Ăn lễ Giáng Sinh kiểu Úc

Giáng Sinh trước tiên là lễ đón mừng Chúa sinh ra đời. Lễ này ‘của’ người bên đạo; nay đã thành lễ của gần hết người trên trái đất. Nói cho ngay: ít nhất trong ngày này, phần lớn dân cày tại đất nước này được nghỉ lễ.

Từ thế kỷ thứ 4, phương Tây chọn ngày 25 tháng 12 để ăn lễ Giáng Sinh. Tháng 12 là mùa Đông ở Bắc Bán Cầu nên lễ Giáng Sinh đậm những nét rét buốt, tuyết rơi, sao sáng và áo ấm… Trong khi đó, tháng 12 là giữa mùa hè tại Nam Bán Cầu nhưng vì truyền thống ở châu Âu và Bắc Mỹ quá mạnh nên dù nóng bức, người ở đây vẫn cứ trang hoàng sương tuyết và làm ra vẻ co ro, theo kiểu ‘đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời’.

Từ đầu tháng 12, hàng quán giăng đèn, kết hoa và rao bán ‘SALE’ để thu hút khách hàng. Thành phố nào cũng dựng cây Noël (Christmas Tree) ở nơi công cộng và có những khu vực năm nào cũng có nhiều nhà giăng đèn. Năm nay, ở Martin Place, Sydney, hội đồng thành phố cho dựng một cây Noël sừng sững với 110 ngàn ngọn đèn LED. Ngoài ra, nhiều nhà ở Sydney trang hoàng đèn, chơi nhạc, dựng đồ chơi cho trẻ em và thu hút đông người vãng cảnh. Bạn đọc Việt Luận có thể ghé trang Web này để biết chi tiết:

https://www.ellaslist.com.au/articles/where-to-see-christmas-lights-in-the-suburbs

Hơn nữa, bạn đọc Việt Luận ở bất cứ nơi đâu tại Úc có thể tìm nơi trang hoàng đèu Giáng Sinh thuận tiện cho gia đình mình thưởng lãm bằng cách ghé vào:

https://www.christmaslightsearch.com.au/australia/

Nếu nhà bạn đọc có trang hoàng đèn Giáng Sinh và muốn mời khách thập phương thưởng lãm thì cũng có thể ghi thêm địa chỉ nhà mình tại trang web kể trên.

Đưa gia đình thưởng lãm đèn Giáng Sinh đã thành thói quen rất hay ở Úc. Chúng ta vừa trân quý tác phẩm của người bỏ công bỏ của để mua vui, vừa là dịp tốt để tặng chút ‘tiền vàng, gold coin donation’ cho công cuộc từ thiện.

Bên cạnh thưởng lãm đèn Giáng Sinh, trong những ngày này người Úc còn tụ tập ở công viên để dự đêm hát thánh ca bên ngọn nến (Carols by Candlelight). Đêm hát thánh ca bên ngọn nến bắt đầu từ Melbourne và trở thành tập tục không những tại Úc mà nhiều nước cũng theo. Tham gia đêm này là cách nuôi dưỡng mối dây liên lạc giữa gia đình mình với cộng đồng địa phương.

Dù ăn lễ Giáng Sinh với nhiều nét truyền thống đến từ châu Âu, người ở đất phương Nam cũng thích ứng với khí hậu ở đây. Ăn lễ Giáng Sinh theo kiểu Úc là gia đình và bạn bè tụ tập trong nhà. Chúng ta — xin dùng chữ này vì chúng ta đã làm người Úc từ khuya– tặng quà cho nhau. Cha mẹ tặng quà con cái. Con cái tặng quà cho cha mẹ. Anh chị em tặng quà cho nhau. Bạn bè cũng tặng quà cho nhau. Người này tặng quà người kia. Tặng quà theo nghĩa chia phước đức cho nhau.

Sau phần tặng quà, người Úc chúng ta chung một bàn dùng bữa trưa nhân lễ Giáng Sinh. Trong bữa trưa này, người Úc thích dùng các thứ hải sản. Hình như thích nhất là tôm. Trong những dẫn đến lễ Giáng Sinh, tôm ở Úc bán ra gấp 10 lần so với trong năm. Nếu nhà có lò BBQ thì ‘thảy con tôm vào lò’ là chuyện phải làm khi ăn lễ Giáng Sinh. Sau BBQ, nếu gia đình bạn đọc chơi Criket thì không gì… Úc bằng! Dù thích ứng với khí trời nóng nực, người Úc chúng ta vẫn không quên gốc gác. Khá đông người Úc đến từ châu Âu, nên họ mang theo ‘sương tuyết, cây Noël, gà tây, thịt muối, bánh pudding,…’ Trong khi đó, người mình đến đây cũng ‘mang theo quê hương’. Lễ Giáng Sinh ở nhà thờ có đông người Việt Nam thì không thể thiếu hang đá với ngôi sao lạ. Nhiều gia đình vẫn giữ bữa tối réveillon và nội tướng Việt Nam trổ tài khắc những chiếc bánh đúng điệu … Bûche de Noël! Làm thế gọi là nhớ cái không khí Noël ở Sài-gòn!

Với gia đình trẻ ở Úc, chúng ta có thể dành ra không phải ngày lễ Giáng Sinh mà gần hết mùa hè để vui với sóng ngàn. Nếu phong cảnh Noël ở châu Âu là núi đồi với ngàn thông xanh thẫm thì phong cảnh ở Úc không gì ngoài biển rộng mênh mông với sóng nước sủi bột trắng ngần. Lễ Giáng Sinh là dịp tốt để đưa gia đình ra biển. Trong ngày 25.12 bãi biển Bondi lừng danh ở Sydney chật cứng những người là người. Ở đây, bạn trẻ Úc mặc áo hay đội mũ đỏ như ông già Noël khi lướt sóng.

Giáng Sinh khởi đi từ một lễ tôn giáo và nay biến thành một trong những sinh hoạt trong đời sống của xã hội. Dường như vào dịp Giáng Sinh, chúng ta thấy hình ảnh ông già Noël nhiều hơn Chúa Hài Đồng; nhiều gia đình trang hoàng cây thông nhiều hơn trưng bày hang đá Bethlehem; và tiếng chuông nhà thờ đã bị bản nhạc Jingle Bell lấn át…

Ai là con chiên của Chúa thì vẫn giữ hơi ấm đức tin trong lòng để nâng niu Chúa Hài Đồng. Chắc là con chiên của Chúa sẽ không phiền gì khi thấy thế giới cùng chung vui khi Chúa sinh ra đời bởi lẽ ý nghĩa của Giáng Sinh chắc không là gì hơn một Thiên Chúa chan hoà vào đời sống rất thường tình của chúng ta.

Việt Luận

Related posts