Vũ Dương
Sau sự cố cắt điện ở các tỉnh Chiết Giang, Giang Tây và Hồ Nam của Trung Quốc, sáng sớm ngày 21/12, nhiều thành phố lớn ở Quảng Đông, gồm Quảng Châu, Đông Quan và Thâm Quyến, cũng liên tục xuất hiện tình trạng thiếu điện. Bất ngờ hơn cả là Bắc Kinh và Thượng Hải – hai thành phố lớn nhất Trung Quốc cũng xảy ra tình trạng ngắt điện không báo trước. Nhưng phía nhà chức trách vẫn khăng khăng tự nhận “không thiếu điện”, làm dấy lên nhiều đồn đoán về tình hình bên trong, thậm chí có chuyên gia nói rằng một cuộc “đảo chính điện” đang diễn ra.
Trang “Tin tức Tam Lập” (SENT) của Đài Loan đưa tin, ông Hoàng Sáng Hạ (Huang Chuangxia), người có thâm niên trong giới truyền thông, hôm qua (23/12) đã chỉ ra rằng, Trung Quốc có thể đang diễn ra một cuộc “đảo chính điện”.
Ông Hoàng cho biết, trong đợt mất điện quy mô lần này, trực giác nhiều người cho rằng nguyên nhân là do Trung Quốc cấm nhập khẩu than của Úc, hệ quả là các nhà máy nhiệt điện không thể vận hành, khiến “thời kỳ đen tối” ập đến.
Ông cho rằng đây là cố ý phóng đại sức ảnh hưởng của “Thương chiến Úc – Trung”. Ông nói rằng Trung Quốc là nhà sản xuất than lớn nhất thế giới với sản lượng hàng năm vượt quá một nửa nhu cầu của toàn cầu. Với “135.000 tấn than” của Úc mà nói, sức ảnh hưởng của nó thậm chí không đến “một phần vạn”.
Ông Hoàng chỉ ra rằng vụ mất điện mang tính toàn quốc lần này khiến người ta liên tưởng đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc vào năm 2015, mà sau này được ngoại giới gọi là “một cuộc đảo chính tài chính”. Sau sự kiện này, nhiều chuyên gia kinh tế và chính trị quốc tế phổ biến nhìn nhận rằng, “Các nỗ lực chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đã đụng chạm đến lợi ích cốt lõi của nhóm ‘thái tử đảng’ ở một mức độ đáng kể. Các ‘thái tử đảng’ cảm thấy bị đe dọa. Chính trong tình huống này đã diễn ra cuộc đảo chính tài chính năm 2015”.
Ông Hoàng cho rằng, do Tập Cận Bình nắm toàn bộ quyền lực trong tay nên mục đích của cuộc đảo chính tài chính là cố tình tạo ra phiền phức để ông Tập Cận Bình đi giải quyết. Tình hình càng rối loạn, lòng dân càng thêm hoang mang thì càng có thể chấn chỉnh ông Tập Cận Bình, ép buộc ông Tập phải dừng lại đúng lúc.
Ông cho biết thêm, trên thực tế, ngoài “cuộc đảo chính điện” ra, Trung Quốc còn có các cuộc “đảo chính” khác nữa. Tất cả đều là những thách thức muốn khiến ông Tập Cận Bình phải sứt đầu mẻ trán.
Ví dụ như trong vụ “đảo chính gạo”, ngày 5/12 năm nay, các quan chức Trung Quốc cho biết do ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt và dịch bệnh, Trung Quốc nói rằng họ thiếu gạo, và khẩn cấp nhập khẩu 100.000 tấn gạo từ Ấn Độ. Phá bỏ thông lệ hơn 30 năm rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, hơn nữa biên giới Trung – Ấn hiện đang trong tình trạng căng thẳng. Điều này thật sự khiến Trung Quốc không biết giấu mặt vào đâu!
Tuy nhiên, vào ngày 11/12, tờ “Nhân dân Nhật báo” – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, lại đưa tin rằng “tổng sản lượng gạo trên toàn quốc (Trung Quốc) vào năm 2020 là khoảng 700 triệu tấn”, và tuyên bố “được mùa bội thu”, còn nói sản xuất nông nghiệp ngày càng tốt hơn trong 17 năm qua! Nếu đã thu hoạch được 700 triệu tấn gạo, tại sao lại phải phá bỏ thông lệ xin mua 100.000 tấn gạo từ Ấn Độ?
Ông Hoàng cho rằng, trên thực tế, ngoài cuộc “đảo chính điện” ra, ông Tập Cận Bình có thể còn phải đối mặt với nhiều cuộc “đảo chính” khác nữa. Từ những dấu hiệu có thể thấy rằng tình thế éo le mà ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt hoàn toàn nằm ngoài sức tưởng tượng và hiểu biết của người ngoài cuộc!
Bởi chính quyền ĐCSTQ phong tỏa thông tin, nội tình thật sự về sự cố mất điện của Trung Quốc vẫn rất khó xác định, nhưng cũng không thể loại trừ những nguyên nhân dưới đây.
Ông Tần Tấn (Qin Jin), Chủ tịch Liên đoàn Vì một Trung Quốc Dân chủ (Federation for a Democratic China) và là Tiến sĩ xã hội học tại Đại học Sydney, Úc, nói với phóng viên The Epoch Times rằng, về vụ mất điện trên diện rộng và quy mô lớn ở Trung Quốc trong những ngày qua, có thể có một cuộc khủng hoảng kinh tế ở tầng sâu hơn ẩn chứa trong đó.
Trong quá trình ĐCSTQ đối đầu với phương Tây, đặc biệt là khi nó đưa ra lệnh cấm vận than đối với Úc, đã khiến Trung Quốc không có đủ than để dùng, có lẽ chính quyền ĐCSTQ đang có một nút thắt lớn trong vấn đề nguồn điện.
Tiến sĩ Tần chỉ ra rằng ngoài việc trừng phạt Úc, một lý do khác là kinh tế Trung Quốc có thể đang gặp khó khăn lớn, và ĐCSTQ thực sự không có khả năng để tiếp tục mua than đá. Bởi vì trong suốt năm nay, nền kinh tế của Trung Quốc liên tục giảm sút, đồng thời lại đang trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ.
ĐCSTQ tuyên bố rằng việc mất điện là do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng ông Tần chỉ ra rằng chính quyền ĐCSTQ không bao giờ có thể nói ra sự thật mà chỉ có thể che đậy bằng những lời nói dối để lừa dối người dân của mình và cộng đồng quốc tế.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), chuyên gia thủy lợi nổi tiếng hiện đang sống ở Đức, nói với Đài Phát thanh Hy vọng (Sound of Hope) rằng, Trung Quốc không hề thiếu điện, mục đích ngắt điện trên diện rộng lần này là để chuẩn bị cho một đợt tăng giá sắp tới.
Ông Vương nói rằng Trung Quốc vốn không thiếu điện, mục đích của việc chính quyền Trung Quốc cắt điện lần này là để chuẩn bị dư luận cho đợt tăng giá sắp tới, hoàn toàn không phải là do giá than nhập khẩu từ Úc đã tăng, chưa kể bản thân Trung Quốc cũng không thiếu than. Trước đây cũng từng có câu chuyện tương tự, chính quyền luôn nói “điện lực Trung Quốc sắp ngắt điện đến nơi rồi”, tạo nên khủng hoảng trong xã hội, sau đó nâng giá điện lên.
ĐCSTQ nếu không làm vậy, một khi tăng giá, người dân chắc chắn sẽ phản ứng ngay, đây chính là thủ đoạn quen dùng của ĐCSTQ. Người dân bị buộc phải lựa chọn giữa việc dùng điện và không dùng điện. Nếu dùng điện thì phải chấp nhận tăng giá, còn không dùng điện thì khổ thế này. Xã hội hiện tại của Trung Quốc đã phát triển đến giai đoạn hoàn toàn phụ thuộc vào điện, người chủ doanh nghiệp lo sợ việc cắt điện ngừng việc sản xuất sẽ khiến hàng hóa bị đình trệ, thậm chí mất đơn đặt hàng.
Đây chính là sự lũng đoạn của chính quyền ĐCSTQ đối với xã hội. Tiến sĩ Vương kết luận, việc ĐCSTQ ngắt điện trên diện rộng lần này chính là để chuẩn bị dư luận cho đợt tăng giá điện tiếp theo, chính là mục đích này.