- Xuân Lan
Hôm 27/11, lãnh đạo đa số Hạ viện Steny Hoyer thông báo Hạ viện sẽ bỏ phiếu vào ngày 2/12 – 4/12 tới đây cho các dự thảo luật được đệ trình trước đó, bao gồm đạo luật cho phép hợp pháp hoá cần sa.
Năm dự luật sẽ được xem xét vào ngày 2/12, trong đó nổi bật có Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài do Thượng nghị sĩ John Kennedy đưa ra và được Thượng viện thông qua vào tháng 5. Luật này sẽ loại bỏ các công ty Trung Quốc ra khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ nếu họ tiếp tục không tuân thủ quy định kiểm toán của Hoa Kỳ.
Vào cuối tuần, các nhà lập pháp sẽ bỏ phiếu về 23 dự luật và nghị quyết khác, bao gồm Đạo luật Cơ hội, Tái đầu tư và Xử lý Cần sa (MORE) năm 2019, đạo luật này sẽ hợp pháp hoá cần sa.
Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler đã giới thiệu dự luật vào năm ngoái cùng với Thượng nghị sĩ Kamala Harris.
“Bất chấp việc hợp pháp hóa cần sa ở các bang trên toàn quốc, những người có tiền án về cần sa vẫn bị đối xử với quyền công dân hạng hai. Các lá phiếu, quyền tiếp cận giáo dục, việc làm và nhà ở của họ đều bị ảnh hưởng tiêu cực,” ông Nadler nói.
“Việc thực thi luật cần sa có động cơ phân biệt chủng tộc đã tác động không tương xứng đối với các cộng đồng da màu. Cần phải sửa lại cho đúng điều này, coi việc sử dụng cần sa là lựa chọn cá nhân và là vấn đề sức khỏe cộng đồng chứ không phải hành vi phạm tội. Tôi tự hào tài trợ cho Đạo luật MORE để hợp pháp hoá cần sa ở cấp liên bang, xóa bỏ gánh nặng không cần thiết về việc kết án cần sa đối với rất nhiều người Mỹ và đầu tư vào các cộng đồng đã bị tổn hại một cách không cân xứng bởi cuộc chiến chống ma túy.”
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ứng viên Joe Biden đã nhiều lần thay đổi lập trường về việc hợp pháp hoá cần sa. Nhìn chung, ông Biden không phải là người ủng hộ việc này, nhưng vẫn lựa chọn Phó tướng là người có quan điểm hoàn toàn trái ngược, mà theo các nhà phân tích, nhằm lấy thêm phiếu bầu của người da màu.
Tương tự, bà Kamala cũng thể hiện những mâu thuẫn trong lập trường, khi một mặt rất tích cực vận động cho việc hợp pháp hoá cần sa, nhưng bà “đã đưa hơn 1.500 người vào tù vì phạm tội cần sa, và sau đó cười về điều đó khi được hỏi liệu bà ấy đã bao giờ hút cần sa chưa. Bà ấy đã chặn bằng chứng có thể giải thoát một người đàn ông khỏi án tử hình cho đến khi tòa án buộc bà ta phải làm như vậy. Bà ta giam những người quá thời hạn tù để sử dụng họ làm lao động rẻ mạt cho bang California. Và bà ta đã chiến đấu để duy trì hệ thống bảo lãnh tiền mặt có tác động đến người nghèo theo cách tồi tệ nhất”, theo Tulsi Gabbard.
Hiện tại ở Mỹ, có 33 tiểu bang đã cho phép sử dụng cần sa cho mục đích y khoa, trong khi 11 tiểu bang cùng thủ đô Washington DC cho phép dùng cho mục đích giải trí riêng. Nhưng ở cấp liên bang, Mỹ vẫn cấm.
Các đảng viên Dân chủ đang chạy đua để bỏ phiếu về các dự luật mà khó có thể được thông qua trong Quốc hội tiếp theo khi đảng Dân chủ đã mất nhiều ghế vào tay đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11.
Trong khi đó, đảng Cộng hòa đang thúc đẩy xác nhận hàng loạt ứng viên cho vị trí thẩm phán tại các tiểu bang trước kỳ Quốc hội tiếp theo.
Xuân Lan