Sự thật tàn khốc tại Afghanistan

Cổ Nhuế

Trong giới đánh giặc tại Afghanistan, chuyền tai nhau chuyện này: trong một cuộc hành quân, Lực Lượng Đặc Biệt Úc (SAS) bắt sống 6 người địa phương bị nghi theo Taliban. Lính Úc trói gô cả sáu và gọi trực thăng giải tù binh về căn cứ. Trực thăng đáp xuống, phi công cho biết chỉ còn năm chỗ. Trong khi đó vang lên tiếng thét xung phong của Taliban một lúc một gần. Lính Úc phải giải quyết thật nhanh và thật gọn. Vậy là người ta nghe một tiếng bụp vào đầu một tù binh. Năm tù binh còn lại bị quăng lên trực thăng. Xong chuyện.

Chiến tranh tàn khốc là thế. ‘Sự thật tàn khốc, brutal truths’ này – như lời thủ tướng Scott Morrison – là điều nước Úc phải đối diện. Trong mấy ngày qua, báo chí và truyền hình ở Úc nhắc nhiều đến điều bị coi là ‘tội ác chiến tranh, war crimes’ do người Úc bị tố đã phạm ở Afghanistan.

Vài ‘sự thật tàn khốc’

Từ mấy năm nay, Tổng Thanh Tra quân đội Úc , dưới quyền điều động của trung tướng Bereton, đã mở cuộc điều tra và tìm thấy từ năm 2006 đến 2014 tổng cộng 19 vụ lính Úc bị coi là phạm tội. Qua 19 vụ này, 25 người lính Úc bị nêu danh và 39 người Afghanistan mất mạng. Ấy là chưa kể đến hai vụ khác không làm chết người nhưng bị coi là ‘đối xử tàn ác’ với đồng loại.

Xin kể ra vài vụ bị ghi trong tường trình từ cuộc điều tra về ‘tiếng đồn Lực Lượng Đặc Biệt Úc đã phạm tội các chiến tranh tai Afghanistan’.

… Năm 2006, lính úc chạm súng và bắn chết một người đàn ông không võ trang. Sau đó toán lính này trình lên thượng cấp người chết ấy có võ trang…

… Năm 2009, binh sỹ trong Lực Lượng Đặc Biệt bắn xối xả vào dân làng và đàn gia súc của họ mà chưa biết rõ dân làng có theo phe địch không.

… Năm 2009, một người địa phương đang nằm trong tay binh sỹ Úc đã bị bắn chết. Cũng vào lúc đó và ở nơi đó, cấp chỉ huy không ngăn cản mà còn khích lệ binh sỹ giết người đàn ông đó.

… Năm 2010, linh Úc bắn chết một người đàn ông địa phương rồi bỏ võ khí gần xác chết để làm như người đàn ông này tử trận.

… Năm 2012, lại thêm một vụ tương tự như trên xảy ra.

Năm 2012 là thời gian xảy ra nhiều vụ bị cho là lính Úc dữ dằn với dân lành và tù binh tại Afghanistan. Dữ dằn nhất là cuộc điều tra này tìm thấy có một lần lính Úc điệu một tù binh ra chỗ khuất trong doanh trại. Dí đầu tù binh sát đất. Rồi bụp một phát. Người kia rồi đời.

Nhanh chóng xin lỗi

Tướng Angus Campbell (The Age)

Cần phải nói rõ những điều trên chỉ là những gì ghi trong bản điều tra của Tổng Thanh Tra quân đội Úc. Các điều này làm cho thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng và chỉ huy trưởng quân đội Úc kinh hoàng. Dù rất kinh hoàng, các giới chức kể trên không chối bỏ hay giấu nhẹm. Có điều giới chức Úc quá nhanh nhẹn giả thiết lính Úc phạm tội khi chưa bị toà án xét xử. Họ đã quên rằng cuộc điều tra này nhắm tới ‘những tiếng đồn liên quan đến việc làm nghiêm trọng của lực lượng Đặc biệt (Úc) tại Afghanistan (inquire into rumours of serious misconduct by Australia’s Special Forces in Afghanistan).

Tướng Angus Campbell đã xin lỗi tướng tá trong quân đội Afghanistan. Thủ tướng Úc Scott Morrison xin lỗi tổng thống Ashraf Ghani. Tiếp theo, người ta nói tới chuuyện  tước huy chương, lột dây biểu chương khỏi lực lượng tinh nhuệ nhất ca Úc.

Có điều oái oăm: các quan lớn nhanh chóng xấu mặt vì cuộc điều tra này nhưng chính họ lại phủi tay. Khi một lính quèn bóp cò súng vào đầu một thường dân thì quan chỉ huy tại mặt trận không biết hay sao. Khi có tiếng đồn lính Úc phạm tội ở trận tiền thì tướng lãnh và chính trị gia ở hậu phương tưởng mình sạch tay sao?

Con sâu làm rầu nồi canh

Riêng với dân quèn sống đất nước thanh bình này, cần phải đặt mình vào hoàn cảnh của người lính ở trận tiền. Khi súng đã nổ thì người lính chỉ có hai lựa chọn: một là giết người; hai là bị người giết.

Có những người lính phải sang bển chiến đấu tới 10 lần. Thế là phần khá lớn trong đời của họ luôn luôn đối diện với thần chết. Muốn thoát chết họ phải gieo chết chóc cho người khác. Hơn nữa, phải sống trong khói lửa và cuộc đời của người lính được đánh giá bằng những chiến công. Lực lượng này ganh đua với lực lượng khác. Đơn vị này thi đua với đơn vị khác. Người lính này so tài với người lính khác. Thế là trong quân đội diễn ra ‘cuộc tranh tài độc hại, toxic competitiveness’ – chữ của tướng Angus Campbell, chỉ huy trưởng quân đội Úc.

Cho dù toà án có thể gõ búa phán rằng: người lính này, người lính kia trong quân đội Úc đã phạm tội thì ‘con sâu nhỏ’ này không ‘làm rầu cả nồi canh’. Dân biểu Mack McCormack tại quốc hội liên bang Úc – đã từng phục vụ trong lực lượng đặc biệt Úc (SAS) suốt 13 năm và đã đi Afghanistan chiến đấu ví von: nếu có cầu thủ chơi xấu thì đâu phải mọi trận AFL hay những cuộc tranh tài Thế vận hội đều xấu cả.

Thương cho lính già Việt Nam

Đừng để cho người lính vào sinh ra tử ở Afghanistan lâm vào hoàn cảnh bi đát như lính Úc chiến đấu chống Cộng Sản tại Việt Nam. Trong những năm 1962 đến 1972, đã có chừng 60 ngàn người Úc sang Việt Nam ngăn chận làn sóng đỏ. Phần lớn binh sỹ Úc này là thanh niên tuổi chưa tới đôi mươi. Họ nhận lệnh động viên và đi Việt Nam.

Vì ảnh hưởng từ phong trào phản chiến và tuyên truyền của Cộng Sản, trong những năm 1960, 1970 công luận Úc không nhiều cảm tình với con dân Úc chiến đấu tại Việt Nam. Thuỷ thủ Bill Vierveyzer, tòng sự trên tàu HMAS Sydney, vận chuyển binh sỹ từ Úc đi Việt Nam, kể lại: có một lần lên bờ du hí tại Sydney, ổng bị người ta chửi là ‘đồ giết trẻ em, baby-killers’ và bị nhổ vào mặt.

Hình như không riêng gì thuỷ thủ Bill Vierveyzer mà nhiều cựu chiến binh Việt Nam cũng bị làm nhục. Đã có một thời người ta kể đi kể lại những mẫu chuyện cho rằng người Mỹ và người Úc đã tụ tập đông như kiến ở phi trường để ‘nhổ vào mặt’ con em của họ từ chiến trường Việt Nam về. Nghe những chuyện ấy, ai là cựu chiến binh Việt Nam thường phải khép mình vào cuộc sống ẩn dật.

Xin hỏi ‘có thiệt vậy không?’. Gần đây tác giả Mark Dapin cho xuất bản cuốn ‘Australia’s Vietnam: Myth and History, Lịch sử và dã sử về người Úc tham chiến ở Việt Nam’ (NewSouth, 2019). Tác giả chứng minh mấy chuyện nhổ vào mặt, chưởi bới hay tung sơn màu đỏ vào cựu chiến binh chiến đấu tại Việt Nam chỉ là … dã sử. Tác giả không bác bỏ chuyện ấy nhưng chứng minh chỉ xảy ra trong vài trường hợp. Và lẻ tẻ.

Xin trở về với những người lính Úc chiến đấu tại Afghanistan. Họ là công dân ưu tú của đất nước. Chính họ chọn binh nghiệp cho đời mình. Là người lính chuyên nghiệp họ tuân lệnh chính phủ và cấp chỉ huy. Sau khi bin Laden tấn công vào nước Mỹ, Úc góp quân để ‘tiếp viện’ đồng minh. Qua 19 năm ở Afghanistan, Úc đã thiệt hại 38 quân nhân và gần 300 người khác bị thương.

Vết thương nặng nhất người Úc phải chịu từ cuộc chiến lâu dài này là các bệnh về tâm lý của người trở về từ mặt trận. Họ bị khủng hoảng nên có những thái độ, việc làm thất thường. Có khi tức giận vô cớ. Có khi trầm ngâm như người vô hồn. Nếu bệnh nặng, một số tự kết liễu cuộc đời. Biết người từ cõi chết trở về mang nặng thương tích trong lòng, chính phủ Úc mở ra nhiều dịch vụ giúp đỡ, như The Defence all-hours Support Line, Open Arms và Soldier On,… Đó là cho cựu chiến binh người Úc. Còn quân nhân Việt Nam sống sót sau cuộc chiến, thì …

Chúng ta thông cảm với cựu chiến binh Úc bao nhiêu thì phải thương đến người lính già Việt Nam nhiều hơn bội phần.

Bây giờ, bên cạnh vết thương lòng do chiến tranh gây ra, cựu chiến binh Úc chiến đấu tại Afghanistan còn mang thêm vết chàm do một số rất nhỏ đồng đội gây ra. Cần phải điều tra cẩn thận các lời tố cáo. Đưa bị cáo ra toà. Theo luật Úc, ai bị toà xét ‘phạm tội ác chiến tranh, war crimes’ thì có thể bị tù từ 17 năm cho đến chung thân. Nhưng không vì thế mà vơ đũa cả nắm quân đội Úc nói chung và Lực Lượng Đặc Biệt Úc nói riêng.

Cổ Nhuế

Related posts