Trong năm nay, con Corona đã thay đổi thế giới và thay đổi luôn đời sống của chúng ta.
Nhân số cuối năm 2020, thư toà soạn hôm nay xin thưa với bạn đọc vài ba thay đổi kể trên.
Ở Việt Nam, chúng ta sống trong một nước không phải là liên bang nên qua đây có người thấy ở Úc sao mà phiền phức. Đã có chính phủ Úc ở Canberra rồi còn thêm chính phủ ở Sydney, Adelaide, Perth, Melbourne… Bên cạnh đó, có khi chúng ta lẫn lộn giữa Perth với Tây Úc, giữa Hobart với Tasmania, giữa Brisbane với Queensland… Tất cả ‘rắc rối’ đó vì Úc là nhiều nước họp lại thành một nước. Ta gọi nước nhỏ là tiểu bang và nước lớn là liên bang. Dù Úc có nhiều nước nhưng, khi chúng ta vượt từ nước NSW qua nước Nam Úc, thì chả có thằng Úc nào xét giấy tờ hết. Bởi lẽ các nước ở Úc không uýnh nhau và tự do thông thương là một trong những điều được ghi trong hiến pháp liên bang Úc.
Nhưng con Corona đã tới và thay đổi. Từ tháng Giêng năm nay, vì con Corona các tiểu bang ở Úc nhất loạt đóng cửa biên giới. Đặc biệt khi nơi nào bị nạn nặng thì lân bang siết chặt cửa lại. Năm ngoái, người ở Victoria bị các nơi khác coi như ‘cùi hủi’. Hiện nay, người ở NSW vẫn được các lân bang thương mến nhưng … ‘xin đừng qua nước của tui, à nghen!’
Con Corona ít nhất làm cho chúng ta biết thêm tí chút về chế độ liên bang ở đất phương Nam phước đức này.
Thay đổi kế tiếp do con Corona là chúng ta ở xa mà vẫn học hành, làm việc, vui chơi như thường. Trước khi có con Corona, chúng ta đã nghe nói tới mua bán trên mạng, ngồi nhà mà vẫn dự hội nghị, khám bệnh từ xa và làm việc ở nhà, vân vân. Nói thì nhiều nhưng chưa làm được mấy. Từ đầu năm nay, những điều đó trở thành một thứ bình thường mới. Các công ty và cơ quan chính phủ không cho phép nhân viên tới sở. Họ phải làm việc ở nhà. Bắt đầu nghe vậy, nhiều người khoái vì không bị xếp dòm ngó nữa. Nhưng bé cái lầm, bốt lớn ở Úc khôn lắm! họ chia việc khiến cho nhân viên ở nhà có khi phải cật lực hơn khi tới sở. Ngoài ra, không tới sở nhân viên mất nhiều cơ hội tám chuyên bên vòi nước. Vì vậy, khi tiểu bang mở cửa he hé, có những nhân viên nhanh chóng xin được tới sở.
Về mua bán trên mạng. Trước đây thịnh hành trong giới trẻ. Nay lan qua các gia đình. Trước đây, người ta mua máy móc điện tử, đồ nghề hay quà cáp. Nay mở rộng ra quần áo, thực phẩm. Trong năm nay, người Úc tăng thêm mua bán trên mạng đến 75%. Vì thế, đừng tưởng cửa tiệm vắng vẻ mà ế ẩm. Có tiệm giày không ai vào mua nhưng phía sau là hàng chục người gói hàng gởi đi. Ngay đến nhiều tiệm thịt, tiện cá (do người Việt Nam làm chủ) cũng quảng cáo bán online.
Có thể nhờ con Corona bạn đọc rành Zoom. Bây giờ đụng tí là Zoom. Chí đến hội nghị G7, G20, ASEAN cũng họp qua Zoom. Dịp lễ Giáng Sinh và năm mới sắp tới sẽ là thời gian bùng nổ của Zoom. Nếu ai ngán ba tàu nghe lén chuyện thì thầm trên Zoom thì có thể thử vài ba thứ sau (cũng xịn mà dễ dùng): Dễ nhất là Messenger có sẵn trong Facebook có thể chuyện trò và coi mặt lên đến 50 người; nếu chỉ có vài ba người trong gia đình thì thử FaceTime có sẵn trong iPhone; còn ở hãng xưởng, công ty do mình làm chủ thì chơi cái Microsoft Teams là xong ngay.
Bạn đọc đã biết con Corona mang tới quá nhiều chuyện chẳng lành. Nhưng nó không phải không làm cho chúng ta khá hơn. Khi bị cùm chưn trong nhà, chúng ta biết quý trọng tự do đi lại hơn. Con Corona làm cho chúng ta quý làn không khí trong lành trong công viên, mến một bông hoa nhỏ bên đường, và muốn gần với bà mẹ thiên nhiên hơn. Những tin tức dồn dập về số người mắc dịch hay thiệt mạng làm cho chúng ta quý sức khoẻ hơn. Người ta siêng tập thể dục, giữ vệ sinh, ăn uống điều độ hơn.
Còn nói về làm ăn buôn bán, con Corona đã giết chết nhiều công ty và cửa hàng nhưng không phải không giúp cho nhều người khác phất lên. Trong bất kỳ thay đổi nào, ai nhanh chóng thích ứng thì không những sống còn mà còn sống hùng sống mạnh. Sống thời đại Corona, bán mặt mạ, thuốc rửa tay thì không sợ ế. Nếu bán trên mạng thì không có gì đáng ngại cả.
Con Corona thay đổi quá nhiều đến độ nếu một mai có bình thường trở lại thì cũng chỉ là một thứ … ‘bình thường mới, new normal’.
Trong cõi bình thường mới, có lẽ còn lâu chúng ta mới hết dè dặt khi chen vai thích cách với thiên hạ. Trong cõi bình thường mới làm việc từ xa, học hành từ xa, và thăm hỏi nhau cũng từ xa. Trong cõi bình thường mới, chắc là người phương Tây không còn dễ dàng hôn hít, bắt tay hay vuốt ve nhau mà tìm học lối chào hỏi của người phương Đông. Thái tử Charles đã làm gương chắp tay xá theo kiểu người Ấn Độ thì sao người Việt Nam muôn phương không chào nhau theo lối cha ông mình? Làm thế vừa tránh con Corona vừa giữ nề nếp cha ông.
Việt Luận