‘Chiến tranh không giới hạn’ : Cuộc chiến âm thầm hàng thập niên của ĐCSTQ nhằm lật đổ nước Mỹ

Hương Thảo

Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình (ảnh: Reuters).

Trong nhiều thập niên, Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng “chiến tranh không giới hạn” để làm suy yếu nước Mỹ từ bên trong, theo The Epoch Times.

Lén lút và vụng trộm, ĐCSTQ đã tiến hành một cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ để chống lại Mỹ để giành quyền thống trị thế giới bằng cách áp dụng một chiến lược quân sự gọi là “chiến tranh không giới hạn”, điều vẫn đang tiếp diễn cho đến ngày hôm nay.

Hầu hết chúng ta không ý thức được rằng, ĐCSTQ đã xâm nhập vào hầu hết mọi lĩnh vực đời sống ở Mỹ, gần như không có ngành công nghiệp nào không chịu ảnh hưởng. Mặc dù mối đe dọa này phần lớn không bị phát hiện, nhưng những ảnh hưởng của nó với Mỹ, cũng như những hậu quả địa chính trị mà nó gây ra là rất to lớn.

Với việc né tránh các biện pháp đối đầu quân sự trực tiếp truyền thống vốn đã trở nên lỗi thời trong thời hiện đại ngày nay, chiến lược phi truyền thống này đã trở thành trọng tâm trong cách thực hành chiến tranh của ĐCSTQ.

Chiến lược này được nêu bật trong cuốn sách “Chiến tranh không giới hạn” năm 1999. Tác giả của cuốn sách này là hai đại tá không quân Trung Quốc, Qiao Liang và Wang Xiangsui, . Cuốn sách được xuất bản bởi Quân đội Giải phóng Nhân dân, lực lượng vũ trang của ĐCSTQ. Cuốn sách đã được dịch sang tiếng Anh dựa trên các tài liệu quân đội nguyên gốc tiếng Trung.

Theo đó, Bắc Kinh sẽ sử dụng một loạt các chiến thuật nhằm lật đổ, trong đó bao gồm tuyên truyền, chiến tranh văn hóa, truyền bá tư tưởng, hoạt động tiền tuyến, thâm nhập chính trị, chiến tranh công nghệ và viễn thông, chiến tranh pháp lý, gián điệp kinh tế, gián điệp giáo dục, chiến tranh mạng, và chiến tranh cấm vận.

Khai thác, xâm nhập và gián điệp đều là những chiêu trò liên tục được dùng tới. ĐCSTQ sử dụng tất cả các thủ đoạn này ở các mức độ khác nhau trong nhiều lĩnh vực của xã hội để làm suy yếu hoặc gây ảnh hưởng đến Hoa Kỳ – trở ngại chính ngăn cản ĐCSTQ thống trị toàn cầu.

Trong khi một số động thái như trộm cắp tài sản trí tuệ và các hành vi thương mại không công bằng với Mỹ dễ dàng bị phát hiện ra, thì những thủ đoạn khác, ví dụ như “quyền lực mềm” lại khó phát hiện hơn.

Một ví dụ điển hình là Viện Khổng Tử do ĐCSTQ hậu thuẫn, nó xâm nhập và hoạt động trong các cơ sở đại học của Mỹ để quảng bá hình ảnh của ĐCSTQ. Nó cũng có mục đích thúc đẩy một chính sách đối ngoại nhằm nâng vị thế của ĐCSTQ, không chỉ là một siêu cường kinh tế, mà còn là một siêu cường về văn hóa.

Các Viện Khổng Tử đã thu hút sự chú ý từ các nhà lập pháp, các tổ chức quốc gia của Mỹ và FBI với các cáo buộc chương trình này làm suy yếu tự do học thuật. Các Viện Khổng Tử đã bị cáo buộc thúc đẩy tuyên truyền của ĐCSTQ dưới vỏ bọc quảng bá ngôn ngữ và lịch sử Trung Quốc. Có hàng ngàn Viện Khổng Tử trên toàn thế giới và ở Mỹ có ít nhất 15 cơ sở.

Cũng có các trường hợp khác rõ ràng hơn. Lấy ví dụ, gần đây, một cựu trưởng khoa Hóa tại Đại học Harvard đã bị buộc tội vì khai man về khoản tài trợ mà ông ta nhận được từ Trung Quốc. 

Một trường hợp khác là một công dân Trung Quốc bị kết tội gián điệp kinh tế, trộm cắp bí mật thương mại. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, người đàn ông này là Hao Zhang, 41 tuổi, bị phát hiện có ý đồ đánh cắp bí mật thương mại từ hai công ty Mỹ “nhằm phục vụ cho lợi ích của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Cụ thể, Zhang đã đánh cắp thông tin liên quan đến hoạt động của các thiết bị không dây.

Gián điệp kinh tế là “một mối đe dọa phổ biến trên khắp Hoa Kỳ, đặc biệt là ở vùng Vịnh San Francisco và Thung lũng Silicon, vốn là trung tâm đổi mới và công nghệ”, ông John F. Bennett, đặc vụ FBI tại San Francisco, nói về vụ án liên quan đến Zhang.

FBI cho biết, “Kế hoạch Ngàn Nhân tài”, một trong những chương trình tuyển dụng nhân tài nổi tiếng của ĐCSTQ, hay những chương trình thu hút chất xám khác, thực chất nhằm mục đích trộm cắp tài sản trí tuệ từ các tổ chức của Hoa Kỳ. Bằng cách đưa ra mức lương hấp dẫn, môi trường làm việc là cơ sở nghiên cứu hiện đại và tặng thưởng các danh hiệu danh dự, các chương trình này tìm cách thu hút các nhân tài hải ngoại đến làm việc tại Trung Quốc, “ngay cả khi điều đó tương đương việc ăn cắp thông tin độc quyền hoặc vi phạm kiểm soát xuất khẩu”, FBI tuyên bố.

Giám đốc FBI Christopher Wray từng tuyên bố vào năm 2018 rằng cơ quan này đang xem xét mối nguy hiểm mà ĐCSTQ gây ra “không chỉ là mối đe dọa của toàn chính phủ, mà còn là mối đe dọa của toàn xã hội”. Để chống lại những thủ đoạn của Trung Quốc một cách hiệu quả, giám đốc Wray cho biết Hoa Kỳ cũng phải viện đến “một phản ứng mang tính toàn xã hội”.

Walter Lohman, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á của Quỹ Di sản (The Heritage Foundation – một viện chính sách), cho biết Mỹ đã rất mềm mỏng với “những sự nhạy cảm” của Trung Quốc, nhưng vẫn “chưa thu lại được gì”.

“Hành vi hung hăng của Trung Quốc trong 15 năm qua chỉ đang trở nên tồi tệ hơn, dù chúng ta đã nỗ lực hết sức”, ông nói với tờ The Epoch Times.

Trung Quốc hiện đang là mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ bởi nó “khá hùng mạnh xét trên nhiều phương diện, và … đang trực tiếp đe dọa rất nhiều lợi ích của người dân Mỹ, như mạng lưới truyền thông, Đài Loan, tự do ở Hồng Kông và tự do hàng hải”, ông nói.

ĐCSTQ cũng đã tích cực hậu thuẫn và thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông của nó, như Huawei và ZTE, cũng như các ứng dụng thuộc sở hữu của Trung Quốc như TikTok và Zoom, thâm nhập vào Hoa Kỳ và trên toàn cầu.

Các nhà lập pháp và các quan chức Mỹ đã nhận ra các mối đe dọa an ninh quốc gia mà các doanh nghiệp Trung Quốc đặt ra. Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) hồi tháng 6 đã chính thức chỉ rõ Huawei và ZTE là mối đe dọa an ninh quốc gia, do đó cấm sử dụng gói ưu đãi trị giá 8,3 tỷ đô la một năm từ Quỹ Dịch vụ Phổ thông của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) để mua hoặc sửa đổi bất kỳ thiết bị hoặc dịch vụ được cung cấp bởi các nhà cung cấp này.

Một lý do đằng sau quyết định này, như Chủ tịch FCC Ajit Pai chỉ ra, là cả hai công ty này đều có liên kết chặt chẽ với ĐCSTQ và bộ máy quân sự của nó, và theo luật pháp Trung Quốc, họ bắt buộc phải hợp tác với cơ quan tình báo của ĐCSTQ. Cả hai công ty này đều phủ nhận điều này.

Ứng dụng TikTok thuộc sở hữu của Trung Quốc gần đây đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng nhanh chóng ở Hoa Kỳ. Ứng dụng này gần đây cũng bị phát hiện đang bí mật đọc dữ liệu cá nhân của người dùng, mặc dù ứng dụng này tuyên bố họ đã khắc phục được vấn đề đó. Có những lo ngại tương tự về Zoom, khi các nhà nghiên cứu phát hiện các đoạn khóa mã hóa đang được chuyển đến các máy chủ ở Trung Quốc.

Trong khi Mỹ đang tăng cường nỗ lực chống lại các mối đe dọa từ Bắc Kinh, ĐCSTQ cũng đồng thời tăng cường các nỗ lực của nó thông qua Ủy ban Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ.

Cơ quan này phối hợp hàng ngàn nhóm để thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị ở nước ngoài, đàn áp các phong trào bất đồng chính kiến, thu thập thông tin tình báo và tạo điều kiện chuyển giao công nghệ từ các nước khác về Trung Quốc, theo báo cáo tháng 6 của Viện Chính sách Chiến lược Úc.

Báo cáo cho biết các chiến dịch gây ​​ảnh hưởng chính trị của nó nhắm vào giới tinh hoa nước ngoài, bao gồm các chính trị gia và giám đốc doanh nghiệp, thường thường theo những cách thức lén lút. Các cộng đồng người Hoa ở hải ngoại cũng là mục tiêu chính, khi ĐCSTQ tìm cách xâm nhập và kiểm soát các nhóm cộng đồng, các hiệp hội doanh nghiệp và các phương tiện truyền thông tiếng Trung.

Alex Joske, tác giả báo cáo, nhận định hoạt động của Mặt trận Thống nhất đã leo thang tới mức độ tương đương với “xuất khẩu hệ thống chính trị của ĐCSTQ” ra hải ngoại. Nỗ lực của nó là “làm suy yếu sự gắn kết xã hội, làm trầm trọng thêm căng thẳng chủng tộc, gây ảnh hưởng đến chính trị [nước sở tại], bóp méo tính trung thực của truyền thông, tạo điều kiện cho hoạt động gián điệp, và tăng cường chuyển giao công nghệ không giám sát”, báo cáo nêu rõ.

Với các doanh nghiệp do nhà nước hậu thuẫn này, ĐCSTQ đang cố gắng phát huy sức ảnh hưởng của nó trên toàn cầu, không chỉ ở Hoa Kỳ. Một số chương trình lớn được hậu thuẫn bởi chính quyền cũng tham gia vào các tham vọng quốc tế của nó là Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) và Kế hoạch Sản xuất tại Trung Quốc 2025 (Made in China 2025).

Thông qua BRI, ĐCSTQ đã bơm hàng tỷ USD vào các nước thu nhập thấp để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng của họ. Kể từ năm 2013, sáng kiến ​​đã khởi động hơn 2.900 dự án trị giá lên đến 3,87 nghìn tỷ USD. BRI đã được gọi là “bẫy nợ” vì các điều khoản cho vay mang tính chất “cướp bóc” của Bắc Kinh, khiến các quốc gia dễ bị thao túng trước các chiến dịch hung hăng gây ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trong hai thập niên qua, Trung Quốc đã trở thành một chủ nợ toàn cầu, với khoản nợ tồn đọng vượt quá 5,5 nghìn tỷ USD trong năm 2019, tương đương hơn 6% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, theo một báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế.

Ngoài ra, kế hoạch công nghiệp “Made in China 2025” của ĐCSTQ, được triển khai vào năm 2015, đã tìm cách đưa nước này trở thành đối thủ cạnh tranh toàn cầu trong 10 lĩnh vực công nghệ vào năm 2025. Cuối năm 2018, Bắc Kinh cũng bắt đầu kế hoạch “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” nhằm trở thành quốc gia hàng đầu trong các lĩnh vực công nghệ đang phát triển như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật (IoT).

Trong khi đó, một báo cáo được công bố hồi tháng 3 đã chỉ ra Bắc Kinh đang lợi dịch đại dịch virus corona toàn cầu để thúc đẩy các mục tiêu kinh tế và hiện thực hóa những tham vọng to lớn hơn.

Báo cáo của Horizon Advisory, một nhóm tư vấn độc lập có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết, “Bắc Kinh định lợi dụng sự rối loạn và suy thoái toàn cầu để đầu tư ra nước ngoài, nhằm chiếm lấy thị phần chiến lược và tài nguyên – đặc biệt là các nước buộc phải phụ thuộc vào Trung Quốc”. Hãng tư vấn đã xem xét các chính sách và thông báo gần đây được công bố bởi các cơ quan chính phủ trung ương, các chính phủ khu vực và các viện nghiên cứu Trung Quốc.

Tuy rằng một số lượng ngày càng lớn các quốc gia đang bày tỏ sự bất bình và thất vọng đối với cách thức Bắc Kinh xử lý dịch bệnh và giấu dịch tại đại dục, phản ứng dữ dội của thế giới cũng đang chống lại những nỗ lực của ĐCSTQ trong việc đánh bóng bản thân như một nhà lãnh đạo thế giới trong việc chống dịch.

Để cải thiện hình ảnh của mình, Bắc Kinh đã gửi một loạt các chuyên gia và các thiết bị y tế như khẩu trang và mặt nạ phòng độc đến các quốc gia. Nhưng các sản phẩm thường bị lỗi, khiến các quốc gia không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ chối các lô hàng. Hà Lan, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan, Anh và Ireland chỉ là một phần trong hàng loạt quốc gia nhận được những lô hàng lỗi từ Trung Quốc.

“Các nguồn tin có thẩm quyền của Trung Quốc tuyên bố rõ ràng rằng sự tổn thất và bất ổn kinh tế mà COVID-19 gây ra đã mang lại cho Trung Quốc cơ hội mở rộng sự thống trị trên các thị trường và chuỗi cung ứng toàn cầu – cả trong nền kinh tế thực và trong lĩnh vực không gian mạng”, báo cáo của nhóm tư vấn Horizon cho biết. “Họ cũng nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ cho phép Bắc Kinh dập tắt những nỗ lực của Hoa Kỳ để bảo vệ các hệ thống của họ và của các đồng minh của mình trước Trung Quốc”.

Related posts