Vũ Dương
Việc Trung Quốc cấm nhập khẩu than từ Úc đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành công nghiệp trong nước, nhất là ngành điện. Để tiết kiệm điện, một số tỉnh thành ở Trung Quốc gần đây đã thực hiện cắt điện theo chỉ lệnh, khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ phải ngừng việc sản xuất, riêng tỉnh Hồ Nam đã đưa ra chỉ thị giảm thiểu tối đa thiết bị chiếu sáng công cộng vào ban đêm.
Chiến tranh thương mại Úc – Trung đã lan sang lĩnh vực than đá, không chỉ ngành than nước Úc bị ảnh hưởng mà ngay cả các ngành nghề sử dụng than ở Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề, theo Vision Times.
Tối thứ Ba (15/12), có cư dân mạng đăng tải thông tin nói rằng họ đã nhận được tin nhắn từ ông chủ ở thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, nói rằng doanh nghiệp không thể giao hàng đúng thời hạn! Nguyên nhân là do thành phố Nghĩa Ô bắt đầu cắt điện theo quy định. Các doanh nghiệp nhỏ và xưởng sản xuất nhỏ ở thành phố Nghĩa Ô đã bị mất điện hoàn toàn. Mọi người chỉ trích rằng mục đích của việc ngắt điện là để tiết kiệm năng lượng, hay là bắt ép mọi người ngừng việc sản xuất và ngừng sưởi ấm.
Chỉ thị ngắt điện ảnh hưởng toàn diện đến kinh tế và đời sống của người dân
Cô Tưởng, người phụ trách của một công ty thương mại địa phương, hôm thứ Tư (16/12) cho hay, việc ngắt điện ngoài việc gây thiệt hại cho các xưởng sản xuất và doanh nghiệp ra, cuộc sống của người dân cũng bị ảnh hưởng. “Chiết Giang hiện đã cắt điện đối với tất cả các cơ quan xí nghiệp. Chiết Giang hiện giờ rất lạnh. Nhiệt độ trong nhà phải dưới 3 độ mới có thể bật điều hòa, chính là điều hòa nóng. Trước mắt, Thượng Hải không có hạn chế này. Đây chắc là do việc cấm mua than đá của Úc nên. Mà bật điều hòa cũng không tính là dùng nhiều điện, vì rất ít người dân Trung Quốc bật điều hòa nóng. Nhất là vào mùa đông, ở trong nhà mọi người đều chịu khó mặc áo lông thay vì bật điều hòa, chỗ nào ấm cũng không cần bật điều hòa ”.
Tỉnh Hồ Nam tắt hết các thiết bị chiếu sáng công cộng và đèn giao thông sau nửa đêm
Một cư dân mạng tiết lộ qua tin nhắn trên điện thoại di động rằng tại một vài thành phố ở tỉnh Chiết Giang và tỉnh Hồ Nam, sau nửa đêm sẽ tắt hết các thiết bị chiếu sáng công cộng và đèn giao thông, nếu đã thiếu than đá đến vậy thì cứ nhập khẩu than đá của Úc. Dù sao, một chút lệnh cấm này đối với Úc mà nói cũng không ảnh hưởng gì. Trước mắt, nhập khẩu than của Úc có thể làm giảm bớt sự khẩn cấp của các nhà máy nhiệt điện trong nước, thật sự không biết các quan chức cấp cao nghĩ gì… “Một mặt lượng lớn tàu chở than của Úc đang neo đậu ở cảng không cho thông quan. Mặt khác, nhiều khu vực đang thiếu than trầm trọng đến nỗi phải cắt điện”.
Ủy ban Cải cách và Phát triển tỉnh Hồ Nam gần đây đã ban hành “Thông báo khẩn về việc bắt đầu sử dụng điện có trật tự trong cao điểm mùa đông năm 2020 trên toàn tỉnh”, cho biết mức tải tối đa của tỉnh đã đạt 30,93 triệu Kilowatt, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt kỷ lục lịch sử mùa đông. Tình hình này dự kiến sẽ kéo dài đến lễ tết năm sau.
“Thông báo” này quy định thời gian sử dụng điện hàng ngày từ 10:30 – 12h, 16:30 – 20:30. Toàn tỉnh sẽ tắt toàn bộ đèn chiếu sáng cảnh quan thành phố, và tắt một nửa đèn đường, cuối tuần sẽ ngắt điện tại các tổ chức Đảng và chính phủ. Tuy nhiên, nhà chức trách lại không nói rõ lý do hạn chế sử dụng điện lần này.
Than đá chất lượng cao của Úc có hiệu suất phát điện vượt xa than đá của Trung Quốc
Sau khi Trung Quốc ngừng mua than từ Úc trong quý IV, Trung Quốc đã tổ chức Cuộc họp kết nối thu mua than với Indonesia vào ngày 25/11 để hoàn tất việc thua mua nguồn than cho sản xuất điện với trị giá gần 1,5 tỷ USD từ Indonesia vào năm tới nhằm bù đắp chênh lệch nhu cầu do việc ngừng mua than của Úc.
Về điều này, cô Tưởng – người phụ trách của công ty, cho biết: “Chính phủ sẽ không cho bạn biết lý do cụ thể. Hiện tại chắc chắn không phải là mùa cao điểm tiêu thụ điện. Nếu dùng than của Úc thì hiệu suất phát điện của nó khá cao. Còn nếu mua than của Indonesia, lượng điện mỗi tấn than sản xuất được ít hơn rất nhiều”.
Tống tiên sinh, một học giả đã nghỉ hưu từ Viện Nghiên cứu Gang thép Bắc Kinh, nói rằng các công ty Trung Quốc có nhu cầu rất lớn đối với than luyện cốc và nguồn than cho sản xuất điện của Úc và Canada: “Trung Quốc cấm tất cả doanh nghiệp nhập khẩu than của Úc, nhưng cách đây năm năm hoặc chục năm về trước, Trung Quốc dồi dào nguồn điện, giờ tôi không biết tại sao lại đột nhiên thiếu điện nữa”.
Quặng sắt: “Đòn sát thủ” của Úc trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh
Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào than đá và quặng sắt của Úc. Ông Tống cho rằng Úc có “đòn sát thủ” đáp trả Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại, nhưng vẫn chưa được kích hoạt.
Ông nói: “Úc có một món vũ khí đáp trả tốt nhất, đó chính là cắt nguồn cung quặng sắt đối với Trung Quốc. Hiện Trung Quốc phải nhập khẩu hơn 1 tỷ tấn quặng sắt mỗi năm, chủ yếu là từ Brazil, Australia và Nam Phi, Nam Phi thì ít hơn một chút. Nếu Úc và Brazil bắt tay và cùng cắt nguồn cung quặng sắt với Trung Quốc, tất cả các công ty thép Trung Quốc sẽ phải dừng việc sản xuất ngay lập tức. Vậy nên, Trung Quốc đã rất ngu ngốc khi hạn chế nhập khẩu than đá của Úc”.
Ông Tống nói rằng quặng sắt ở nước ngoài, giống như chip bán dẫn, cực kỳ quan trọng đối với các công ty thép Trung Quốc, nó sẽ ảnh hưởng đến các ngành sản xuất cần đến thép của Trung Quốc, bao gồm máy bay, ô tô, máy giặt dân dụng, lò vi sóng và các sản phẩm kim loại khác.
Theo người phụ trách của xưởng sản xuất ngoại thương ở thành phố Nghĩa Ô, toàn bộ ngành ngoại thương hiện đang lo lắng về khâu hậu cần, ở một số công xưởng hàng hóa chất đống khắp nơi không thể vận chuyển ra ngoài được. Các công ty vận tải đường biển, đường sắt và chuyển phát nhanh đang phải đối mặt với tình trạng chậm trễ trong suốt quá trình vận chuyện, hàng hóa ùn tắc vô cùng nghiêm trọng.