Duy Nghĩa
Trong một bài bình luận gần đây đăng trên Fox News, nhà báo kỳ cựu Hollie Mckay đặt ra nghi vấn rằng Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có thể đã bị Trung Quốc mua chuộc.
Là phóng viên của Fox News Digital từ năm 2007, người đã cung cấp rất nhiều tin tức về các cuộc xung đột toàn cầu, tội phạm chiến tranh và khủng bố trên khắp thế giới, bà Mckay cho hay nhiều nhà phân tích đã đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có gây ảnh hưởng để ngăn chặn các nỗ lực điều tra của ICC đối với các hành vi diệt chủng bị cáo buộc của Bắc Kinh, chống lại người thiểu số Duy Ngô Nhĩ hay không?
Theo bà McKay, “việc Trung Quốc đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ khiến người ta so sánh với các trại tập trung”.
Minh chứng cho nhận định trên, bà McKay đưa ra một ví dụ về trường hợp của cô Sainawar Rouzi, một người nhập cư Duy Ngô Nhĩ, hiện sống tại tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ. Đối với những người như cô Rouzi, cuộc sống lưu vong là những tháng ngày bị dày vò bởi những nỗi đau chỉ người trong cuộc mới hiểu.
Nói về những người thân của mình bị mắc kẹt ở tỉnh Tân Cương của Trung Quốc, cô Rouzi cho biết: “Gia đình tôi không bao giờ làm điều gì sai trái. Họ không bao giờ làm bất cứ điều gì bất hợp pháp hoặc phạm tội. Giờ họ đã biến mất hoặc sống trong sợ hãi – chờ đợi tiếng gõ cửa. Trong tâm trí của mình, tất cả chúng tôi đều sống trong nhà tù, tự hỏi làm thế nào điều này đã xảy ra với người dân chúng tôi”.
Cô Rouzi khẳng định cô phải “cất tiếng nói cho gia đình mình, cho người Duy Ngô Nhĩ. Họ không có tiếng nói”.
Bà McKay lưu ý còn có rất nhiều người khác như cô Rouzi, “những người đã mạo hiểm an toàn của mình trong nhiều năm qua, để làm sáng tỏ về sự tàn bạo mà những người thiểu số như họ ở cách xa 6.500 dặm, đang phải chịu đựng: từ việc ép buộc phá thai và mổ cướp nội tạng cho đến những vi phạm nhân quyền, bị bắt cóc, và bị giam giữ trong các trại tập trung”.
Tuy nhiên, “những hi vọng về hành động [chống vi phạm nhân quyền] trên quy mô toàn cầu lại tiếp tục mờ nhạt vào tuần trước”, bà McKay nói.
“Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã từ chối mở một cuộc điều tra về các cáo buộc diệt chủng đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, có nghĩa là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có quyền tự do tiếp tục những gì mà họ cho là các trại “cải tạo” hiện nay”, bà McKay chỉ trích.
ICC được thành lập với mục tiêu xét xử các tội phạm hình sự quốc tế đầu tiên trên thế giới, nhằm ủng hộ pháp quyền, bảo vệ nhân quyền, và trừng trị những tội ác quốc tế ghê tởm nhất.
Bà McKay cho hay, các nhà hoạt động nhân quyền trên thế giới đã cẩn thận thu thập bằng chứng về các hành động diệt chủng, bao gồm cả các bức điện mật của chính phủ Trung Quốc, nêu chi tiết về một hệ thống giám sát sâu rộng và giam giữ ngoài pháp luật, Điều đó khiến Bắc Kinh thất vọng.
Phát biểu với Fox News, ông Salih Hudayar, thủ tướng chính phủ lưu vong Đông Turkistan, nơi đã đệ đơn yêu cầu điều tra, nêu rõ: “Trung Quốc đã cố gắng né tránh [vụ kiện ở] ICC bằng mọi giá. Gần đây, vào ngày 18/11/2020, chính phủ Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp báo tại [thành phố] Urumchi, và phản đối đơn kiện của người Duy Ngô Nhĩ lên ICC”.
Đơn kiện được đưa ra, dựa trên các hành động chống lại người Duy Ngô Nhĩ cư trú tại Tajikistan và Campuchia. Cả 2 quốc gia này đều là thành viên ICC. Hơn nữa, một nhóm người, gồm hơn 60 nghị sĩ, từ hơn 10 quốc gia, cũng đã bổ sung thêm tư cách của họ vào đơn, khi gửi một bức thư tới công tố viên Fatou Bensouda, yêu cầu cơ quan tư pháp quốc tế “thực hiện nhiệm vụ của mình trong việc bảo đảm rằng những thủ phạm gây ra những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất, phải chịu trách nhiệm, và ngăn chặn hành động mà không bị trừng phạt”.
Tuy nhiên, văn phòng của công tố viên ICC Bensouda sau đó tuyên bố “điều kiện tiên quyết để thực hiện quyền tài phán theo lãnh thổ của tòa án, dường như không được đáp ứng đối với phần lớn các tội ác bị cáo buộc” bởi vì chúng có vẻ “chỉ được thực hiện bởi công dân của Trung Quốc trong lãnh thổ của Trung Quốc, một quốc gia không phải là thành viên của Quy chế”.
Nhưng đối với một số nhà phân tích, lập luận này không có trọng lượng. Nó đặt ra những nghi vấn về tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn của chính quyền Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế và toàn bộ Liên hợp quốc, trong đó tòa án quốc tế La Haye, Hà Lan, là có mối liên kết, nhưng hoạt động độc lập.
“Thật sự kinh ngạc và sửng sốt khi thấy Trưởng công tố viên đã nhanh chóng xác định rằng ICC không có thẩm quyền để điều tra tội ác diệt chủng, được cho là do chính phủ Trung Quốc gây ra đối với người Duy Ngô Nhĩ”, bà Nitsana Darshan-Leitner, một luật sư sống tại Israel, tuyên bố.
Là người trong một thời gian dài chuyên kiện các chế độ khủng bố và những nước bảo trợ cho các hành động ngược đãi nhân quyền, thay mặt cho các nạn nhân, bà Nitsana chỉ trích: “Thông báo của bà Fatou Bensouda rằng vì Trung Quốc không phải là quốc gia thành viên, nên bà ấy bất lực trong việc chống lại Bắc Kinh, là trái ngược hẳn với hành động mà bà ấy theo đuổi không ngừng. [Đó là bà ấy] cáo buộc tội ác chiến tranh chống lại Israel và Hoa Kỳ”.
“Cũng giống như Trung Quốc, cả Israel và Mỹ đều không tham gia ký kết Qui chế Rome” cơ sở thành lập ICC, bà Nitsana giải thích.
Trong khi thông tin lọt ra khỏi khu tự trị hà khắc Tân Cương vẫn không rõ ràng, các cuộc điều tra rộng khắp đã để lộ ra rằng ít nhất kể từ năm 2017, hơn 2 triệu người trong nhóm thiểu số, đã bị đưa tới các trại giam giữ, điều mà ĐCSTQ ban đầu phủ nhận, nhưng sau đó gọi chúng là những cơ sở “giáo dục”, như là một phần của chiến dịch chống khủng bố sâu rộng.
Tuy nhiên, rất ít các quốc gia, đã dám lên tiếng, phần còn lại, đa số theo đạo Hồi, lo sợ sự trả đũa từ Bắc Kinh vốn gây được ảnh hưởng toàn cầu khi thế lực này là chủ của các khoản vay. Trong khi đó, Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Trump vẫn đi đầu và kiên định với tiếng nói mạnh mẽ trong việc lên án Bắc Kinh và ban hành các lệnh trừng phạt của mình, cũng như các hạn chế thương mại đối với hàng hóa từ khu vực Tân Cương.
Hành động của chính quyền TT Trump đã tạo ra sự lan tỏa, một số quốc gia phương Tây đã lặp lại lời tố cáo của Mỹ đối với Bắc Kinh. Cuối cùng, tại LHQ vào tháng 10/2020, 39 quốc gia thành viên – bao gồm cả Liên minh châu Âu và Nhật Bản – đã cùng với Washington, lên án Bắc Kinh về một loạt các hành vi sai trái, vi phạm nhân quyền ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc đối đầu với Trung Quốc có thể gây ra những hậu quả về kinh tế và chính trị.
Theo bà Darshan-Leitner, nếu ICC quyết định điều tra thêm nữa và truy tố Trung Quốc, thì ĐCSTQ có thể sẽ sử dụng “tất cả sức mạnh chính trị và kinh tế của mình để khiến cuộc điều tra bị dừng lại”.
Bà Darshan-Leitner nói: “Trung Quốc lập luận một cách chính xác rằng họ đã không ký Qui chế Rome, và ICC không có quyền tài phán. Hơn nữa, Trung Quốc sẽ cho thấy sức mạnh cơ bắp của mình, và yêu cầu tất cả các nước thành viên, những nước muốn tiếp tục làm ăn với Trung Quốc, gây áp lực buộc trưởng công tố viên phải chấm dứt cuộc điều tra. Trung Quốc là một cường quốc thế giới về kinh tế, chính trị và quân sự. ICC nhận thức rõ về hình phạt và sự tàn khốc mà Bắc Kinh có thể áp đặt lên tòa án, và các quan chức của họ, bao gồm cả các thẩm phán và công tố viên”.
Mặc dù không phải là bên tham gia ICC, các nhà phân tích đã ghi ngờ về ảnh hưởng bí mật của Trung Quốc đối với hệ thống tòa án, với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và cuộc bầu cử gây tranh cãi vào Hội đồng Nhân quyền vào tháng 10/2020.
Năm 2000, những cam kết tài chính của Bắc Kinh đối với ngân sách thường xuyên của LHQ chỉ ở mức 12 triệu USD – chỉ chiếm 1% tổng đóng góp của các nhà tài trợ. Nhưng sau 2 thập kỷ, số tiền đó hiện ở mức khoảng 367,9 triệu USD – chiếm 12% tổng số – đưa Trung Quốc lên vị trí nhà tài trợ số 2, chỉ sau Mỹ.
Theo số liệu của LHQ, tính đến ngày 15/12/2020, 139 quốc gia thành viên đã thanh toán đầy đủ số tiền ấn định phải trả cho ngân sách thường xuyên, trong đó bao gồm cả Bắc Kinh. Trung Quốc đã thanh toán số tiền phải trả của mình vào tháng 5/2020, sau khi kết thúc thời hạn thanh toán 30 ngày trong lúc bùng phát ngày càng gia tăng đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Tuy nhiên, năm ngoái, ICC đã bật đèn xanh cho một cuộc điều tra về tội ác chống lại người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar và Bangladesh. Myanmar cũng không phải là thành viên của ICC. Tuy nhiên, tòa án xác định rằng họ có thẩm quyền điều tra các tội phạm bị cáo buộc ở Bangladesh, là quốc gia đã phê chuẩn Quy chế Rome một thập kỷ trước.
Luật sư nhân quyền người Canada David Matas cũng chỉ ra rằng vào năm 2019, đã có đơn kiện Trung Quốc về những tội ác chống lại Philippines. Tuy nhiên, công tố viên lại kết luận rằng Tòa án không có quyền tài phán đối với những tội ác đó.
Ông Matas phỏng đoán: “Đây là vấn đề chung của hệ thống luật pháp quốc tế. Về nguyên tắc, nhà nước pháp quyền có nghĩa là không ai đứng trên luật pháp. Tuy nhiên, đối với các trường hợp quốc tế mà sử dụng đến luật pháp quốc tế, thì không hẳn như vậy. Về mặt khách quan, Trung Quốc là một nước lớn, tương đối giàu có và có có quyền lực lớn. Sức nặng mà họ có được một cách khách quan, càng được nâng cao trên trường quốc tế nhờ sự đoàn kết giữa các chế độ phi dân chủ, cũng như lòng biết ơn đối với số tiền mà Trung Quốc đổ vào các nước đang phát triển với kỳ vọng nhận lại sự ủng hộ về chính trị”.
Và vào năm 2015, ICC đã mở một cuộc đánh giá thăm dò về cuộc xung đột tại dải Gaza trong năm 2014, sau khi Chính quyền Palestine gửi đơn kiện quân đội Israel. Ông Matas đã nhấn mạnh rằng “hệ thống luật pháp quốc tế bị tiêu chuẩn kép”, và rằng sự tương phản với Israel là “một quốc gia nhỏ, không được ưa chuộng trên trường quốc tế, là rất nổi bật, thu hút sự quan tâm [của thế giới].”
“Chỉ nhìn vào cách xử lý cho cả 2 nước trong năm 2020. Đối với Trung Quốc, như đã lưu ý, công tố viên kết luận rằng không đủ cơ sở để tiến hành. Kết luận đối với Israel thì ngược lại về cách xử lý, rằng có cơ sở hợp lý để tin rằng tội phạm đã xảy ra”, ông Matas phân tích khi lên án ICC.
Tuy nhiên, bà McKay cho hay hồ sơ vụ án người Duy Ngô Nhĩ của ICC vẫn để mở khi Văn phòng Công tố viên (OTP) đã xác nhận rằng họ đã nhận được yêu cầu “xem xét lại” theo các dữ kiện và bằng chứng khác.
“Nhưng, kết quả như thế nào, vẫn còn phải chờ xem”, bà McKay nhận xét.
Ông Rodney Dixon, một luật sư nhân quyền quốc tế và là luật sư đại diện cho vụ kiện, chia sẻ: “Bước tiếp theo trong vụ án là cung cấp cho công tố viên thêm những bằng chứng, liên quan đến việc trục xuất người Duy Ngô Nhĩ từ Tajikistan và Campuchia trở về Trung Quốc, mà nữ [công tố viên Fatou Bensouda] đã nhấn mạnh là cần phải mở một cuộc điều tra”.
Đồng thời ông Dixon cũng thông báo: “Chúng tôi đã thu thập bằng chứng này kể từ khi vụ án được đệ trình vào tháng 7/2020 và sẽ trình bằng chứng đó cho văn phòng công tố vào năm tới”.