ĐCSTQ đàn áp ngôn luận, nhà báo công dân trở thành ‘anh hùng thời sự’

Ngọc Mai

Các nhà báo công dân từ trái qua phải Lý Trạch Hoa, Phương Bân, Trần Thu Thực (ảnh SOH tổng hợp)

Trong những năm gần đây, triển vọng tự do báo chí ở Trung Quốc ngày càng trở nên ảm đạm khi kiểm duyệt ngày càng nghiêm ngặt hơn. Trong năm nay, đàn áp ngôn luận đã lên đến đỉnh điểm do đại dịch. Hiện nay, có rất ít nhà báo điều tra ở Trung Quốc, vì vậy những nhà báo công dân như Phương Bân, Trần Thu Thực, Trương Triển đã vươn lên trở thành “anh hùng thời sự” trong thời kỳ khủng hoảng, theo Sound of Hope.

Gần đây, Trung Quốc đã “được” hai tổ chức nhà báo lớn nhất thế giới là Ủy ban Bảo vệ Phóng viên và Phóng viên không biên giới công nhận là quốc gia bức hại nhà báo nghiêm trọng nhất. Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) cho biết, chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐSCTQ) đã bắt giữ 117 nhà báo vào năm 2020, 1/3 trong đó là các nhà báo công dân. Một số nhà báo công dân đến Vũ Hán đưa tin về đại dịch vẫn đang bị giam giữ, và đối mặt với bị thẩm vấn hoặc mất tích.

Gần đây, Đỗ Bân (Du Bin), cựu phóng viên của New York Times, người thường đưa ra các bình luận chính trị trên Facebook đã bị bắt. Trước Đỗ Bân, các quan chức Bắc Kinh đã bắt giữ Phạm Nhã Y, một nhân viên người Trung Quốc của Bloomberg, với lý do “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.

Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã tăng cường đàn áp các nhà báo. Không chỉ tại Trung Quốc đại lục, sau khi Bắc Kinh thông qua Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, các phương tiện truyền thông nước ngoài bao gồm New York Times đã rời Hồng Kông, một số tổ chức phi chính phủ khác cũng đã chuyển sang Đài Loan.

Tháng 9 năm nay, cựu giám đốc văn phòng ABC tại Trung Quốc Matthew Carney đã tiết lộ những ký ức khủng khiếp mà ông che giấu trong hơn hai năm. Matthew kể rằng trong hơn hai năm ở Bắc Kinh, ông thường được các quan chức Bắc Kinh mời “uống trà”. “Chính quyền Bắc Kinh theo dõi và gây khó dễ, một số người đã theo dõi điện thoại di động và hộp thư của tôi từ xa”, ông Matthew cho hay.

Quyền lực của các nhà báo là biểu tượng trực tiếp cho mức độ tự do báo chí của một quốc gia. Trong xã hội dân chủ, báo chí là công cụ tốt nhất để giám sát và hạn chế quyền lực của chính phủ. Tuy nhiên, dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ, vai trò của các phóng viên đã bị hạ thấp thảm hại và chỉ có thể báo cáo những gì nằm trong phạm vi cho phép của ĐCSTQ.

Khi ĐCSTQ đàn áp các phóng viên, nó thường áp đặt một tội danh phi lý như “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia” hoặc “tiết lộ bí mật quốc gia” hoặc “thông đồng với kẻ thù và phản quốc” khiến cho công chúng tin rằng phóng viên thực sự đã phạm tội nghiêm trọng.

Tằng Nhậm, cựu giám đốc ban biên tập tờ Southern Weekend và là nhà bình luận chính trị cấp cao hiện ở Đức, rất thành thạo hệ thống tuyên truyền của ĐCSTQ. Ông Tằng nói với VOA rằng ĐCSTQ khá thuần thục trong việc dẫn hướng dư luận. Nó không chỉ quyết định mọi người nghĩ gì, mà còn yêu cầu mọi người phải nghĩ như thế nào. Chiếm được quyền giải thích thông tin, ĐCSTQ có thể tùy ý xuất khẩu các diễn giải thông tin về đặc thù và mô hình của Trung Quốc. Trong hệ thống diễn ngôn của ĐCSTQ: Thỉnh nguyện là bạo loạn, xuống đường là hỗn loạn, phơi bày là tung tin đồn, lý luận là kích động, phê bình là lật đổ, nhắc tới Hoa Kỳ là bán nước, Đài Loan là chia rẽ, bảo vệ quyền lợi là chống lại pháp luật và phản kháng là bạo loạn.

Vào tháng 12 năm ngoái, dịch viêm phổi bùng phát ở Vũ Hán, chính quyền ĐCSTQ đã che giấu sự bùng phát và đàn áp những người tố giác, gây ra phẫn nộ trong dân chúng. Trong hoàn cảnh đó, các nhà báo công dân như Phương Bân, Trần Thu Thực, Trương Triển, Lý Trạch Hoa (Li Zehu) đã mạo hiểm tính mạng, đem tin tức ở Vũ Hán nói cho người dân thế giới. Cả 4 người sau đó đã bị chính quyền bắt giữ, ngoại trừ Lý Trạch Hoa được thả ra, 3 người còn lại đều mất tích hoặc bị giam giữ chờ xét xử.

Tào Nhã Học, người sáng lập và biên tập trang web tiếng Anh Change China, chia sẻ với VOA, ĐCSTQ chưa bao giờ ngừng đàn áp các nhà báo. Tào Nhã Học ví Phương Bân, Trần Thu Thực, Trương Triển như những anh hùng thời sự. Khi dịch bệnh xảy ra, họ cảm thấy có động lực và trách nhiệm, và họ đã dấn thân vào nơi nguy hiểm để tìm kiếm thông tin sự thật.

“Tôi tin rằng giữa số dân đông đảo của Trung Quốc, vào những thời điểm đặc biệt, sẽ luôn có những người đứng lên để thể hiện nhân tính dũng cảm và cao quý, khiến cho mọi người chúng ta cũng [có thể] mang theo một chút cao quý của họ”, bà Tào nói.

Related posts