Nguyễn Thành Việt
Trùng Dương dịch
Giữa những lá cờ Hoa Kỳ bay phất phới trong buổi tập hợp của Tổng thống Trump tuần qua [sáng ngày 6 tháng Giêng], tiếp theo là trong cuộc tuần hành tới Điện Capitol của đoàn người ủng hộ ông, người ta thấy một sự khác thường: đó là có một lá cờ của một nước khác, một quốc gia chỉ còn tồn tại trong ký ức và tưởng tượng, đó là Việt Nam Cộng Hòa. Lá cờ đặc biệt này có mầu vàng rực rỡ với ba gạch ngang mầu đỏ. Những người Mỹ thuộc thế hệ chiến tranh hẳn còn nhớ lá cờ này. Không có gì ngạc nhiên khi thấy cờ Nam Việt Nam trong cuộc nổi dậy bất thành chống lại nền dân chủ Mỹ, song đó vẫn gợi một nỗi thất vọng. Những người Mỹ gốc Việt cấp tiến khi nhìn thấy lá cờ vàng tại cuộc tập hợp đã lên tiếng kết án điều mà họ cho là một xúc phạm đối với lá cờ này khi nó xuất hiện bên cạnh cờ Confederate [của quân ly khai trong thời Nội chiến Hoa Kỳ].
Làm thế nào mà lá cờ này lại có mặt ở đấy? Tại sao một lá cờ của một quốc gia khác lại được nhận cho vào đoàn diễn hành mà phần lớn là những người Da Trắng tự nhận là những người Mỹ yêu nước? Vài lá cờ quốc gia khác cũng góp mặt, nhưng là biểu tượng hiển nhiên của các nhóm quốc gia cực đoan. Những người Việt gốc Mỹ lại đặc biệt lớn tiếng biểu tỏ lòng ngưỡng mộ đối với ôngTrump, và tại cuộc tập hợp này cũng như tại những buổi mít-tinh khác nhằm hỗ trợ ông, vẫn thường có sự hiện diện của lá cờ này. Tại Mỹ, người quốc gia da trắng và người Việt quốc gia cùng chung một hoàn cảnh: đó là niềm luyến tiếc có tính cực đoan đối với quê hương và chính nghĩa đã mất.
Tôi nhớ lần tôi tới diễn thuyết tại một trường đại học ở South Carolina khoảng hai năm trước. Tôi chưa hề đặt chân tới tiểu bang này, và cũng chỉ thỉnh thoảng ghé thăm Miền Nam [nước Mỹ], thường là tại các thành phố lớn, vì thế tôi lo ngại không biết bài nói chuyện về chiến tranh Việt Nam và hồi tưởng của tôi sẽ được đón nhận ra sao. Hiển nhiên là tôi có định kiến về Miền Nam [nước Mỹ]; không may là người đầu tiên đặt câu hỏi – một ông Da trắng có bộ râu rậm rạp – đã chứng nhận định kiến đó. Ông hỏi: “Ông có biết là chúng tôi cũng tham chiến trong một cuộc chiến ở đây và sau khi chúng tôi thua, chúng tôi cũng bị chiếm đóng sau đó? Chúng tôi cũng là nạn nhân, như dân tộc của ông vậy.”
Ý ông ta muốn nói là hai Miền Nam, một của Mỹ và một của Nam Việt Nam, nơi tôi ra đời. Đúng vậy, cả hai cùng bị đánh bại trong hai cuộc nội chiến. Tôi có gợi ý với ông là tuy cả hai cùng là nạn nhân ở một nghĩa nào đó, song các cuộc chiến này đều có các nạn nhân khác, và trong trường hợp của người Da đen thì cảnh ngộ khốn khổ của họ nặng nề hơn những gì đã xảy ra cho người Da trắng Miền Nam. Sau đó ông bảo tôi là ông sẽ ra ứng cử vào một chức vụ chính trị. [Cơ hội này hẳn nhiên là người bên thua cuộc của Miền Nam VN đã không bao giờ có được. – diễn nghĩa của người dịch – dncnd]
Quan điểm của ông nghe khá quen thuộc, bởi vì tôi đã lớn lên với cái thế giới có quan điểm song hành đó trong cộng đồng Việt tỵ nạn, nơi nhiều người sống trong tâm trạng là nạn nhân của kẻ thù cộng sản. Sự sôi nổi của tâm trạng này khiến họ hầu như không thể nhìn nhận là thế giới không chỉ đơn giản có hai cực: ta đối lại họ, chống cộng đối lại cộng sản, tốt đối lại xấu, nạn nhân đối lại thủ phạm. Trong một thế giới quan như vậy, hòa giải với kẻ thù là việc không thể có. Quá khứ không quên được. Cuộc chiến chưa chấm dứt. Cuộc tranh đấu còn tiếp tục, và lần tới, có thể là chiến thắng. Chất vấn về niềm tin thần thánh đó là một việc không thể được.
Tinh thần chống cộng ăn sâu trong cộng đồng Việt hải ngoại, trong đó gồm nhiều cựu chiến binh và viên chức của chính quyền cũ, khiến họ luôn nghiêng mạnh về phía đảng Cộng hòa. Người Mỹ gốc Á nói chung bỏ phiếu cho ông Joe Biden với tỷ lệ gấp đôi ông Trump, nhưng người Việt lại ủng hộ ông Trump hơn là Biden, 57 phần trăm so với 41 phần trăm. Sự thù hận đối với Trung Hoa, cộng với những thông tin sai lệch do một số cơ quan truyền thông tiếng Việt khuếch đại, đã tiếp sức cho sự ủng hộ dành cho TT Trump mà họ cho là cứng rắn trong chính sách đối ngoại. Điều này rất phù hợp với tinh thần chống cộng của họ.
Trong nhiều thập niên qua, nhiều người trong cộng đồng nuôi dưỡng niềm tin là họ sẽ một ngày trở lại Việt Nam lật đổ chế độ cộng sản, trước kia thì là bằng vũ lực, và khi các cựu chiến binh dần trở nên già nua, thì bằng đấu tranh chính trị. Chế độ cộng sản đã không coi thường sự đe dọa đó. Trong nhiều năm sau chiến thắng, chế độ đã cầm tù hàng chục ngàn kẻ thù cũ của họ, từ tướng tá tới thẩm phán tới các quân nhân và tu sĩ. Vô số người đã bỏ mình trong các trại tù cải tạo của cộng sản, mà con số chính xác là bao nhiêu thì không ai biết. Hàng trăm ngàn người đã chạy trốn sự truy nã của cộng sản bằng thuyền, nhiều người đã bỏ mạng giữa biển khơi. Chế độ đã dập tắt hữu hiệu mọi sự phản kháng, xoá bỏ ký ức tập thể về Miền Nam, đập đổ những đài tưởng niệm và bịt miệng những người đối lập. Các nhà bất dồng chính kiến hôm nay vẫn còn, song họ nhanh chóng bị bắt bớ, cầm tù và đối xử khắc nghiệt. Ngược lại, ta hãy so sánh với những gì đã xẩy ra tại Hoa Kỳ sau cuộc Nội chiến: Cuộc Tái thiết [Reconstruction] kéo dài hơn thập niên một chút. Bộ luật Jim Crow [nhằm đặc biệt ngăn chặn người Da đen hành xử quyền hiến định của họ, nhiều khi bằng bạo lực – dncnd] và nạn Ku Klux Klan trổi dậy. Huyền thoại về một thời hoàng kim của giới Da trắng quyền quý Miền Nam đâm chồi mọc rễ và có cơ hội nẩy nở.
Cả hai đường hướng [của Nam nước Mỹ và cộng sản VN] cùng tìm cách vươn tới qua khẩu hiệu đoàn kết, song thay vì thế lại chỉ tạo điều kiện cho sự phân rẽ. Khuôn mẫu của cộng sản VN đã tiêu hủy các nỗ lực lật đổ chế độ, song không loại bỏ được sự đề kháng đã di cư và tồn tại trong cộng đồng Việt hải ngoại còn căm phẫn. Khuôn mẫu của Mỹ, vốn bao dung hơn đối với phe thua cuộc, lại chỉ dẫn tới sự oán hận bền bỉ trong một số dân Da trắng, phần nào gắn bó với Miền Nam và Chính nghĩa Thất lạc [Lost Cause] của họ, phần khác bám víu vào việc duy trì thế thượng đẳng Da trắng đang bị vây hãm. Bài học ở đây không phải là giả thiết nếu quân phiến loạn Confederate bị trừng phạt cứng rắn hơn thì huyền thoại Chính nghĩa Thất lạc đã không có cơ hội xuất hiện; trừng phạt thôi không dẫn tới việc chấp nhận thua cuộc. Cái thiếu trong cả hai trường hợp này là một cuộc hòa giải chân thành.
Hòa giải không chỉ là việc hai phe kình chống nhau đồng ý chấm dứt cuộc xung đột hay tiến lại với nhau vì nhu cầu kinh tế. Một cuộc hòa giải đúng nghĩa về đạo đức, lịch sử và chính trị đòi hỏi các bên phải nhìn nhận hành động của mình và những người mình đã làm thương tổn. Từ đó, sự tha thứ mới có thể mở rộng và các công trình hàn gắn mới có thể thực hiện, từ việc bồi thường người sống sót tới tưởng nhớ các nạn nhân. Khi trong một cuộc chiến mà phe nào cũng đã gây tội ác, điều này không có nghĩa là các phe cùng có lỗi ngang nhau, hoặc mọi tội ác đều như nhau. Việc một số người Mỹ không thể chấp nhận, đó là cuộc Nội chiến xẩy ra là để chống lại chế độ nô lệ và chế độ nô lệ là một trọng tội mà quốc gia này vẫn chưa hóa giải được một cách tượng trưng hay đã đền bù kinh tế thỏa đáng, dẫn tới tình trạng nhóm Da trắng này tự coi mình là nạn nhân – hoặc bởi chính phủ liên bang hoặc bởi sự truy trách hiện nay của giới gọi là chính trị phải đạo [political correct].
Lịch sử bị các thế lực ngoại bang đô hộ của Việt Nam phức tạp hơn ở chỗ ai mới thực là người đứng bên phải của lịch sử. Hòa giải, do dấy, sẽ không thể diễn ra khi giới cầm quyền từ chối không công nhận bất đồng ý kiến, không chấp nhận quan điểm của phía Miền Nam, và không nhìn nhận sự ngược đãi của họ đối với phe thua cuộc.
Trong khi đó, cộng đồng tỵ nạn Việt cũng cần phải muốn hòa giải nữa, có nghĩa là nhìn nhận chế độ cộng sản và công nhận một số thất bại của Việt Nam Cộng hòa. Thay vì thế, nhiều người trong cộng đồng này cương quyết là chỉ có một cách để hiểu cuộc chiến, lịch sử và chính trị. Thái độ này không chỉ khơi rộng hố ngăn cách giữa người Việt trong nước và người Việt tỵ nạn, mà còn giữa người Việt tỵ nạn và con cái của chính họ, trong đó nhiều người trẻ không chấp nhận chính sách của ông Trump. Sự phân rẽ này khá trầm trọng, gây rối rắm thêm tình trạng chia rẽ giữa chính trị Mỹ hiện nay với cơn chấn thương do chiến tranh đã đưa họ tới định cư tại đất nước này.
Cơn chấn thương này chính là nguồn cội đầy cảm xúc đẩy nhiều người Việt tỵ nạn tới chỗ đứng vào hàng ngũ những người Mỹ mang cùng tâm trạng là nạn nhân. Khi ông Trump gọi các người ủng hộ ông là “những kẻ bị quê hương quên lãng” và “sẽ không còn bao giờ bị bỏ quên,” và bảo họ là “mọi người bây giờ đang lắng nghe các bạn,” ông hiển nhiên là đang nói với người Da trắng. Thế nhưng lời ông cũng đã vọng hưởng tới nhiều người Việt tỵ nạn cũng đang cảm thấy bị quên lãng, và họ đã bám víu vào đó – có lẽ ngay cả đắm mình – trong sự thù hận kẻ đã đánh bại họ. Do đấy mà họ phất lá cờ vàng, biểu tượng của một chính nghĩa đã thất lạc, và nó đã được những người tin tưởng vào các chính nghĩa thất lạc khác đón nhận.
Đây chính là một nỗi luyến tiếc, nói trắng ra là nhớ nhà – và người ta có thể chết vì sầu muộn khi bị mất quê hương, như nhiều kẻ lưu đầy hay tỵ nạn có thể chứng thực thảm kịch này. Luyến tiếc quê hương đã mất thường thì vô hại, trừ đối với người phải cưu mang nó. Tiếc thay, nỗi luyến tiếc ấy bị cực đoan hóa – trộn lẫn với thù hận, khao khát trả thù và hoài vọng thành đạt – đã thâm nhiễm vào nền chính trị Mỹ. Quốc gia này đã lững lờ giữa ghi nhớ một phần và quên đi một phần dĩ vãng, một thứ giải pháp nửa vời đã khiến đất nước dễ bị thao túng giữa các thái cực. Ngày nào chúng ta còn chưa thực tâm hòa giải, ngày đó chúng ta còn bị ràng buộc với những hoài niệm bất hạnh, không thể tiến tới về phía trước được.
Chú thích:
Nguyên tác: “There’s a reason the South Vietnamese flag flew during the Capitol riot – In America, white nationalists and Vietnamese nationalists share a common condition: Nostalgia for a lost cause,” https://www.washingtonpost.com/outlook/2021/01/14/south-vietnam-flag-capitol-riot/
Nguyễn Thanh Việt là tác giả cuốn tiểu thuyết “The Sympathizer” đã đoạt giải Pulitzer về văn chương năm 2015. Đọc bài điểm sách cuốn này tại https://damau.org/42338/the-sympathizer-tran-hoa-mu-va-tuoi-tre-viet-nam