Thùy Dương
Giới tiểu thương Pháp, sau 2 tháng đóng cửa trong giai đoạn phong tỏa chống dịch Covid-19 hồi mùa xuân, chưa kịp gượng dậy thì nay nhiều người lại phải đối phó với nguy cơ phải đóng cửa vĩnh viễn, phá sản vì đợt phong tỏa thứ hai trong khi mùa Giáng sinh sắp đến, theo lẽ thường đây là mùa làm ăn nhộn nhịp nhất trong năm.
Kiệt quệ cả về kinh tế và tinh thần, nhưng chính trong hoàn cảnh khó khăn đó, các tiểu thương nhận được sự tương trợ, khích lệ của chính quyền địa phương, các hội đoàn và cả người dân khu phố lân cận.
Khẩu hiệu kiểu “Tôi mua hàng trong vùng của tôi chứ không mua trên Amazon”, các trang thương mại điện tử địa phương “mini Amazon”, cửa hàng online, khu phố mua sắm ảo của các thành phố, thị xã, chợ Giáng Sinh online, dịch vụ click and collect – đặt hàng trực tuyến và đến một địa điểm lấy hàng, chiến dịch Local Friday (Thứ Sáu ở địa phương) để cạnh tranh với chiến dịch đại hạ giá Black Friday …, từ khi nước Pháp tái phong tỏa chống dịch Covid-19, nhiều ý tưởng đã liên tục ra đời nhằm cứu giới tiểu thương, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ ở các địa phương …
Trước tiên, phải nói đến tinh thần tương thân tương ái của người dân các nơi. Nhiều người hạn chế mua hàng trên các trang thương mại điện tử lớn như Amazon của Mỹ, hay ở các siêu thị, để mua hàng ở các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ trong khu phố, cho dù giá có thể cao hơn một chút. Nhiều người sẵn sàng thay đổi thói quen tiêu dùng, chuyển sang mua sản phẩm được sản xuất, chế biến ngay trong vùng, lên các mạng xã hội kêu gọi cộng đồng ủng hộ phong trào. Nhiều người còn lên mạng kêu gọi nhau tẩy chay ngày đại hạ giá Black Friday của Amazon, lùi đến tháng 12, chờ đến khi các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ được phép mở cửa trở lại mới đi mua sắm cho lễ Giáng Sinh … tất cả chỉ với mục đích giúp các tiểu thương ở địa phương “gỡ gạc được phần nào”, trước các “đại gia” thương mại điện tử.
Trong bối cảnh “khó khăn không chỉ của riêng ai”, đối với không ít dân Pháp, mua hàng của các cửa hàng gần nhà, giúp các tiểu thương địa phương phần nào tránh được mối họa phá sản, là phương thức tiêu dùng có trách nhiệm, là cách thể hiện tinh thần, ý thức công dân. Đây cũng là thông điệp của chính phủ Pháp, bên cạnh các biện pháp hỗ trợ tài chính cụ thể. Trên mạng xã hội Facebook, có nhiều nhóm cư dân hàng xóm láng giềng cũng lập trang để đưa thông tin, thu hút cư dân trong khu phố mua sắm ở các cửa hàng gần nhà. Không chỉ có được sự cảm thông, chia sẻ của chính người tiêu dùng, các tiểu thương còn có sự giúp sức của các hội đoàn ở địa phương hay các hiệp hội thương mại để lập cửa hàng online.
Giải pháp của chính quyền các cấp
Về phía địa phương các cấp, chính quyền nhiều vùng, tỉnh, thành phố cũng đã có sáng kiến lập các trang web thương mại điện tử cho các tiểu thương trong khu vực. Chẳng hạn chính quyền thành phố Nogent-le-Rotrou, tỉnh Eure-et-Loir, miền bắc nước Pháp, lập trang bán hàng online địa phương “Ma ville Mon Shopping” (Thành phố của tôi, Việc mua sắm của tôi), cho phép các tiểu thương lập cửa hàng online miễn phí để bán hàng trên mạng, với tính năng thanh toán trực tuyến an toàn, khách hàng có thể chọn đến cửa hàng nhận hàng hoặc được giao hàng tận nhà.
Còn thành phố Nancy, ngay từ đợt phong tỏa hồi mùa xuân, đã chi vài chục ngàn euro để lập trang web thương mại điện tử Achetez-grandnancy, “quy về một mối trực tuyến” hơn 200 cửa hàng bán thực phẩm, thời trang, trang trí nội thất, mỹ phẩm. Tất cả các tiểu thương, người sản xuất bán hàng thủ công và các hiệp hội thương mại ở thành phố Nancy và vùng lân cận đều được tham gia nền tảng thương mại điện tử miễn phí trong cả năm 2020.
Còn vùng Occitanie ngày 12/11/2020 tung ra trang web “Dans ma zone” tạm dịch là “Trong vùng của tôi”, chơi chữ để đối lại với trang thương mại điện tử nổi tiếng Amazon của Mỹ. Trong chương trình Giải mã kinh tế ngày 12/11 của đài France Info, nhà báo Fanny Guinochet giải thích:
““Dans ma zone” của vùng Occitanie là một trang web dành cho các tiểu thương và người làm nghề thủ công trong vùng, để họ có thể bán quần áo, đồ chơi, những mặt hàng ngoài thực phẩm. Mục đích là bù đắp được phần nào cho các cửa hàng nhỏ đang phải đóng cửa. Bà Carole Delga, chủ tịch vùng Occitanie, chính là người đưa ra ý tưởng nói trên với khẩu hiệu “Hàng của chúng ta là việc làm của chúng ta!”. Bà Delga nhấn mạnh người dân cần chứng tỏ họ gắn bó yêu quý vùng mà mình sinh sống.
Vùng Occitanie không phải nơi duy nhất làm như vậy, nhiều thành phố và vùng lãnh thổ khác của Pháp cũng đã tung ra các trang web thương mại điện tử địa phương, chẳng hạn Doux, Limoges, Cognac, Nancy, Antibes, Auray, Caen … Danh sách rất dài và các trang “mini Amazon địa phương” đều có cùng logic: thúc đẩy người tiêu dùng mua hàng của các tiểu thương gần nhà, thay vì mua sắm trên các trang thương mại điện tử lớn của Mỹ”.
Câu hỏi đặt ra là các trang web đó có hiệu quả hay không? Và chính phủ Pháp có biện pháp hỗ trợ cho các địa phương lập các trang “mini Amazon địa phương” và trợ giúp tiểu thương hay không? Nhà báo Fanny Guinochet cho biết cụ thể:
“Một số trang web đã bắt đầu hoạt động từ đợt phỏng tỏa thứ nhất, và kết quả thường là rất tích cực, vì thế các trang web vẫn được duy trì trong mùa hè vừa qua. Đợt phong tỏa thứ hai là một cơ hội để tăng cường, mở rộng nguồn cung. Trong những ngày gần đây, chúng tôi thấy là các ý tưởng nở rộ khắp nơi trên toàn nước Pháp, nhất là khi có sự khích lệ của chính phủ. Đúng vậy, để tạo ra các trang web thương mại điện tử địa phương, các thành phố, thị trấn, xã và các tổ chức có thể đề nghị Nhà nước hỗ trợ 20.000 euro, cũng như một khoản tài trợ cho công tác tổ chức, huấn luyện có tổng giá trị 40.000 euro trong vòng 2 năm.
Bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire đặc biệt muốn thúc đẩy các tiểu thương bán hàng trên mạng, bù lại thời gian đã để lỡ, bởi vì hiện nay mới chỉ có 1/3 các cơ sở kinh doanh quy mô rất nhỏ có trang web. Bộ trưởng Kinh Tế Pháp hứa sẽ cấp cho mỗi tiểu thương lập trang web một tấm “séc kỹ thuật số” trị giá 500 euro. Kể từ tháng 01/2021, khi các tiểu thương trình chứng từ hóa đơn lập trang web, đăng ký tham gia vào một trang thương mại điện tử hay mua một phần mềm … họ sẽ được nhận tiền hỗ trợ của chính phủ. Theo bộ Kinh Tế Pháp, 120.000 cơ sở kinh doanh có thể sẽ được hưởng khoản tiền hỗ trợ với tổng trị giá lên tới 60 triệu euro”.
Các tập đoàn siêu thị “chìa tay” giúp tiểu thương
Sau bài phát biểu thông báo tái phong tỏa của tổng thống Pháp trên truyền hình hồi cuối tháng 10, các cửa hàng kinh doanh các loại hàng hóa không được coi là mặt hàng thiết yếu buộc phải đóng cửa. Do sự phản đối của các tiểu thương, các siêu thị cũng buộc phải tạm đóng cửa khu vực kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu. Nhưng để tỏ tình tương thân tương ái với giới tiểu thương vốn phải chịu quá nhiều thiệt hại vì lệnh tái phong tỏa, nhiều chuỗi siêu thị tại Pháp, như Auchan và Monoprix, đã thông báo quy hoạch, sắp xếp lại không gian và các dịch vụ để hỗ trợ các tiểu thương trong khu phố lân cận bán được hàng. Chẳng hạn như tư vấn và hỗ trợ các cửa hàng về mảng phục vụ khách đặt hàng, giao hàng cho khách, mở quầy cho khách đến nhận hàng mà họ đã đặt qua điện thoại, hay qua trang web của tiểu thương.
Le Figaro ngày 30/10 cho biết đối với chuỗi Monoprix, vốn có các siêu thị tại khu trung tâm của 250 thành phố trên toàn nước Pháp, giám đốc của từng siêu thị có quyền chọn các cửa hàng bị đóng cửa ngay gần nơi họ kinh doanh để hỗ trợ, nhưng ưu tiên cho những người kinh doanh hoa tươi, sách truyện, đồ chơi, các tiệm sửa quần áo, giày dép, đánh chìa khóa… Nếu như số cửa hàng trong khu vực xung quanh cần được hỗ trợ nhiều, thì giám đốc các siêu thị Monoprix sẽ theo giải pháp lựa chọn luân phiên, quay vòng trong tuần, thời gian tính theo ngày hoặc nửa ngày. Một công đôi việc! Tình đoàn kết này cũng giúp các chuỗi siêu thị thu hút thêm khách mới, cũng như chiếm thêm được cảm tình, giữ chân khách quen.
Giới công nghệ Pháp cũng ra tay hỗ trợ
Đối với nhiều tiểu thương, người làm nghề thủ công truyền thống, chuyển đổi số hóa để thích nghi với phương thức kinh doanh mới trong giai đoạn phong tỏa không phải là điều dễ dàng. Không chỉ có trang web là xong, mà các thách thức là rất nhiều! Trang mạng Actu Economie ngày 17/11 trích dẫn nhiều chuyên gia theo đó bán hàng trên mạng internet là một nghề hoàn toàn tách biệt với bán hàng tại cửa hàng và đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Cần có nhiều kiến thức, kỹ năng, và khâu tiến hành cũng phải trải qua nhiều giai đoạn.
Các tiểu thương muốn mở dịch vụ bán hàng trên mạng đều phải học luật thương mại điện tử, thực hiện nhiều thủ tục với ngân hàng, thậm chí phải cần đến dịch vụ marketing số hóa … Và các tiểu thương cũng không còn nhiều thời gian, bởi chỉ còn có chưa đầy một tháng nữa là đến Giáng Sinh, cao điểm kinh doanh trong năm. Để giúp đỡ giới tiểu thương tháo gỡ khó khăn, nhiều công ty công nghệ như Hubside, WiziShop, Swat … đã tung ra các dịch vụ, tính năng hỗ trợ việc chuyển đổi sang kinh doanh online cho các cửa hàng kinh doanh kiểu truyền thống.
Chẳng hạn Hubside, đã tạo công cụ mới “E-shop”, biến nhiều trang web cơ bản thành kênh bán hàng online, với nhiều tính năng: quản lý kho hàng và đơn đặt hàng trực tuyến, thanh toán online, quản lý khách hàng … Actu Economie trích dẫn Alexandre Hampe, giám đốc điều hành của Hubside, theo đó với tính năng E-shop, Hubside cho phép tất cả mọi người tiếp cận với phương thức kinh doanh điện tử, kể cả những người không có nhiều kiến thức, kỹ năng công nghệ cũng có thể tự triển khai dự án bán hàng trực tuyến.
Còn công ty WiziShop lại khởi động phong trào #EcommerceSolidaire (Thương mại điện tử đoàn kết), tạo cửa hàng trực tuyến cho các tiểu thương và miễn phí cho họ trong vòng 3 tháng. Đã có hơn 600 tiểu thương tranh thủ chương trình này. Trong khi đó, công ty khởi nghiệp Swat ở Poisy, vùng Haute-Savoie, lập trang web cơ bản miễn phí cho các tiểu thương trong vùng.
Tuy nhiên, việc có quá nhiều trang thương mại điện tử, cấp quốc gia, vùng, thành phố, khu phố, các trang do chính quyền tạo lập, trang của các hiệp hội thương mại, hội đoàn ở khu phố … đôi khi lại đẩy các tiểu thương vào cảnh hơi “mất định hướng”, còn nhiều khách hàng như bị “lạc lối online” …