Nhật chỉ thị ngân hàng nội địa đóng băng tài sản quan chức Hồng Kông theo lệnh trừng phạt Mỹ

Tâm Thanh

Chính phủ Nhật Bản hôm thứ Năm (10/12) đã yêu cầu các ngân hàng Nhật Bản hoạt động tại Hoa Kỳ tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Washington, không thực hiện bất kỳ giao dịch nào đối với các quan chức Hồng Kông thân Bắc Kinh nằm trong chế tài của Mỹ, đồng thời đóng băng tài khoản của họ, theo South China Morning Post.

Hồi tháng 8 năm nay, chính quyền Tổng thống Trump đã áp lệnh trừng phạt lên trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cùng 10 quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì đã làm suy yếu quyền tự trị của đặc khu. Theo đó, Hoa Kỳ đóng băng toàn bộ tài sản tại Mỹ của những người này.

Theo báo cáo của tờ South China Morning Post, chính phủ Nhật Bản đã xác nhận quyết định này khi trả lời câu hỏi bằng văn bản của ông Jin Matsubara, một thành viên quốc hội từ Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản và cựu chủ tịch Ủy ban An toàn Công cộng Quốc gia, trong cuộc họp nội các hôm thứ Ba (8/12).

Jin Matsubara là người lên tiếng ủng hộ nền dân chủ của Hồng Kông, nhưng ông cũng cho rằng xác nhận từ chính phủ Nhật Bản đối với trưởng đặc khu Lam có thể sẽ mang đến những hậu quả kéo theo.

“Tôi hiểu là chính phủ Nhật Bản đã chỉ thị cho các tập đoàn ngân hàng Nhật Bản đang hoạt động tại Mỹ không giao dịch với những [cá nhân hoặc thực thể] bị Mỹ chỉ định trừng phạt, kể cả [các cá nhân hoặc thực thể] nằm ngoài quyền tài phán của Mỹ”, ông Matsubara nói.

Ông cho biết thêm: “Điều này có nghĩa là các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ tự động được áp dụng tại Nhật Bản… Và không chỉ Carrie Lam mà các quan chức của (ĐCSTQ) bị Mỹ trừng phạt hồi tháng 8 trước đó cũng sẽ bị đóng băng tài khoản. Theo đó, họ sẽ gặp khó khăn lớn nếu muốn bán bất động sản mà họ đang sở hữu tại Nhật Bản”.

Ông tiếp tục: “Sự việc này sẽ khiến giới lãnh đạo ĐCSTQ tức giận, bởi họ có khối tài sản khổng lồ và có thể đã đầu tư ở Nhật Bản”.

Ông Matsubara bày tỏ, hầu hết người dân Nhật Bản rất đồng cảm với ý chí theo đuổi dân chủ của người dân Hồng Kông. Họ cho rằng, chính phủ Nhật Bản nên công khai chỉ trích ĐCSTQ để ủng hộ người dân Hồng Kông.

Báo cáo cho biết, nếu như phán đoán của ông Matsubara là đúng, thì tình huống này có thể khiến các thành viên của ĐCSTQ rút tài sản của họ khỏi Nhật Bản.

Về vấn đề này, cựu Hội đồng lập pháp Hồng Kông Âu Nặc Hiên cho rằng, đây là quốc gia đầu tiên ở châu Á hành động theo lệnh trừng phạt của Mỹ, điều này có thể sẽ thúc đẩy các quốc gia khác hành động theo.

Related posts