*Song Thao
Cái tên Kamala Harris giờ đã nổi đình nổi đám trên hầu như khắp ngõ ngách của quả địa cầu này. Với danh vị Phó Tổng Thống đắc cử của nước lớn nhất thế giới, bà tạo kỷ lục là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này. Không phải chỉ một kỷ lục mà tới ba kỷ lục: người phụ nữ đầu tiên, người gốc da đen đầu tiên và người gốc Nam Á đầu tiên. Hai bà trước, bà Sarah Palin và bà Hillary Clinton, đều mon men bước tới nhưng đã thất bại. Bà Palin ứng cử chức Phó Tổng Thống trong liên danh với Thượng Nghị Sĩ McCain vào năm 2008 và bà Hillary Clinton ứng cử chức Tổng thống vào năm 2016.
Kể cũng lạ! Một nước lớn như nước Mỹ mà sao khắt khe với giới phụ nữ như vậy. Tôi đã mày mò vào từ điển mở Wikipedia để tìm xem những nước nào từng có các nhà lãnh đạo là phụ nữ. Và đã tá hỏa khi thấy có tới 160 bà tất cả. Những bà ở những nước quen thuộc như bà Angela Merkel bên Đức, bà Margaret Thatcher và bà Theresa May bên Anh, bà Indira Ghandi bên Ấn độ, bà Golda Meir bên Do Thái, bà Julia Gillard bên Úc hoặc bà Kim Campbell bên Canada chúng tôi. Những nước Á châu, nơi phụ nữ thường bị coi là…phụ, cũng đã có bà Park Geun-hye bên Đại Hàn, bà Corazon Aquino và bà Gloria Maccapagal Arroyo bên Phi Luật Tân, bà Thái Anh Văn bên Đài Loan. Các nước Bắc Âu nhỏ bé cũng có các bà nắm quyền quốc gia, ngay cả nước Iceland chút xíu nằm leo trên Bắc cực cũng có tới hai bà là bà Katrin Jacobsdottir và bà Vigdis Finngobadottir. Tại các nước Phi châu, tưởng chuyện phụ nữ cầm quyền tối cao của quốc gia sẽ chẳng bao giờ xảy ra, vậy mà cũng có. Như bà Janet Jagen của Guyana, bà Mame Madior Boye và Aminata Touré của Senegal, bà Cecile Manorohanta của Madagascar, bà Kamla Porsad Bissessar của Trinidad và Tobago, bà Portia Simpson Miller của Jamaica, bà Catherine Samba-Panza của Cộng Hòa Trung Phi. Nhưng điều thú vị nhất là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới giữ quyền Quốc Trưởng lại là tại một nước vô danh tiểu tốt: Tannu Tuva. Quốc gia lạ hoắc này ở đâu, tôi không biết. Tìm trên mạng mới hay đó là một nước nhỏ bé nằm gần Mông Cổ, chỉ hiện diện từ năm 1921 đến 1944 và sau đó bị sáp nhập vào Sô Viết Nga rồi Liên Bang Nga. Bà…số dách này tên là Khertek Anchimaa-Toka, tại vị từ 1940 đến 1944.
Người ta không biết tới người phụ nữ nắm quyền quốc trưởng đầu tiên trên thế giới nhưng người phụ nữ đầu tiên đắc cử chức Phó Tổng Thống Hoa Kỳ thì ai cũng biết. Dân Montreal chúng tôi lại càng biết hơn vì bà đã sống cả tuổi teen tại thành phố này. Bà Kamala theo mẹ sang Montreal vào năm 1976, lúc mới 12 tuổi. Từ thành phố Oakland bên California qua Montreal, đứa bé 12 tuổi gặp hai thay đổi lớn: giá băng và tiếng Pháp. Trong hồi ký “The Truths We Hold: An American Journey”, bà viết: “ Cứ nghĩ tới việc rời miền nắng ấm California vào tháng 2, giữa năm học, tới một thành phố ngoại quốc nói tiếng Pháp bị bao phủ bởi lớp tuyết dày tới 12 feet là đã thấy nản, đó là nói nhẹ nhất. Mẹ tôi cố tạo cho tôi cảm tưởng đây là một chuyến phiêu lưu thú vị, mua sắm cho chúng tôi chiếc áo lông vịt và găng tay đầu tiên, làm như thể chúng tôi là những nhà thám hiểm lên miền Bắc vào mùa đông. Nhưng khó cho tôi nghĩ theo như vậy”. Tới Montreal vào tháng 2 là một điều…dại dột. Vì đúng là tháng trọng đông. Lạnh teo người. Dân Montreal chính gốc, những người sanh đẻ tại đây cũng không muốn ở. Họ đi trốn lạnh. Thường họ qua Florida bên Mỹ, nơi quanh năm nắng ấm, mặt trời chói chang. Bên nớ có cả một…bộ lạc dân Montreal chúng tôi, bộ lạc này có tên đàng hoàng: snowbirds, những con chim trốn tuyết. Chim ông chim bà dập dìu trên các bãi tắm. Thường họ có nhà cửa tại đây. Còn có hội nữa, hội “Canadian Snowbird Association”. Dân số trốn lạnh này vào khoảng 250 ngàn người. Năm nay, vì đại dịch, việc đi trốn lạnh coi bộ nan giải. Ông Sidney Margles, một con chim trốn tuyết từ hai chục năm nay, đã tính toán. Thường thì ông lái xe qua nhưng năm nay biên giới đóng cửa. Đi máy bay cũng được nhưng lỡ ông bạn ngồi bên cạnh húng hắng ho thì phiền lắm. Tiền máy bay, tiền chuyên chở chiếc xe qua để có tí chân chạy không nhỏ. Khoảng 2.800 đô. Nhưng lo nhất là covid-19. Tại Florida, dân chúng không kiêng cữ triệt để như dân Montreal, chuyện nhiễm bệnh là chuyện rất gần. Nếu mua bảo hiểm du lịch có tính cả covid thì các hãng bảo hiểm chặt đẹp cỡ 200 ngàn đô. Bà Rosa Finestone, một snowbird từ hai chục năm nay, lắc đầu chẳng chơi dại: “Tôi không muốn bị bỏ một mình trong một bệnh viện lạ. Ở lại đây, nếu có dính dịch thì cũng còn con cháu, bạn bè và một bệnh viện đã quen từ trước tới nay”.
Nếu hỏi người dân Montreal có muốn đi trốn tuyết không thì trăm phần trăm gật đầu liền. Từ ngày nghỉ hưu, tôi cũng bày đặt trốn. Thường tôi qua Cali, nhân tiện ăn tết luôn. Cũng chỉ vài tuần chứ trốn sao được cả mùa đông tuyết giá. Vậy mà Kamala đi ngược đường với tôi, ớn là phải.
Cái ớn thứ hai là tiếng Pháp. Montreal dùng hai thứ tiếng Anh và Pháp. Chuyện này làm dân Việt định cư ở Montreal vừa lợi vừa hại. Hại là cho thế hệ thứ nhất chúng tôi. Nhảy từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác, uốn miệng mệt bở hơi tai. Nhưng thế hệ con cháu chúng tôi lại có lợi. Một đứa trẻ tốt nghiệp trung học ở đây hầu như thông thạo cả hai thứ tiếng Pháp và Anh. Đó là một lợi ích nhãn tiền khi đi xin việc làm, nhất là xin việc tại các doanh nghiệp bên Mỹ có liên hệ tới Âu châu, nơi rất ít người nói được tiếng Pháp.
Kamala Harris sang Montreal vào năm 1976, lúc 12 tuổi và ở cho tới năm 1981, sau khi tốt nghiệp trung học, nên cũng có lợi. Một cái lợi phải trả giá. Bắt đầu vào học tại trường tiểu học Notre Dame des Neiges, cô bé đã…bơi. Kamala viết trong hồi ký: “Tôi có cảm tưởng như mình là một con vịt bởi vì suốt ngày ở ngôi trường mới, tôi cứ luôn miệng hỏi đi hỏi lại ‘quoi, quoi, quoi’”. “Quoi” tiếng Pháp có nghĩa là “cái chi”, dùng khi người ta không hiểu người khác nói gì. Ở đây Kamala chơi chữ. Âm chữ “quoi”phát âm nghe ra như tiếng vịt kêu!Nhưng rồi mọi chuyện đều qua. Kamala đã tốt nghiệp trường trung học Westmount và thông thạo tiếng Pháp. Có lẽ khi trở về Mỹ, không dùng tới tiếng Pháp nên vốn liếng Pháp văn của Kamala lụn bại dần. Chuyện này cũng thường thôi. Phần lớn các bạn tôi, khi ở Việt Nam cũng học tiếng Pháp nhưng định cư ở Mỹ lâu ngày, chữ của thầy trả lại thầy hết. Trong một lần tôi chở ông Từ Công Phụng đi chơi phố phường Montreal, ông cố gắng dùng thứ ký ức cằn cỗi còn lại để đọc những bảng chỉ dẫn bằng tiếng Pháp trên đường. Đọc đúng được chữ nào, ông khoái chí cười toe. Báo Le Point có kể lại chuyện ông Đại sứ Pháp ở Mỹ Gérard Arraud gặp bà Kamala Harris tại thủ đô Washington. Hai người nói chuyện bằng tiếng Pháp. Ông Đại Sứ nói: “Tôi gặp bà ta trong một buổi tiếp tân tại tòa Đại sứ. Tôi nhận thấy bà ta nói được chút chút tiếng Pháp của chúng tôi, rất mến nước tôi, rất nhiệt tình và nhiều tính khôi hài”.
Thời gian ở Montreal, ba mẹ con nhà Harris sống ở khu Westmount, khu nhà giầu của thành phố.
Thành phố lai Pháp này đã làm ngạc nhiên đứa con gái đến từ Berkeley. Họ ăn thường ngày ở tiệm Murray’s, nơi có các cô hầu bàn mặc đồng phục kiểu Pháp, mua sắm đồ đạc trong nhà tại tiệm Pascal, mua bánh tại Select Pastry nơi mà Kamala không bao giờ không mua thêm bánh mille-feuille, đi chợ tại Steinberg’s. Bốn năm sau khi gia đình Kamala rời khỏi Montreal, tôi tới thành phố này, thì vẫn còn Pascal và Steinberg’s. Nhưng vật đổi sao dời, ngày nay tất cả những cái tên này chỉ còn là dĩ vãng. Nhưng chiếc bánh “ngàn lá” mille feuille ưa thích của Kamala vẫn còn được ưa chuộng tới ngày nay.Tại sao đang yên lành ở California, bà Kamala Harris lại theo mẹ qua Montreal? Bởi vì bà mẹ là một chuyên gia nổi tiếng về ung thư vú, nhận qua giảng dậy tại Đại Học McGill, và nghiên cứu tại bệnh viện Jewish General Hospital mà dân ta gọi nôm na là bệnh viện Do Thái. Bà Kamala chịu ảnh hưởng sâu đậm của bà mẹ giỏi giang này.
Bà Shyamala Gopalan Harris, mẹ bà Kamala, là người Ấn Độ. Năm 1958, khi được 19 tuổi, bà đã qua Mỹ học. Bà đậu bằng tiến sĩ năm 1964. Bà gặp và kết hôn với ông Donald J. Harris, người Jamaica, qua Mỹ du học năm 1961, tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế năm 1966, giáo sư Đại học Stanford. Cuộc hôn nhân khá sóng gió đã đưa tới cuộc ly dị vào năm cô con gái đầu Kamala được 7 tuổi. Khi qua Montreal, chỉ có ba mẹ con. Cô em gái của Kamala tên Maya Harris.
Tin bà Kamala Harris làm nên lịch sử khiến các bạn học cũ của bà vui mừng ôn cố tri tân. Ông Hugh Kwok, bạn cùng lớp ở trung học Westmount nói: “Bạn ấy rất dễ thương, dễ hòa đồng, rất tích cực và là người có chí tiến thủ”.
Trường trung học Westmount là trường tiếng Anh nên Kamala học thoải mái hơn là khi theo học trường tiểu học tiếng Pháp Notre Dame des Neiges trước đó. Học sinh trường này rất đa dạng: con nhà giầu, trung lưu, nghèo, vài em người Hoa ở Chinatown và cả một số em cá biệt. Một đồng môn của Kamala hồi đó tên Olioff đã cho biết: “Người ta phải kết bạn làm quen với những học sinh từ những nơi mà người ta chưa bao giờ biết đến. Kamala là một trung gian giữa những đồng môn khác biệt khiến chúng tôi có một không khí dễ chịu”. Đó là đức tính của Kamala và là những lợi thế cho con người chính trị của Kamala sau này.
Ngôi trường danh tiếng này là nơi đã đào tạo ra nhiều nhân tài cho Montreal. Leonard Cohen là một. Ông là một nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn và trên hết là một biểu tượng cho Montreal. Ông mất cách đây 4 năm giữa sự thương tiếc của dân Montreal. Hiện vẫn còn một bức chân dung khổng lồ của ông được vẽ trên bức tường của một cao ốc nằm ở downtown Montreal. Tốt nghiệp trường Westmount vào năm 1951, đúng ba chục năm trước Kamala Harris, Leonard Cohen có câu nói mà dân Montreal vẫn thường nhắc tới: “Hãy hành động như bạn muốn và bạn sẽ sớm trở thành người bạn muốn”.
Trevor Williams, bạn cùng lớp với Kamala hồi đó, muốn nhảy lên vì mừng: “Tôi quá vui mừng, hãnh diện và hân hạnh được quen biết Kamala. Tôi chúc mừng cho Hoa Kỳ và toàn thế giới”. Theo người bạn này, Kamala là một khuôn mặt năng nổ trong nhiều hoạt động của trường và là một “con bướm xã hội”, ý nói là người có thể chơi với mọi người khác. Được đài CTV phỏng vấn bằng điện thoại, ông Williams nói bà bạn xưa là “người thích hợp nhất cho chức vụ này”. Ông nói thêm: “Bà là người tranh đấu cho sự công chính tại trường. Nay bà tiếp tục tranh đấu như vậy. Đó là di sản của bà. Có một vài người có thể làm những chuyện thay đổi thế giới. Đó là Kamala. Bà là một người xuất sắc, cực kỳ thông minh. Tôi rất vui mừng cho bà và rất hân hạnh được biết gia đình bà. Một phụ nữ da màu trong vai trò của một phó tổng thống là một điều lớn lao. Tôi có hai con gái và bà là mẫu mực của chúng”.
Cũng trả lời phỏng vấn của đài CTV, bạn cùng lớp Dean Smith nói: “Di chuyển từ California tới trường trung học Westmount là một cú sốc với bà. Bà gặp những đồng lứa đến từ Jamaica, vùng Caribbean và xa hơn nữa, từ Ấn Độ và Bangladesh. Bà gặp những người mà bà có thể hòa hợp được. Trông bà trên TV hôm nay vẫn y chang như bà 40 năm trước, vẫn nụ cười đó!”.
Anu Chopra Sharma cũng học chung lớp với Kamala ngày đó. Bà nói: “Không những bà chỉ là người cựu đồng môn với tôi. Bà là một phụ nữ như tôi. Thật vui khi tôi có thể nói với con cái là bà giống chúng ta tuy bà có cái tên khác chúng ta. Và chúng ta cũng có thể làm như bà được”.
Nhà trường không thể không vui mừng khi có một cựu học sinh leo cao đến như vậy. Westmount High School tweet ngay khi bà Kamala Harris được chọn làm ứng viên Phó Tổng Thống của đảng Dân Chủ. Họ “không thể hãnh diện hơn” khi biết tin này. Khi các bác sĩ khoa ung thư của bệnh viện Montreal Jewish General Hospital tụ tập để dự cuộc họp hàng tuần của khoa vào lúc 8 giờ sáng hôm sau, họ dành những phút đầu để nói về chuyện nóng hổi này. Theo bác sĩ giải phẫu Harvey Sigman thì họ đã “nhớ tới mẹ bà ta và những công trình của bà để lại nơi đây”. Bà mẹ nhiều ảnh hưởng tới cô con gái đầu đã không còn sống để được hưởng những giây phút huy hoàng của cô con gái. Bà đã mất vào năm 2009.
Các giới chức chính phủ của tỉnh bang Québec dĩ nhiên cũng hòa cùng niềm vui của nhà trường và các bạn học xưa cũ của bà Kamala. Thủ Hiến Francois Legault đã tweet: “Tôi chúc mừng Phó Tổng Thống đắc cử, bà Kamala Harris, người đã có một thời tuổi trẻ ở Montreal. Tôi hy vọng sớm được gặp bà. Bà luôn luôn được chào đón tại Québec”. Đô Trưởng Montreal, bà Valerie Plante, cũng vui mừng tweet sau đó: “ Bà Harris đã tạo nên lịch sử bằng cách một lần nữa đập bể cái trần kính”.
Thời học sinh tuổi chưa tới đôi mươi là thời mà ký ức con người lưu giữ lâu nhất. Đó là thời của tuổi xuân phơi phới tưởng như có thể thu cả thế giới vào bàn tay, tuổi của mộng mơ, tuổi của ước vọng. Bà Kamala Harris có nhớ tới thời ở Monttreal không? Ông Jeffrey Bernstein, một thương gia, chủ của một xưởng chế tạo nhỏ tại Montreal vừa kể lại trên báo Montreal Gazette ngày 12/11 câu chuyện của ông và bà Kamala Harris. Sáu năm trước, khi bà còn là Chánh Biện Lý của tiểu bang California, ông Bernstein dính vào một vụ kiện với một đương đơn ở California. Ông tiếp xúc với ông Mark Wainberg là đồng nghiệp trước kia của bà Shyamala, mẹ của bà Kamala, khi bà này còn làm việc tại Montreal. Ông liền gửi một e-mail cho bà Kamala, nhắc tới tên ông Mark Wainberg, xin bà giúp đỡ. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, bà nhận thấy ông Bernstein bị chèn ép nên nhận giúp ông. Hai tháng sau, chuyện được giải quyết. Ông Bernstein điện thoại cám ơn. Chính bà nghe điện thoại. Khi bà được ông Joe Biden chọn đứng chung liên danh ứng cử, ông liên lạc chúc mừng. “Chúng tôi nói về thành phố Montreal và bà khen đó là một thành phố đáng yêu. Bà cho biết từ ngày đó, bà chưa trở lại thành phố lần nào nhưng rất muốn một ngày nào đó bà sẽ cùng chồng trở lại chốn xưa”. Ông Bernstein lập tức mời bà về nói chuyện trong một buổi hội của tổ chức Women of Action vào năm 2018. Bà nhận lời nhưng lịch trình của bà bị thay đổi vào giờ chót nên chuyện trở lại Montreal của bà chưa thực hiện được. Ông Bermstein hy vọng bà sẽ trở lại thành phố này trong một dịp khác.
Montreal đang vào thu, lá trên cây đã vàng đã đỏ. Thành phố vẫn nhịp theo thời tiết. Y như thời gian bà Kamala tới cư ngụ tại thành phố. Em ra đi nơi này vẫn thế. Nhưng nay em đã không còn như thế. Có hy vọng chi dân Montreal sẽ được đón ngày trở về của đứa con nuôi nay danh đã vang dội khắp trái đất!
11/2020Website: www.songthao.com