- Xuân Lan
Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật vào thứ Tư (2/12) có thể ngăn các công ty Trung Quốc không tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm toán của Hoa Kỳ niêm yết cổ phiếu của họ trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.
“Đạo luật về trách nhiệm giải trình các công ty nước ngoài” đã được Thượng viện thông qua Thượng viện trước đó vào tháng 5, Reuters đưa tin.
Dự luật hiện sẽ được gửi tới Tổng thống Trump, người dự kiến sẽ ký thông qua để ban hành thành luật.
Luật này sẽ yêu cầu các công ty tiết lộ thông tin về bất kỳ mối quan hệ nào với các chính phủ nước ngoài và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Các công ty sẽ bị loại bỏ khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ sau ba năm nếu họ không cung cấp cho Ban Giám sát Kế toán Công ty Hoa Kỳ (PCAOB) quyền truy cập thông tin kiểm toán của họ.
Lưỡng đảng Hoa Kỳ đã chỉ trích sự mù mờ của hệ thống tài chính Trung Quốc, cho rằng nó khiến các nhà đầu tư Mỹ có nguy cơ bị lừa gạt. Luật pháp Trung Quốc cấm các kiểm toán viên chuyển một số thông tin tài chính ra nước ngoài, điều này cản trở khả năng của các cơ quan quản lý Hoa Kỳ trong việc kiểm tra các công ty một cách hợp lý.
Một số công ty lớn của Trung Quốc không tuân theo các tiêu chuẩn quy định của Hoa Kỳ, bao gồm Baidu, China Mobile, Alibaba, PetroChina và SMIC, theo PCAOB.
Trước cuộc bỏ phiếu tại hạ viện, trong buổi họp báo hôm 2/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã mô tả dự luật là “chính sách phân biệt đối xử, đàn áp về mặt chính trị” đối với các công ty Trung Quốc. “Thay vì thiết lập các lớp rào cản, chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ có thể cung cấp một môi trường công bằng và không phân biệt đối xử cho các công ty nước ngoài đầu tư và hoạt động tại Hoa Kỳ,” bà Hoa nói thêm.
Bà Hoa cũng cho biết, “Cách đúng đắn để giải quyết vấn đề là tất cả các bên liên quan tăng cường hợp tác quản lý xuyên biên giới một cách thẳng thắn và cởi mở.” Tuy nhiên, các nhà chức trách Trung Quốc từ lâu đã do dự trong việc để các cơ quan quản lý nước ngoài kiểm tra các công ty kế toán địa phương, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia, theo Reuters.
Xuân Lan