Từ sau khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình có chuyến thăm đến thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông vào tháng 10 năm ngoái (năm 2020), địa phương này không chỉ xuất bản lượng lớn “Tập ngữ lục” và trang ảnh của ông Tập Cận Bình, thậm chí ngay cả nơi ông Tập đứng trên đường phố Sán Đầu cũng được thay thế bằng viên gạch lớn được mạ vàng, khiến người dân địa phương cảm thấy rất phản cảm vì thói xu nịnh của quan chức nơi đây, theo NTDTV.
Ngày 12-13/10 năm ngoái, ông Tập Cận Bình có chuyến thị sát tỉnh Quảng Đông, dưới sự tháp tùng của Bí thư Tỉnh ủy Lý Hy, Chủ tịch tỉnh Mã Hưng Thụy, v.v. của tỉnh Quảng Đông, ông Tập đã lần lượt đi thăm một vài thành phố và có buổi trò chuyện cùng người dân trên đường phố Sán Đầu.
Đài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 30/12 đưa tin rằng, sau khi ông Tập rời khỏi khu vực Triều – Sán (thành phố Triều Châu và thành phố Sán Đầu), nơi này đã xuất hiện làn sóng sùng bái ông Tập Cận Bình.
Bài báo dẫn lời một sinh viên họ Lâm của trường Đại học Sán Đầu cho biết, sau khi ông Tập rời khỏi đây, nhà trưng bày văn hóa Khai Phụ – khu vực biểu tượng văn hóa của khu phố cổ Sán Đầu, nơi ông Tập từng ghé thăm đã phát sinh nhiều thay đổi, có nơi treo ảnh ông Tập trong chuyến thị sát, có nơi tuần hoàn phát sóng chương trình tin tức về chuyến thị sát của ông Tập tại địa phương, “các biểu ngữ chính trị trên đường phố cũng đã thay đổi nhiều, có những biểu ngữ là trích dẫn bài phát biểu của ông Tập trong chuyến thị sát tại Sán Đầu, khiến người ta có một loại cảm giác xu nịnh”.
Ông Ngô, một người dân khác ở Sán Đầu nói rằng, sau khi rời khỏi khu vực Triều – Sán, những nơi mà ông Tập đi qua như phố Bài Phường ở Triều Châu và nhà trưng bày văn hóa Khai Phụ của khu phố cổ ở Sán Đầu đã trở thành “điểm đến mới cho các hoạt động công đoàn, hoạt động xây dựng đảng của rất nhiều cơ quan, đơn vị”; trong thành phố cũng xuất hiện một số trích dẫn câu nói, biểu ngữ và chân dung của ông Tập Cận Bình.
Ngoài ra, trong một đoạn video được lan truyền trên mạng cho thấy, nơi mà ông Tập từng đứng phát biểu trên đường phố Sán Đầu đã được thay thế bằng viên gạch lớn được mạ vàng. Trên mặt của viên “gạch vàng” này còn ghi rõ thời gian ông Tập Cận Bình đứng ở đó: “17:00 ngày 13/10/2020”.
Ông Ngô nói với RFA rằng, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có hai lý do: Thứ nhất là kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập đã xác định vị thế “duy ngã độc tôn” của mình trong nội bộ ĐCSTQ; thứ hai là do các quan chức địa phương muốn phát triển ngành “du lịch đỏ” (khuyến khích khách du lịch đến các địa điểm có ý nghĩa cách mạng của ĐCSTQ) nên đã thúc đẩy “hiện tượng sùng bái cá nhân” đối với ông Tập Cận Bình.
Nhà bình luận thời sự Lưu Nhuệ Thiệu (Liu Ruishao) nói với tờ “Apple Daily” của Hồng Kông rằng có hai yếu tố dẫn đến hiện tượng sùng bái cá nhân đối với ông Tập Cận Bình ở địa khu Sán Đầu. Một là “trên có nhu cầu, dưới ắt làm theo”, ông Tập Cận Bình muốn được nghìn vạn người tôn thờ để củng cố “địa vị hạt nhân” của mình. Hai là các quan chức địa phương cũng nhận thấy rằng lãnh đạo có nhu cầu về phương diện này, nên cũng “thừa gió đẩy thuyền”, bởi sùng bái ông Tập Cận Bình vốn “không thiệt hại gì” cả, chỉ cần bỏ ra một chút vốn liếng mà có được sự đảm bảo về mặt chính trị, thậm chí ngày sau còn có thể thăng quan phát tài.
Ông Trần, người gốc Triều Châu hiện đang sống ở California, Hoa Kỳ, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng sự xuất hiện của ông Tập Cận Bình trên phố Bài Phường, Triều Châu đã mang đến rất nhiều bất tiện cho việc đi lại cho người dân địa phương. Kể từ đó, hiện tượng sùng bái cá nhân đối với Tập Cận Bình ở khu vực Triều – Sán khiến ông không khỏi phẫn nộ. Tuy nhiên, ông Lưu Nhuệ Thiệu tin rằng mặc dù việc sùng bái cá nhân này khiến người dân cảm thấy rất phản cảm, nhưng các quan chức ĐCSTQ đều xem thanh âm phản đối của người dân như “gió thoảng ngoài tai”, và tuyệt sẽ không thay đổi chính sách.