Một chủ tiệm nail tại Little Sài Gòn, bà Lý Trí Anh, 50 tuổi, sau khi nhiễm Covid-19 cách đây gần hai tuần, đã nói với chồng và con những lời gần như là ”trăn trối” trong những giây phút tưởng mình không qua khỏi.
Tâm sự với phóng viên BBC News Tiếng Việt hôm 9/12, bà Anh, một khuôn mặt quen thuộc trong cộng đồng người Việt ở vùng Little Sài Gòn, nam California, cho biết có lẽ đã vượt qua được lúc nguy kịch nhất, tuy vẫn đang dưỡng bệnh tại nhà:
”Em đã kêu hai đứa con em vào, nói với các cháu là nếu mà mẹ không vượt qua được thì các con phải sống như thế nào, như thế nào để là một người sống tốt. Em cũng chuẩn bị sẵn cho cái tâm mình nó được thanh thản khi ra đi.”
Ông xã và hai con trai bà, 16 và 18 tuổi, không ai có kết quả xét nghiệm dương tính, cố tỏ ra bình tĩnh, để tự trấn an mình và trấn an người thân.
”Tội nghiệp hai đứa con em, tụi nó buồn lắm nhưng cố cam đảm ngăn nước mắt trấn an mẹ, ‘mẹ chắc không sao đâu, chắc mẹ không sao đâu’, tụi nó nói đi nói lại.”
”Em nói là mẹ không biết mình có vượt qua được hay không, nhưng mẹ bình tĩnh và mẹ muốn các con cũng phải bình tĩnh.”
”Ông xã em cũng cố tỏ ra bình thản, không nói gì nhiều chỉ cắm cúi cả ngày nấu ăn lo săn sóc cho cả nhà thôi.” Bà Anh kể giữa những tiếng ho húng hắng.
Little Sài Gòn ảm đạm trước mùa lễ
Giới chức California trong tuần qua đã vẽ nên một bức tranh thảm khốc về đại dịch virus corona, với hơn 2.200 tử vong và hơn 22.000 người nhiễm bệnh mỗi ngày, 12% trong số này, dự trù sẽ phải vào bệnh viện trong vòng 2 đến 3 tuần sau khi nhiễm.
Cho đến giờ, California có hơn 1,3 triệu ca nhiễm và gần 20.000 tử vong. Hôm thứ Bảy 6/12, tiểu bang này ghi nhận thêm hơn 30.000 ca nhiễm mới.
Mức lây lan tăng đột biến khiến giới chức lo ngại phòng cứu cấp của các bệnh viện sẽ quá tải, nhất là trước dự đoán tình hình sẽ còn tệ đi, khi lễ Giáng Sinh và Tết Tây đang lừng lững tiến đến, và tại cộng đồng Việt Nam, Tết Nguyên Đán.
Nhưng với lệnh phong tỏa khắp nơi, bầu không khí ảm đạm bỗng chụp xuống. Niềm vui đón Noel biến mất, nhạc Giáng Sinh, theo truyền thống, vẫn vang lên khắp nơi kể từ sau lễ Tạ ơn, nhưng với nhiều người, ‘nghe rộn ràng nhưng không có hồn’ như mọi năm.
”Sợ thật! Đi đâu cũng thấy người bị nhiễm, lâu lâu lại có tin người mình quen biết đang nằm nhà thương hay vừa chết vì Covid. Tình hình u ám quá!” Một nhà báo kỳ cựu ở vùng Little Sài Gòn chặc lưỡi than. Thoát được nguy hiểm, bà Lý Trí Anh nói muốn chia sẻ kinh nghiệm chiến đấu với Covid-19, mong sẽ ‘giúp được đồng hương’.
”Vượt qua những ngày khó khăn nhất rồi, em nghĩ tình trạng của em chắc không bị nhiễm sâu cho nên em không đến nỗi không thể chống lại được.”
”Thực sự mà nói, lúc đang bị nặng em chỉ có cảm giác là mình sẽ đứt hơi mà chết thôi. Covid nó không đơn giản bình thường đâu.” Bà khẳng định.
Lý Trí Anh
Kinh nghiệm phấn đấu với Covid tại nhà
Bà kể lại diễn tiến nhiễm bệnh:
”Ngày mới bắt đầu, hôm thứ Bảy tuần trước nữa, tự nhiên em thấy bị nhức đầu, tưởng là mình bị cao huyết áp, vì tối hôm đó đi ngủ đau đầu lắm.”
”Sáng hôm sau thì em có cảm giác là mình bị cảm lạnh, chỉ nghĩ là mình bị cảm lạnh thôi, rồi bắt đầu sốt, cũng hơi sợ sợ. Nhưng sau đó nghe tin người sửa nhà cho em bị Covid phải vào bệnh viện thì lúc đó sợ thật và bắt đầu đi xét nghiệm. Sáng thứ Ba đi xét nghiệm thì thứ Năm có kết quả và biết mình bị dương tính.”
”Từ thứ Năm trở đi, khoảng 4, 5 ngày sau khi có dấu hiệu cảm cúm đầu tiên thì em mất hết khứu giác và vị giác, không ngửi được mùi gì, ăn cũng không thấy được vị gì, nói chung là mất cảm giác không mùi, không vị gì hết.”
”Em ngày nào cũng uống nước chanh với mật ong, với gừng, mấy ngày đầu còn nhận thấy được vị chua của chanh, ngọt của mật ong và vị cay và mùi thơm của gừng. Từ ngày thứ Năm thì không còn nhận được mùi vị gì, uống vào nó có cảm giác làm sao đâu, ngộ lắm.”
”Còn khi ngồi xông hơi, em bỏ rất nhiều dầu, mà không ngửi được, trong khi thì hơi dầu bốc lên, làm cay mắt dữ lắm, mà bây giờ không ngửi thấy gì luôn.”
”Người em thì giống như bị ai đánh cho một trận đau nhừ tử, rất là đau đớn, nhức mỏi khắp người. Khi em đứng lên, định làm một cái gì như cầm một vật gì nhẹ nhẹ thôi, người nó cũng mệt muốn đứt hơi, có cảm giác như mình sắp té xỉu ngay tại chỗ liền.”
”Sau ngày mất khứu giác là cảm giác đau đớn xuất hiện.”
”Ăn uống thì mọi người nói ráng ăn để có sức đề kháng, nhưng em không nuốt nổi. Ngộ lắm, ý chí em rất mạnh nhưng bỏ thức ăn vào miệng là tự nhiên nó muốn trồi ra chứ không muốn nuốt trôi vào.”
”Đó là ăn súp mà em cũng không nuốt vào được, nên cuối cùng em chuyển qua uống sữa Ensure, và vì ăn chay nên em rang những hạt đậu lên, nấu lấy nước uống.”
Được hỏi sao không vào bệnh viện chữa trị, bà Lý Trí Anh giải thích:
”Em gọi văn phòng bác sĩ trong hệ thống Kaiser, nhưng chắc vì người gọi quá đông họ bắt chờ phôn lâu quá không trả lời, chờ hoài không được nên em cố gắng tự làm được gì ở nhà thì làm. Họ không nhận điện thoại, mà có lấy được hẹn chắc cũng phải chờ lâu.”
”Nhà em cũng mấy cô em là dược sĩ nên mấy cô ấy cho em một danh sách thuốc để mình tự mua uống, em uống vitamin C, B, D và Zinc, trước đó thì em chỉ uống vitamin cho phụ nữ.”
”Các em của em nói uống những vitamins này để hệ thống miễn nhiễm khỏe lên.”
”CDC và sở y tế cũng đưa cho mình những hướng dẫn. Họ dặn là nếu là mình không thở được thì hãy vào nhà thương, còn nếu còn thể thở được thì cứ ở nhà tịnh dưỡng, tự cách ly và uống Tylenol. Vì vào bệnh viện thì cũng khó có chỗ nằm vì phải dành cho những người bị nặng.”
”Em có tiệm nail, các nhân viên của em ở tiệm phải đeo khẩu trang và tấm kính chắn nên không ai bị.”
”Chỉ hơi ngạc nhiên là ông xã và các con em cũng đi xét nghiệm mà không ai bị dương tính.”
”Em hiện sống riêng trong một phòng, ra khỏi phòng thì đeo cả khẩu trang lẫn tấm kính chắn, ly nước uống và những bát đĩa em cũng dùng riêng ở trong phòng, không để dùng chung ở ngoài với mọi người.”
”Về chữa bệnh em xông hơi, tập thở sâu, uống Tylenol, Theraflu, các loại vimins và Zinc.”
‘Nguy hiểm, không là bệnh cúm bình thường’
Được hỏi kinh nghiệm bị nhiễm có khiến mình thay đổi quan điểm về Covid-19 không, bà Lý Trí Anh nói:
”Nói thật, khi chưa bị nhiễm thì em cũng biết bị virus corona tấn công là có thật, nhưng mình cũng hơi ỷ y, bệnh nó chưa đụng đến mình, thì mình cũng chưa thấy sợ.”
”Đây là một bệnh thật, một bệnh nguy hiểm, em đã trải qua rồi em biết. Mọi người đừng có nói đây chỉ là bệnh cúm bình thường, nó không phải như vậy. Em đã từng bị cúm cách đây vài năm trước, nó không giống như vậy.”
”Thường cúm thì sau năm, sáu ngày là bình phục. Nhưng Covid nó không như vậy. Nó như đeo dính vào mình, buổi sáng thì nó thả ra cho mình, buổi chiều thì nó tấn công mạnh.”
”Cúm thì sẽ không thấy mình bị hụt hơi, như muốn đứt hơi, không có cảm giác hơi mình đến đây là đứt, là sắp té xỉu.”
”Em còn khỏe còn có thể gượng được, chứ người già hơn thì không gượng được đâu. Với những người lớn tuổi hơn, sẽ khó cho họ chịu đựng lắm chứ không đơn giản.”
”Virus này nó rất là nguy hiểm, không phải ai cũng có sức khỏe để đối chọi với nó.”
”Thí dụ như ngày hôm nay là bị ngày thứ 11 rồi, mà em vẫn còn yếu lắm. Buổi sáng khi trời có ánh nắng, thì mình còn thấy khỏe, nhưng hễ đến 4, 5 giờ chiều, khi mất ánh nắng mặt trời một cái là người mình nó sụp xuống liền. Người mình nó bắt đầu thấy rần rần, đầu nhức, và mọi thứ giống trong người nó yếu đi liền.”
”Buổi tối em ho rất nhiều, ho liên tục và làm mình rất đau ngực.”
”Giống như người sửa nhà của nhà em, ông ta đang khỏe mạnh, đùng một cái giờ đang nằm bệnh viện, tính mạng không biết ra sao, còn em thì rất hên còn gượng ngồi đây mà nói chuyện với chị được.”
”Những lúc em nghĩ có thể không vượt qua được, em ngồi dậy em cố gắng tập thở, nó rất giúp ích, có lẽ giúp ích hơn là những loại thuốc mà mình uống.”
”Ngày thê thảm nhất là tối thứ Năm và ngày thứ Sáu, ăn thì ăn không được, thở thì cứ cảm thấy như mình sắp bị đứt hơi, đi thì có cảm giác như mình bị hụt hơi, có cảm tưởng như mình sắp xỉu té xuống một cái đùng liền, mình ráng mình đứng lại hít thở sâu vô để mình còn ráng có hơi thở mà sống.”
”Cho nên ai có trải qua mới biết. Em là người em nghĩ chóng hồi phục, vì sau khi con em trai lớn của em qua đời cách đây hai năm, em thiền, em tu tập nhiều lắm. Cho nên cái tâm của em nó vững. Qua kinh nghiệm này em cảm nhận là nếu như mình muốn thoát khỏi cái bệnh này thì tim mình phải nhẹ nhàng bình thản, đừng lo lắng quá, cứ làm hết những gì mình có thể.”
”Tình trạng tệ nhất như vậy kéo dài khoảng ba ngày. Cái ngày thứ bảy, em rất mệt, nghĩ mình chắc khó qua khỏi, em có gượng ghi lại khúc video ngắn, để nhắn nhủ với mọi người là cố gắng cẩn thận, đừng đi ra đường và đừng tiếp xúc với mọi người để tránh lây nhiễm và mang lây nhiễm cho gia đình.”
Bà Lý Trí Anh cho biết có lẽ đang trên đà hồi phục:
”Em hiện giờ đã bắt đầu thấy được vị mặn, còn ngọt và chua thì chưa thấy được.”
Bà tâm sự:
”Từ giờ đến Tết bệnh còn rộ nhiều lên hơn nữa. Em chỉ muốn nhắn với mọi người là nếu không cần thiết phải đi ra đường, thì không nên đi, vì sự lây lan không biết từ đâu đến, và lây ra làm sao, lây từ lúc nào.”
”Còn nếu đã bị nhiễm rồi, hãy rất bình tĩnh, xông hơi, cách ly với gia đình, uống thuốc Tylenol khi bị sốt.”
”Tâm nên bình lặng, thiền hay tĩnh tâm, làm hết những điều CDC khuyên hay hướng dẫn, người Việt mình thì nên xông, cho phổi nó nở ra dễ thở hơn.”
”Đa số người dân Cali rất có ý thức, ra đường đa số đeo khẩu trang. Nhưng cũng có những người họ chính trị hóa Covid, hoặc họ không thấy được những người bị nhiễm, nên họ coi thường.”
”Đối với em, quan điểm riêng của ai họ cứ việc giữ, họ có thể tin Covid là thật hay không tin là quan điểm của họ. Nhưng nếu họ đi biểu tình và hô hào những chuyện họ tin, mà không có chứng cớ khoa học, thì họ vô tình đã làm hại cho rất nhiều người khác một cách thiếu ý thức và thiếu trách nhiệm. Làm như vậy thật là không đúng.”
”Hôm nay em ngửi được mùi xả thoang thoảng. Em thấy lạc quan, và mong chia sẻ kinh nghiệm của mình. Nếu chỉ giúp được cho một người thôi, em cũng sẽ rất vui.”