Mới đây, Quốc hội Việt Nam thu hút sự chú ý của công luận khi một Đại biểu Quốc hội phát biểu công khai tại nghị trường góp ý với Bộ trưởng Công an Việt Nam rằng quân số của ngành này là quá đông.
“Xin lỗi đồng chí Bộ trưởng, lực lượng công an quá đông”, là phát biểu của Đại biểu Sùng Thìn Cò thuộc đoàn Đại biểu tỉnh Hà Giang, nói với người đứng đầu ngành Công an Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Tô Lâm, trong một phiên thảo luận liên quan lực lượng công an, bảo đảm an ninh ở tuyến cơ sở.
Hôm 24/11/2020, một số nhà phân tích thời sự, chính trị Việt Nam từ trong nước và hải ngoại trao đổi với BBC News Tiếng Việt về ý nghĩa và điều gì có thể rút ra qua phát biểu này.
“Tại cuộc thảo luận của Quốc hội Việt Nam về “Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” ngày 17 tháng 11 vừa rồi, đại biểu Quốc hội Sùng Thìn Cò nói với Bộ trưởng Công an Tô Lâm rằng, ” Xin lỗi đồng chí, nhưng các đồng chí đông quá”. Phát biểu của ông Sùng Thìn Cò phản ánh một thực trạng là ngành công an ngày càng đông thêm cả quân lẫn tướng,” từ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh nói với BBC.
“May mắn là Dự luật không được Quốc hội chuẩn thuận. Giả sử, Quốc hội Việt Nam thông qua dự luật này, Công an sẽ có lực lượng khoảng 1,5 triệu người, tức là ước tính cứ 1.000 dân có 15 viên công an phục vụ.
“Tôi xin đặt câu hỏi là đất nước thái bình sao phải cần nhiều công an? Sao phải cần hàng mấy trăm tướng lĩnh? Thời chiến tranh Việt – Mỹ, quân đội chính quy của Việt Nam không có số lượng tướng và lính nhiều đến thế. Câu hỏi này không chỉ đặt ra cho giới lãnh đạo mà theo tôi còn dành cho con dân nước Việt nữa.
“Thực vậy, sự gia tăng lực lượng công an thời gian qua phản ánh sự lo ngại của giới chức về vai trò lãnh đạo xã hội của họ. Khuynh hướng công an hóa bộ máy nhà nước đã hình thành và ngày càng diễn ra mạnh hơn trong mấy chục năm qua.”
Quyền lực quá lớn, hậu quả thế nào?
Cũng từ Hà Nội, hôm 23/11, cựu Thiếu tá An ninh Nguyễn Hữu Vinh, người từng có nhiều năm làm việc tại Bộ Công an Việt Nam, bày tỏ mong muốn có thêm nhiều tiếng nói ‘mạnh dạn’ hơn góp ý cho ngành này:
“Theo tôi, việc một đại biểu quốc hội nêu vấn đề ngành Công an “đông quá”, rồi báo chí đăng lên, rõ là một chuyện hiếm có. Xưa nay, mặc định đây là ngành hầu như không được bàn sâu tới những bất hợp lý bên trong nó, từ khâu đào tạo, tổ chức bộ máy, ngân sách, cho tới công tác nghiệp vụ.
“Trong khi các ngành khác như giáo dục, y tế, nông nghiệp v.v.. thì luôn được đem ra mổ xẻ trên báo chí, quốc hội. Vậy thì làm sao có thể giúp cho nó sửa chữa những bất hợp lý bên trong, thậm chí là phải có một cuộc cải cách. Bộ máy “bóp” chỗ này “phình” chỗ kia; hoạt động thì kín bưng; quyền lực thì quá lớn, v.v.. dễ thấy hậu quả sẽ như thế nào.
“Mong là cũng từ những chất vấn gần đây của đại biểu quốc hội với ngành công an, sẽ dần có được nhiều tiếng nói mạnh dạn hơn, mới giúp cho ngành này giảm bớt tiêu cực, nâng cao hiệu quả công tác.”
Từ Hà Nội, Luật sư Lê Quốc Quân cho rằng phát biểu của Đại biểu Quốc hội Việt Nam là “chính xác”:
“Tôi thấy rõ ràng rằng Bộ Công an đang có nhiều động thái tăng cường quyền lực của mình như can thiệp vào quản lý dữ liệu công dân, đề nghị chuyển dạy học lái xe sang cho Bộ Công An và đặc biệt là dự luật Xây dựng lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, nhóm toàn bộ dân phố, dân phòng, công an bán chuyên trách… để xây dựng một lực lượng thống nhất với biên chế đến 1,5 triệu người.
“Ngoài ra hiện nay Bộ công an còn xây dựng cơ chế phối hợp giữa đảng uỷ công an Trung ương với các tỉnh uỷ, tỉnh thành để hình thành nên sự thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến cơ sở. Phát biểu của Đại biểu Sùng Thìn Cò là chính xác vì tôi luôn có cảm giác ngành công an rất đông. Tôi không có con số thống kê cụ thể, nhưng trước đây chỉ để riêng gác một người bất đồng chính kiến, như bản thân tôi, khi đi ra ngoài cũng đã chục người trong ngày mà biết bao nhiêu người bị canh gác như vậy, số lượng lớn và quyền lực chắc chắn cũng theo đó mà to ra.”
Từ Đài Bắc, Đài Loan, luật gia, nhà báo Trịnh Hữu Long cho rằng phát biểu của Đại biểu Quốc hội không phải ngẫu nhiên mà có phát biểu mà ông cho là “trêu” ngành công an Việt Nam.
“Chắc chắn là có một sự bất thường ở đây, mà trong quan sát, theo dõi, thì ngành Công an trong mấy chục năm nay đã có xu hướng phình to, có xu hướng ngày càng chiếm lĩnh các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, có xu hướng lấn sân sang các nhóm lợi ích khác trong chính quyền.
“Theo tôi, ông Sùng Thìn Cò không phải ngẫu nhiên mà phát biểu như vậy được, không có ai tự nhiên mà lại đi “trêu” ngành công an và lãnh đạo Bộ Công an như vậy cả. Cần lưu ý rằng ông Sùng Thìn Cò là một tướng lĩnh bên quân đội, phát ngôn của ông ấy, tôi cho rằng có thể đại diện cho một nhóm trong quân đội đang cảm thấy bị ngành công an lấn sân quyền lực, đang cảm thấy quyền lực của họ trong bộ máy chính quyền, cũng như trong quản lý xã hội càng ngày càng ít đi, giảm thiểu do sự lấn sân của ngành công an và Bộ Công an.
“Đó có thể coi là tiếng nói của một nhóm lợi ích và tôi cho rằng còn nhiều nhóm lợi ích khác nữa trong nội bộ của đảng cộng sản và trong chính quyền mà đang cảm thấy một áp lực ngày càng lớn từ ngành Công an và bộ Công an rằng ngành này đang lấn sân họ, gây áp lực mà họ phải bị ảnh hưởng thế này, thế kia và làm ảnh hưởng tới lợi ích của rất nhiều người.
“Do đó, các nhóm lợi ích bị thiệt hại hay chịu áp lực lên tiếng như thế là điều hoàn toàn có thể hiểu và dự đoán được, nhưng đây là một chỉ dấu cho thấy Bộ Công an đã vượt qua làn ranh đỏ và gây thách thức, phản ứng với khả năng chịu đựng và tính chấp nhận của các nhóm lợi ích từ các nhánh quyền lực khác và buộc nhóm bị ảnh hưởng phải có những phản ứng như phát ngôn trên của Đại biểu Sùng Thìn Cò.
“Và qua đây cũng không loại trừ khả năng bản thân trong nội bộ đảng cũng có những lực lượng tiến bộ cảm thấy rằng Việt Nam đang đi theo xu hướng một mô hình “nhà nước cảnh sát” với quy mô quá lớn, do đó cần phải có những cảnh báo để ngăn chặn.”
Từ Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Lê Văn Sinh cho rằng khuynh hướng được cho là “công an trị” ở Việt Nam đang trở nên ngày càng rõ hơn và thử bàn về tương lai của xu thế này từ góc nhìn lịch sử.
“Khi một đảng chính trị tự khẳng định nó là “lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội” (Hiến pháp 1980 và các năm 1992, 2013,) thì cũng là lúc đảng chính trị đó tìm mọi biện pháp và cách thức giữ vững quyền lực tối thượng trong tay mình. Và, để giữ vững quyền cai trị của đảng, xu hướng “Công an trị, an ninh trị” theo tôi là điều tất phải đến.
“Quan sát bộ máy nhà nước từ phường xã cho tới cấp cao nhất, và sự gia tăng lực lượng ngày càng phình to, cùng là sự mở rộng quyền lực quản lý dân chúng của ngành công an trong mấy chục năm qua, ta dễ dàng nhận ra khuynh hướng công an trị ngày càng rõ ràng hơn.
“Tuy nhiên, lịch sử cận đại thế giới và loài người cho thấy, các quốc gia độc tài, đảng trị mang đến nghèo đói và đau khổ cho dân chúng. Sớm muộn gì loại nhà nước này cũng sẽ bị đào thải.”
“Báo động giả” về thế lực thù địch?
Cựu Thiếu tá An ninh Nguyễn Hữu Vinh đề cập một khía cạnh mà ông quan tâm mà ông gọi là “báo động giả” mà có thể ngành công an và an ninh tại Việt Nam đang cho thấy.
“Chính qua báo chí, qua phát ngôn của nhiều vị lãnh đạo cho thấy dường như “các thế lực thù địch” đang hoạt động ghê gớm lắm, mất chế độ đến nơi. Rồi cứ lúc nào cũng Việt Tân … Việt Tân. Trong ngành y, chẩn bệnh không đúng, dùng thuốc quá liều dễ sinh ngộ độc, bệnh nặng thêm, mà chết.
“Chuyện “an ninh chính trị” cũng vậy, đánh giá quá mức mối nguy hiểm của “các thế lực thù địch”, tới độ như “báo động giả” cũng rất nguy hiểm. Cuộc sống của người dân, của giới trí thức tinh hoa có thể bị kiểm soát quá mức cần thiết, dẫn đến tâm lý bất an, bất mãn, kìm hãm phát triển trí sáng tạo v.v..
“Còn những mặt trái sâu xa của lối “báo động giả” thì không thể kể hết. Cuối cùng là mâu thuẫn ngấm ngầm tích tụ dần dần khó đo đếm được, một khi có biến cố thiên tai, bệnh dịch khó kiểm soát, ngoại xâm … dễ làm bùng nổ xã hội khôn lường, hoặc ít ra là mất đi sự cố kết cần thiết của cả xã hội đặng vượt qua được khủng hoảng.”
Luật sư Lê Quốc Quân nghĩ rằng không nên bàn đến chuyện “đúng, sai” với vai trò và vị thế của ngành công an tại Việt Nam hiện nay và ông giải thích quan điểm của mình.
“Tôi cho rằng Việt Nam là mô hình Đảng trị, Bộ công an cũng chỉ được coi là một thanh kiếm để bảo vệ chế độ, bảo vệ đảng. Để cho kiếm càng ngày càng sắc và sự cai trị ngày càng lớn thì người ta phải tạo điều kiện để người trong ngành có quyền lợi gắn liền với đảng. Có quyền lợi thì sẽ có sự trung thành tuyệt đối. Tôi thấy có một khẩu hiệu trước đây người ta đã đề cập trong ngành công an là “còn đảng, còn mình”.
“Câu đó thật minh nhiên và tài tình hết sức, nói thẳng tưng ra là phải bảo vệ vị thế của đảng, sự độc quyền lãnh đạo của đảng như chính là bảo vệ lực lượng công an, không cần gì đến chuyện khác nữa. Kinh nghiệm của tôi thì thấy rõ, họ làm việc theo lãnh đạo, chỉ đâu là đánh đó, bảo sao là làm vậy. Trước đây nhiều lần làm việc với tôi họ đều nói “Đó là mệnh lệnh phải tuân thủ tuyệt đối, đừng bàn chuyện đúng sai.”
Hai lý do của việc phình to bộ máy?
Luật gia, nhà báo Trịnh Hữu Long từ Đài Bắc cho rằng lý do của việc bộ máy, quân số ngành công an Việt Nam bị “phình to” là có gốc rễ từ vấn đề thể chế, và theo ông có hai điểm cần nói về lý do, nguyên nhân.
“Theo tôi, ở đây có lý do về mặt thể chế, thứ nhất trong khuynh hướng chung bộ máy nhà nước phình to, thì lý do phình to là bởi vì đảng Cộng sản Việt Nam có tham vọng kiểm soát xã hội Việt Nam ở một quy mô vô cùng rộng lớn mà bao hàm bộ ba thị trường, xã hội dân sự và các yếu tố, lực lượng nước ngoài.
“Khi quy mô dân số và các hoạt động trong xã hội lớn lên và gia tăng, thì bộ máy nhà nước cũng lớn lên theo và hơn nữa với cơ chế xin – cho, hối lộ, đút lót để chạy chọt xin việc ở Việt Nam, một người chạy vào cơ quan nhà nước sẽ có nhu cầu “thu hồi vốn” đã bỏ ra để chạy, và có một cách thu hồi vốn là trở thành một người đi tuyển mộ cho bộ máy nhà nước và nhận tiền “chạy chọt”, thì cơ chế đó luôn luôn làm cho bộ máy nhà nước phình ra. Đó là lý do mà lâu nay người ta không thể nào tinh giản biên chế được.
“Với cơ chế và bộ máy kiểu đó, người này vào được, họ sẽ có nhu cầu tham nhũng và tận dụng từ những người mới vào và bộ Công an, ngành công an cũng không nằm ngoài xu hướng đó, nhưng bộ này có địa vị đặc biệt, phân biệt với các bộ, ngành khác, đó là không chỉ đóng vai trò gìn giữ an ninh, trật tự xã hội như ở các nước dân chủ, mà nó còn đóng vai trò hết sức đặc biệt là bảo vệ chế độ nữa.
“Và khi đảm nhiệm vai trò này càng ngày càng khó khăn trước những thử thách từ sự phản kháng xuất phát từ nhận thức các quyền của người dân càng ngày càng cao, như đã được chứng kiến khoảng 20 năm trở lại đây, vai trò bảo vệ chế độ của bộ Công an, ngành công an càng lớn hơn nữa và lớn hơn thì bộ máy phải phình to hơn, phải cấp nhiều tiền từ ngân sách hơn, tuyển nhiều nhân sự hơn và mở nhiều cơ quan hơn như từ cục An ninh mạng cho tới lực lượng bảo an ở cấp cơ sở.
“Đó là những lý do khiến bộ máy công an phình ra và khi mà họ đã nắm được các quyền lực trong cơ quan nhà nước, họ sẽ không bao giờ muốn từ bỏ và trái lại họ lại càng có tham vọng và mong muốn tăng cuờng và mở rộng quyền lực chính mình, và cấp nào cũng muốn phát triển bộ máy của mình và kết quả là họ càng cơi nới bộ máy, nhân sự ra, đây là vấn đề của thể chế, cơ chế mà nếu không giải quyết được, thì nó sẽ không thể ngăn chặn được quá trình phình to bộ máy như thế.”
Nhân dịp này, các ý kiến cũng đề cập với BBC về điều mà họ tin là cần phải có giải pháp cho vấn đề mà Đại biểu Quốc hội Việt Nam cho là “lực lượng công an quá đông”.
Ông Nguyễn Hữu Vinh cho rằng cần có sự cải tổ thể chế, chính trị và cả tư tưởng:
“Theo tôi đây vẫn là câu hỏi quá lớn, mà hễ động tới nó, người ta lại dễ nghĩ tới vai trò của Đảng. Trong lúc vẫn khăng khăng một chính thể mô hình một đảng như hiện nay, thì việc đầu tiên vẫn là phải mở rộng quyền tự do dân chủ, “cởi trói” cho tư tưởng, tinh thần của dân như đã từng làm từ 30 năm trước (rồi lại vội “trói” trở lại). Vai trò của ngành công an ở đây quan trọng nhất.
“Từ đó, sẽ có được “trên dưới một lòng” thực sự hơn, được rất nhiều thuận lợi để có những điều chỉnh hợp lý thể chế chính trị, kinh tế, luật pháp…
“Nếu cứ quá tin vào những lối “báo động giả” như nói ở trên, luôn trong tâm trạng bất an, sợ “các thế lực thù địch” ở đâu đó vùng lên lật đổ, rồi siết chặt thêm quản lý xã hội, thì tất cả cùng dẫn nhau vào con đường bế tắc mà thôi.”
Ông Lê Văn Sinh cũng chia sẻ quan điểm về cải cách và theo ông phải đi từ gốc rễ của vấn đề:
“Tôi cho rằng, vấn đề gốc rễ của xã hội Việt Nam hôm nay là cải cách thể chế chính trị. Một khi Đảng Cộng Sản Việt Nam không chấp nhận các lực lượng xã hội khác chính kiến với họ được tham dự công việc xây dựng đất nước thì sẽ không có bất kỳ một sự thay đổi theo hướng tích cực nào hết.”
Ông Lê Quốc Quân cho rằng để cải tổ đúng hướng, ngành công an Việt Nam trong tương lai cần “trung lập” và thượng tôn pháp luật.
“Tôi nghĩ cần phải có có tự do dân chủ, xa hơn là phải đa nguyên đa đảng. Không một nhà nước nào mà không có công an, an ninh, cho nên nó vẫn luôn cần thiết. Tuy nhiên để ngành công an chỉ có một mục tiêu là bảo vệ an ninh, bảo vệ nhân dân mà không phải là “còn đảng còn mình” thì ngành sẽ làm việc trung lập và chỉ tuân theo pháp luật.
“Khi có luật các tổ chức đảng phái, luật của ngành công an cụ thể thì thì quyền lực không bị lợi dụng, không thể tự tiện phình to hay thu nhỏ lại mà do nhu cầu của đất nước. Tự do báo chí cũng vô cung quan trọng vì khi đó báo chí và người dân sẽ giám sát được quyền lực trong xã hội, bao gồm cả ngành công an.”
Phi chính trị hóa và phi tập trung hóa?
Theo ông Trịnh Hữu Long, có hai giải pháp cụ thể cần quan tâm khi đúc rút từ kinh nghiệm quốc tế và khu vực:
“Kinh nghiệm từ những nước chuyển đổi từ độc tài, toàn trị sang dân chủ, văn minh bao giờ cũng bao gồm việc phải cải cách bộ máy cảnh sát, bộ máy công an như thế nào.
“Ở các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa cũ, các nước khác như là Hàn Quốc, Đài Loan có rất nhiều kinh nghiệm trong chuyện này và kinh nghiệm này luôn luôn bao hàm hai việc, thứ nhất là phải phi chính trị hóa bộ máy công an, bộ máy công an sẽ không là tài sản riêng, công cụ riêng, không phục vụ cho một đảng phái nào cả.
“Nó phải nằm ngoài chính trị và nó chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự xã hội và trấn áp tội phạm mà thôi, còn an ninh quốc gia có thể là vấn đề của bên phía quân đội.
“Việc phi chính trị hóa bộ máy công an, cảnh sát như thế phải là việc đầu tiên, phải bãi bỏ toàn bộ những chức danh chính trị trong các cơ quan công an, rồi phải có những cơ chế để ngăn chặn các đảng phái chính trị gây ảnh hưởng trong bộ máy công an.
“Và việc xét duyệt, cấp ngân sách cho ngành công an, bộ Công an cũng phải thông qua những cơ chế rất minh bạch để những ai, lực lượng nào cố tình gây ảnh hưởng lên bộ Công an bằng cách xét duyệt ngân sách sẽ bị phát giác và công luận biết được ai là người gây ảnh hưởng.
“Thứ hai nữa, bên cạnh phi chính trị hóa, là phải phi tập trung hóa bộ máy công an. Hiện nay bộ máy và hệ thống chính trị trong công an Việt Nam được xây dựng theo hệ thống thống nhất từ trung ương xuống địa phương, gồm có đảng ủy Công an Trung ương mà trong đó các ông Nguyễn Phú Trọng, hay Tô Lâm đang có chân trong đó, đây là cơ quan đầu não chính trị, họ chỉ đạo quản lý toàn bộ hệ thống trong đó có bộ Công an, các sở Công an, công an của các quận, huyện, vươn xuống cả tuyến công an xã và thậm chí họ còn chỉ đạo quản lý cả các lực lượng dân phòng ở các làng, phường, xã.
“Đây là một bộ máy từ trung ương quản lý thống nhất xuống cả địa phương đảm bảo cho việc huy động lực lượng rất lớn khi cần để phục vụ quyền lực của đảng và của chính ngành này, và đó chính là một mối nguy, mối đe dọa đối với bất kỳ một lực lượng chính trị nào khác, và bản thân nó, tự nó có thể biến thành một nhà nước trong một nhà nước, và nó đủ sức đe dọa các thiết chế khác trong xã hội, như có thể đe dọa Tòa án, đe dọa Quốc hội, đe dọa Chính phủ và bất kỳ ai.
“Do đó, phi chính trị hóa ngành công an là tách cơ quan công an trung ương ra khỏi các cơ quan công an địa phương, cơ quan công an địa phương là do chính quyền địa phương lập ra, còn cơ quan công an trung ương là do chính quyền trung ương lập ra, tách ra như vậy và phi tập trung hóa, thì sẽ ngăn chặn việc chúng liên kết với nhau để có thể trở thành một mối đe dọa to lớn như trên đã nói nữa.
“Đó là một kinh nghiệm ở các nước, tôi không rõ nó có phù hợp với Việt Nam hay không, thế nhưng nhìn chung về nguyên tắc bao giờ cũng phải bao gồm hai việc là phi chính trị hóa và phi tập trung hóa như thế,” ông Trịnh Hữu Long nói với BBC.
BBC