TQ nhấn mạnh chiến tranh nhưng bổ nhiệm hai bác sĩ phụ trách ven biển?

  • Trịnh Trung Nguyên

Thời gian gần đây, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình nhiều lần nhấn mạnh chuẩn bị cho chiến tranh. Tuy nhiên, từ công tác chỉnh đốn nhân sự mới đây có hiện tượng bất thường khi hai tỉnh ven biển quan trọng (hướng ra eo biển Đài Loan và Biển Đông) lại giao cho hai chuyên gia y khoa lãnh đạo. Động thái này cho thấy điều gì?

Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Ý ngày 23/3/2019. (Ảnh: Alessia Pierdomenico / Shutterstock)
Ông Tập Cận Bình (Ảnh: Alessia Pierdomenico / Shutterstock).

Gần đây ông Tập Cận Bình đã thực hiện nhiều đợt điều chỉnh nhân sự cấp cao, đặc biệt là thay đổi trong giới quan chức địa phương, vấn đề có thể nhìn từ hai hướng liên quan là đối nội và đối ngoại. Về đối nội là ông Tập phải tạo thanh thế nhân sự trước thềm Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 nhằm bảo đảm có thể giữ được vai trò cầm quyền. Về đối ngoại là những gì ông Tập đã nói: môi trường an ninh của Trung Quốc hiện nay đã có nét mới, đó là quan hệ Trung – Mỹ xấu đi, cộng đồng quốc tế bao vây Trung Quốc, căng thẳng hai bờ eo biển (Trung Quốc – Đài Loan).

Đối với cuộc chiến nhân sự nội bộ nhằm củng cố quyền lực, thông thường người ta lưu ý bối cảnh phe phái của các quan chức, nhưng tình hình nay đã có thay đổi, ví dụ như trường hợp Tỉnh trưởng Tứ Xuyên Doãn Lực (Yin Li) vừa được chuyển đến Phúc Kiến làm Bí thư tỉnh ủy có bối cảnh không mấy phức tạp khi xuất thân trong giới kỹ thuật được ông Tập Cận Bình coi trọng những năm gần đây.

Nhưng cũng trong cùng thời kỳ, trường hợp ông Thẩm Hiểu Minh (Shen Xiaoming) ‘ngoi lên’ Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam thì lại khác. Điểm xuất phát thăng tiến của ông này là ở Thượng Hải, được cho rằng từng là thuộc cấp của ông Tập trong khoảng thời gian ngắn vào năm 2007 khi ông Tập phụ trách Thượng Hải, nằm trong cái gọi là “phe mới cán bộ cũ Thượng Hải” này gồm cả thư ký trưởng của ông Tập là ông Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang).

Có nhận định rằng “phe mới cán bộ cũ Thượng Hải” có thể xem như “bang Thượng Hải” được ông Tập thu phục. Nhưng trước đây ông Thẩm Hiểu Minh cũng từng là giám đốc của Ủy ban Quản lý Khu Thương mại Tự do Thượng Hải, còn Phó Thị trưởng Thượng Hải Ngải Bảo Tuấn (Ai Baojun), cũng là giám đốc của Ủy ban Quản lý Khu Thương mại Tự do Thượng Hải như Thẩm Hiểu Minh, đã “ngã ngựa” ngày 10/11/2015. Ngoài ra phải kể trường hợp ông Đới Hải Ba (Dai Haibo), cựu Phó Ban thư ký thành phố Thượng Hải, cũng đã giữ vai trò Giám đốc Ủy ban Thông tin và Kinh tế, và từng là Phó giám đốc thường trực Ủy ban Quản lý Khu Thương mại Tự do Thượng Hải, cũng bị điều tra trong cùng năm. Hai quan chức “ngã ngựa” này cùng có quan hệ thân thiết với Giang Miên Hằng (Jiang Mianheng) – con trai cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, vì vậy không biết liệu ông Thẩm Hiểu Minh có phải là vũ khí ngầm của ông Tập hay là nhất thời thể hiện lòng trung thành nên tránh được đại họa, đây vẫn là một ẩn số. Dù sao hiện giờ ông Thẩm Hiểu Minh đã được trọng dụng nên hiển nhiên thuộc về phe Tập Cận Bình.

Điều đáng chú ý hơn trong đợt điều chỉnh nhân sự lần này là hai ông Doãn Lực và Thẩm Hiểu Minh đều là tiến sĩ y khoa, nhiều chức vụ họ đảm trách trước đây đều trong hệ thống y tế.

Doãn Lực sinh năm 1962, quê ở Sơn Đông, là Tiến sĩ y khoa, từng được cử sang Liên Xô cũ làm nghiên cứu sinh tại Viện Y tế Xã hội, Kinh tế và Quản lý Y tế. Sau khi trở về Trung Quốc được giao những chức vụ  (từ 1993 – 2003) như Phó giám đốc và Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học, Văn hóa và Y tế, Thanh tra Cục Phát triển xã hội. Từ tháng 9/2002 – 4/2003, Doãn Lực đến Trường Y tế Công cộng của Đại học Harvard với tư cách là một học giả thỉnh giảng. Sau đó lại đảm trách các chức như Thứ trưởng Bộ Y tế, Cục trưởng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm quốc gia, và Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm quốc gia (thành lập mới). Từ tháng 4/2013, giữ chức vụ Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế quốc gia; từ tháng 3/2015, “nhảy dù” Tứ Xuyên, và đến nay được điều động đến Phúc Kiến.

Còn ông Thẩm Hiểu Minh cũng xuất thân là một bác sĩ, quê ở Chiết Giang, từng là Giám đốc Trung tâm Y tế Trẻ em Thượng Hải, Hiệu trưởng Đại học Y Số 2 Thượng Hải, và Phó giám đốc thường trực Đại học Giao thông Thượng Hải; tháng 1/2008 làm Phó thị trưởng Thượng Hải, từ tháng 5/2013, kiêm nhiệm chức vụ Bí thư quận Phố Đông mới (Tân khu Phố Đông) của Thượng Hải. Từ tháng 7/2013, giữ chức Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Thượng Hải kiêm Bí thư Quận ủy quận Phố Đông mới. Từ tháng 4/2015, kiêm nhiệm chức vụ giám đốc Ủy ban Quản lý Khu Thương mại Tự do Thí điểm Thượng Hải. Từ năm 2016, được chuyển sang làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục, và qua năm sau đó lên chức Tỉnh trưởng tỉnh Hải Nam.

Hiện tượng này khá kỳ lạ, vì Phúc Kiến và Hải Nam đều là hai tỉnh ven biển lớn của Trung Quốc, Phúc Kiến là một địa điểm đối trọng đối với Đài Loan, còn Hải Nam thì trực diện với Biển Đông. Cả hai tỉnh đều là những nơi quan trọng liên quan đến xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trong những năm gần đây, việc tập trung hóa quyền lực nội bộ với áp lực cao của ông Tập Cận Bình vì mục tiêu duy trì ổn định đã gây nhiều xung đột nội bộ hơn, gây tức giận tích tụ trong dân chúng, khiến ông Tập đang phải đối mặt với áp lực ngày càng nhiều. Do đó ông Tập đã chuyển áp lực ra thế giới bên ngoài và thông qua ngoại giao “sói chiến” bộc lộ tham vọng chiến lược, điều này đang khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt cảnh giác và lên án, nhưng ông Tập cũng đáp lại bằng những hành động cứng rắn. Ví dụ ĐCSTQ kích động xung đột ở biên giới Ấn Độ, ĐCSTQ đang gia tăng áp lực chính trị đối với Úc vì Úc đề nghị khởi xướng một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus viêm phổi Vũ Hán (coronavirus mới, COVID-19), ĐCSTQ cũng tiếp tục gây hấn ở Biển Đông, đe dọa Đài Loan. Những hành vi của ĐCSTQ lại khiến cộng đồng quốc tế thúc đẩy xu thế liên minh chống ĐCSTQ.

Tại cuộc họp Bộ Chính trị ĐCSTQ ngày 30/11 vừa thông báo về việc điều chỉnh Bí thư tỉnh ủy Hải Nam và Phúc Kiến, chỉ trong vài ngày ông Tập đã lại nhấn mạnh chuẩn bị cho chiến tranh, điều này liên quan đến cảm giác nguy cơ nội bộ và cả dã tâm bành trướng ra bên ngoài của ĐCSTQ.

Trước đó trong chuyện điều chỉnh nhân sự giới quan to địa phương được ông Tập công bố có không ít quan chức thuộc hệ thống công nghiệp quân sự. Ví dụ ông Viên Gia Quân (Yuan Jiajun), người được bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang vào đầu tháng 9, là tổng tư lệnh của hệ thống tàu vũ trụ kỹ thuật hàng không có người lái, cũng là Phó tổng giám đốc của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc; Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh mới nhậm chức là Trương Quốc Thanh (Zhang Guoqing) từng là Phó chủ tịch của Công ty Công nghiệp Phương Bắc (Norinco) Trung Quốc và Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp vũ khí Trung Quốc. Trước đó Tỉnh trưởng Sơn Đông đã được thay thế bởi ông Lý Can Kiệt (Li Ganjie), một chuyên gia về an toàn hạt nhân. Bí thư tỉnh Hồ Nam là ông Hứa Đạt Triết (Xu Dazhe) nhậm chức vào tháng 11 từng là Phó tổng giám đốc, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, Chủ tịch Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, Giám đốc Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc gia…

Nếu phe công nghiệp quân sự trở thành thế lực mới của ông Tập Cận Bình thì điều đó trùng hợp những gì ông Tập đang suy tính và phát ngôn về vấn đề chuẩn bị cho chiến tranh. Ông Tập muốn sử dụng những chuyên gia công nghiệp quân sự này để kiểm soát quyền lực dọc theo biên giới và các vùng ven biển. Trong tất cả các cuộc xung đột ở Biển Đông, eo biển Đài Loan, và biển Hoa Đông, thì ĐCSTQ đều gặp phải đối trọng là Mỹ và Đài Loan.

Nhưng hiện giờ thay thế quyền lực tại Phúc Kiến và Hải Nam lại giao cho hai vị tiến sĩ y khoa, như vậy phải chăng ông Tập Cận Bình đã không còn tin tưởng vào chiến thắng của quân đội, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng y khoa cho tình cảnh quân đội ĐCSTQ sẽ phải chịu thương vong số lượng lớn? Thực tế cho thấy bản thân ông Tập Cận Bình (xuất thân từ quan văn) không thân thiết gì phe quân đội, các tướng lĩnh hầu hết “sống hai mặt”, giả trò trung thành, có lẽ ông Tập hiểu rõ điều đó, quân đội ĐCSTQ cũng nổi tiếng hủ bại và lòng quân bất ổn. Một đội quân như vậy mà tham chiến thì bại trận là hệ quả tất yếu.

 Trịnh Trung Nguyên

Related posts