Mai Vân
Lợi dụng lúc cả thế giới gồng mình đối phó với dịch Covid-19, mà ca nhiễm đầu tiên được Tổ Chức Y Tế Thế Giới chính thức ghi nhận tại Vũ Hán (Trung Quốc) cách nay đúng một năm, ngày 08/12/2019, Bắc Kinh được cho là tiếp tục đẩy mạnh chiến lược cài người vào các định chế quốc tế, đặc biệt là các định chế tư pháp, vừa để lèo lái hoạt động của các cơ quan này theo hướng có lợi cho Trung Quốc, vừa để phòng ngừa khả năng bị kiện trước các định chế này.
Ví dụ cụ thể nhất phản ánh ý đồ nói trên là sự kiện trong vài tháng gần đây, Trung Quốc đã thành công trong việc đưa đại diện của mình vào hai tòa án quốc tế quan trọng của Liên Hiệp Quốc, trong sự thờ ơ tương đối của quốc tế.
Tháng 8 vừa qua, đại sứ Trung Quốc tại Hungary Đoàn Khiết Long (Duan Jie Long) đã được bầu làm thẩm phán Tòa Án Luật Biển Quốc Tế ITLOS, một định chế có thẩm quyền trực tiếp trên những vấn đề liên quan đến Biển Đông mà Bắc Kinh muốn thâu tóm bất chấp luật lệ quốc tế. Sau đó ít lâu, vào tháng 11, đến lượt bà Tiết Hãn Cần (Xue Han Qin) tái đắc cử thẩm phán Tòa Án Công Lý Quốc Tế ICJ, một cơ chế có thẩm quyền rộng lớn hơn.
Đó là chưa kể đến việc trong số 15 cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc, có đến 4 định chế có lãnh đạo là người Trung Quốc: Liên Minh Viễn Thông Quốc Tế ITU, Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO, Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế ICAO và Tổ Chức Phát Triển Công Nghiệp Liên Hiệp Quốc UNIDO.
Phán quyết Tòa Trọng Tài 2016 khiến Trung Quốc xét lại chiến lược ?
Trong bài phân tích đăng ngày 05/12/2020 mang tựa đề “Vì sao Trung Quốc lại đang tìm cách có tiếng nói trên vấn đề luật pháp quốc tế (Why China is now looking to have its say on international law)”, nhật báo Anh Ngữ South China Morning Post (SCMP) tại Hồng Kông đã nhắc lại vụ kiện Biển Đông để nêu bật ý đồ của Bắc Kinh hiện nay.
Theo SCMP, nếu trước đây, Bắc Kinh rất nghi kỵ các tòa án đa phương, thích giải quyết các tranh chấp một cách song phương với từng nước liên quan, thì bốn năm sau khi bị một phán quyết chống lại họ trên Biển Đông – phán quyết 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye – Trung Quốc bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các quy tắc toàn cầu và cách thức mà các quy tắc này vận hành.
Khi bị Philippines khởi kiện về các tuyên bố chủ quyền quá đáng trên Biển Đông cách nay 7 năm, Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện, rồi ba năm sau đó tiếp tục bác bỏ phán quyết bất lợi đối với họ, xem đó chỉ là một tờ giấy lộn, ưu tiên dùng đàm phán song phương để giải quyết vấn đề và bảo vệ lợi ích của họ. Tuy nhiên, phán quyết quốc tế vẫn tồn tại, và đặc biệt trong những tháng gần đây, đã liên tiếp được một số nước có tranh chấp và không có tranh chấp sử dụng để tấn công Trung Quốc.
Đối phó với nguy cơ bị kiện cáo
Trong bối cảnh Bắc Kinh bắt đầu mở rộng tầm ảnh hưởng trên thế giới, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy thay đổi quan điểm của giới lãnh đạo Trung Quốc, với các nỗ lực nhằm nhào nặn các quy tắc của luật lệ quốc tế, tạo ra nguyên tắc mới có lợi cho Bắc Kinh. Đó là những bước chuẩn bị trước để đối phó với nguy cơ Trung Quốc phải đối mặt một loạt vụ kiện cáo về Biển Đông hay Covid-19.
Theo nhật báo Hồng Kông, dấu hiệu gần đây nhất về sự thay đổi chiến lược là vào tháng 10 vừa qua, khi ông Dương Khiết Trì, nhà ngoại giao và đồng thời là ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt, từ tranh chấp lãnh thổ đến vấn đề nhân quyền.
Trên tờ Cầu Thị, tạp chí lý luận chính trị của đảng, người lãnh đạo cao nhất của ngành ngoại giao Trung Quốc xác định: “Các nước mới nổi và nước đang phát triển, bao gồm cả Trung Quốc, đang ngày càng ủng hộ việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và tìm cách thiết lập một trật tự quốc tế công bằng, hợp lý hơn; một hệ thống quản trị toàn cầu với sự tham gia bình đẳng”.
Do vậy, Trung Quốc phải tích cực hơn trong việc thiết lập các chuẩn mực nhằm tăng cường áp dụng luật pháp quốc tế trong các lĩnh vực như đại dương, khai thác hai cực của Trái Đất hay trí tuệ nhân tạo.
Trung Quốc thấy cần một chiến lược mới
Theo giới quan sát, Trung Quốc đã thay đổi thái độ sau khi rút kinh nghiệm từ vụ kiện Biển Đông. Hành động thẳng tay bác bỏ quyền can thiệp của tư pháp quốc tế đã khiến cho Bắc Kinh bị các nước phương Tây, nhất là Mỹ, chỉ trích là “coi thường luật pháp quốc tế”, và sẽ không ngăn cản được các vụ kiện khác trong tương lai.
Theo giáo sư quan hệ quốc tế Lương Vân Tường (Liang Yunxiang), Đại Học Bắc Kinh, Trung Quốc đã thấy rằng họ cần một chiến thuật mới: “Từ [góc độ] chính sách đối ngoại, kể từ sau phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông, cũng như trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung và phương Tây thường xuyên nhấn mạnh trên một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, điều cấp bách là cần sử dụng luật pháp quốc tế để bảo vệ lợi ích quốc gia”.
Trung Quốc cũng có thể phải đối mặt với những thách thức pháp lý khác nhau, bao gồm một số vụ kiện tập thể ở châu Âu và Hoa Kỳ về việc Bắc Kinh xử lý đại dịch Covid-19, cũng như khả năng tiếp tục bị kiện về các yêu sách chủ quyền trên biển và trên bộ.
Trịnh Chí Hoa (Zheng Zhihua), một chuyên gia luật quốc tế của Đại Học Giao thông Thượng Hải, cho biết ông dự kiến những vụ việc kiểu này sẽ gia tăng và “Trung Quốc cần phải có một số kế hoạch trong tay… để cuối cùng có thể chọn được một chiến lược thích hợp.”
Theo ông Cổ Quế Đức (Jia Guide), tổng vụ trưởng vụ Hiệp Ước và Pháp Luật của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Bắc Kinh có thể đóng vai trò chủ động trong việc thiết lập trật tự quốc tế mới, nếu có thêm nhiều nhà ngoại giao và thẩm phán trên trường quốc tế.
Trong một cuộc hội thảo về luật quốc tế ở Bắc Kinh vào tháng trước, quan chức này đã nhấn mạnh trên nhiều lãnh vực quan trọng mà Trung Quốc có thể tác động, từ biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh thái, cho đến các quy tắc nhân quyền ràng buộc về mặt pháp lý đối với các tập đoàn xuyên quốc gia, then chốt đối với đầu tư nước ngoài của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo SCMP, việc thay đổi các quy tắc quốc tế để phù hợp hơn với Trung Quốc là chuyện “nói thì dễ nhưng làm thì khó”. Đối với tờ báo, việc Bắc Kinh tham gia vào các tòa án, tổ chức quốc tế thường được coi là một nỗ lực phô trương thanh thế, hơn là một vấn đề có ý nghĩa trong quá trình hoạch định chính sách.
Theo ông Trịnh Chí Hoa, Trung Quốc có thể cử đại diện của mình vào các tổ chức quốc tế, nhưng do thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này, có thể họ e ngại trong việc áp dụng luật pháp quốc tế.
Đối với chuyên gia này: “Xây dựng luật là một quá trình rất tế nhị, đòi hỏi ý kiến chuyên môn ở mọi bước, và nếu không có tài năng như vậy, sẽ rất khó để nói rằng quan điểm của bạn đã được phản ánh trong văn bản của một dự thảo hiệp ước”.