An Liên
Liên Hợp Quốc cảnh báo: Năm 2021, toàn cầu sẽ xảy ra hai thảm hoạ lớn, số người đói sẽ tăng mạnh. ĐCSTQ chính thức nhấn mạnh Trung Quốc không có khủng hoảng lương thực, nhưng các con số cho thấy Trung Quốc thiếu lương thực cho 252 triệu người, và câu hỏi đặt ra là ai có thể cứu Trung Quốc trong tình huống nạn đói xảy ra?
Tác giả Lý Hiểu Đồng, Viện Kinh tế Tài chính đã có bài phân tích trên Epoch Times về viễn cảnh mà Trung Quốc phải đối mặt với nạn đói trong năm 2021. Dưới đây chúng tôi xin gửi tới quý độc giả phần chuyển ngữ bài viết của ông.
Hiện nay, virus Vũ Hán đã quay trở lại nhiều vùng ở Trung Quốc. Với dịch bệnh hoành hành, vấn đề an ninh lương thực thảo luận năm ngoái đã được quan tâm trở lại. Vào năm 2020, đã có một số sự kiện lớn ảnh hưởng đến sản xuất lương thực của Trung Quốc. Ví dụ, trong những tháng sau khi dịch bệnh bùng phát vào năm 2020, một số lượng lớn sâu keo mùa thu xuất hiện nhiều nơi ở miền nam Trung Quốc, trong khi vùng Đông Bắc Trung Quốc phải hứng chịu dịch bệnh khi gieo trồng vụ xuân, và lũ lụt hoành hành ở phía nam.
Trong hoàn cảnh như vậy, ĐCSTQ luôn nhấn mạnh rằng không có khủng hoảng lương thực ở Trung Quốc. Vào cuối năm ngoái, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố tổng sản lượng lương thực năm 2020 tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù các quan chức nói như vậy, nhưng vào đầu tháng 12/2020, trong tình hình xung đột Trung-Ấn vẫn chưa được giải quyết, ĐCSTQ đã chính thức mua 100.000 tấn gạo từ Ấn Độ một cách bất thường. Các quan chức ngành lương thực Ấn Độ khẳng định đây là lần đầu tiên Trung Quốc nhập khẩu gạo từ Ấn Độ trong 30 năm qua.
ĐCSTQ thường xuyên nói dối. Nhìn lại thời điểm năm 1958, khi Mao Trạch Đông tiếp Khrushchev đến thăm Trung Quốc, ông ta tỏ vẻ lo lắng hỏi Khrushchev, tôi phải làm gì nếu Trung Quốc có quá nhiều lương thực? Nhưng ngay sau đó lời nói dối của Mao đã bị phanh phui khi Trung Quốc bước vào thời kỳ thiếu lương thực trầm trọng.
Vào cuối năm ngoái, nhiều phương tiện truyền thông Đại lục đã đưa tin về một bài báo được gọi là cảnh báo thảm hoạ. Bài báo dẫn lời cảnh báo của Liên hợp quốc: Thế giới có thể đối mặt với hai siêu thảm họa vào năm 2021 khiến ai cũng lo ngại. Thảm hoạ thứ nhất chính là đại dịch COVID-19, thảm hoạ thứ hai là số người đói trên toàn thế giới sẽ tăng lên 270 triệu người vào năm 2021. Câu hỏi đặt ra là là liệu người dân Trung Quốc (chiếm khoảng 1/5 dân số thế giới) có thể tránh khỏi nạn đói như cảnh báo của LHQ hay không?
Có một số manh mối cho phép nhìn ra câu trả lời cho câu hỏi này. Trong số đó có một số tín hiệu mà phát đi từ ĐCSTQ trong vài tháng qua.
Tập Cận Bình: ‘Đảng và chính phủ có trách nhiệm như nhau’ về an ninh lương thực
Vào ngày 29/12/2020, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã đưa ra một số yêu cầu về an ninh lương thực tại Hội nghị Công tác nông thôn, bao gồm “giữ vững thế chủ động về an ninh lương thực” và “bảo vệ nghiêm ngặt ranh giới đỏ 1,8 tỷ mẫu đất canh tác”. “Các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương cần gánh vác trách nhiệm chính trị về an ninh lương thực, đảng bộ và chính quyền cùng chịu trách nhiệm”, v.v. Đây là lần đầu tiên chính quyền ĐCSTQ đặt ra vấn đề “trách nhiệm của đảng và chính phủ” đối với an ninh lương thực.
Đồng thời, các phương tiện truyền thông Đại lục cũng cho lan truyền một thông điệp rằng năm 2020 Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thương mại và chuỗi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như ngũ cốc, và nguồn cung trên thị trường quốc tế không chắc chắn sẽ gia tăng. Nếu vấn đề tiếp tục phát triển sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực của đất nước.
Từ những tín hiệu này, không khó để thấy được sự căng thẳng và lo lắng của ĐCSTQ về “vấn đề an ninh lương thực”.
Hạn chế chuyển đối đất nông nghiệp
Ngày 17/11/2020, Tổng Văn phòng Quốc vụ viện ĐCSTQ đã ban hành văn bản yêu cầu “ngăn chặn việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng khác, đồng thời cũng ngăn sử dụng đất nông nghiệp dùng trồng lúa, lúa mì chuyển sang trồng các loại cây kinh tế khác như rau, bông”.
Kể từ năm 1978, ĐCSTQ đã cho phép nông dân lựa chọn cây trồng mà họ muốn, nhưng giờ đây, nông dân được yêu cầu phải đảm bảo trồng các loại lương thực chính. Do đó, tài liệu này tiết lộ một số thông tin bất thường. Một mặt, có những mối nguy tiềm ẩn trong nguồn cung cấp lương thực chính của Trung Quốc. Mặt khác, nó cũng cho thấy diện tích đất canh tác của Trung Quốc đã sụt giảm nghiêm trọng.
Trong quá trình sa mạc hóa và sự thúc đẩy đô thị hóa của ĐCSTQ, đất canh tác của Trung Quốc vốn đã rất eo hẹp, và để đảm bảo hiệu suất sử dụng đất cũng dẫn đến sự suy giảm chất lượng đất. Đồng thời, hệ thống đăng ký hộ khẩu phân biệt đối xử của ĐCSTQ cũng đã khiến ngày càng nhiều người dân nông thôn không còn làm nông nghiệp mà chuyển đến các thành phố để kiếm sống.
Vào tháng 8/2020, ĐCSTQ chính thức công bố Báo cáo Phát triển Nông thôn Trung Quốc, dự đoán rằng đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa trên toàn Trung Quốc sẽ đạt 65,5%. Người ta ước tính một cách thận trọng rằng dân số thành thị mới, đến từ các vùng nông thôn, sẽ vượt quá 80 triệu người. Do đó, tỷ lệ người dân làm nông nghiệp của cả nước sẽ giảm xuống còn khoảng 20%.
Việc giảm diện tích đất canh tác, và với ít người canh tác hơn cũng là những lý do quan trọng khiến ĐCSTQ phải lo lắng về an ninh lương thực.
Trung Quốc có dự trữ lương thực không đạt chuẩn
Mặc dù ĐCSTQ đã nỗ lực để nhấn mạnh rằng tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Trung Quốc là cao, khẳng định hai loại lương thực chính gồm gạo và lúa mì của Trung Quốc là hoàn toàn tự cung tự cấp và tỷ lệ tự cung cấp ngũ cốc vượt quá 95%, nhưng thực tế không phải như vậy.
Trước hết, chúng ta phải hiểu rằng tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực và tỷ lệ tự cung tự cấp ngũ cốc không phải cùng một khái niệm. Lương thực không chỉ có hai loại ngũ cốc là gạo và lúa mì, mà còn có đậu nành, ngô và nhiều loại ngũ cốc khác, chẳng hạn như lúa miến, yến mạch, v.v. Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia của ĐCSTQ công bố vào tháng 12/2018, tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Trung Quốc là khoảng 82,3%. Tiêu chuẩn an ninh lương thực thế giới do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc đưa ra là gì? Tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực phải đạt 90%, lương thực này bao gồm tất cả các loại ngũ cốc chính như đậu nành và ngô, v.v. Nói cách khác, theo tiêu chuẩn này, khoảng cách dự trữ lương thực của Trung Quốc còn kém so với chuẩn là 7,7%.
Chuyên gia kinh tế Trung Quốc Hà Thanh Liên từng công bố một bài phân tích rằng ĐCSTQ chính thức nhấn mạnh đến khả năng tự cung tự cấp ngũ cốc là 95%, có vẻ cao hơn tiêu chuẩn an ninh lương thực của thế giới là 90%. Nhưng trên thực tế, khái niệm tự cung tự cấp đã được thay đổi một cách bí mật, thực chất đây là hai chỉ số khác nhau. Hơn nữa, theo tiêu chuẩn an ninh lương thực của thế giới, mức thiếu lương thực của Trung Quốc tương đương với mức lương thực mà 252 triệu người cần. Đây là một con số rất lớn.
Trung Quốc đứng đầu về lãng phí thực phẩm và tham nhũng
Trung Quốc chính thức trở thành nhà nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới từ năm 2014. Không chỉ nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới, theo dữ liệu từ Học viện Khoa học Trung Quốc vào tháng 9/2020, chất thải thực phẩm của Trung Quốc cũng lớn nhất thế giới. Chất thải thực phẩm hàng năm của Trung Quốc là khoảng 135 triệu tấn, gần một phần ba tổng lượng chất thải thực phẩm của thế giới.
Vào tháng 8 năm ngoái, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin việc ông Tập Cận Bình chỉ trích mạnh mẽ sự lãng phí thực phẩm của Trung Quốc và yêu cầu bảo tồn lương thực. People’s Daily Online cũng kêu gọi tăng cường luật pháp để ngăn chặn lãng phí thực phẩm. Vì vậy, việc ông Tập Cận Bình nhấn mạnh vào việc tiết kiệm lương thực có thể là vì khan hiếm lương thực.
Nhà kinh tế Trung Quốc Đoàn Thiệu Dịch từng phân tích rằng ĐCSTQ lo ngại rằng một khi quốc tế ngừng xuất khẩu lương thực cho Trung Quốc, hoặc nước ngoài tăng thuế xuất lương thực, sẽ khiến giá lương thực của Trung Quốc tăng mạnh và Trung Quốc sẽ thiếu lương thực. Đoàn Thiệu Dịch cũng nói rằng mặc dù chính quyền Trung Quốc đã xây dựng nhiều kho lương thực, nhưng không có lương thực nào trong các kho này. Mười năm trước, Thủ tướng Chu Dung Cơ đã đến kiểm tra kho lương thực, kết quả là không có lương thực nào trong kho, các chính quyền địa phương đã báo cáo sai sự thật.
Nhiều cư dân mạng cho biết, một số kho lương đã bí mật bán lương thực cho các công ty chế biến lương thực, và để đối phó với thanh kiểm tra, họ đã chuyển lương thực từ một kho khác đến, thực chất đó là một lô lương thực được chuyển đi lòng vòng.
Những năm gần đây, các vụ cháy kho lương thực đã xảy ra ở nhiều vùng của Trung Quốc, một người đã làm việc ở kho lương thực nhiều thập kỷ tiết lộ rằng kho lương thực sẽ không bắt lửa trong điều kiện bình thường, ngay cả khi bị chập điện, tường và mái của kho đều là vật liệu khó cháy. Vị này cũng cho rằng, những đám cháy này chắc chắn do chính quyền địa phương đốt bằng xăng, họ lo sợ bị kiểm tra vì trong kho không có lương thực. Sự thật được tiết lộ từ người trong cuộc khiến người ta hiểu được tại sao trong nhiều năm qua, cứ mỗi lần Quốc vụ viện Trung Quốc ra thông báo kiểm tra kho lương thực của cả nước, các kho lương thực trên toàn Trung Quốc lại bốc cháy.
Ngoài ra, kho dự trữ lương thực quốc gia Trung Quốc đã trở thành một nguồn tham nhũng lớn, và nhiều quan chức phụ trách các kho lương thực đã bị phanh phui hành vi này.
Ai sẽ nuôi Trung Quốc?
Ngay từ năm 1994, nhà kinh tế học người Mỹ Lester Brown đã từng xuất bản một báo cáo có tên “Who will feed China” (Ai sẽ nuôi Trung Quốc). Báo cáo chỉ ra rằng tình trạng thiếu lương thực của Trung Quốc ngày càng trở nên trầm trọng, đất canh tác bị xói mòn và phá hủy do quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng. Báo cáo dự đoán rằng với sự gia tăng dân số, vào đầu thế kỷ 21, để nuôi sống hơn một tỷ người, Trung Quốc có thể cần nhập khẩu một lượng lớn lương thực từ nước ngoài. Điều này có thể làm tăng giá cũng như ảnh hưởng đến việc cung cấp và sản xuất lương thực của thế giới.
Năm 2012, tờ “Financial Times” của Anh đã đăng một bài báo với tiêu đề “China on a cereal buying spree” (Trung Quốc trở thành một khách hàng lớn trên thị trường lương thực toàn cầu), bài báo cho rằng ngay từ hơn 30 năm trước, Trung Quốc đã bắt đầu bước vào thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và phải đối mặt với một lời cảnh báo tiên tri: Nhu cầu lương thực ngày càng tăng của Trung Quốc có thể gây ra tình trạng thiếu lương thực trên toàn thế giới. Bài báo cũng trích lời các quan chức nông nghiệp của ĐCSTQ vào thời điểm đó nói rằng Trung Quốc chắc chắn có thể tăng nhập khẩu ngũ cốc và hạt có dầu.
Nhập khẩu lương thực tăng vọt vào năm 2020
Vậy trong đại dịch năm 2020, nhập khẩu nông sản của Trung Quốc như thế nào? Chúng ta hãy nhìn vào các số liệu chính thức của Trung Quốc.
Theo số liệu chính thức do Hải quan Trung Quốc công bố vào cuối năm 2020, về ngũ cốc, nhập khẩu ngô đạt 1,23 triệu tấn trong tháng 11, tăng 1142,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng ngô nhập khẩu lũy kế hàng năm từ tháng 1 đến tháng 11 là 9,04 triệu tấn, tăng 122,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu lúa mì trong tháng 11 là 800.000 tấn, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm ngoái và nhập khẩu lũy kế hàng năm là 7,49 triệu tấn, tăng 150,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu lúa mạch trong tháng 11 là 1,11 triệu tấn, tăng 170,7% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu lũy kế hàng năm là 7,1 triệu tấn, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kể từ tháng 4/2020, Bộ Thương mại Trung Quốc vẫn tuyên bố rằng ba kho lương thực chính của Trung Quốc là ngô, lúa mì và gạo có thể hoàn toàn tự cung tự cấp, không nhập khẩu sẽ không dẫn đến thiếu hụt nguồn cung lương thực trong nước. Nhưng việc nhập khẩu tăng nhanh cho thấy không phải như vậy, ĐCSTQ đã lo lắng về tình trạng thiếu lương thực.
Bên cạnh đó, đậu tương, cao lương, thịt lợn, thịt bò, đường… lượng nhập khẩu rõ ràng đang có xu hướng tăng lên vài lần hoặc hàng chục lần.
Vì vậy, có vẻ như ĐCSTQ tuyên truyền cho người dân rằng không thiếu lương thực và không cần tích trữ lương thực. Nhưng đó đơn giản là họ đang cố gắng che giấu sự sợ hãi về thực trạng đang diễn ra.
Những thách thức về an ninh lương thực của Trung Quốc năm 2021
Trung Quốc quá phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực, nhưng thị trường quốc tế hiện tại không mấy lạc quan. Vào tháng 3/2020, sau khi bùng phát đại dịch Covid trên toàn cầu, nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới bắt đầu đóng cửa hải quan, bao gồm Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu lương thực. Đồng thời, giá lương thực quốc tế cũng tăng mạnh, theo số liệu do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) công bố vào tháng 12/2020, trong tháng 11, giá lương thực thế giới đã tăng tháng thứ sáu liên tiếp. Chỉ số giá cả tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước những thách thức về lương thực toàn cầu, Trung Quốc là nước nhập khẩu lương thực lớn nhất, chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn. Đầu năm 2019, Viên Long Bình, một chuyên gia về lúa lai nổi tiếng ở Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với các phương tiện truyền thông chính thức rằng lương thực của Trung Quốc không đủ. Nếu các nước khác không xuất khẩu lương thực, vậy sẽ rất rắc rối và chúng ta sẽ đối diện với nạn đói.
Nhà tiên tri nổi tiếng ở thế kỷ 16 Nostradamus đã tiên đoán trong sách “Thế kỷ” rằng trái đất sẽ gặp nạn đói lớn vào năm 2021 với quy mô là chưa từng có, phần lớn dân số thế giới sẽ không thể giải quyết vấn đề này.
Nhà tiên tri người Anh Hamilton Parker, người đã dự đoán thành công Tổng thống Trump đắc cử năm 2016. Trong dự đoán của mình cho năm 2021, ông cũng đề cập rằng thế giới sẽ đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và thất nghiệp trầm trọng vào năm 2021.
Như có câu nói, đề phòng là cách duy nhất để chuẩn bị. May mắn thay, người dân Trung Quốc từ lâu đã học cách hiểu ngược lại các tuyên truyền khác nhau của ĐCSTQ, và có lẽ họ đã tự tìm ra phương án phòng bị để tự cứu mình.