẫn dắt xã hội đi theo con đường hướng tới một cấu trúc xã hội không khác gì so với Liên Xô và Trung Quốc. Phần lớn thế giới phương Tây đã đi theo con đường này.
Phương Tây cảm thấy nhẹ nhõm khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 và sự sụp đổ của Liên bang Xô viết chỉ vài năm sau đó.
Tuy nhiên, bóng ma của chủ nghĩa cộng sản chưa bao giờ chết.
Nó tiếp tục phát triển mạnh ở Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới. Và trong khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, phong trào cộng sản quốc tế không ngừng nỗ lực để đạt được mục tiêu thống trị toàn cầu của chủ nghĩa cộng sản.
Trong khi các chế độ cộng sản vẫn tiếp tục với chế độ độc tài hà khắc của mình, thì nền chính trị đảng phái trong các xã hội tự do đã đi đến thời khắc khủng hoảng. Chủ nghĩa cộng sản đã khai thác những kẽ hở trong hệ thống luật pháp và chính trị của các quốc gia dân chủ bằng cách thao túng các đảng chính trị lớn.
Nỗ lực xâm nhập kéo dài hàng thập kỷ này của nó gần như đã thành công.
Chủ nghĩa xã hội
Chủ nghĩa xã hội luôn là một bộ phận của chủ nghĩa Mác và phong trào quốc tế cộng sản. Như Vladimir Lenin đã tuyên bố, “Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là chủ nghĩa cộng sản.” Ở các quốc gia dân chủ, chủ nghĩa xã hội dần dần ăn mòn các quyền tự do của người dân thông qua luật pháp.
Ở phương Tây, quá trình thiết lập một hệ thống xã hội chủ nghĩa mất nhiều thập kỷ hay nhiều thế hệ, khiến người dân dần dần bị tê liệt, lãng quên và trở thành quen với chủ nghĩa xã hội. Các phong trào xã hội chủ nghĩa được thực hiện bài bản và lớp lang thông qua các phương tiện “hợp pháp”, nhưng về bản chất không khác gì những trò chơi bạo lực của các quốc gia cộng sản.
Chủ nghĩa xã hội chắc chắn phải trải qua quá trình chuyển đổi sang chủ nghĩa cộng sản, với việc người dân liên tục bị tước bỏ các quyền của mình cho đến khi những gì còn lại là một chế độ chuyên chế, độc đoán.
Chủ nghĩa xã hội sử dụng ý tưởng đảm bảo kết quả bình đẳng thông qua luật pháp, nhưng mục tiêu dường như cao cả này lại đi ngược lại tự nhiên, khi mà theo lẽ thường, loài người thuộc mọi chủng tộc là khác nhau một cách tự nhiên về niềm tin tôn giáo, tiêu chuẩn đạo đức, trình độ văn hóa, trình độ học vấn, trí thông minh, đức tính cần cù, tinh thần trách nhiệm, sự năng nổ, khả năng sáng tạo hay tố chất kinh doanh, v.v.
Trên thực tế, việc theo đuổi bình đẳng của chủ nghĩa xã hội kéo theo sự xuống dốc về đạo đức và tước đi quyền tự do của con người để hướng tới điều Thiện.
Chủ nghĩa xã hội sử dụng “phải đạo chính trị” để tấn công nền tảng cơ bản về đạo đức và buộc mọi người phải giống nhau một cách giả tạo. Điều này đi kèm với việc hợp pháp hóa và bình thường hóa tất cả các từ ngữ tục tĩu chống chủ nghĩa hữu thần, tình dục đồi trụy, nghệ thuật ma quỷ, nội dung khiêu dâm, cờ bạc và việc sử dụng ma túy.
Kết quả là tạo ra một kiểu phân biệt đối xử ngược lại đối với những người tin vào Thần và khao khát nâng cao đạo đức, với mục tiêu là [những người này] bị gạt ra ngoài lề xã hội và cuối cùng bị loại bỏ.
Cánh tả và các chương trình nghị sự thâm hiểm đã có thể gây ảnh hưởng to lớn tới các nước phương Tây chính là nhờ sự trợ giúp đắc lực của các phương tiện thông tin đại chúng. Ở các nước do chế độ cộng sản điều hành, tất cả các hãng tin nếu không phải do đảng Cộng sản trực tiếp kiểm soát, thì đều chịu sự kiểm duyệt của nhà nước. Ở những nơi khác, truyền thông đã bị ảnh hưởng bởi sự thiên vị về tài chính và đảng phái. Báo cáo và diễn ngôn trung thực bị chôn vùi bởi sự áp đảo của chủ nghĩa giật gân, đạo đức chính trị và tin giả.
Trên khắp thế giới, các phong trào xã hội chủ nghĩa và cộng sản đã lợi dụng tình hình bất ổn kinh tế và đại dịch để đưa họ vào những vị trí có ảnh hưởng, với mục tiêu cuối cùng là lật đổ trật tự xã hội hiện có.
Chúng ta đang thấy điều tương tự diễn ra ở Mỹ.
Hoa Kỳ đang tiến xa theo hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Các phương tiện truyền thông chính thống ủng hộ những ý tưởng về bình đẳng và phụ hoạ theo các cuộc tấn công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào Mỹ. Thế hệ trẻ đang thiên vị chủ nghĩa xã hội và là một trong những người sốt sắng nhất tham gia các cuộc biểu tình và bạo loạn nhằm phá hủy di sản văn hóa của chúng ta.
Trong khi đó, xã hội nói chung đã ủng hộ ý tưởng rằng chính phủ nên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và có lẽ thậm chí là chi phí sinh hoạt. Vô tình hay cố ý, chúng ta đang dần đánh đổi quyền tự do của mình cho một hệ thống kiểm soát con người.
Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản tuyên bố toàn quyền sở hữu tất cả tài sản và con người. Chủ nghĩa xã hội yêu cầu mọi người từ bỏ niềm tin vào Thần và thay vào đó hãy lấy nhà nước làm Chúa.
Hoa Kỳ, nơi được thành lập dựa trên niềm tin cơ bản vào tự do, đã trở thành một quốc gia nơi tự do bị phản bội. Điều này hiện đã trở thành vấn đề nhức nhối đối với cuộc bầu cử năm 2020 và những cáo buộc đáng tin cậy về gian lận cử tri.
Quốc gia có lợi nhất từ điều này là Trung Quốc, nơi ĐCSTQ đã cai trị tàn bạo trong hơn 70 năm, dẫn đến cái chết bất thường của ít nhất 65 triệu người.
Đối với Trung Quốc cộng sản, Hoa Kỳ luôn ngăn cản mục tiêu kiểm soát toàn cầu của chủ nghĩa cộng sản. Mục tiêu của chế độ cộng sản luôn là lật đổ Hoa Kỳ và trở thành lực lượng thống trị trên thế giới.
Trong nhiều thập kỷ, nó đã hoạt động hướng tới mục tiêu này, và bây giờ nó đã gần đạt được.
Các phương thức lật đổ của CNCS rất tinh vi và sâu rộng. Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết vào tháng 7 rằng cơ quan này có gần 2.500 cuộc điều tra phản gián liên quan đến Trung Quốc và cứ khoảng mỗi 10 giờ thì cơ quan này lại mở một cuộc điều tra mới.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã bị chặn lại và thậm chí bị đảo ngược dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, người đã nhận ra mối đe dọa sinh tử của ĐCSTQ đối với Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Mike Pompeo mô tả ĐCSTQ là “mối đe dọa trung tâm của thời đại chúng ta”. Một nỗ lực trên khắp đất nước đang được tiến hành nhằm đưa Hoa Kỳ ra khỏi tầm ảnh hưởng của ĐCSTQ, cũng như chống lại sự xâm lược của đảng cộng sản ở nước ngoài. Rõ ràng là, chế độ cộng sản Trung Quốc sẽ đạt được rất nhiều lợi ích nếu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump kết thúc.
Trận chiến giữa thiện và ác
Chủ nghĩa cộng sản dạy con người thay thế niềm tin vào Thần bằng chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa duy vật.
Kết quả là, trong thế giới ngày nay, tiêu chí phân biệt thiện và ác đã bị đảo ngược. Sự công bình được ví như sự gian ác và sự xấu xa thì giống như lòng trắc ẩn.
Vào đầu thế kỷ 20, tư tưởng vô thần và phản truyền thống đã bắt đầu dần dần thâm nhập vào các chương trình giảng dạy ở trường học, được tạo điều kiện bởi các chuyên gia sư phạm cánh tả, những người đã thâm nhập vào giới học thuật và gây ảnh hưởng đến chính sách giáo dục.
Số đông được khắc sâu ý thức hiện đại và được huy động để chế khắc thiểu số những người kiên định gìn giữ truyền thống. Giới trí thức đưa ra những lời chỉ trích nặng nề đối với các nền văn hóa dân gian trên khắp thế giới, nuôi dưỡng định kiến hẹp hòi nơi những người có tư duy giống họ. Các khái niệm về tư duy phản biện và sáng tạo bị lạm dụng để làm cho thế hệ trẻ chống lại chính quyền, ngăn cản họ tiếp thu kiến thức và trí tuệ của văn hóa truyền thống.
Ở các nước cộng sản, sau khi những người cố gắng khôi phục văn hóa truyền thống bị tàn sát, phần lớn dân chúng được tuyên truyền để tham gia cách mạng. Sau khi ĐCSTQ nắm chính quyền, phải mất 25 năm để nuôi dưỡng một thế hệ “sói con”, một thuật ngữ tiếng Trung để chỉ những người lớn lên dưới chủ nghĩa cộng sản và bị truyền bá phải căm hận và giết kẻ thù giai cấp. Họ được khuyến khích đánh nhau, đập phá, cướp bóc và phóng hoả bừa bãi.
ĐCSTQ tích cực nuôi dưỡng cảm tính giết chóc trong dân chúng. Vào thời kỳ Cách mạng Văn hóa, các cô gái vị thành niên sẵn sàng đánh chết giáo viên của mình như một phần của cuộc thập tự chinh ý thức hệ của Mao.
Ở phương Tây, các đảng cộng sản tự hào tiếp thu những kinh nghiệm của Cách mạng Pháp và Công xã Paris. Mọi cuộc cách mạng và cuộc nổi dậy đều được đưa ra bởi những đám đông không bất chấp luân thường đạo lý, không xấu hổ và không có lòng trắc ẩn.
Chủ nghĩa cộng sản là một tai họa đối với nhân loại. Mục tiêu của nó là hủy diệt loài người, và sự bài trí của nó rất tỉ mỉ và cụ thể.
Trong khi đó, nền văn minh của con người là được Thần truyền. Nếu con người phá hủy nền văn hóa và truyền thống của họ, và nếu đạo đức của xã hội sụp đổ, thì họ sẽ không còn hiểu được những điều thần thánh thiêng liêng.
Chúng ta có thể vượt qua âm mưu hủy diệt của bóng ma cộng sản bằng cách tích cực từ chối ảnh hưởng của nó, thay vào đó là khôi phục đức tin vào Thần, khôi phục truyền thống và nâng cao đạo đức.
Đây là thời đại của cả tuyệt vọng lẫn hy vọng.
Bài xã luận của BBT Epoch Times
Minh Nhật biên dịch