Biden lên, 3 công ty Trung Quốc yêu cầu dỡ bỏ quyết định hủy niêm yết

Hải Lam

Ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden trong một cuộc gặp (ảnh: Từ video của Bloomberg Politics)

Ba công ty viễn thông thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc nằm trong kế hoạch bị hủy niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York đã nhân cơ hội Joe Biden nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ để yêu cầu hủy bỏ quyết định này. Trước đó, nhiều công ty Trung Quốc có quan hệ với ĐCSTQ đã bị xử phạt dưới chính quyền cựu Tổng thống Trump.

Theo báo cáo của The Wall Street Journal, ba công ty viễn thông lớn của Trung Quốc bao gồm, China Mobile, China Unicom và China Telecom đã đệ đơn yêu cầu Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) thu hồi quyết định hủy bỏ niêm yết cổ phiếu tại Mỹ của họ. Những yêu cầu này được đưa ra vài giờ sau khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống.

Trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, Tân Tổng thống Biden đã ký 15 lệnh hành pháp, đảo ngược một số chính sách quan trọng của cựu Tổng thống Trump, trong đó không bao gồm lệnh hành pháp liên quan đến ba công ty viễn thông nhà nước lớn của Trung Quốc.

Ba công ty này đều là các doanh nghiệp bán quốc doanh của Trung Quốc hoặc các công ty con nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của các doanh nghiệp nhà nước.

Ngày 21/1, ba công ty viễn thông nói rằng họ hoạt động theo luật pháp và quy định, đồng thời tuân thủ các quy tắc niêm yết và các yêu cầu quản lý. Theo quy định niêm yết của Sở giao dịch chứng khoán New York, yêu cầu xem xét lại của họ phải được hoàn thành trong vòng 25 ngày làm việc.

Ngay từ tuần đầu tiên của tháng 1, Sở giao dịch chứng khoán New York đã có kế hoạch đảo ngược quyết định hủy niêm yết ba công ty viễn thông lớn nhất của Trung Quốc, sau khi tham vấn với các cơ quan quản lý về lệnh cấm đầu tư gần đây của Hoa Kỳ.

Kế hoạch hủy niêm yết trước đó của NYSE tuân theo lệnh của chính phủ Hoa Kỳ, được cựu Tổng thống Trump ký vào tháng 11 năm ngoái, buộc các thực thể Mỹ không đầu tư vào các công ty nằm trong danh sách đen mà chính phủ Hoa Kỳ cho rằng họ cung cấp và hỗ trợ cho các dịch vụ quân sự, tình báo và an ninh Trung Quốc.

Lệnh cấm giao dịch yêu cầu các nhà đầu tư phải thoái vốn khỏi các công ty Trung Quốc trong danh sách đen trước ngày 11/11.

Danh sách đen hiện bao gồm 44 công ty Trung Quốc trong các lĩnh vực năng lượng, hàng không, vận tải và công nghệ.

Vào ngày 15/1, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thêm công ty Xiaomi của Trung Quốc vào danh sách đen các công ty hỗ trợ cho quân đội Trung Quốc. Theo lệnh hành chính do cựu Tổng thống Trump ban hành, điều này có nghĩa là các nhà đầu tư Mỹ sẽ không thể mua cổ phiếu của công ty Xiaomi sau 60 ngày và họ có một năm để bán cổ phiếu hiện có.

Ngày 22/1, theo một báo cáo của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, giáo sư Jesse Fried của Trường Luật Harvard cho rằng, NYSE khó có khả năng thu hồi quyết định hủy niêm yết ba công ty viễn thông lớn của Trung Quốc.

Quách Á Phu, chủ tịch của công ty quản lý tài sản Thiên Kiêu ở New York cho biết: “NYSE không nên phản hồi trong thời điểm hiện tại”. Ông nói rằng, các nhà đầu tư không thích sự không chắc chắn nhất, “bởi vì các cổ phiếu sắp bị hủy niêm yết đã giảm khủng khiếp ở Hồng Kông”, và “ngay cả khi nó đảo chiều trong tương lai, nhiều nhà đầu tư sẽ không nhất thiết đầu tư vào các công ty này nữa”.

Ngày 18/1 năm ngoái, cựu Tổng thống Trump đã ký “Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài” sau khi Thượng viện và Hạ viện nhất trí thông qua. Đạo luật này quy định rằng, các cổ phiếu có nền tảng thuộc các công ty Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ khi chưa vượt qua cuộc kiểm toán của các cơ quan quản lý Mỹ trong ba năm liên tiếp sẽ bị cấm tại Hoa Kỳ.

Cổ phiếu có nền tảng thuộc các công ty Trung Quốc là các cổ phiếu của các công ty có thành phần chính là tài sản hoặc doanh thu ở Trung Quốc đại lục.

Ủy ban giám sát kế toán công ty đại chúng tại Mỹ (PCAOB) từ lâu đã phàn nàn rằng, Trung Quốc đã không thực hiện các yêu cầu trong bản ghi nhớ và không chấp nhận những yêu cầu cung cấp thông tin của phía Mỹ khi họ thiếu thông tin về việc kiểm toán các công ty Trung Quốc giao dịch trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ.

Related posts