Tiểu Mai
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Matthew Pottinger hôm thứ Năm (31/12) đã chỉ trích việc ký kết một thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc vì bỏ lỏng vấn đề nhân quyền.
Ông Pottinger cho biết thỏa thuận được thực hiện bất chấp “sự vi phạm nhân quyền trắng trợn” của Trung Quốc, đã gây sốc cho giới chính trị Mỹ vào thời điểm Hoa Kỳ sắp chào đón chính quyền tổng thống tiếp theo. Câu chuyện được hé lộ bởi Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc (the Inter-Parliamentary Alliance on China) gọi tắt là IPAC, một nhóm các nhà lập pháp quốc tế hợp sức lại để đối kháng các mối đe dọa từ Bắc Kinh.
IPAC cho biết trong một dòng tweet rằng, ông Pottinger đã nói với các Đồng Chủ tịch châu Âu rằng,
“Giới lãnh đạo lưỡng Đảng Mỹ và trong chính quyền Washington đang rất bối rối và sửng sốt khi EU đang tiến tới ký kết một hiệp ước đầu tư mới ngay trước thềm một chính quyền mới của Washington”.
‘Không còn ngây thơ’ trước Trung Quốc
“Không có nơi ẩn náu cho các quan chức quan liêu ở Brussels hay châu Âu. Chúng ta không thể tự lừa dối bản thân rằng Bắc Kinh đang trên đà tôn trọng hơn quyền lợi của người lao động, trong khi họ vẫn tiếp tục xây dựng các nhà máy rộng hàng triệu mét vuông ở Tân Cương cho lao động cưỡng bức”, ông Pottinger nói, theo IPAC.
Ông cho rằng việc Ủy ban Châu Âu EU vội vàng hợp tác với Bắc Kinh “bất chấp những vi phạm nhân quyền thô bạo của nước này” đã phơi bày toàn diện nỗi đáng hổ thẹn của nó.
Hiệp ước Toàn diện về Đầu tư (CAI) được đưa ra sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc, theo cơ quan điều hành của EU, Ủy ban Châu Âu, đưa ra cam kết cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc cho các doanh nghiệp EU cùng lúc phê chuẩn các quy tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế về cưỡng bức lao động.
Hiệp ước CAI đã được theo đuổi trong suốt bảy năm trước khi được ký kết tại một hội nghị trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Matthew Pottinger, người đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các chính sách về Trung Quốc của Tổng thống Trump, đã nhiều lần chỉ trích hành động săn mồi của Bắc Kinh trên khắp thế giới.
Trong một bài phát biểu hiếm hoi bằng tiếng Quan Thoại hồi tháng 10/2020, vị Phó cố vấn an ninh quốc gia này đã kêu gọi thế giới lên tiếng chống lại các hành vi xâm phạm nhân quyền và sức ảnh hưởng xấu xa của ĐCSTQ .
Tư duy ngược đời
Ông Pottinger, cho biết “Mục tiêu của ĐCSTQ là lôi kéo mọi người và các quốc gia vào một ‘lối tư duy ngược đời’ – thông qua việc hợp tác kết hợp với bắt nạt – để mang lại ‘lợi ích cho tham vọng to lớn của Bắc Kinh’.
Ông nói: “Bằng cách miêu tả các phát ngôn sự thật như một hành động hiếu chiến, những kẻ chuyên quyền đang cố gắng xô đẩy các nền dân chủ vào câm lặng – và chúng thường thành công”.
Đó là một lối tư duy như thế này, vào thứ Hai bạn nói “Còn quá sớm để biết được liệu Bắc Kinh có phải là mối đe dọa hay không”, nhưng đến thứ Sáu bạn lại nói “Họ quả thực là một mối đe dọa, hiểu rồi, nhưng đã quá muộn để có thể làm bất cứ điều gì với nó”.
Cả Trung Quốc và EU hiện đang đàm phán nội dung thỏa thuận CAI trước khi trình lên Hội đồng Châu Âu EU và Nghị viện châu Âu để phê duyệt.