Châu Á chuẩn bị đón năm mới như thế nào trong nỗi lo Covid?

Hải Lam

Một người Trung Quốc tiêm phòng viêm phổi Vũ Hán (ảnh: Reuters)

Châu Á kết thúc năm 2020, một năm đầy biến động với đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Các lễ kỷ niệm đón mừng năm mới ở nhiều nước sẽ với quy mô nhỏ hơn trong bối cảnh lo ngại về sự bùng phát của dịch bệnh.

Reuters cho biết, tại Bắc Kinh, thủ đô của đất nước đông dân nhất thế giới, buổi biểu diễn ánh sáng mừng năm mới mà hàng năm vẫn diễn ra tại Tháp Truyền hình Trung ương Trung Quốc, đã bị hoãn.

Đền Yonghe Lama ở Bắc Kinh, một địa điểm du lịch, cũng đã giảm một nửa số lượng du khách cho phép kể từ ngày 31/12.

Virus cúm Vũ Hán xuất hiện cách đây khoảng một năm ở thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc và sau đó đã lây lan ra toàn cầu, hơn 82 triệu người đã nhiễm bệnh và hơn 1,7 triệu người đã thiệt mạng.

Tại Vũ Hán, nơi được cho là khởi nguồn của đại dịch, hàng nghìn người dự kiến ​​sẽ tập trung tại một số địa danh nổi tiếng khắp trung tâm thành phố để đếm ngược đến năm 2021. Một số cho biết họ đang thận trọng, nhưng không đặc biệt lo lắng.

Tại Úc, nhiều nơi bị hạn chế di chuyển, tụ tập. Hầu hết mọi người đều bị cấm đến trung tâm thành phố Sydney vào tối thứ Năm (31/12).

Bà Gladys Berejiklian, thủ hiến tiểu bang New South Wales, nói rằng năm 2020 trôi qua không mấy thuận lợi, và hy vọng rằng năm 2021 sẽ dễ dàng hơn với tất cả mọi người.

Thời tiết và dịch bệnh đang gây ảnh hưởng đến các lễ kỷ niệm ở Nhật Bản. Quốc gia này đang tạm dừng các sự kiện và giảm các dịch vụ công.

Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản đã thông báo quyết định hủy sự kiện chào mừng năm mới ở Hoàng cung. Thông thường, sự kiện này thường được tổ chức vào ngày 2/1 hàng năm. Tại đó, từ ban công của Hoàng cung ở Tokyo, Nhật hoàng và Hoàng hậu cùng với các thành viên khác trong Hoàng gia sẽ chào đón hàng nghìn người tới chúc mừng.

Ngoài ra, các ngôi đền đã yêu cầu mọi người hủy các chuyến thăm vào đêm giao thừa và ngày đầu năm mới. Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản và Tokyo Metro đang hủy các dịch vụ bổ sung xe lửa tại các khu vực thủ đô Tokyo từ khuya ngày 31/12 đến ngày 1/1. Trong khi đó, tuyết đã phủ khắp các khu vực của đất nước, dẫn đến khoảng 140 chuyến bay bị hủy và các gián đoạn khác.

Tại Vịnh Marina ở trung tâm thành phố Singapore, lần đầu tiên sẽ không có bắn pháo hoa vào dịp Năm Mới kể từ truyền thống này bắt đầu vào năm 2005. Thay vào đó, pháo hoa sẽ được bắn tại các địa điểm khác nhau trên khắp thành phố Đông Nam Á.

Ban nhạc nổi tiếng toàn cầu BTS sẽ tổ chức một buổi hòa nhạc trực tuyến vào tối thứ Năm tại Hàn Quốc.

Chính phủ Nam Hàn đã đóng cửa các bãi biển ở Gangueng, nơi mọi người thường đến để ngắm mặt trời mọc đầu tiên trong năm mới. Lễ rung chuông Bosingak của Seoul đã bị hủy lần đầu tiên kể từ năm 1953, nhưng mọi người có thể xem trực tuyến trên trang web của thành phố.

Bắc Hàn, quốc gia láng giềng, ăn mừng năm mới với màn bắn pháo hoa ngắn ở Bình Nhưỡng.

Nhiều nơi ở Đài Loan cũng hủy bỏ các sự kiện tập trung đông người xem bắn pháo hoa, và yêu cầu mọi người xem trực tuyến hoặc trên truyền hình.

Tại Đài Bắc, sự kiện đón mừng năm mới vẫn tổ chức, nhưng với quy mô nhỏ hơn, và người tham gia phải đeo khẩu trang và đăng ký thông tin cá nhân.

Lễ mừng năm mới ở Ấn Độ có thể sẽ yên ắng vì một số bang và thành phố lớn đã áp dụng lệnh giới nghiêm ban đêm, hạn chế các cuộc tụ tập đông người và đóng cửa các quán rượu và nhà hàng.

New Delhi không cho phép quá 5 người tụ tập tại các địa điểm công cộng, trong khi thủ đô tài chính Mumbai và thủ đô công nghệ Bengaluru giới hạn các cuộc tụ tập ở 4 người.

Tuy nhiên, không có hạn chế nào ở Goa, một bang nhỏ dọc theo bờ biển phía tây của Ấn Độ nổi tiếng với những bữa tiệc bãi biển hoành tráng trong dịp Giáng sinh và Năm mới.

Related posts