Một số vấn đề di trú của Úc năm 2020

Ls Lê Đức Minh tổng hợp

Vừa qua Quốc hội Liên bang theo lời đề nghị của Bộ Di Trú đã trình một dự luật lên quốc hội xin thông qua. Dự luật này bắt buộc những người xin visa vợ chồng phải qua được một bài thi tiếng Anh. Dự luật này đã vấp phải nhiều chỉ trích trong các cộng đồng sắc tộc, có cả cộng đồng người Việt. Nhiều người cho rằng đây là một dự luật mang tính kỳ thị.

Trong thực tế nhiều người đến Úc theo diện đoàn tụ vợ chồng không hề biết tiếng Anh khi đến Úc. Nhưng sau một thời gian ở Úc, họ đã đi học và có thể dùng tiếng Anh để làm việc và sinh hoạt như những công dân Úc khác. Do đó nhiều người tin rằng tiếng Anh không nên là một điều kiện bắt buộc cho những người xin visa vợ chồng. Họ cho rằng tiếng Anh là cần thiết nhưng những kiến thức về pháp luật, lao động, văn hoá, phong tục mới là thứ giúp di dân hoà nhập. Chính phủ nên có những khoá học miễn phí tiếng Anh dành cho di dân thay vì bắt những người đến Úc theo diện vợ chồng phải thi tiếng Anh.

Trong Ngân sách Liên bang tháng 10, chính phủ đã công bố yêu cầu tiếng Anh mới dành cho bất cứ ai nộp đơn xin visa bạn đời.

Theo thống kê của Bộ Di Trú Úc thì Việt Nam đứng thứ sáu trong các nước di dân nhiều nhất tới Úc. Đứng thứ nhất là Ấn Độ, thứ ba Anh Quốc, thứ tư New Zealand và thứ năm là Philippines. Cả bốn nước nói trên người di dân đều nói tiếng Anh rất tốt, chỉ có người Việt Nam thì không. Cho nên nếu bắt thi tiếng Anh thì rõ ràng người Việt bị thiệt thòi, và có thể coi là bị kỳ thị?

Chỉ tiêu về tổng số visa vợ chồng đã được tăng từ 47,000 lên 72,300 suất trong năm tài chính 2020-21, ưu tiên cho những người nộp đơn trong nước Úc hoặc có người bảo lãnh hiện đang sống ở vùng nông thôn. Nhưng hiện có những nghi ngờ rằng chính phủ sẽ lấy thêm lệ phí cho những người xin visa vợ chồng nào rớt bài thi tiếng Anh. Nếu như vậy bài thi tiếng
Anh được đặt ra có thể chỉ vì mục đích thu thêm tiền lệ phí visa.

Hiện nay đương đơn xin các loại visa khác, như visa tay nghề hay visa đầu tư, đều áp dụng biện pháp thu tiền thêm nều người xin visa không đậu bài thi tiếng Anh. Cho nên có thể rằng chính phủ sẽ từng bước thực hiện biện pháp này đối với visa vợ chồng.

Ví dụ, nếu người đứng đơn chính xin visa vợ chồng không đậu bài thì tiếng Anh thì trả $10,000, người đi theo ví dụ con cái trên 18 tuổi $5,000. Với nhiều gia đình có con đi kèm thì họ phải chi thêm ít nhát $15,000 cho hồ sơ đoàn tụ. Đây là một số tiền lớn và nếu chính phủ cấp 30 ngàn visa cho những người thi rớt tiếng Anh, sẽ thu được cho ngân sách lên đến 450 triệu đô la.

Trong thực tế tiếng Anh rất cần thiết cho di dân. Thật khó mà hiểu được một công dân Úc lại không nói được tiếng Anh. Những người kém tiếng Anh sẽ có nhiều khó khăn và thiệt thòi trong cuộc sống tại Australia. Những rũi ro khác như bị bạo hành, rủi ro bị bóc lột tại nơi làm việc, và bị tước quyền lợi.

Hiện nay điều kiện để có visa vợ chồng là phải hội tụ những điểm quan trọng sau: Phải chứng minh được hai bên có quan hệ vợ chồng thực sự. Mối quan hệ này được chứng minh trên những lãnh vực như tài chính, quan hệ xã hội, quan hệ trong hôn nhân, và những bằng chứng khác. Nếu như dự luật nói trên được chấp nhận thì tiếng Anh sẽ là một điều kiện bắt buộc.

Tổng trưởng Di trú Alan Tudge cho biết chi tiết về những thay đổi đối với visa vợ chồng sẽ được công bố trong vài tháng tới.

Ngoài ra các công dân Úc muốn bảo lãnh vợ hay chồng đến Úc định cư sẽ phải vượt qua bài kiểm tra tư cách đạo đức và chia sẻ kết quả với vợ hoặc chồng trước khi nộp hồ sơ xin visa.

Chính phủ liên bang nói rằng những thay đổi mới sẽ giúp bảo vệ di dân khỏi nạn bạo hành gia đình.

Quyền Tổng trưởng Di trú Alan Tudge đã tiết lộ thêm chi tiết về những thay đổi này, được công bố lần đầu trong Ngân sách liên bang trong tháng 10, và nói rằng hồ sơ tư cách đạo đức và hình sự của người bảo lãnh sẽ được thông báo cho vợ hay chồng để họ có thể quyết định là có nên đi đến hôn nhân với người bảo lãnh có quốc tịch Úc này hay không.

Những thông tin có liên quan đến khả năng xảy ra rủi ro bạo hành gia đình trong tương lai, bao gồm các vụ vi phạm trong quá khứ của người bảo lãnh.

Michal Morris, giám đốc điều hành InTouch – một tổ chức chống bạo hành gia đình chuyên hỗ trợ di dân – nói rằng một số phụ nữ có thể sẽ không trình báo các vụ bạo hành gia đình với cảnh sát, vì lo sợ bạn đời sẽ không thể bảo lãnh cho họ trong tương lai.

Bà cũng lưu ý rằng nhiều người có thể đã kết hôn hoặc có con vào thời điểm họ nộp đơn xin visa bạn đời, điều đó có nghĩa là người phụ nữ sẽ khó rời bỏ mối quan hệ, ngay cả khi kết quả kiểm tra cho thấy người chồng có lịch sử bạo hành gia đình.

Những người giữ visa bạn đời tạm thời hiện nay có thể tiếp tục nộp hồ sơ xin thường trú nếu họ có thể chứng minh được rằng họ là nạn nhân của bạo hành gia đình, ngay cả khi mối quan hệ đã kết thúc.

Trong năm năm qua, 2,450 visa bạn đời đã được cấp sau khi đương đơn trình báo các vụ bạo hành gia đình.

Bài kiểm tra tư cách đạo đức và hình sự là một phần của những thay đổi mà Bộ di trú Úc tin rằng sẽ tiết kiệm cho chính phủ $4.9 triệu đô la trong bốn năm.

Những thay đổi này dự kiến sẽ được triển khai từ cuối năm 2021 và chỉ áp dụng cho những hồ sơ mới.

Chi tiết về bài kiểm tra tư cách đạo đức hình sự này sẽ được công bố trong những tháng tới.

Chính phủ vừa đưa ra một số thay đổi trong quy định về phí cấp visa, theo đó một số loại visa sẽ được miễn phí, hoặc được hoàn tiền.

Theo lời chính phủ, những thay đổi này nhằm duy trì hình ảnh của nước Úc vốn vẫn là điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế. Ngoài ra những thay đổi này còn giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động có chuyên môn tay nghề trong một số lĩnh vực.

Người giữ visa du lịch đang ở nước ngoài và visa đã hết hạn hoặc sẽ hết hạn trong khoảng thời gian tháng từ 3/2020 – 12/2021, sẽ được miễn phí khi xin lại visa mới.

Theo lời chính phủ, quyết định này sẽ giúp thu về cho nước Úc $45 tỷ đô la từ mảng du lịch quốc tế khi những quy định hạn chế về du lịch quốc tế được nới lỏng.

Chính phủ hi vọng quyết định này sẽ khuyến khích du khách trở lại Úc khi biên giới được mở cửa trở lại, vực dậy ngành du lịch và các công ty đang cố gắng cầm cự trong thời kỳ khó khăn, đồng thời giúp cải thiện cho nền kinh tế.

Người giữ visa làm việc kết hợp du lịch không thể đến Úc hoặc đã rời Úc sớm do dịch COVID- 19 sẽ được miễn phí khi nộp hồ sơ xin visa quay lại Úc.

Trong trường hợp người giữ loại visa này không thể quay lại Úc do đã quá tuổi theo quy định, có thể làm đơn yêu cầu hoàn lại phí visa đã đóng.

Những người đến Úc bằng visa làm việc kết hợp du lịch là nguồn đóng góp chính vào ngành du lịch của Úc và đồng thời cũng giúp cung cấp lao động cho những nơi thiếu nhân công, đặc biệt là ở vùng nông thôn nước Úc. Nhóm này đóng góp $3 tỷ đô la cho nền kinh tế Úc, ngoài ra còn hỗ trợ sự phát triển của kinh tế địa phương.

Nhưng thay đổi này là một phần trong những biện pháp đã được chính phủ thủ tướng Morrison công bố trong Ngân sách tháng 10 năm nay, bao gồm cho phép những người giữ visa làm việc kết hợp du lịch ở lại Úc lâu hơn để hỗ trợ những ngành chủ lực như y tế, chăm sóc cao niên, chăm sóc người khuyết tật, nông nghiệp và chế biến thực phẩm.

Do những hạn chế về đi lại, nên có rất nhiều người giữa visa tay nghề ngắn hạn không thể đến Úc, hoặc phải quay về nước do COVID-19 thì cũng được miễn phí khi nộp lại hồ sơ xin visa tiếp theo.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tìm kiếm các lao động tay nghề, chính phủ sẽ miễn phí visa cho những di dân tay nghề được chủ nhân bảo lãnh tạm thời khi nộp đơn xin visa mới. Đơn xin visa lao động tay nghề tiếp theo sẽ vẫn phải đáp ứng yêu cầu về kiểm tra thị trường lao động nhằm bảo đảm người dân Úc được ưu tiên có việc làm trước.

Những người xin visa vợ chồng có thể được phép đến Úc ở lại trong 9 tháng để kết hôn với một công dân hoặc một thường trú nhân Úc. Họ sẽ được hoàn phí nếu không thể đến Úc trước khi visa hết hạn do quy định hạn chế đi lại trong dịch COVID-19.

Việc hoàn tiền nhằm giúp cho những người này có thể tiếp tục xin loại visa khác để đến Úc, đồng thời hoãn việc kết hôn đến khi những hạn chế đi lại được dỡ bỏ. Đối với những người có visa đã hết hạn thì đơn xin cấp visa mới sẽ được ưu tiên. Việc gia hạn visa sẽ được áp dụng cho những ai giữ visa vợ chồng vẫn còn hiệu lực.

Những thông tin này cần được xác định lại với các luật sư di trú.

Related posts