Tờ China Daily, một trong những cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng một bài báo có tiêu đề “Xóa bỏ chủ nghĩa cực đoan để trao cho phụ nữ Tân Cương thêm nhiều quyền tự quyết”. Bài báo cố gắng biện minh việc cưỡng bức triệt sản phụ nữ Duy Ngô Nhĩ như một quá trình giúp đạt được “bình đẳng giới và sức khỏe sinh sản”.
Bài báo viết:
“Trong quá trình xóa bỏ chủ nghĩa cực đoan, tâm trí phụ nữ Duy Ngô Nhĩ được giải phóng, bình đẳng giới và sức khỏe sinh sản được thúc đẩy, khiến họ không còn là những cỗ máy sinh đẻ nữa. Từ đó, phụ nữ luôn phấn đấu để trở nên khỏe mạnh, tự tin và độc lập”.
Trong cái gọi là “cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan” của ĐCSTQ mà thực chất là cuộc thanh lọc sắc tộc người Hồi giáo ở đại lục, phụ nữ sẽ ngừng muốn có gia đình đông con, bởi vì đó là một khái niệm hoặc hành vi mang màu sắc “chủ nghĩa cực đoan” của người Hồi giáo, theo nhận định của tờ China Daily.
Theo diễn giải của tờ Breitbart, bài viết của China Daily muốn ám chỉ rằng, “Hồi giáo khuyến khích mọi người có gia đình đông con và giờ đây khi người Duy Ngô Nhĩ đã được tái lập trình để coi chủ nghĩa Cộng sản như một đức tin thực sự của họ, thì người phụ nữ có ‘quyền tự chủ hơn khi quyết định có con hay không’”.
Phụ nữ Duy Ngô Nhĩ bị đe dọa bỏ tù hoặc tống vào trại lao động cưỡng bức nếu họ từ chối yêu cầu phá thai. Họ cũng bị buộc phải sử dụng các biện pháp tránh thai như đặt vòng hoặc phẫu thuật triệt sản.
Theo một báo cáo trên tờ The Guardian, một giáo viên người Duy Ngô Nhĩ tên là Qelbinur Sidik, đã kể lại việc một quan chức đã đe dọa khi gửi cho cô tin nhắn này trước khi cô về nhà để làm phẫu thuật triệt sản:
“Nếu có chuyện gì xảy ra, ai sẽ chịu trách nhiệm cho cô đây? Đừng đánh cược cuộc sống của mình, thậm chí đừng cố gắng thử làm điều đó. Những việc này không chỉ là về mình cô. Cô phải nghĩ đến những người thân trong gia đình và những người thân xung quanh. Nếu cô phản kháng chúng tôi trước cửa nhà và từ chối cộng tác, cô sẽ phải đến đồn cảnh sát và ngồi trên chiếc ghế kim loại!”
Cô Sidik kể lại rằng đã có hàng dài phụ nữ Duy Ngô Nhĩ chờ đợi tại phòng khám để được đặt vòng tránh thai, và họ phải trả tiền cho điều đó. Tuy nhiên, cô lưu ý rằng không có phụ nữ Hán nào – nhóm dân tộc chính ở Trung Quốc – tại đây.
Adrian Zenz là một nhà nghiên cứu người Đức từng làm bộ phim tài liệu về chính sách cưỡng bức triệt sản người Duy Ngô Nhĩ ở đại lục. Ông cho biết trong giai đoạn 2018 đến 2020, tỷ lệ sinh ở Tân Cương đã giảm xuống mức đáng báo động 84%, điều mà ông gọi là chính sách “tàn nhẫn”, “một phần của chiến dịch kiểm soát rộng hơn nhằm khuất phục người Duy Ngô Nhĩ”.
ĐCSTQ được biết đến với các chiến dịch tiêu diệt không chỉ các nhóm thiểu số mà còn các nhóm tôn giáo và tất cả những ai mà nó cho là mối đe dọa với sự cầm quyền của mình.
Vào tháng 7/1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động một chiến dịch nhằm tiêu diệt các học viên Pháp Luân Công. Trong chỉ thị của mình, ông kêu gọi các Đảng viên “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể” các học viên.
Những lời kể về các hành vi tra tấn mà các học viên Pháp Luân Công sống sót qua cuộc bức hại đã phải chịu là lời chứng cho một “hình thức tà ác mới chưa từng thấy trên hành tinh này”, theo lời luật sư nhân quyền người Canada David Matas.
Ông Matas đã thu thập các bằng chứng về việc cưỡng bức mổ cướp nội tạng của các học viên Pháp Luân Công còn sống để kiếm lợi nhuận, được thực hiện chủ yếu tại các bệnh viện quân đội Trung Quốc
Kể từ khi cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công bắt đầu, đã có ít nhất 4.609 trường hợp tử vong được ghi nhận. Tuy nhiên, do tình trạng kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt, con số thật ước tính cao hơn rất nhiều.