Trà Lũ
Chúng ta đang bước vào năm mới 2021 với mong ước một năm mới tươi sáng, nhưng hình như chưa được vì cái không khí ô nhiễm của dịch Vũ Hán vẫn tràn lan, cái om xòm về bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn chưa dứt, cái nạn hận thù chém giết nổ bom vẫn khắp nơi. Trên nét mặt mọi người đều phảng phất nét âu lo.
Phải làm sao bây giờ? Dân làng An Lạc của tôi lâu nay không được họp mặt vì luật cách ly, ai cũng buồn và bàn nhau phải làm sao qua được cơn buồn này. Liền có sáng kiến: họp nhau qua máy, qua chương trình ‘on line’. Và làng tôi làm liền và may quá, rất vui các cụ ạ. Ngay cả người già nhất làng là cụ B.95 cũng được con cháu giúp mở máy. Và bao nhiêu chuyện vui hôm nay xin kể ra đây. Chỉ chuyện vui thôi nha, còn những chuyện buồn thì dẹp hết. Người điều hành chương trình họp mặt trên máy là ông Từ Hòe, môt hội viên viễn cư mới trở về làng từ tháng trước.
Buổi họp hôm qua, cụ B.95 mở lời đầu tiên. Cụ kể rằng khi cụ mới sang Canada và thấy lá cờ Canada có hình chiếc lá cây thì cụ cứ thắc mắc là tại sao cờ quốc gia mà lại có lá đu đủ ở giữa. Mãi về sau con cháu mới bảo cụ rằng đấy không phải là lá đu đủ VN mà là lá cây phong, một loại cây có đường nổi tiếng khắp thế giới. Cụ kể chưa hết, Cụ còn nhiều chuyện vui cá nhân nữa, như cụ có đứa cháu tên là Christopher, cụ không nói được tiếng này nên cụ gói nó là thằng Tô Phở, một cháu khác tên Tommy, cụ gọi nó là thằng Tô Mì,. buồn cười hết sức vậy đó.
Nghe đến đây thì bồ chữ Từ Hòe nhảy vào rồi thêm mắm thêm muối vô cái tên. Ông bảo: Bác ơi, các cháu bé sinh đẻ ở đây nên có tên Canada và bác không đọc được cái tên Canada nên mơi sinh ra thằng tô phở, tô mì. Hồi xưa người lớn có tên VN khi mới sang đây cũng vì cái tên mà nhiều phen cười muốn chết. Như tên Dung, Dũng, Dụng. Dân Canada đọc những tên này đều lăn ra cười, vì bỏ dấu ngã dấu nặng đi thì cái tên còn trơ là ‘dung’. Trong tiếng Anh, dung có nghĩa là ‘cứt trâu cứt bò’, bởi vậy Nhà hàng VN của bà Mỹ Dung, tên đẹp thế mà lại hóa ra nhà hàng bán cứt trâu cứt bò… Hà hà, dân Canada bảo cái tên kỳ cục quá. Rồi cái tên ‘Loan’ nghe đẹp thế, đọc lên theo giọng Anh Mỹ là ‘lôn’, cái tai VN nghe đọc như vậy thì thấy tục hết sức. Lại còn cái tên Phúc và Phước nữa, cái tai Anh và Mỹ đều nghe mài mại như ‘fuck’, họ cũng cho là tục, buồn cười không cơ chứ !
Rồi bồ chữ Từ Hòe xin ngưng chuyện cái tên. Ông xin bàn sang chuyện VN. Ông khoe vừa đọc được một bài báo vui lắm. Bài báo nói về các ông chồng sợ vợ. Tác giả luận rằng: Sợ vợ là cái đặc tính di truyền, bố truyền cho con trai, con trai truyền cho cháu chắt. Đông tây nam bắc, da trắng da đen da vàng đều sợ vợ hết, không ai tránh được, vì đây là luật trời. Chưa sợ vợ thì rồi sẽ sợ vợ, sợ vợ mỗi ngày mỗi thêm. Ông chồng VN có lẽ sợ vợ nhất thế giới, vì có lời ca dao ghi rằng:
Làm trai rửa bát quét nhà
Vợ gọi thì dạ, ‘bẩm bà” con đây.
Hình như cụ Tản Đà cũng đồng ý như vậy nên cụ đã nói một câu nổi tiếng: “ Ở đời, nếu không phải sợ ai thì là nhất, còn nếu cần phải sợ thì nên sợ vợ là hơn cả !”
Các bà trong làng nghe đến đây thì cười ầm và cùng hét lên: chí lý! chí lý! Có bà còn nói thêm: Sợ vợ là phải vì đàn ông ai cũng dê xồm hết, chỉ có vợ mới trị được cái bệnh dê này. Chứng cớ ư? Sách cổ có chép chuyện một nhà kia bà vợ vừa đẻ xong thì có cô em vợ tới giúp. Cô bế cháu cho chị nghĩ ngơi. Cô em này chưa chồng nõn nà hơ hớ rất hấp dẫn. Đêm kia anh chồng tưởng vợ ngủ rồi, anh nổi máu dê nên định bò sang thăm dì nó. Cô vợ thấy thế bèn lên tiếng: Đêm đông gà gáy o o, Hỡi chàng quân tử, chàng bò đi đâu?. Anh chồng chữa thẹn liền đáp: Đêm đông gà gấy o o, Anh ngủ chẳng được, anh bò anh chơi. Cô em vợ biết được tà ý này nên cô vừa ôm cháu vừa hát ru: Cháu ơi cháu ngủ cho no, Của dì dì giữ, ai bò mặc ai.
Ông Từ Hòe phản bác cái ý ‘chỉ có đàn ông dê xồm’, ông bảo đàn bà cũng dê xồm lắm. Chứng cớ ư? Chuyện chép tiếp là sau khi biết việc cô em từ chối ông anh rể, thì bà chị vợ lại tiếc quá sức rồi liền hồ hởi mời ông em rể tiến tới, bà chị vợ đã hát rằng:
… Nó muốn thế nào cho nó thế
Chị là chị vợ, chị chi cu.
Rõ ràng bà chị dê xồm nha. Các bà đã chịu chưa? Chưa chịu hả, chứng cớ thứ hai tim thấy cũng trong ca dao:
Của chua ai chả thấy thèm
Em cho chị mượn chồng em vài ngày.
Đó là chuyện bên ta, còn bên Tàu thì sách Tàu còn ghi chuyện nàng Triệu Phi Yến vợ vua Hán Thánh Đế. Bà hầu vua xong còn tư thông với các thị vệ. Và bà Võ Tắc Thiên, vắt kiệt sức nhà vua khiến vua băng hà, bà bèn lên ngôi, và tư thông với nhiều lực sĩ giả làm hoạn quan. Đấy là chuyện bên đông, còn bên trời Tây thì sử vẫn còn ghi 2 hoàng hậu mê sắc dục nổi tiếng là Nàng Messaline vợ Vua Claudius, và nữ hoàng Catherine bên Nga, bà nào mỗi đêm đều phải có nam vệ sĩ ngủ hầu…
Nghe đến đây thì cụ Chánh tiên chỉ làng lên tiếng: Tôi thấy cái chuyện dê xồm này là lẽ thường tình của trời đất, ai cũng có, vấn đề chính là vợ chồng phải trung thành và thuận thảo với nhau để sinh con nối dõi tông đường. Cha ông ta đã từng nói:
‘Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn’.
Ông ODP liền cười hà hà: Cụ ơi, về sau này sách vở đã chép sai, họ dám phịa ra nhiều lời khác, như:
Thuận vợ thuận chồng, con đông mệt nghỉ !
Thuận vợ thuận chồng, giường Hồng Kông cũng gẫy !
Thuận vợ thuận chồng, 4 cái chân giường gẫy một còn ba…
Nói xong rồi ông chợt nghĩ đến bà cụ B.95, sợ cụ kêu nhức đầu, nên ông chuyển hướng, ông quay qua anh John rồi hỏi: Lúc nãy chúng ta nói về cái chuyện người Anh Mỹ không phát âm được mấy tên VN như Dũng Loan Phước. Thế còn anh, khi mới học tiếng Việt anh có đọc sai những tên này không? Anh John đáp ngay: Không, em phát âm rất trúng rất chuẩn, vợ em phải khen nức nở. Em chỉ gặp rắc rối về cái tên Nguyễn Ngọc Nguyệt, và tên nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn. Em phải tập rất lâu mới nói trúng được.
Ông Từ Hòe từ phương xa về chưa được nói chuyện nhiều với anh John nên nhân cơ hội này ông hỏi tiếp: Khi học tiếng Việt, anh thấy có chỗ nào khó đối với anh không? Như được gãi đúng chỗ ngứa, anh John thao thao ngay:
Em thấy cái khó nhất trong tiếng Việt là cách xưng hô. Tiếng Anh chỉ
có I/You, tiếng Pháp chỉ có Je/Vous, còn tiếng Việt không phải chỉ có Anh/Tôi mà nó biến thiên theo từng hoàn cảnh. Bạn nói chuyện với bố vợ mà xưng Tôi với Anh, bạn noi chuyện với đứa cháu mà xưng Tôi với Anh…là rắc rối to. Khi nói chuyện với người đối diện thì ta phải biết gia tộc hóa, phải biết vị thứ của ta với người đối diên, họ đáng tuổi cha ông hay là hàng con cháu, do vậy chữ I ở ngôi thứ nhất có thể là Tôi, tao, ta, con, cháu…, chữ You có thể là Quý Ông, quý bà, Cha, mẹ, ông bà chú bác, bạn, mày, mi… Tiếng VN đúng là ngôn từ của con cái Mẹ u Cơ, ngôn từ trong một gia tộc, có trên có dưới.
Riêng về mặt gọi tên mấy người ngoại quốc thì người Việt khi không vui đã gọi người ngoại quốc là THẰNG hết: thằng Tàu thằng Chệt thằng Mán thằng Chà, thằng Tây thằng Mỹ thằng Mẽo. Và cuối cùng người dân gọi con cháu Bác Hồ cũng là thằng luôn: thằng Việt Cộng. Có người giải thích: vì bọn VC có coi người dân Việt là đồng bào của chúng bao giờ đâu. VC luôn gọi người dân là Nhân Dân, chớ hề bao giờ nghe VC gọi chúng ta là đồng bào bao giờ.
Nói đến đây thì anh John ngưng một chút rồi cười hì hì: Chỉ có một trường hợp duy nhất là tôi chưa hề nghe có ai gọi người Canada chúng tôi là thằng bao giờ. Mừng quá và vui quá…
Nghe đến đây thì cả làng vỗ tay về cái nhìn vừa đặc sắc vừa tếu của anh John. Rồi anh John cũng nhân cơ hội này mới hỏi lại bồ chữ Từ Hòe: Em đọc văn học sử VN thì thấy có nhiều văn nhân thi sĩ tài ba siêu việt, vậy bác thích văn sĩ VN nào nhất? Ông Từ Hòe trả lời ngay – Mỗi vị có một nét đẹp riêng. Chẳng hạn về mặt ngôn ngữ bình dân dễ hiểu và hài hước thì tôi thích Cụ Nguyễn Khuyến nhất. Cụ Nguyễn Khuyến viết nhiều lắm, bữa nay tôi xin kể vài chuyện tiêu biểu thôi nha.
– Thứ nhất là chuyện Cửa Càn Khôn. Thuở ấy có người đẹp Tư Hồng được vua phong cho một danh hiệu lớn của triều đình. Cô Tư Hồng sướng quá bèn mở đại tiệc ăn mừng, và cho dựng cổng chào. Cô Tư Hồng đến xin Cụ Nguyễn Khuyến một đôi câu đối để viết trên hai cột cổng và 3 chữ đại tự đề trên cổng để chào mừng quan khách. Cụ Nguyễn Khuyến liền cho 3 chữ đại tự ‘Cửa Càn Khôn’ và câu đối: Khi khép lại khìn khin khít khịt / Lúc mở ra toác toàng toàng toang’. Các quan tây đến dự tiệc đi qua cổng rất vui vẻ, còn các quan Nam triều nhiều vị biết ý cụ Khuyến đều đỏ mặt khi bước theo các quan tây. Mãi về sau thiên hạ mới hiểu ý Cụ Nguyễn Khuyến: Cô Tư Hồng đẹp đẽ nhưng có thành tích không đứng đắn vì dính nhiều tới cái lá đa, do vậy chữ Cửa Càn Khôn chỉ cái cửa âm dương. Khách mời đã đi dưới cái lá đa của Cô Tư Hồng. Cụ Khuyến giỏi và thâm thế đấy.
Chuyện thứ hai; một ông lái lợn kia buôn bán giỏi nên giàu có, xây nhà lớn. Ông ta đến xin Nguyễn Khuyến mấy chữ đại tự để treo trong nhà. Cụ liền cho ‘ Đại Lai’ nghĩa là phúc lớn đã đến. Ý đẹp quá chứ. Nhưng mãi về sau có người hiểu ra cái tếu của cụ; Đại Lai = lớn lại = lái lơn.
Chuyện thứ ba: Có một ông lính kèn của Tây, giàu có, cũng xây nhà và cũng đến xin Cụ Nguyễn Khuyến hai chữ đại tự. Cụ liền cho ‘Đại Hạ’, đây là 2 chữ có trong kinh điển chỉ phúc lớn. Nhưng có người bảo cụ có cái máu têu, vì ĐạiHạ = hè to = tò he là tiếng kèn tây.
Các bạn đã thấy Cụ Tam Nguyên Yên Đổ thâm thúy và dí dỏm chưa?
Cụ Chánh đáp ngay: dí dỏm và thông thái tuyệt vời ấy chứ. Trên văn đàn cụ có tên là Tam Nguyên, nghĩa là cụ đỗ thủ khoa của 3 kỳ thi lớn nhất nước, nên không hay sao được.
Rồi cụ Chánh góp ý: nãy giờ chúng ta nói nhiều về chữ nghĩa, bây giờ chúng ta chuyển đề sang ăn uống chăng. Tuy không ăn trực tiếp nhưng ta cứ bàn, ăn gián tiếp mà.
Rồi cụ xin phe các bà bắt đầu vì các bà là vua nhà bếp. Không bà nào chịu cả. Ông ODP chờ mãi mà không có ai mở lời, ông bèn xung phong. Ông xin bàn về một món VN đặc sắc nhất thế giới, không nước nào có, đó là món MẮM. Rồi ông thao thao ngay. Rằng đã là người VN thì ai cũng phải biết ăn mắm. Nói chung tất cả các loại mắm VN đều có cách ăn riêng. Cách ăn thì rất cầu kỳ. Mắm là chính, tất nhiên, và mắm có hàng chục phụ tùng đi theo, y như là các vai phụ trong một vở tuồng quay chung quanh vai chính để làm nổi bật vai chính. Hôm nay tôi xin lạm bàn về Mắm Tôm Chua kiểu Hà Nội. Các vai phụ của mắm tôm chua sẽ là:
thịt lợn ba rọi, phải nhiều mỡ mới ngon
các thứ rau thơm: diếp, ngò, húng dổi, tía tô, kinh giới
hành ta thái mỏng, gừng thái chỉ, ớt xanh khoanh nhỏ, chuối xanh, và khế.
Các vai phụ này tượng trưng cho các vị cay chua chát béo. Những vị này trộn lẫn với nhau tạo nên một vị tổng hợp rất đặc biệt: mắm hơi chua và mặn, thịt mỡ béo ngậy và bùi, pha hòa với cái nồng cháy của ớt và gừng, chát của chuối xanh, chua của khế, hăng hăng của hành sống. Rồi tất cả được làm dịu đi bởi các loại rau sống. Tất cả tạo nên một miếng ngon vô cùng.
Bây giờ tôi xin bàn về Triết lý ăn mắm: Ăn mắm, chúng ta sẽ hiểu mùi vị của cuộc đời hơn. Càng lăn lộn, thất bại, lên voi xuống chó, bị đời lừa gạt, khi ăn mắm chúng ta càng thấy ngon hơn vì chua cay mặn chát nồng nàn vừa là vị mắm cũng chính là mùi vị cuộc đời, con nít ăn mắm, vì chưa từng trải cuộc đời, chưa hiểu cái thâm thúy cuộc đời nên không thấy mắm ngon bằng người lớn.
Ăn mắm, ta không nên ăn với bún hay với cơm, chỉ nên ăn như thế này:
..Lấy 1 lá rau diếp để vào chén dùng làm món gói, rồi bỏ các loại rau thơm vào xếp trọn trong lá rau diếp, chuối xanh, gừng, ớt, hành sống, cuối cùng là miếng thịt, rồi mắm, rồi gói lại, và từ từ đưa vào miệng. Chao ơi, bản đại hợp tấu bắt đầu… Rồi bạn hớp một tớp bia hay rượu đế… Bạn hãy nói cho tôi hay nào có món gì trên thế giới ngon bằng món VN này không?
Và xin bạn nhớ điều quan trọng này: ăn mắm phải có bạn, vừa nhậu vừa nói tếu, vừa vui cười. Người bạn nhậu là một điều cần thiết.
Nói đến đây rồi ông xin hết. Cả làng vỗ tay râm ran. Mấy bà mấy cô thì hết lời ca ngợi: Bồ chữ có khác! Ông bảo đây không phải là lời của ông mà là lời của một tác giả viết trên báo năm 1984, Ông không rõ tác giả nhưng ông lưu giữ vì bài viết vưa đúng vừa hay.
Khi các hội viên trong làng như đã ăn no mắm của Ông Từ Hòe, cụ tiên chỉ làng xin chấm dứt buổi họp tân niên với lời rất thân thương này:
Nhân vừa nói tới bữa ăn, lão xin góp thêm một ý cho năm mới: Bữa ăn là thời gian gia đình họp nhau ăn uống, cha mẹ gặp con gặp cháu, cả gia đình có mặt, đây là thời gian tốt đẹp nhất để bầy tỏ lòng yêu thương, bởi vậy trong bữa ăn chỉ nên nói lời yêu thương pha với tiếng cười, những gì làm tăng thêm sự vui vẻ, các thông tin vui và tích cực. Xin tránh việc này: bữa ăn không phải là thời gian gặp mặt để cha mẹ phán xét, la rầy con cái, anh chị em cãi nhau. Nhiều gia đình có thói quen giờ ăn là giờ phán xét, giờ la mắng, kể tội… Làng chúng ta nhớ bảo nhau và dặn con cái: bữa ăn là bữa để tăng thêm tình yêu thương và bày tỏ sự vui vẻ trong gia đình, là thời gian hạnh phúc nhất trong ngày. Nếu cần phải la mắng trách móc thì tìm lúc khác, phải tránh lúc ăn cơm. Đây là điều lão đã giữ từ bé cho tới bây giờ, bữa nay xin trao lại cho các bạn.
Cả làng nghe xong, ai cũng hứa se nhớ lời khuyên này và sẽ truyền lại cho con cho cháu.
Kính chúc các cụ năm mới bữa cơm nào cũng là bữa ăn vui vẻ, đầy tiếng cười, đầy tình yêu thương.
TRÀ LŨ