Phạm Đức Đồng Hùng
Theo nhiều ý kiến thì cuộc bầu cử hiện tại khiến nước Mỹ mất mặt hơn bao giờ hết, và đây cũng là biểu hiện của sự “hết thời”.
Trên thực tế thì đây không phải là lần đầu tiên: nước Mỹ đã từng sa vào rất nhiều giai đoạn mất uy tín và mất mặt. Trong thập niên 50 thế giới ghê sợ nước Mỹ vì phong trào tố cộng do Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy khởi xướng, chủ yếu là cuộc truy lùng giới thiên tả tại Bộ Ngoại giao và Hollywood. Sau cùng, chính cả Tổng thống Dwight D. Eisenhower cũng lên tiếng gọi những nhà tố cộng quá khích này là “bọn đốt sách”.
Từ 1965 đến 1975 Mỹ đã mất mặt với thế giới vì nạn kỳ thị chủng tộc mà đỉnh cao là vụ ám sát Mục sư Martin Luther King. Lúc đó Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles cho rằng việc này đã thực sự hủy hoại hình ảnh tốt đẹp của nước Mỹ trên toàn cầu, đặc biệt là những nước thuộc thế giới thứ ba.
Kagan viết: “Phần lớn thế giới cũng không mặn mà gì với chính sách đối ngoại của Mỹ đặc biệt trong thời kỳ đó. TT Eisenhower mong muốn sẽ có thể ‘khiến một số người ở những quốc gia bị áp bức này yêu mến chúng ta, chứ không phải thù ghét chúng ta’, nhưng những vụ lật đổ Mohammed Mossadegh ở Iran và Jacobo Arbenz ở Guatemala với bàn tay đạo diễn của CIA không giúp ích gì. Năm 1957, người biểu tình tấn công đoàn xe hộ tống phó tổng thống Mỹ ở Venezuela, hô lớn ‘Nixon, cút về nước!’ ‘Đồ chó, cút đi!’ ‘Chúng tôi không quên Guatemala!’ Năm 1960, Khrushchev hạ nhục Eisenhower bằng cách hủy bỏ một hội nghị thượng đỉnh khi một máy bay do thám của Mỹ bị bắn hạ trên bầu trời Nga. Cuối năm đó, trên đường đi thăm ‘thiện chí’ Tokyo, Eisenhower buộc phải cho máy bay quay về giữa chừng khi chính quyền Nhật báo động là họ không thể bảo đảm cho an ninh của ông trước những sinh viên biểu tình chống ‘đế quốc Mỹ’.”
Vân vân, tình trạng sa lầy trong cuộc chiến tại Việt Nam, các vụ bạo loạn thành thị, vụ ám sát Luther King và Robert Kennedy, rồi vụ tai tiếng chính trị Watergate, rồi thất bại tại cuộc chiến Việt Nam. Lúc đó nhiều người Mỹ cũng đã chất vấn: phải chăng nước Mỹ đã hết thời.
Sau vụ khủng khoảng con tin Tehran năm 1979, khi chính quyền cách mạng Iran bắt giữ toàn bộ nhân viên Toà đại sứ Mỹ tại đây mà Mỹ vẫn phải bó tay, câu hỏi về sự “hết thời” này lại được lập lại.
Có lẽ đây là thời điểm xấu nhất của Mỹ, khi vết thương Việt Nam vẫn chưa lành. Năm 1979 khi Quốc vương Iran bị lật đổ, lực lượng cực đoan của Giáo chủ Ayatollah Khomeini đã bắt 52 nhà ngoại giao Mỹ làm con tin, giam giữ trong hơn một năm mà Mỹ bó tay, không làm gì được. Lúc đó nhiều nhà bình luận thì thông điệp Iran cho thấy Mỹ và phương Tây đang suy tàn, đang ở thế phòng thủ, và có vẻ như không thể làm được gì để bảo vệ những lợi ích của mình nữa, dù là kinh tế hay chính trị.
Một biến cố mang tính bước ngoặc khác diễn ra từ lâu vào ngày 16. 9. 1985 khi Bộ Thương Mại Mỹ tuyên bố nước Mỹ đã từ một đất nước chủ nợ trở thành một quốc gia con nợ. Lúc đó câu hỏi nói trên đó lại lập lại.
Tuy nhiên đến thập niên 1990 thì Mỹ vui vẻ trở lại, như đã nhắc ở bài trước: Liên Xô khai tử, chiến thắng ngoạn mục trong cuộc chiến Iraq lần thứ nhất, sự bùng nổ của kỹ nghệ điện toán v.v. Chào mừng thiên niên kỷ mới, lúc đó chính quyền Bill Clinton còn đoan chắc rằng thế kỷ 21 sẽ là Thế kỷ Mỹ: American Century.
Tuy sau đó là cú sụp đổ sính vính của kỹ nghệ điện toán hay khủng hoảng tài chính.
Bắp thịt của Mỹ
Tuy nhiên kinh tế Mỹ vẫn là kinh tế Mỹ. Thung lũng điện tử Silicon Valley, tức San Jose, vẫn tiếp tục là trung tâm của những phát minh siêu kỹ thuật, Wall Street vẫn là trung tâm tài chính; các viện đại học lừng danh như Harvard, Massachusetts Institute Technology và Yale vẫn là những viện đại học hàng đầu thế giới; Hollywood vẫn là kinh đô điện ảnh; các trang Facebook, Google và Twitter vẫn là cái tên quen thuộc nhất của giới trẻ; các phòng thí nghiệm tại Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới trong kỹ thuật sinh học; các trường y tại Boston, Chicago và Baltimore vẫn dẫn đầu thế giới về nỗ lực chế ngự bệnh tật và Bộ quốc phòng Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về các loại vũ khí mới.
Các nhà bi quan chỉ ra con số thống kê, theo đó 3 phần 4 số người lãnh bằng tiến sĩ tại các đại học Mỹ là người nước ngoài, trong đó hết 9 phần 10 là sinh viên Trung Quốc. Trên thực tế thì sau khi tốt nghiệp đa số các tân tiến sĩ này đều tìm cách ở lại Mỹ, và thường là họ ở lại ít nhất 5 năm. Đây cũng là sức mạnh của Mỹ từ thời lập quốc của mình: dung nạp tinh hoa trí tuệ khắp bốn phương.
Đáng nói hơn là năng lực quân sự. Năm ngoái Mỹ chi 718.69 tỷ Mỹ kim cho quân sự (Trung Quốc là $178 tỷ), nhiều hơn những cường quốc khác cộng lại.
Tính ra thì mỗi năm Mỹ chi gần 3.4 phần trăm GDP cho quốc phòng, cao hơn Trung Quốc (2%) và thấp hơn Nga (3/9%).
Nếu xét lùi lại thời gian thì Mỹ đã giảm chi trong quốc phòng. Trong đỉnh cao của chiến tranh lạnh ở giữa thập niên 1950, Mỹ chi đến 10 phần trăm GDP cho quốc phòng và đến cuối thập niên 80 chi khoảng 7 phần trăm.
Tuy nhiên đến nhìn vào khái niệm chiến tranh mới thì con số chi tiêu cao thấp không đủ để nói lên tính ưu việt thực sự của Mỹ về quân sự. Các lực lượng trên bộ và trên không của Mỹ được trang bị vũ khí tối tân nhất, được huấn luyện kỹ lưỡng nhất và đã thực sự tham chiến trên nhiều chiến trường. Quân đội Mỹ có thể đánh bại bất kỳ đối thủ nào trong một trận đánh đối đầu. Hiện tại Hải quân Mỹ vẫn chiếm ưu thế vượt trội và có thể bố trí ở bất cứ khu vực nào trên thế giới.
Như vậy có thể thấy rằng mỗi lần xảy ra một biến động kinh hoàng là người Mỹ lại chất vấn: phải chăng nước Mỹ đã đến ngày tận thế.
Tuy nhiên nước Mỹ vẫn đứng vững và vượt qua các lời tiên tri ảm đạm. Bất cứ cuộc khủng hỏang nào cũng là một cơ hội và bài học để một hệ thống tự kiểm và tu chỉnh để hòan thiện hơn. Mỹ đã chịu những cuộc khủng hoảng nặng nề và kéo dài trong những thập niên 1890, 1930, và 1970. Mỗi lần như thế, nước Mỹ hồi phục trong thập niên tiếp theo và lại đạt đến vị thế mạnh hơn so với các cường quốc khác hơn trước thời khủng hoảng. Những thập niên 1910, 1940, và 1980 đều là những cao điểm của sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu.
Về kinh tế thì nước Mỹ trải qua những vấn nạn tài chính kinh hoàng hơn năm 2008 rất nhiều. Cuộc đại khủng hỏang 1930 – 1931 làm nước Mỹ thất điên bát đảo nhưng sau đó nước Mỹ đã hồi sinh và không chỉ thừa sức dẫn đầu Đồng Minh trong Đệ nhị thế chiến để ngăn chặn chủ nghĩa phát xít tại Âu châu và quân phiệt tại Á châu mà còn vươn lên với nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Mặt khác, nếu sự “đi xuống” của Mỹ được đặt trong bối cảnh đi lên của Trung Quốc, như thế thì liệu nước này có thể qua mặt Mỹ trong nay mai?
Túi tiền và nắm đấm Trung Quốc?
Năm 2007 Goldman Sachs dự đoán rằng Trung Quốc sẽ có nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2027. Ngày nay nhiều người vẫn trích dẫn kết quả phân tích này nhưng họ quên rằng chính Goldman Sachs đã không thể “phân tích” được tương lai của mình và chỉ vài tháng sau đó: bị sụp đổ và phải nhờ vào tiền giải cứu của chính phủ trong cuộc khủng hoảng tháng Sáu năm 2008.
Giới nâng bi Trung Quốc như Hugh White tiên đoán rằng Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ để chiếm vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một thời điểm nào đó trong hai thập niên đến.
Thế nhưng dù Trung Quốc có vươn lên đỉnh cao này một lần nữa, nuớc này vẫn còn tụt hậu khá xa so với cả Mỹ và Châu Âu về GDP bình quân đầu người.
Mặt khác, chỉ riêng quy mô của một nền kinh tế phải là một thước đo chính xác về sức mạnh tổng quát trong hệ thống quốc tế.
Vào đầu thế kỷ 19 thì Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn nhất thế giới lúc đó với Thượng Hải là một thành phố lớn nhất thế giới. Căn cứ vào yếu tố này thì lẽ ra lúc ấy Trung Quốc đã là cường quốc thống lĩnh thế giới chứ không phải bị liệt cường xâu xé một cách nhục nhã.
Năm 1840 GDP của Trung Quốc chiếm 33 phần trăm tổng sản lượng toàn cầu, gấp 6 lần GDP của Anh. Thế mà Trung Quốc lại bị các cường quốc châu Âu xâu xé. Triều Thanh có hơn 1 triệu quân nhưng đã bị lực lượng Anh có 4000 quân đánh tan, phải ký Hiệp ước Nam Kinh (8-1842) chấp nhận đầu hàng.
Năm 1894 dù đã bị các nước phương Tây xâm lược suốt nửa thế kỷ, GDP của Trung Quốc vẫn lớn gấp 9 lần GDP của Nhật, thế mà trong cuộc chiến tranh Giáp Ngọ, Trung Quốc vẫn bị đại bại, bị Nhật chiếm mất 2 đảo Đài Loan, Bành Hồ và còn phải bồi thường chiến phí cho Nhật 200 triệu lạng bạc.
Như vậy kinh tế lớn không hẳn là đương nhiên sẽ có nắm đấm mạnh. Cơ cấu kinh tế của Mỹ và Nhật gồm toàn những kỹ nghệ quan trọng như hàng không, không gian, điện toán, kỹ thuật sinh học, đóng tàu, chế tạo máy, nông nghiệp hiện đại… Ưu thế quân sự số một thế giới của họ là nhờ vào các ngành đó.
Cấu trúc kinh tế của Trung Quốc thì không được như vậy cho nên việc trang bị vũ khí luôn bị thua kém. Dù cho giới võ biền Trung Quốc hò hét đến mấy thì người diều hâu, hiếu chiến nhất cũng phải thừa nhận rằng so với Mỹ thì họ chẳng phải là cái thá gì.
Thí dụ chuyện hổ giấy Sơn Đông
Hổ giấy Sơn Đông
Ngày 17.19.2019 Trung Quốc chính thức hạ thủy hàng không mẫu hạm Sơn Đông như là một tàu chiến thực thụ của hải quân, trong một buổi lễ có sự tham dự Tập Cận Bình. Đây được giới thiệu là mẫu hạm đầu tiên do Trung Quốc tự đóng nhưng thực chất đó chỉ là “bản nhái” từ mẫu hạm Liêu Ninh, tàu cũ mua lại từ Ukraine.
Theo báo South China Morning Post thì lẽ ra lễ màu phải diễn ra từ tháng Tư năm 2019 nhưng trục trặc này tiếp nối trục trặc kia, dù đã hạ thủy tàu chạy thử nghiệm trên biển từ tháng Năm năm 2018.
Theo quảng bá thì Sơn Đông sẽ có thể chở 36 chiến đấu cơ J-15, nếu tính luôn trực thăng Z-9 và các máy bay cảnh báo sớm KJ-600 thì tổng cộng 40 máy bay.
Nhưng cũng giống như những người giàu xổi, mối trúng số hay được của hoạnh tài, mua xe hơi hạng sang để khoe của trong khi chưa biết lái xe, có được hai mẫu hạm rồi thì Trung Quốc mới phát hiện mình chưa đào tạo đủ phi công.
Mẫu hạm Liêu Ninh được đưa vào biên chế hồi tháng 9 năm 2012. Tuy nhiên, mãi đến 2 tháng sau, Trung Quốc mới công bố hình ảnh chiến đấu cơ J-15 “hạ cánh thành công” trên mẫu hạm. Như vậy trước đó đã có bao nhiêu chuyến hạ cánh thất bại bị dấu nhẹm?
Gần bốn năm sau đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc mới tường thuật về một chuyến hạ cánh ban đêm, nghĩa là trước đó đã có nhiều vụ hạ cánh thất bại.
Không nói phi công cho mẫu hạm, chương trình đào tạo phi công tổng quát đã bị ảnh hưởng bởi hàng loạt tai nạn nghiêm trọng mà nhà nước dấu nhẹm để khỏi gây hoang mang cho các tân binh.
Chẳng hạn chỉ vài ngày sau cuộc duyệt binh kỷ niêm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc vào ngày 1-10-2019, có 3 phi công đã thiệt mạng khi một trực thăng vận tải rơi ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc.
Tám ngày sau, một vụ tai nạn khác xảy ra ở Tây Tạng, khi một chiến đấu cơ J-10 rơi xuống một ngọn núi khi đang tham gia huấn luyện bay ở độ cao vừa phải.
Theo các nhà phân tích quân sự cho rằng tình trạng thiếu phi công hải quân đang cản trở tham vọng của Trung Quốc nhằm phát triển những mẫu hạm có năng lực tác chiến đấu thực sự.
Khi thúc đẩy tham vọng hiện đại hóa quân đội với kế hoạch mở rộng 5 hay 6 mẫu hạm, Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng “nhu cầu xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết”.
Chương trình đào tạo phi công hải quân Trung Quốc được thành lập vào tháng 5 năm 2013 nhưng vẫy ì ạch. Như đã thấy, việc đào tạo được một phi công biết cách đáp máy bay trên mẫu hạm đã là chuyện khó khăn của Trung Quốc, đừng nói là một phi công giỏi.
Năm ngoái Trung tâm tạo các phi công hải quân đã phối hợp với 3 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc là Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Hàng để tìm kiếm và tuyển dụng những phi công tương lai nhưng cũng không đâu vào đâu.
Mới đây, vào trung tuần tháng Tám, Tờ South China Morning Post vừa dẫn thông tin từ Đài truyền hình T.Ư Trung Quốc (CCTV) về cố gằng tuyển dụng lực lượng phi công ngay trong năm nay, nhắm vào các học sinh đang học hay vừa tốt nghiệp trung học, từ 16-19 tuổi; trong đó 49% sẽ được “quy hoạh” làm để bổ sung phi công cho các mẫu hạm.