Chuyên gia quốc tế sẽ vào Vũ Hán điều tra nguồn gốc COVID-19, phải chăng là quá muộn?

  • Mỹ Huyên

Gần một năm sau khi bùng phát dịch bệnh viêm phổi ở Vũ Hán – Trung Quốc, các chuyên gia quốc tế cuối cùng cũng có thể đến nơi này để điều tra nguồn gốc của loại virus này. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom đã khẳng định điều này vào hôm thứ Sáu (27/11). Quốc tế lo ngại rằng Bắc Kinh đã trì hoãn gần một năm mới cho phép các chuyên gia quốc tế vào Vũ Hán để điều tra nguồn gốc căn bệnh, “Mọi khả năng tìm thấy dấu hiệu liên quan sẽ ‘tan thành mây khói’!”

Vào đầu năm nay, khi bệnh viêm phổi ở Vũ Hán bùng phát, thi thể người đầy rẫy khắp nơi trong các bệnh viện ở Vũ Hán. (Ảnh chụp màn hình video).

Theo báo cáo của Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI), Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chính thức xác nhận dịch viêm phổi virus corona mới bùng phát ở Vũ Hán vào cuối tháng 12 năm ngoái. Sau khi Australia, Mỹ và các nước yêu cầu điều tra nguồn gốc virus, hai chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đến Trung Quốc vào tháng 7, nhưng chỉ có thể lưu lại Bắc Kinh ba tuần và liên tục bị chính quyền cản trở không cho đến Vũ Hán để điều tra.

Cách đây vài ngày, từ các tài liệu nội bộ và các cuộc phỏng vấn của WHO và hơn 50 nhà ngoại giao, tờ New York Times đã nắm được thông tin rằng, yêu cầu điều tra nguồn gốc của virus ở Vũ Hán, Trung Quốc của WHO đã bị ĐCSTQ từ chối và ngăn cản ở các mức độ khác nhau. WHO cuối cùng đã phải khuất phục trước Bắc Kinh.

Ngày 27/11, WHO đã tổ chức một cuộc họp báo trực tuyến, phóng viên đã trực tiếp hỏi ông Tedros Adhanom rằng liệu các chuyên gia quốc tế của WHO có thể đến Vũ Hán để điều tra thực địa về nguồn virus hay không? Ông Tedros khẳng định chắc chắn rằng các chuyên gia quốc tế sẽ vào Vũ Hán để điều tra nguồn gốc của virus. Gần một năm sau khi dịch bùng phát, nhóm chuyên gia quốc tế mới xác nhận có thể vào được nơi bắt đầu bùng phát dịch để điều tra thực địa.

Ông Tedros vẫn chưa cho biết ngày cụ thể nhóm chuyên gia quốc tế đến điều tra thực địa ở Vũ Hán. Ngoài ra, các  nhân sĩ quốc tế lo ngại rằng Bắc Kinh trì hoãn đến một năm mới cho phép các chuyên gia quốc tế vào Vũ Hán để điều tra nguồn bệnh, “Mọi khả năng tìm thấy dấu hiệu liên quan sẽ ‘tan thành mây khói’”.

ĐCSTQ rất không tích cực đối với việc điều tra nguồn gốc virus của các chuyên gia quốc tế. Kể từ tháng Ba, chính quyền Bắc Kinh đã nhiều lần thay đổi quan điểm và đổ lỗi nguồn gốc virus là đến từ các nước như Ý, Hoa Kỳ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc quân đội Mỹ mang virus đến Vũ Hán, kết quả khiến Mỹ hết sức bất mãn.

Australia và các nước phương Tây yêu cầu các chuyên gia độc lập đến Trung Quốc để điều tra nguồn tin, nhưng chính quyền ĐCSTQ luôn tỏ thái độ từ chối. Những lời kêu gọi cộng đồng quốc tế truy cứu trách nhiệm ĐCSTQ về nguồn gốc virus cũng rất mạnh mẽ.

Gần đây, các ca nhiễm địa phương đã xuất hiện ở Thượng Hải, Thiên Tân và những nơi khác ở Trung Quốc. Các quan chức địa phương đổ thừa nguồn lây lan đến từ thực phẩm, bao bì, hàng hóa đông lạnh nhập khẩu từ nước ngoài.

Ngày 27/11, tờ L’Humanité (Nhân đạo) của Pháp đưa tin, chính quyền ĐCSTQ một lần nữa thay đổi tuyên bố về nguồn gốc của virus. “Hiện nay, ĐCSTQ đã phong tỏa thực phẩm đông lạnh nhập khẩu từ nước ngoài, và các nhà khoa học của WHO không thể vào Vũ Hán để tiến hành điều tra sâu rộng về nguồn gốc của virus.” Phóng viên Dorian Malovic của báo viết, điều quan trọng nhất đối với chính quyền ĐCSTQ là phải tuyên truyền cho dân chúng tin chủng virus corona mới này có nguồn gốc từ nước ngoài.

Tuy nhiên, theo WHO, cho đến nay không có bằng chứng cho thấy con người có thể nhiễm virus corona mới khi tiếp xúc với thực phẩm đông lạnh hoặc bao bì sản phẩm. Đức, New Zealand và các nước khác cũng từ chối chấp nhận tuyên bố của Bắc Kinh rằng thịt đông lạnh và bao bì sản phẩm có thể là nguồn lây lan.

Trong mọi trường hợp, các nhà quan sát quốc tế chỉ ra rằng ĐCSTQ không nên tiếp tục ngăn cản các chuyên gia quốc tế đến Vũ Hán để điều tra hiện trường. Chỉ bằng cách này, mối nghi ngờ mới có thể được loại bỏ và sự thật được giải tỏa. Điều tra nguồn bệnh có mục đích quan trọng nhất là góp phần ngăn chặn các đại dịch virus trong tương lai, có ý nghĩa sống còn đối với sức khỏe con người.

Mỹ Huyên

Related posts