Tâm Thanh
Cảnh sát Úc đang chuẩn bị dẫn độ Tạ Chí Lạc (Tse Chi Lop), một người Canada gốc Hoa vừa bị bắt ở Hà Lan với cáo buộc đã đưa khoảng 70% lượng ma túy vào Úc, The Sydney Morning Herald đưa tin.
Tờ The Sudney Morning Herald cho biết, theo các nguồn tin cảnh sát, tài liệu của tòa án và tài liệu rò rỉ từ sòng bạc Crown ở Úc, Tạ Chí Lạc là nghi phạm ma túy quan trọng nhất mà cảnh sát nhắm mục tiêu trong 20 năm qua. Tổ chức The Company của Tạ đã sử dụng những sơ hở của sòng bạc Crown ở Úc để rửa tiền. Có thông tin cho rằng, các thành viên của tổ chức này cũng đang đầu tư vào dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn “Một vành đai – một con đường” của ĐCSTQ.
Cảnh sát cho biết, Tạ Chí Lạc sinh năm 1964 ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đã là thành viên của hội Tam hoàng trước khi anh ta nhập cư vào Canada trong những năm 1980.
Năm 1996, Tạ Chí Lạc đã bị FBI bắt vì có liên quan đến một nhóm buôn bán ma túy giữa Hoa Kỳ với khu vực Tam giác vàng châu Á. Sau đó, anh ta bị phạt tù 9 năm.
Theo thông tin tình báo từ cảnh sát, sau khi Tạ ra tù, thành viên hội Tam hoàng này tiếp tục liên lạc và phát triển mối quan hệ với các thủ lĩnh băng đảng 14K của Doãn Quốc Câu. Tờ Sydney Morning Herald cho hay, trùm xã hội đen Doãn Quốc Câu là một cộng sự thân thiết của Tạ Chí Lạc.
Điều đáng chú ý là, tháng 12 năm ngoái, chính quyền cựu Tổng thống Trump đã liệt Doãn Quốc Câu vào danh sách đen trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu (Global Magnitsky Act). Đồng thời, Bộ Tài chính Hoa Kỳ tuyên bố, Doãn Quốc Câu là thành viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) của ĐCSTQ và đã lợi dụng dự án “Vành đai và Con đường” của chính quyền Trung Quốc để hợp pháp hóa các hoạt động tội phạm của mình. Sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận cáo buộc này.
Bộ trưởng Tư pháp của Úc Christian Porter đã từng yêu cầu chính phủ Đài Loan phối hợp trong trường hợp Tạ Chí Lạc tới quốc đảo lẩn trốn. Trong suốt năm 2019, các công tố viên của chính phủ Úc đã bận rộn thu thập bằng chứng xoay quanh ông trùm ma túy này.
Mới đây, chính quyền Đài Loan đã hủy visa của Tạ Chí Lạc và trục xuất anh ta. Ngày 22/1, Tạ Chí Lạc lên chuyến bay đến Canada với điểm dừng chân ở Hà Lan. Tuy nhiên, anh ta đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ theo yêu cầu của cảnh sát Úc ngay khi hạ cánh xuống Hà Lan.
Được biết, ngay từ năm 2015, Tạ Chí Lạc đã bị các cơ quan chống ma túy trên thế giới theo dõi.
Một cuộc họp báo năm 2012 của Ủy ban chống Tội phạm Úc (ACC) cho biết, các thành viên của The Company do Tạ Chí Lạc kiểm soát đã thiết lập một mạng lưới quan hệ rộng rãi với nhiều chính phủ và doanh nghiệp hợp pháp để giúp họ che đậy các hoạt động tội phạm của mình.
The Company của Tạ đã thâm nhập vào các cơ quan chính phủ và cơ quan an ninh của các quốc gia khác nhau. Tổ chức này có mối liên hệ với các quan chức cấp cao của nhiều chính phủ ở châu Á và người thân của họ, bao gồm cả một quan chức ĐCSTQ từng làm việc với tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế.
Một báo cáo do tổ chức khủng hoảng Quốc tế (ICG) đưa ra năm ngoái tuyên bố rằng, việc buôn bán ma túy của Tạ sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự trợ giúp của các quan chức tham nhũng cấp cao ở Trung Quốc, Lào và Thái Lan.
Vào năm 2019, Tạ Chí Lạc thậm chí còn lấy được một tài liệu tuyệt mật từ liên bang Úc, trong đó có cảnh báo rằng Tạ Chí Lạc là mục tiêu truy bắt hàng đầu của cảnh sát.
Năm ngoái, Phó Ủy viên cảnh sát liên bang Úc – Karl Kent đã gọi The Company là “mối đe dọa lớn ở Úc” trong chương trình Nine Channel. Ông cho rằng, đây không chỉ là mối đe dọa từ ma túy, mà còn là mối đe dọa về nạn buôn người và vũ khí. Ông nhấn mạnh rằng, lợi nhuận khổng lồ của tổ chức này thậm chí còn vượt quá tổng giá trị sản xuất quốc nội của một số quốc gia.