Ian Bùi
Cách đây một thế kỷ, nước Mỹ đã trải qua một mùa Thanksgiving không như bất kỳ mùa lễ nào trước đó, kể cả vào thời Nội Chiến khi hai phe Bắc Nam xâu xé nhau kịch liệt.
Đó là vì vào năm 1918 nước Mỹ phải vác hai gánh nặng cùng một lúc.
Poster cảm tạ nước Pháp đã giúp Mỹ trong cuộc chiến giành độc lập. Nguồn: Lucien Jonas
Tháng Tư năm 1917, Hoa Kỳ chính thức bước vào cuộc đại thế chiến sau gần ba năm đứng bên lề hưởng lợi bằng cách cung cấp vũ khí cho Anh với Pháp và cho họ vay nợ.
Nhưng chỉ sau một năm tham chiến, hơn 4 triệu rưỡi lính Mỹ đã có mặt tại các chiến trường Âu Châu.
Mùa Hè năm đó, khi chiến tranh đang sửa soạn bước vào hồi kết thì bất chợt dịch cúm do siêu vi khuẩn influenza H1N1 gây ra bỗng bùng phát. Không ai biết nó xuất xứ từ đâu, nhưng người ta gọi nó là Spanish Flu vì tưởng lầm nó đến từ Tây Ban Nha.
Ở Mỹ, đại dịch bắt đầu lan nhanh từ một số trại lính, có lẽ vì quân nhân mang về từ Âu Châu.
Hình bìa tạp chí Saturday Evening Post mùa lễ Tạ Ơn 1918. Nguồn: Norman Rockwell/SEP
Ðến tháng 10 dịch đã lan tràn khắp nơi. Trường học, nhà thờ, rạp hát, quán rượu đều phải đóng cửa. Chợ búa bị đình trệ.
Chính quyền địa phương ra lệnh đeo khẩu trang và ban hành lệnh cấm túc. Nhưng không phải ai cũng tuân theo.
Thời ấy cũng như ngày nay, phong trào chống khẩu trang lập tức nổi lên. Chuyện này không có gì lạ.
Các nhà xã hội học nói đây là phản ứng tự nhiên của con người trong những cơn dịch bệnh từ hàng ngàn năm qua; bao giờ cũng có những thành phần chống lại hoặc không tin chính quyền.
Nhưng vào năm 1918 người Mỹ còn có thêm một mối quan tâm nữa mà xã hội loài người xưa nay dường như không có, đó là dự luật cấm bán rượu đang được bàn thảo tại Quốc Hội.
Vì nó mà thiên hạ càng muốn ra ngoài ăn uống khiến cho dịch bệnh lây nhiễm nhanh hơn bình thường.
Bước vào tháng 11, tình hình thật là u ám. Nhưng sang tuần lễ thứ nhì mọi chuyện sáng sủa hẳn ra.
Ngày 11 tháng 11 phe Áo-Hung chính thức đầu hàng, chiến tranh kết thúc. Dân chúng rầm rộ kéo nhau đi ăn mừng.
Ngày lịch sử này được gọi là Armistice Day — ngày ngưng bắn, về sau ở Mỹ biến thành Veterans Day – ngày cựu chiến binh.
Chính phủ khuyên dân chúng ăn rau quả nhiều hơn, bớt đường và sữa. Nguồn: wikimedia
Thanksgiving tuy đã chính thức là quốc lễ từ thời Lincoln, nhưng hồi đầu thế kỷ 20 vẫn chưa được ấn định phải là ngày nhất định nào đó trong năm.
Nhân sự kiện chiến tranh chấm dứt, vài hôm sau Tổng thống Woodrow Wilson ban hành một sắc lệnh hành pháp đặt cho ngày 28 tháng 11 năm 1918 làm ngày toàn quốc ăn mừng Thanksgiving.
Ông Wilson viết: “Năm nay chúng ta có thêm một lý do hết sức đặc biệt để mừng vui.
Ðức Chúa Trời đã ưng lòng mang hoà bình đến cho đất nước. Không chỉ là súng ngừng bắn và đạn ngừng bay, không chỉ là chấm dứt chiến tranh và chết chóc, mà là chiến thắng vinh quang của cái Thiện.”
Cùng ngày, Bộ Ngoại Giao đánh điện đến các toà đại sứ Mỹ tại các nước đồng minh yêu cầu mọi người cùng nhau mừng lễ Tạ Ơn vào ngày 28/11.
Trong số các nước nhận được thư — Belgium, Cuba, Trung Hoa, Nhật, Ý, Nicaragua, Honduras, Portugal, Nga, Thái Lan… không phải nơi nào cũng hưởng ứng.
Nhưng tại Hy Lạp chính phủ tuyên bố 28/11 là ngày quốc lễ “mừng giải phóng khỏi ách độc tài”;
tại Brazil 28/11 được gọi là lễ Thanksgiving để “chung vui cùng dân tộc Mỹ đã cùng Brazil nếm trải chiến tranh và hoà bình”;
và ở Anh nhà thờ Saint Martin in the Fields đã tổ chức một thánh lễ lớn để đánh dấu Thanksgiving, với sự có mặt của nhà vua và các yếu nhân trong chính quyền.
Lúc bấy giờ đa số binh sĩ Mỹ vẫn còn đóng quân ở Pháp chờ ngày hồi hương. Họ tổ chức lễ Tạ Ơn rất lớn để ăn mừng, mặc dù không có gà tây hay các món ăn Mỹ truyền thống.
Cơ quan thực phẩm FDA kêu gọi dân chúng ăn ít lại trong mùa Thanksgiving. Nguồn: wikimedia
Lễ Tạ Ơn năm ấy ở Mỹ không được thịnh soạn như những lần trước.
Nhiều mặt hàng vắng bóng vì mọi người phải thắt lưng buộc bụng cho chiến tranh.
Cả năm qua chính phủ kêu gọi người dân bớt ăn thịt, giảm thiểu tối đa các món cần nhiều đường, ăn nhiều rau quả và trái cây hơn.
Thậm chí truyền thông nhà nước còn tung ra những khẩu hiệu như “Food will win the war” — thức ăn sẽ cho ta chiến thắng!
Tờ nhật báo Daily Illinois Central tại thành phố Springfield, Illinois, nhắc nhở mọi người là vào ngày 27/11 sẽ có một buổi ca nhạc ngoài trời “lớn nhất tiểu bang”, giá vé sẽ miễn phí cho những ai mang theo ít “khoai tây, táo hoặc mứt jelly” đóng góp cho các cơ quan từ thiện để họ làm bữa ăn Thanksgiving cho người đói nghèo trong vùng.
Ngày hôm sau phóng viên tường thuật rằng tuy số người tham dự buổi ca nhạc khá đông, nhưng “không khí trầm uất, không vui nhộn như những năm trước,” và “tại bàn ăn gia đình, nhiều bà mẹ đã bày phần ăn riêng cho người con trai không bao giờ trở lại.”
Thực đơn Thanksgiving của một đơn vị Mỹ tại Pháp năm 1918, kết thúc với câu “Không đàn bà, không rượu, không một lần nữa!!!” – internet
Tại hai viện dưỡng lão trong thành phố, “các cụ già đã có một bữa ăn thịnh soạn, có lẽ đến từ đóng góp của đêm ca nhạc.” Nhưng tại nhà trẻ của thành phố, “các em được cho ăn thịt cừu vì không có gà tây.”
Năm ấy gà tây khan hiếm và mắc kinh khủng, không chỉ vì chiến tranh mà còn vì một vụ hạn hán ở Texas, nơi có nhiều trại gà tây nhất nước.
Khắp nơi nhiều bà nội trợ phải chuyển sang nướng gà, vịt, thậm chí ngỗng cho đêm Thanksgiving.
Không phải ai cũng thích nấu nướng, nên một số nhà hàng trong vùng cũng bày ra tiệc Thanksgiving làm sẵn, mặc dù họ cũng chỉ có gà hoặc ngỗng nướng.
Duy nhất nhà hàng Green Mill ở Bloomington, Illinois, quảng cáo một đêm yến tiệc chín món với đầy đủ các thứ — kể cả gà tây. Không biết giá cả là bao, nhưng có lẽ không rẻ.
Tội nghiệp nhất có lẽ là viện cô nhi tử sĩ trong thành phố có hơn 100 em mắc bệnh dịch cúm. Ðêm Thanksgiving các em chỉ được cho ăn gà và hào (oyster) nướng.
Dạo một vòng các trang báo xưa ta có thể thấy một bức ảnh tương tự khắp nước Mỹ. Một tờ báo ở Petaluma, California, tả cảnh nhà hàng, tiệm quán, trường học, công sở phải đóng cửa suốt tháng 10 trong lúc số người nhiễm bệnh mỗi ngày mỗi tăng.
Ðến cuối tháng 10, chỉ riêng tại thành phố San Francisco số ca nhiễm đã lên đến 130,000, và số tử vong là 2,600.
Và như nhiều tờ báo khác trên toàn quốc, con số thương vong từ chiến trường cũng được cập nhật mỗi ngày.
Bìa thực đơn trên chiến thuyền USS Des Moines. Nguồn: State Archives of North Carolina
Là người Việt từng sống qua chiến tranh, và giờ đây đang trải qua một cơn đại dịch, ta có thể mường tượng bầu không khí bao trùm nước Mỹ vào năm 1918 ảm đạm chừng nào.
Bởi thế cho nên vào đầu tháng 11, khi nghe tin Ðức sắp sửa đầu hàng, mọi người nhen nhúm hy vọng trở lại mặc dù đại dịch đang hoành hành.
Và khi hiệp định ngưng bắn được ký kết, tờ Petaluma Courier tường thuật dân chúng đổ tràn ra đường, nhiều người xách súng bắn lên trời để mừng hoà bình, ngay trước mặt cảnh sát.
Như tại nhiều nơi khác, năm đó dân Petaluma cũng ăn mừng lễ Tạ Ơn không có gà tây. Vài khu chợ trong vùng quảng cáo bán thịt thỏ thay thế. Dĩ nhiên chẳng ai màng vì dù gì chiến tranh cũng đã chấm dứt.
Nhưng có hai điều làm nhiều người lo lắng bộn: đó là một số hãng nấu bia ở miền Ðông Hoa Kỳ thông báo họ chỉ đủ bia để cung cấp cho đến ngày Tân Niên 1919.
Không những vậy, luật cấm bán rượu sẽ có hiệu lực kể từ tháng 7.
Có nghĩa là mùa Thanksgiving kế người Mỹ sẽ không có rượu để uống một cách hợp pháp.
Nhìn lại đại dịch thuở xưa, dù 2020 là một năm khó ưa cách mấy chúng ta cũng nên “tạ ơn đời còn dễ thương.”