Tiểu Mai
Một năm sau khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát, tờ South China Morning Post trở lại thành phố Vũ Hán, nơi một gia đình có đến 3 thế hệ nhiễm căn bệnh này. Họ hiện đang tìm kiếm sự thật về lý do tại sao chính phủ Trung Quốc lại đặt cuộc sống của hàng triệu người dân vào chỗ nguy hiểm bằng cách từ chối hành động nhanh chóng.
Cheng Pan, một cư dân thành phố Vũ Hán, dự kiến chào đón một cậu con trai mới sinh vào đầu năm 2020. Đáng tiếc là, anh đã dành khoảng thời gian đó để chiến đấu cứu lấy ba thế hệ trong gia đình mình khỏi tác động của virus sát thủ Covid-19.
Giờ đây, người kế toán 30 tuổi này đang yêu cầu câu trả lời đối với các hành động sai lầm của chính quyền địa phương khi dich bệnh bùng phát. Các số liệu chính thức cho biết tính riêng ở thành phố Vũ Hán đã có đến 50.000 người nhiễm bệnh và hơn 3.000 người chết trong đại dịch.
Vào tháng 1, chỉ 10 ngày kể từ khi sinh đứa con thứ hai, vợ anh Cheng là chị Zhou Xiaomen đã trở thành nạn nhân bệnh viêm phổi vũ hán, sau khi vô tình bị lây nhiễm từ người bố chồng 51 tuổi.
Đến đầu tháng 2, tất cả người trong gia đình anh Cheng đã bị chia cắt: cha anh phải cách ly tại một bệnh viện dã chiến; vợ nằm tại một bệnh viện dành cho các bệnh nhân Covid-19 đang mang thai; đứa con vừa mới chào đời của anh được đưa đến một bệnh viện nhi khi nỗi lo nhiễm bệnh tăng vọt và đứa bé phải chiến đấu với nhiễm trùng huyết; cô con gái hai tuổi phải ở với mẹ vợ: và mẹ ruột của anh phải ngồi một mình trong căn hộ của bà trong nỗi sợ hãi.
Lúc đó Chen không biết rằng bản thân sẽ phải xa vợ gần một tháng tiếp theo. Nhưng việc đối mặt với những cơn khủng hoảng khác nhau khiến Cheng không còn “tâm trí để sợ hãi”.
Anh cho biết: “Tôi quá bận tâm đến việc tìm giường bệnh cho họ, mua thuốc và kiểm tra tình hình bệnh tật của họ đến nỗi không còn thời gian để suy nghĩ, cảm thấy mệt mỏi hoặc sợ bị lây nhiễm.
Anh Cheng cho biết những thiệt hại to lớn mà thành phố phải gánh chịu lẽ ra có thể tránh được nếu công chúng được cảnh báo về dịch bệnh sớm hơn.
Chính quyền thành phố Vũ Hán không báo cáo bất kỳ trường hợp lây nhiễm virus corona chủng mới nào trong khoảng thời gian 12 ngày vào tháng Giêng. Chỉ đến ngày 19 tháng 1, công chúng mới được thông báo về khả năng lây nhiễm đáng sợ của loại virus này, trong khi trước đó người dân đã đổ xô đến các bệnh viện để điều trị bệnh nhiễm trùng phổi không rõ nguyên nhân.
Các nhà chức trách đã điều chỉnh số người chết của thành phố từ 2,579 người thành 3,869 người vào tháng 4 nhưng anh Cheng tin rằng con số tử vong thực cao hơn rất nhiều. Anh đã nhìn thấy các bệnh viện chật kín người, nhiều xe chở thi thể đến tới tấp và các nhà tang lễ từ các thành phố khác đã phải đến Vũ Hán tương trợ, giúp thu gom và xử lý thi thể.
“Đôi khi đường phố hoàn toàn trống vắng do bị phong tỏa, không có chiếc xe hơi nào ngoài xe cứu thương, xe chở thi thể, xe cảnh sát và chiếc xe cá nhân của tôi. Bạn khó có thể quên được bầu không khí vắng lặng trên đường phố”, anh nói.
Trước khi các bệnh viện dã chiến được xây dựng vào giữa tháng 2, các bệnh viện ở Vũ Hán đã quá tải đến nỗi không cung cấp đủ các dụng cụ xét nghiệm Covid-19.
Anh Cheng buộc phải dành tới 8 giờ trong bệnh viện mỗi ngày để cha anh có thể được điều trị, bao gồm truyền tĩnh mạch và thuốc.
“Nếu các quan chức đến thăm các bệnh viện và nhìn thấy hàng dài xếp hàng và nói chuyện với các bác sĩ tuyến đầu, họ sẽ biết tình hình thực tế và đưa ra quyết định đúng đắn hơn là nói với mọi người rằng nó không có tính lây nhiễm, hoặc cho phép một bữa tiệc lớn với hàng nghìn hộ gia đình được phép diễn ra”, anh Cheng nói.
Người vợ đang mang thai nặng của anh Cheng đã được đưa vào bệnh viện như một trường hợp nghi vấn mắc Covid-19 sau khi xuất hiện các triệu chứng cảm lạnh. Kết quả chụp CT (chụp cắt lớp vi tính) cho thấy phổi của cô bị ảnh hưởng, mặc dù cô không bị sốt và kết quả xét nghiệm Covid-19 là âm tính. Mãi sau này, cô mới nhận được kết quả xác nhận nhiễm trùng, với các xét nghiệm dương tính với kháng thể virus corona.
Vũ Hán bị quản thúc nghiêm ngặt nhưng anh Cheng được phép đến thăm các thành viên trong gia đình bị ốm vì có giấy phép. Anh Cheng đã tặng bố một chiếc đồng hồ theo dõi thể trạng để anh có thể kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn của ông thường xuyên.
Vì chỉ được phép đến thăm đứa con mới sinh của mình một lần một tuần, anh Cheng đã sử dụng ứng dụng của bệnh viện để xem em bé đã làm những xét nghiệm nào và kết quả ra sao. Anh nói chuyện qua điện thoại với cô con gái và gửi các nhu yếu phẩm đến mẹ ruột và mẹ vợ.
Trong khi bản thân anh Cheng không có thời gian để cảm thấy lo lắng thì việc vợ anh phải xa con khiến cô ấy đau khổ.
“Cô ấy là một người mẹ toàn thời gian và chưa bao giờ rời xa con gáI. Cô đã không nhìn thấy con trai mình được một giây sau chào đời vì bé đã được chuyển đến bệnh viện dành cho trẻ em. Tất cả những điều này là rất khó khăn với cô ấy và cô ấy rất đau lòng”, anh Cheng chia sẻ.
Vợ của anh Cheng đã xuất viện vào giữa tháng 2 và sum họp cùng với con trai vào cuối tháng trước và sau cùng ba người cũng được đoàn tụ với đứa con gái mới sinh.
Cha của anh Cheng đã xuất viện vào tháng 3 và trở về nhà sống với mẹ. Bà đã làm những gì có thể để tránh tiếp xúc trực tiếp với ông. Cặp vợ chồng già ở trong các phòng khác nhau, bà để các bữa ăn trong các cái bát dùng một lần trước cửa phòng người cha.
Mãi cho đến tháng 5, cha của anh Cheng – người mà cho đến lúc đó vẫn chưa biết rằng ông đã lây bệnh cho con dâu – cuối cùng mới được phép đến thăm cháu gái mới đẻ của mình.
“Vợ tôi không thù hằn gì cha tôi. Cha tôi chỉ biết về tình hình sau khi con trai tôi đã hồi phục tốt. Tôi không muốn ông cảm thấy ái ngại vì việc này”, anh Cheng nói.
Anh Cheng cho biết, mặc dù phải trải qua đại dịch, việc phong tỏa và những thiệt hại kinh tế sau đó, gia đình vẫn chưa tính đến việc rời khỏi Vũ Hán. Thay vào đó họ cảm thấy may mắn vì đã sống sót qua những ngày tháng khó khăn.
Giờ đây ngoài sự an toàn của gia đình thì mong muốn lớn nhất của anh là “sự thật sẽ được tiết lộ” cho mọi người biết.