An Liên
Mỹ đã ký kết một thỏa thuận với Ecuador để đảo các khoản nợ Trung Quốc của họ, như một phần trong nỗ lực chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở khu vực Mỹ Latinh, theo The Epoch Times.
Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đã ký kết một thỏa thuận khung với chính phủ Ecuador vào ngày 14/1 để đảo các khoản nợ hiện có của họ với Trung Quốc và hỗ trợ các dự án phát triển của nước này trong tương lai. Đảo nợ được hiểu là vay một khoản nợ mới để trả một khoản nợ cũ. Đảo nợ cho phép thay thế một món nợ cũ bằng một khoản nợ mới với phân lời thấp hơn hoặc là thời hạn ngắn hạn (VD: từ 30 năm xuống 15 năm đối với thế chấp nhà).
DFC là một cơ quan chính phủ liên bang được thành lập vào tháng 12/2019 nhằm thúc đẩy các lợi ích chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển nhằm cạnh tranh với Trung Quốc.
Trong một cuộc họp báo sau khi ký kết thỏa thuận, Tổng thống Lenín Moreno của Ecuador cho biết:
“Thỏa thuận này nhằm cung cấp khoản tiền lên tới 3,5 tỷ USD để trả trước khoản nợ đắt đỏ và tái kích hoạt khu vực sản xuất”.
Là một phần trong thỏa thuận, Ecuador đã đồng ý tham gia “Mạng lưới sạch (Clean Network)” để loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi cơ sở hạ tầng viễn thông của mình.
Năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khởi động chiến dịch Mạng lưới sạch để bài trừ Huawei và các hãng viễn thông Trung Quốc khác khỏi các mạng không dây thế hệ thứ năm (5G) trên khắp thế giới. Cho đến nay, khoảng 60 quốc gia, đại diện cho hơn 2/3 tổng sản lượng kinh tế thế giới và 200 công ty viễn thông đã tham gia liên minh này.
“Thỏa thuận khung này cho phép DFC xúc tiến hỗ trợ các dự án đảo nợ trước thời hạn của Trung Quốc và giúp Ecuador cải thiện giá trị các tài sản chiến lược của mình”, Giám đốc điều hành của DFC, Adam Boehler cho biết trong một tuyên bố vào ngày 14/1.
“Chúng tôi tự hào hợp tác với Ecuador để thúc đẩy dự án quan trọng và chiến lược này với một đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ ở Tây Bán cầu”.
Quan hệ thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thập niên qua.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Trung Quốc đã tiếp cận nhiều chính phủ các nước Mỹ Latinh để đề nghị xây dựng và cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng tại nước sở tại đổi lấy việc cắt đứt quan hệ với Hoa Kỳ. Nhiều quốc gia đã đồng ý, và hiện đang phải gồng lưng gánh các khoản vay lãi suất cao của Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cũng đã gia tăng dấu ấn của họ trong khu vực.
“Các công ty Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Alibaba và BYD đang nhanh chóng mở rộng hoạt động ở Mỹ Latinh và Caribe. Riêng gã khổng lồ Trung Quốc Tencent đang trở thành nguồn cung tài chính mới nổi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương”, báo cáo ngày 19/1 của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ cho biết.
Báo cáo nêu rõ, Bắc Kinh cũng đang cố gắng gia tăng sức ảnh hưởng của mình đối với dư luận bằng cách hợp tác với các hãng truyền thông địa phương chèn quan điểm của Bắc Kinh vào nội dung nghị sự của họ.
Thời báo New York đưa tin, vào năm 2018 Ecuador lúc đó đang phải cố gắng trả các khoản vay trị giá 19 tỷ USD từ Trung Quốc để xây dựng một con đập gây tranh cãi cùng các dự án xây cầu, đường cao tốc, thủy lợi …
Bất chấp những khoản nợ tiềm ẩn nhiều rủi ro, Ecuador cũng đã tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc vào tháng 12/2018. Nước này ngay lập tức vay thêm 900 triệu USD từ Trung Quốc và nhận hơn 69 triệu USD để tái thiết và 30 triệu USD hỗ trợ không hoàn lại.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã dụ nhiều nước rơi vào bẫy nợ thông qua BRI, một trong những chương trình phát triển tham vọng và gây tranh cãi nhất thế giới. Kể từ khi ra mắt vào năm 2013, BRI đã rót hàng tỷ đô la vào các quốc gia mới nổi để giúp xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Cho đến nay, 18 quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe đã tham gia BRI.
Bắc Kinh có kế hoạch tăng gấp đôi thương mại song phương với các nước Nam Mỹ lên 500 tỷ USD vào năm 2025 và tăng đầu tư BRI vào khu vực này lên 250 tỷ USD.
Năm ngoái, Washington đã chỉ trích Bắc Kinh lợi dụng đại dịch để tiếp tục mở rộng sức ảnh hưởng địa chính trị của mình thông qua các hoạt động cho vay “mang tính săn mồi”.
Hầu hết các dự án BRI được tài trợ thông qua các tổ chức cho vay do nhà nước Trung Quốc kiểm soát một cách thiếu minh bạch, khiến các quốc gia đi vay gặp khó khăn bởi gánh nặng nợ lớn. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã bị chỉ trích vì đặt “bẫy nợ” hòng chiếm quyền kiểm soát các tài sản chiến lược ở các nước mới nổi.
Ông Boehler mô tả thỏa thuận này là một “mô hình mới” nhằm loại bỏ Trung Quốc khỏi các nước Nam Mỹ.
Theo thỏa thuận, DFC sẽ hợp tác với các tổ chức tài chính tư nhân khác để giúp tạo ra một phương tiện mua đặc biệt nhằm mua lại các tài sản cơ sở hạ tầng và dầu mỏ từ chính phủ Ecuador. Với số tiền thu được, chính phủ Ecuador sẽ có thể trả nợ Trung Quốc sớm hơn thỏa thuận trước đó, theo Financial Times.
DFC thông báo họ sẽ xem xét tài trợ cho các dự án phát triển trong tương lai ở Ecuador sau một “quá trình thẩm định sâu rộng”.
“Theo khuôn khổ, có khoảng 2,8 tỷ USD sẵn sàng duyệt chi cho các dự án”, DFC tuyên bố.
Trong lời khai trước Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ – Trung Quốc vào tháng 2/2020, Cynthia Watson, trưởng khoa các vấn đề học thuật tại Đại học Chiến tranh Quốc gia, cho biết “mối quan tâm của Trung Quốc ở khu vực Mỹ Latinh là bảo đảm khả năng tiếp cận lâu dài với nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và lương thực sở tại” cũng như “gia tăng các liên kết ngoại giao để hỗ trợ vai trò mới nổi của Bắc Kinh là nhà lãnh đạo toàn cầu”.
Bắc Kinh cũng muốn xóa bỏ “sự công nhận ngoại giao còn lại đối với Đài Loan” của các nước trong khu vực và tiếp tục “tham vọng của Trung Quốc trong việc thay thế Hoa Kỳ trở thành cường quốc hải ngoại chủ chốt trong các mối quan hệ lâu dài [đa phương]”, bà nói.